Đi tìm nguyên mẫu tác phẩm "Người thợ mộc và tấm ván thiên"

Thứ Năm, 04/01/2018, 20:29
Một ngày đầu năm 2018, chúng tôi có dịp tìm hiểu và đi tìm nguyên mẫu nhân vật Quang Tình, trong tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng, nhân vật chính xuyên suốt cuốn sách "Người thợ mộc và tấm ván thiên" đã đoạt giải A Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (năm 2016) của ông.

Nhà văn Ma Văn Kháng nổi tiếng với nhiều tác phẩm có tiếng vang trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông cho biết, nhân vật trong tác phẩm của ông đều xuất phát từ một hay nhiều nguyên mẫu có thật trong đời sống, là những người ông đã từng gặp, từng có thời gian dài làm việc và chia sẻ mọi buồn vui.

Một ngày đầu năm 2018, chúng tôi có dịp tìm hiểu và đi tìm nguyên mẫu nhân vật Quang Tình, trong tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng, nhân vật chính xuyên suốt cuốn sách "Người thợ mộc và tấm ván thiên" đã đoạt giải A Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (năm 2016) của ông.

Ông Nguyễn Khánh Tình, nguyên mẫu cuốn tiểu thuyết "Người thợ mộc và tấm ván thiên".

Khu Hồ Đền Lừ những ngày cuối năm lạnh và đông người ngược xuôi. Ông Khánh Tình đến khá sớm dự cuộc trao đổi với phóng viên ở một quán cà phê gần nhà. Ông xách trên tay rất nhiều tài liệu được đựng trong hai cái cặp to và khá cũ. Dường như đây là tất cả "tài sản" chữ nghĩa và tinh thần của ông trong gần 80 năm tuổi đời mà ông có.

Ông Khánh Tình đội chiếc mũ bê-rê, gương mặt ông biểu cảm theo từng câu chuyện mà ông kể cho tôi nghe, tay ông không rời quyển sách "Người thợ mộc và tấm ván thiên" của nhà văn Ma Văn Kháng.

Ông bảo, cuốn sách này là sách gối đầu giường của ông. Ông thuộc câu chữ có khi còn hơn cả nhà văn Ma Văn Kháng, vì ông đọc không chỉ một mà rất nhiều lần cuốn sách của nhà văn. Bởi chính ông, chính câu chuyện của cuộc đời ông, gia đình ông, đã là nguyên mẫu trọn vẹn và đủ đầy tác phẩm "Người thợ mộc và tấm ván thiên" có mặt trên cõi đời này.

Câu chuyện kể về thầy Quang Tình. Năm mười chín tuổi, thầy Quang Tình người miền xuôi xung phong lên dạy học ở một tỉnh miền núi. Ra đi như cờ bay trong gió, như lửa thốc trong lò, người thanh niên nọ đã đem hết niềm say mê lý tưởng, cuộc đời để làm công việc đem ánh sáng văn hóa cho con em các dân tộc.

Làng Nhuần, nơi cư trú của bà con người Giáy là nơi thầy đến dạy học đầu tiên. Người Giáy là một bộ tộc thiểu số có một nền văn hóa dân gian đặc trưng và phong phú. Đón tiếp người thầy giáo trẻ là sự niềm nở thân tình của bà con và theo một mỹ tục đã có từ lâu đời, một buổi hát đối đáp giao duyên gọi là Vươn Giáy đã được dân làng tổ chức thật tưng bừng.

Thời gian dạy học gây dựng phong trào ở làng Nhuần, người thầy giáo trẻ đã yêu cô thiếu nữ Lục Thị Thắm, người con gái Giáy xinh đẹp sinh ra trong một gia đình nghệ nhân. Sau một thời gian dạy học ở các làng bản, do đã tích lũy được nhiều kinh nghiêm và có uy tín trong nghề nghiệp, thầy Quang Tình được điều về dạy học ở Trường bổ túc Văn hóa Công Nông, nơi chuyên dạy văn hóa cho các cán bộ xã cơ sở nông thôn miền núi của tỉnh.

Bìa tiểu thuyết "Người thợ mộc và tấm ván thiên".

Tiếc thay, ở đây, thầy Quang Tình gặp phải những quan niệm hẹp hòi thiển cận. Đứng đầu cơ sở giáo dục này là thầy Hoàng Hủ, hiệu trưởng kiêm bí thư chị bộ là một người thô bạo, có thiên kiến nặng nề với các thầy giáo trẻ xuất thân từ các tầng lớp khác không phải là công - nông. Bất đồng dẫn đến xung khắc, thầy Quang Tình đã bị sa thải, ra khỏi ngành. Cùng với thầy, mắc hàm oan còn thầy Bùi Lễ và sau đó là thầy Trần Đình.

