Dịch Covid-19 và dự liệu kinh tế toàn cầu

Thứ Sáu, 21/02/2020, 10:25
Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng trực tiếp tới Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu. Cùng với đó là nhiều lĩnh vực ở các quốc gia có dịch, nhất là các chuỗi cung ứng có một phần hoặc nhiều phần mắt xích nằm tại đất nước này.

Covid-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu thì rõ rồi nhưng bao lâu nữa nó cũng sẽ trở thành tình trạng kinh tế khẩn cấp toàn cầu là điều người ta hết sức quan tâm.

Foxconn - nhà cung cấp linh kiện của Apple, tuyên bố đóng cửa vì dịch Covid-19.

Trung Quốc điêu đứng

Mặc dù thế, ngoại trừ các thị trường tài chính châu Á, các thị trường tài chính toàn cầu dường như tỏ ra không mấy quan ngại. Đây là điều đáng ngạc nhiên vì khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gần như bị cô lập thì đáng nhẽ ra tác động kinh tế của nó phải rất lớn mới đúng. Một vài tập đoàn đa quốc gia đã ngừng hoạt động ở Trung Quốc, thậm chí trong một số trường hợp là thị trường lớn nhất của họ.

Hãng Apple đã đóng cửa các văn phòng, cửa hàng tại đây và cho biết đang nỗ lực tìm kiếm các nhà cung ứng mới sau khi hãng Foxconn, vốn có hợp đồng lắp ráp nhiều sản phẩm của Apple, tuyên bố sẽ đóng cửa các nhà máy của mình ít nhất đến cuối tháng 2.

Lữ hành và du lịch là những lĩnh vực đầu tiên cảm nhận được tác động của dịch bệnh.

Starbucks đã đóng cửa hơn 2.000 cửa hàng tiêu thụ sản phẩm và số lượng của hãng McDonalds bị đóng cửa cũng lên đến vài trăm. Google, Disney và Ikea đã ngừng hoạt động tại Trung Quốc. Các hãng sản xuất ôtô, đồ gia dụng và máy bay, trong đó có Boeing và Airbus cũng trong tình trạng tương tự. Hầu hết các hãng hàng không đều đã ngừng hoặc giảm các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc. Hàng nghìn hãng sản xuất hàng hóa trung gian của Trung Quốc đóng cửa, đe dọa các chuỗi cung ứng.

Thế nhưng, trong khi một số công ty bày tỏ quan ngại thì chỉ số trên các thị trường chứng khoán lớn ở Mỹ và châu Âu nhìn chung vẫn không thay đổi. Chẳng hạn chỉ số S&P 500 vừa xác lập kỷ lục mới, xóa bỏ mọi tổn thất mà nó đã gây ra nửa tháng, cũng chính vì lo sợ dịch Covid-19.

Chỉ là tạm thời?

Quan điểm lạc quan là giống như dịch Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2003, dịch Covid-19 gây ra chỉ là một hiện tượng tạm thời và sẽ kết thúc vào giữa năm. Sau đó, phần lớn những tổn thất kinh tế sẽ nhanh chóng được khắc phục. Các biện pháp nghiêm ngặt được giới chức Trung Quốc áp dụng để cách ly tâm dịch Vũ Hán và những khu vực khác của tỉnh Hồ Bắc đang được nhìn nhận một cách tích cực, bất chấp một vài hoài nghi.

Các nhà đầu tư cũng quan tâm đến thực tế rằng trong quá khứ, các thị trường đã sớm khắc phục ảnh hưởng kinh tế của dịch bệnh do virus gây ra. Chẳng hạn, 12 tháng sau khi dịch SARS bùng phát và tháng 11-2002, chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 20%; sau dịch Ebola hồi tháng 3-2014, chỉ số này tăng 10,4%; sau khi virus Zika xuất hiện vào tháng 1-2016, chỉ số này tăng 17,5% và một năm sau khi dịch bệnh Hội chứng viêm đường hô hấp cấp Trung Đông (MERS) bùng phát vào tháng 5-2013, chỉ số này tăng 18%.

