Dịch giả Thúy Toàn: Một đời với tình yêu nước Nga

Thứ Ba, 07/11/2017, 12:23
Mấy ngày hôm nay, trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày Cách mạng tháng 10 Nga, ông có nhiều khách đến chơi thăm hỏi. Mỗi lần có khách đến bấm chuông, vừa mở cổng đón khách, ông lại cầm chổi nhóm lại đám lá vàng. Nhìn từ xa, đầu ông tóc bạc, đội mũ bê-rê giống như một ông nông dân Nga chất phác.


Ông bảo, ông vốn sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, được sang Nga học thì tính cách và con người lại càng không thay đổi. Vì người Nga họ hồn hậu và nhân ái lắm. Bởi vậy mà ai tạm biệt nước Nga trở về, cũng mang trong mình một mối ân tình lớn và những ký ức không thể nguôi ngoai của một thời thanh niên sôi nổi.

1. Dịch giả Thúy Toàn sinh ra ở một vùng đất giàu truyền thống văn hóa tại làng Phù Lưu, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Ông kể lại rằng, vùng đất quê hương ông có nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng được sử sách ghi danh. Như Phó bảng Nguyễn Đức Lân, khi đỗ đại học tóc còn để trái đào; Tiến sĩ Hoàng Văn Hòe "từ quan về ở ẩn khi cờ khởi nghĩa dấy lên lại hăng hái ra đi, túi thơ tay kiếm ngã giữa trận tiền".

Dịch giả Thúy Toàn thời còn trẻ.

Rồi những người đã lưu vào sách sử như họa sĩ Hoàng Tích Chù, nhạc sĩ Hồ Bắc, nhà văn Kim Lân. Đặc biệt, làng chợ Dầu nơi có căn nhà của cha mẹ dịch giả Thúy Toàn để lại vẫn còn rêu phong dấu cũ, cũng là quê hương mà nhà văn Kim Lân đã mô tả trong truyện ngắn "Làng": "Tôi chưa thấy cái dinh cơ nào như cái dinh cơ của cụ thượng làng tôi, có lắm là của. Vườn hoa cây cảnh nom như động ấy. Thấy bảo còn hơn cái lăng cụ thiếu ở Hà Đông cơ mà!".

Học trường thiếu sinh quân từ năm 1950, năm 1954 Thúy Toàn được Nhà nước gửi sang Liên Xô (cũ) học tập. Tốt nghiệp đại học năm 1961 ông về nước tham gia giảng dạy tại Trường Trung cấp Ngoại ngữ Mễ Trì (au này là Trường Đại học Hà Nội). Năm 1964, ông sang làm biên tập sách dịch văn học, Nhà Xuất bản Văn học, rồi làm Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập NXB Văn học cho đến lúc ông nghỉ hưu.

Bây giờ ông đã nghỉ hưu, sống tại căn nhà cả đời ông gắn bó trong ngõ nhỏ ở phố Đội Cấn, xung quanh được bao phủ bởi sự tĩnh mịch đến lạ lùng, dù ngoài kia là ồn ào phố xá. Mùa này, cây hoàng lan trước cửa nhà ông trổ hoa thơm ngát, lá rụng đầy sân vàng ươm. Rồi ông vào trong căn phòng đầy bản thảo, tranh ảnh và những kỷ vật từ con lật đật hay búp bê Matryoshka... "Đây, gia tài của tôi đây!" Đó là hàng chồng sách đã cũ theo thời gian, hầu hết là những cuốn sách bản ngữ. Trong đó, có cả một tủ riêng đựng những cuốn sách dịch của ông về văn học Nga.

Tôi cầm những cuốn sách lên, bắt gặp một cuốn với tựa đề "Tôi yêu em" của A.Pushkin trong sự hân hoan vì được gặp lại những áng thơ một thời mình yêu thích:"Tôi Yêu em đến nay chừng có thể/ Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai/ Nhưng không để em bận lòng thêm nữa/ Hay hồn em phải gợn bóng u hoài/ Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng/ Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen/ Tôi yêu em yêu chân thành đằm thắm/ Cầu em được người tình như tôi đã yêu em".

Dịch giả Thúy Toàn kể lại: "Bài thơ này ban đầu tôi dịch vì yêu thích thơ Pushkin, thơ của ông như đã ngấm vào trong từng tế bào của những người yêu văn học chúng tôi. Và quan trọng hơn nữa, tôi thấy tình cảm mà ông thể hiện trong bài thơ ấy, giống hoàn cảnh của tôi lúc bấy giờ. Vậy nên trước hết tôi dịch để dành riêng cho một người, đó là cho một cô gái tôi rất mực yêu thương nhưng không dám ngỏ lời. Cô ấy là người đã cùng sang Nga học với tôi trong đợt đầu tiên do nhà nước cử đi.

Tôi là đàn ông nhà quê, còn cô ấy là con nhà danh gia vọng tộc, lại dịu hiền, xinh đẹp, mình đâu dám ngỏ lời. Chúng tôi vẫn học tập cùng nhau và xưng “cậu cậu, tớ tớ”. Rồi một lần tôi nhờ cô ấy chữ đẹp chép hộ tôi bài thơ "Tôi yêu em" tôi vừa dịch xong để gửi về Việt Nam đăng báo. Bài thơ được đăng trên Báo Văn nghệ và được bạn đọc yêu thích.

Dịch giả Thúy Toàn và vợ hồi còn trẻ ở Nga.