Số phận của người trí thức rơi vào cảnh bi đát không lối thoát. Ra khỏi ngành, nghề nghiệp không, tiền bạc không, đất đai không lại vợ dại con thơ, biết sẽ sống thế nào? Thầy Quang Tình sẵn ý chí bất khuất bắt tay vào công cuộc mưu sinh vô cùng gian khó. Sau một thời gian phải làm cả những công việc nguy hiểm và bẩn thỉu, thầy quyết định học nghề mộc.

Ở đây thầy gặp ông Văn Chỉ, phó mộc kiêm nhà doanh nghiệp, một con người có cuộc đời và tính cách đa sự, khá ly kì. Đồng thanh tương khí, hai người ý hợp tâm đầu. Sẵn ý chí không chịu thua hoàn cảnh và tố chất khéo léo, cùng với kiên trì, ham học hỏi, lần lần thầy đã nắm vững kỹ thuật nghề mộc, vượt qua tình trạng bị dồn vào bước đường cùng, nuôi được vợ con.

Tuy nhiên, có một sự việc đã diễn ra. Để trả thù, ông Văn Chỉ, con người lịch lãm, tài tình, giỏi giang về mọi phương diện chủ trương lấy những tấm ván thôi ở bãi tha ma về để làm các đồ gia dụng, nhằm gây tổn hại cho sức khỏe cho gia chủ một khi chúng được đem biếu tặng cho những kẻ đã gây ra tấn bi kịch cho thầy Quang Tình. Ông đã bị thầy Quang Tình phản đối. Và ông Văn Chỉ đã nhận thấy phần khuyết thiếu trong tư cách tưởng đã hoàn thiện của mình.

Bìa cuốn sổ tay văn học của ông Khánh Tình.

Họ nhận ra rằng, cái còn lại sau những gì qua đi, đó còn  là cái cốt cách, cái nhân cách cao cả của thầy. Tiểu thuyết không chỉ dừng lại ở việc miêu tả cuộc sống với những mảng màu sắc thái khác nhau, sinh động và hấp dẫn. Đặc sắc của cuốn sách chính là ở chỗ, nó phát ngôn một thái độ, một triết học nhân sinh, một quan niệm thẩm mỹ về cuộc đời, con người.

Nhân vật Quang Tình có một cuộc đời hoàn toàn là nguyên bản của ông Khánh Tình. Hiện ông 78 tuổi, sống tại Hồ Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội. Gặp ông Khánh Tình, nghe ông trải lòng về cuộc đời chìm nổi, thì thực tế đời ông còn khổ hơn và bi đát hơn nhiều những gì mà ông Quang Tình của "Người thợ mộc và tấm ván thiên" phải chịu đựng. Bởi vì, nhân vật tiểu thuyết có thể khép lại, để thấy được cái "chân thiện mỹ" lấp lánh trong mỗi trang sách.

Còn ông, ông vẫn phải tiếp tục sống cuộc đời của một người già không có lương hưu, nhờ tiền chu cấp của con cái. Cái nhà ông đang ở hiện cũng là của con gái cho ở nhờ. Ông rời khỏi công việc yêu thích khi còn quá trẻ nên không có nhiều bạn bè. Vợ ông, một người cả đời chỉ quanh quẩn trong bếp phục vụ chồng con, là người bạn tắt lửa tối đèn.

Nhưng có một điều ông coi là chân lý, dù bị quăng quật với cuộc đời nhưng thực sự, đối với ông, làm người ác khó nhọc vô cùng! Dù bị chèn ép và chịu bao điều bất công ở đời, có lúc đường cùng túng quẫn, nhưng ông vẫn sống lương thiện và làm được những điều tốt đẹp.

Ông Khánh Tình ngồi lặng với rất nhiều tài liệu là cuốn sổ tay cũ nát bao nhiêu năm, những tấm ảnh cũ kỹ còn lại để hồi ức về những tháng ngày xa xưa, có lúc trên khóe mắt đầy nhọc nhằn của ông có giọt nước như vắt ra từ khô cạn. Ông bảo, cuộc đời vốn có những ngả rẽ không ngờ, khi mất đi cái này, ông lại được một cái khác, dù chung quy lại, nó đều là sự đau đớn đến tột cùng của một người đàn ông nặng gánh gia đình. Ông vốn là học sinh trường Bưởi.

Năm 1955, học lớp 7, ông là người vinh dự trong Đội Thiếu niên gương mẫu quàng khăn đỏ được đến dâng hoa tặng Bác Hồ, được chạm tay sờ vào má Bác. Cuộc đời ông đầy êm đềm, lãng tử khi chơi đàn ghi-ta, học tiếng Pháp, chữ Hán, tiếng Anh khá thành thạo. Nhưng rồi ông đã bị vỡ mộng khi bước vào đời. Học xong, nhà nghèo nên ông xung phong đi dạy học tại huyện miền núi Bảo Thắng, Lào Cai với một lý tưởng vô cùng cao đẹp. Nhưng cũng tại đây, ông gặp phải vô vàn những ngáng trở trong công việc.