Tuy nhiên, không thể đánh đồng các chủng loại virus cũng như nguồn gốc, hình thức lây nhiễm, địa điểm xuất hiện và cả phản ứng của chính phủ lẫn người dân đều như nhau được. Theo báo cáo, tỷ lệ tử vong vì dịch Covid-19 đến nay tuy có thấp hơn dịch SARS (9,6%), nhưng lây nhiễm nhanh hơn, chủ yếu là vì khác với chủng virus Corona gây bệnh SARS (hay thậm chí bệnh sởi, vốn có khả năng lây nhiễm lớn hơn), Covid-19 có thể truyền từ những người không có bất kỳ triệu chứng gì. Vì thế, chưa đầy 2 tháng kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 12-2019, số người bị nhiễm tính đến sáng 18-2-2020 đã vượt 73.259 người (tử vong 1.868 người), vượt xa tổng số người nhiễm SARS (khoảng 8.000) sau 7 tháng. Thời gian ủ bệnh của Covid-19 cũng lên đến 2 tuần.

Việc dịch Covid-19 lây lan nhanh hơn có tác động quan trọng vì điều đó có nghĩa là cần có các biện pháp nghiêm ngặt hơn để kiểm soát tình trạng lây lan này. Ít nhất 10 thành phố ở Trung Quốc đã bị phòng tỏa và các khu vực lân cận thuộc một vài thành phố đã tự nguyện phong tỏa do sức ép từ người dân. Ít nhất 60 triệu người đã bị cách ly. Đây là điều chưa từng thấy và nếu chỉ xét về quy mô thì đã vượt xa các biện pháp kiểm soát được áp dụng trong các đại dịch khác đã kể ở trên.

Ray Dalio, nhà sáng lập quỹ đầu tư Bridgewater Associates.

Tác động kinh tế hiển nhiên là cũng sẽ lớn hơn. Nếu việc người lao động Trung Quốc quay trở lại làm việc - cho dù ở mức độ hạn chế - khiến tốc độ lây lan trong cộng đồng gia tăng và tỷ lệ lây nhiễm chạm mốc mới thì phạm vi phong tỏa thậm chí còn có thể mở rộng.

Tóm lại, chưa biết khi nào các nước có thể đưa sản xuất trở về mức bình thường và không biết phải mất bao lâu để làm được điều đó. Để trở về trạng thái bình thường, người ta cần phải xác định được đỉnh dịch. Thời gian ủ bệnh 14 ngày của Covid-19 khiến việc xác định càng trở nên khó khăn hơn.

Hơn nữa, thời gian ủ bệnh kéo dài và khả năng bị lây nhiễm thậm chí từ những người không có triệu chứng gì khiến người dân ngày càng sợ hãi và hành xử theo tâm lý sợ rủi ro: Họ né tránh các hoạt động bình thường như ăn uống bên ngoài, tham gia sự kiện, đi học hoặc mua sắm ngay cả khi nguy cơ lây nhiễm ở mức thấp. Sự sợ hãi có lẽ còn gây nhiều tổn thất hơn là con virus.

Tác động toàn cầu

Lữ hành và du lịch, mà trong đó du khách Trung Quốc hiện đóng vai trò quan trọng hơn nhiều so với thời điểm năm 2003, là những lĩnh vực đầu tiên cảm nhận những tác động từ việc hàng nghìn chuyến bay và yêu cầu đặt phòng bị hủy. Các thị trường hàng hóa cũng nằm trong danh sách những nạn nhận đầu tiên. Giá dầu đã giảm 15% kể từ đầu năm 2020. Giá các kim loại như đồng, nikel và quặng sắt - mà Trung Quốc là nước tiêu thụ lớn nhất - cũng giảm.

Tác động đối với các chuỗi cung ứng trong ngành chế tạo cũng được cho là sẽ lan khắp thế giới, xét tới vai trò vượt trội của Trung Quốc là một công xưởng sản xuất. Việc đóng cửa hàng nghìn nhà máy ở Trung Quốc đồng nghĩa với việc hoạt động sản xuất sẽ bị gián đoạn, không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở các nước sử dụng linh kiện do Trung Quốc sản xuất ở khắp các lục địa.

Các nhà sản xuất ở Singapore đã cảm nhận được điều này. Tới lượt mình, khách hàng của họ cũng sẽ như vậy. Nói cách khác, ngay cả các công ty không có liên hệ trực tiếp với Trung Quốc cũng sẽ cảm nhận được tác động này. Thậm chí, một sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, dẫn đến thiếu đi một linh kiện riêng lẻ, cũng có thể gây thiệt hại. Trả lời phỏng vấn tờ The Business Time, đại diện nhà sản xuất đồ nội thất Koda cho biết “nếu mất một chiếc đinh ốc, chúng tôi không thể vận chuyển toàn bộ sản phẩm”.

Nỗi sợ hãi có lẽ còn gây nhiều tổn thất hơn virus.