Tính vốn ngang tàng, năm 1969 ông bỏ dạy học, trở về Hà Nội lập nghiệp, nhưng ông không trở về một mình mà mang theo vợ là người dân tộc Giáy cùng cô con gái nhỏ trở về làm một người nông dân chính hiệu. Ông đi thuê nhà và sống những tháng ngày chân lấm tay bùn đúng nghĩa. Bố mẹ cũng nghèo lại đông con nên ông đi ở nhờ nhà chùa. Đi làm đủ nghề không thể đủ tiền đong gạo nuôi vợ con.

Có đêm ngồi buồn, nghĩ đến lý tưởng cao đẹp và những trang nhật ký văn học mà ông vẫn ghi chép đều đặn hàng chục năm qua. Ông đã nghĩ, những điều này không thuộc về mình. Rồi ông vứt cuốn sổ ghi chép và nghĩ đến cái chết. Nhưng rồi, người thợ mộc đầu làng đã tìm được cuốn sổ tay ấy và đến tìm ông, bảo với ông rằng, người như thế này, không thể chết, không có lý do gì để chết. Rồi rủ ông Tình đi làm thợ mộc.

Như câu chuyện của nhà văn Ma Văn Kháng đã viết, cuối cùng, ông cũng không muốn theo vì không làm điều ác. Tổ thợ của ông cũng tan rã. Lúc này, vợ ông đã sinh thêm hai người con, một trai một gái. Cuộc sống vất vả càng nheo nhóc.

Ông vốn biết tiếng Hán, có người rủ đi viết sớ chữ Nho, nhưng ông nghĩ, đó là nghề cổ xúy cho mê tín nên không làm. Ông nghĩ bụng, ông từng được học tiếng Anh, tiếng Trung nên chỉ cần có hai cuốn từ điển, để tra cứu và dịch là ông có thể dạy kèm các cháu học sinh. Nhưng tiền đâu mà mua từ điển, 300 nghìn 2 cuốn từ điển chứ có ít đâu.

Có lần nghe người ta kháo nhau là chỉ đi bán phân cho nông dân làm ruộng thì đã kiếm được rất khá. Vậy là ông theo chân một người chuyên đi lấy phân tươi tại nhà xí tập thể ở trường Đại học Công đoàn Hà Nội. Mỗi đêm đi lấy được một gánh. Hôm đầu tiên đi lấy phân, ông nôn ọe hết.

Hôm sau nghĩ cách chống đỡ vì ko thể đầu hàng được. Ông lấy dầu gió xoa khắp mắt để tan hết mùi hôi. Ông đi được 15 ngày lấy được 30 thùng, bán được 300 nghìn mua 2 cuốn từ điển tiếng Anh và tiếng Trung và mở lớp dạy ngoại ngữ miễn phí cho các cháu học sinh trong làng. Những lần sau nếu các cháu có tiến bộ thì lấy mỗi cháu 5 nghìn đồng...

Vậy mà rồi công cuộc dạy học ấy kéo dài cho đến tận bây giờ, ông vẫn dạy học tại nhà cho các cháu tại Hồ Đền Lừ. Ông bảo, hạnh phúc và thành công nhất đời ông là khi làm nghề dạy học, ông đã dạy hai cô con gái trưởng thành. Cô con gái đầu (sinh năm 1964) làm giáo viên tiếng Pháp và cô thứ hai sinh năm 1970 tốt nghiệp tiếng Trung làm du lịch và kinh doanh. Con trai út của ông lãng tử hơn, theo học âm nhạc và hiện làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ông bảo, đời còn cho ông những may mắn là được làm việc những năm tháng ít ỏi tại Bảo Thắng (Lào Cai) với nhà văn Ma Văn Kháng, nhưng không ngờ khi nghe chuyện của ông, nhà văn Ma Văn Kháng đã có cảm hứng để viết nên cuốn tiểu thuyết "Người thợ mộc và tấm ván thiên".

Trong cuốn sách, nhà văn Ma Văn Kháng đã viết ở trang đầu tiên: "Chân thành cảm ơn nhà thơ, nhà giáo tài năng Thanh Thông - Nguyễn Khánh Tình, bạn tri kỷ tri âm của tôi, người đã trao tặng tôi một nguyên mẫu nhân vật trầm luân và quả cảm mang tên Quang Tình trong cuốn sách nhỏ này". Và trong lời đề tặng cuốn sách cho ông Khánh Tình, nhà văn Ma Văn Kháng đã ký tặng: "Dẫu thế nào thì Khánh Tình vẫn là cây thông xanh, tức nghệ sĩ Thanh Thông cao ngạo, kiêu hãnh giữa đời".

Riêng ông Khánh Tình, người đã có hàng trăm bài thơ viết giữa những đau thương và mất mát, giữa sự sống và cái chết để tồn tại và sống cho đến ngày hôm nay, khi nói về số phận mình và nhân vật của mình, ông bảo: "Nhà văn Ma Văn Kháng không trực tiếp dạy tôi, nhưng tác phẩm của nhà văn đã sống. Điều đó làm cho tâm hồn tôi dịu lại...".

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.