Nhưng đấy chỉ là một chiếc đinh ốc, việc thay thế nguồn cung thật dễ dàng hơn nhiều so với các loại linh kiện chủ chốt khác, chẳng hạn như linh kiện cho máy chụp X-quang hay động cơ máy bay và chúng được sản xuất tại Trung Quốc. Cho dù có thể sản xuất hàng hóa trong điều kiện như hiện nay thì trước thực trạng các cảng bị đóng cửa và các chuyến bay bị hủy bỏ thì việc đưa những hàng hóa đó ra khỏi Trung Quốc cũng là một thách thức.

Điều làm trầm trọng thêm tác động của việc các chuỗi cung ứng bị gián đoạn là nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, gây ảnh hưởng không chỉ tới các công ty Trung Quốc mà còn cả các nước đang làm ăn với Trung Quốc. Các nhà kinh tế không thống nhất ý kiến về mức độ giảm tốc của nó, với việc hầu hết cho rằng tác động của dịch Covid-19 sẽ khiến tăng trưởng GDP trong quý I-2020 giảm 2 điểm phần trăm xuống còn khoảng 4% - cho dù một số người có cái nhìn bi quan hơn.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học cho rằng giống như hồi dịch SARS, tăng trưởng của nền kinh tế thứ 2 thế giới sẽ phục hồi trong quý II. Tất nhiên trong trường hợp giả định là đến giữa năm 2020, dịch Covid-19 được khống chế.

Phục hồi không cân xứng

Dù phần lớn hoạt động kinh tế như mua sắm hàng hóa sẽ chỉ bị trì hoãn do dịch chứ không vĩnh viễn mất đi nhưng không có nghĩa là nó sẽ hồi phục lại như cũ. Lý do thứ nhất rằng một số thiệt hại sẽ là vĩnh viên. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc có thể bị phá sản, đặc biệt là nếu dịch Covid-19 khiến tình trạng phong tỏa kéo dài trên 2 tháng. Thứ hai, một số chuỗi cung ứng sẽ vĩnh viễn rời Trung Quốc, điều đã và đang xảy ra vì cuộc chiến thường mại Mỹ - Trung, khi các bên tham gia cho rằng việc tiếp tục hoạt động ở đây là quá mạo hiểm, tốn kém và đầy bất trắc.

Một số thậm chí còn sẵn lòng trả giá cao hơn để đưa hoạt động sản xuất về gần các thị trường trong nước của mình hơn hoặc tới các địa điểm có chi phí cao hơn nhưng an toàn hơn.

Thứ ba, tình hình kinh tế Trung Quốc hiện tại rất khác so với thời điểm xảy ra dịch SARS năm 2003. Khi đó Trung Quốc mới gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và đang ở đỉnh cao của thời kỳ bùng nổ xuất khẩu. Hiện nay, họ đang phải đối mặt với các khoản thuế, nợ trong nước tăng và nhu cầu chi tiêu nhiều hơn để tạo ra mức tăng trưởng tương đương, điều sẽ khiến mọi biện pháp kích thích tài chính đều trở nên tốn kém và ít hiệu quả hơn. Tăng trưởng hiện nay ở mức khoảng 6% cũng chậm hơn nhiều so với mức 10% của năm 2003.

Biến động kinh tế toàn cầu do dịch Covid-19 được đánh giá là xuất hiện muộn trong chu kỳ kinh tế. Nền kinh tế Mỹ đã mở rộng gần một thập kỷ qua và các thị trường chứng khoán của họ gần như đã đạt mức cao chưa từng thấy. Điều này không xảy ra trong các đại dịch trước đây. Chẳng hạn, 5 năm sau khi dịch SARS xảy ra, nền kinh tế và các thị trường của Mỹ mới phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính - cuộc khủng hoảng năm 2008.

Và cuối cũng là câu hỏi rằng các nhà đầu tư nên làm gì? Ray Dalio, nhà sáng lập Bridgewater Associates, một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, viết trên LinkedIn: “Tôi không biết gì về các bệnh dịch. Tôi và đồng nghiệp ở Bridgewater không có manh mối nào về mức độ lây lan của virus hay bệnh dịch này (Covid-19). Chúng tôi không biết nó sẽ lây lan đến đâu và tác động kinh tế hay thị trường của nó là gì... Khi bạn không biết thì chiến lược tốt nhất là đa dạng hóa một cách thông minh địa điểm, tiền tệ và tài sản đầu tư”.

Ngọc Lan (tổng hợp)
.
.