Tôi mừng vui lắm, nhưng cũng chẳng dám ngỏ lời, vì tôi nào biết ý cô ấy ra sao, khi không lại xôi hỏng bỏng không, đến làm bạn cũng chả xong ấy chứ. Nhưng rồi một bất ngờ xảy đến, một hôm tôi nhận được chiếc áo len do cô ấy đan tặng. Khi ấy tôi mới biết là cô ấy cũng có để tâm đến mình. Và rồi chúng tôi yêu nhau, ra trường rời khỏi nước Nga, tôi về làm xuất bản, cô ấy thì về Viện Văn học, hai năm sau thì chúng tôi cưới nhau. Tôi vẫn cảm ơn nước Nga đã không chỉ mang lại cho tôi những cuốn sách dịch được đón nhận, mà còn mang đến cho tôi một người bạn đời mà tôi luôn quý trọng".

2. Bây giờ, hai người con một trai một gái của ông bà đã lập gia đình, ra ở riêng. Ông bà đã lên chức cụ nội mà vẫn sớm tối có nhau, quấn quýt. Bà hàng ngày vẫn đi chợ, nấu cho ông những món ăn ông yêu thích. Biết tính chồng suốt ngày như "mọt sách" nên bà luôn tôn trọng thế giới riêng của ông và dành cho ông một khu làm việc biệt lập trong ngôi nhà giản dị và đầm ấm của họ. Mỗi lần có bạn bè yêu thơ ca đến ngồi đàm đạo văn chương, ông ngồi đó, giữa không gian đầy sắc màu Nga đọc những bài thơ ông tâm huyết, lật giở từng trang kỷ niệm với những tấm hình cùng các bạn Nga một thời gắn bó. Ông luôn cẩn thận để từng cặp tài liệu theo từng chủ đề và dường như, ông không bao giờ bị lẫn lộn.

Ông lật bức ảnh của tác giả Rasul Gamzatov gương mặt đầy phấn chấn kể: "Đó là một nhà thơ hóm hỉnh và hài hước. Mỗi lần gặp ông, không chỉ được hiểu về vùng đất và con người quê hương ông mà còn cả một nền văn hóa Nga độc đáo. Tôi đã từng ngồi với ông để nghe những kỷ niệm của ông trong cuốn sách "Dagestan của tôi" và sau đó, nó là nguồn cảm hứng bất tận để tôi dịch cuốn thơ "Raxul Gamzatov" sau đó được nhiều độc giả Việt Nam yêu thích: "Nếu một nghìn đàn ông trên thế gian/ Gửi mối manh tìm đến cổng nhà em/ Thì trong số một ngàn đàn ông đó/ Có cả anh, Gamzatov Raxul/ Nếu một trăm đàn ông, suốt tháng năm/ Say đắm em, máu rừng rực con tim/ Chẳng ngạc nhiên nếu thấy trong số đó/ Có anh chàng miền núi Raxul/ Nếu mười anh đàn ông đáng đàn ông/ Say đắm em, không giấu nổi lửa tình/ Trong số đó, khi vui khi đau khổ/ Có cả anh, Gamzatov Raxul/ Nếu chỉ có một chàng mất trí khôn/ Chỉ vì em, mà chẳng được ngó ngàng/ Em hiểu đó, dời đỉnh non mây phủ/ Chính là anh, dân miền núi Raxul/ Nếu chẳng còn ai nữa phải lòng em/ Và em sầu hơn cả bóng hoàng hôn/ Thì có nghĩa trên cao nguyên miền núi/ Yên dưới mồ Gamzatov Raxul".

Là một dịch giả mà những tác phẩm dịch của ông đã vượt ra ngoài văn bản gốc, trở thành một tác phẩm nguyên vẹn với tâm tư tình cảm của người Việt, dịch giả Thúy Toàn quan niệm rằng, dịch không phải là chuyển ngữ hay phiên ra tiếng Việt, mà dịch là mang cái hay, cái đẹp đến cho độc giả thông qua sự hiểu biết về văn bản gốc, văn hóa và cả vốn ngôn ngữ. Ông cảm thấy mình may mắn vì đã được cử đi đào tạo tại Nga khi mới 16 tuổi, được học một cách bài bản về dịch thuật.

Dịch giả Thúy Toàn và nhà thơ Rasul Gamzatov.

Có những đất nước coi công việc dịch là một trong 4 mục tiêu quan trọng bên cạnh việc viết về lịch sử, viết cho thiếu nhi và viết cho đại chúng. Bởi vậy, với ông, dịch thuật cũng như sáng tác, phải thật sự "ngấm" thì mới viết ra được. Bởi thấm đẫm tư tưởng ấy, mà ngay sau khi về nghỉ hưu, ông chưa một ngày ngừng nghỉ, ông vẫn tiếp tục làm những công việc liên quan đến xứ sở bạch dương xa xôi như một sự tri ân khi cùng những người bạn mở ra Trung tâm Văn hóa Đông Tây để làm cầu nối giữa bạn đọc và văn học, đặc biệt là văn học Nga.

Rồi dường như chưa đủ sự đam mê, ông lại tiếp tục trở về quê hương mình tại làng chợ Dầu, Phù Lưu, Bắc Ninh xây dựng Bảo tàng Văn học Nga đầu tiên tại Việt Nam. Có lẽ bởi tư tưởng của ông quá lớn và quá nhanh nhạy nên công việc chuẩn bị thực sự khó khăn. Căn nhà cũ cha mẹ ông để lại quá rách nát nên để xây dựng bảo tàng, đòi hỏi rất nhiều tiền bạc. Thấy vậy, dân làng chợ Dầu đã ủng hộ ông với việc cho ông mượn địa điểm khang trang hơn là một ngôi nhà bỏ hoang đã lâu của một gia đình đi biệt xứ không anh em họ hàng, không người thân thích.

Ngôi nhà được tu sửa dựa vào sức dân và dịch giả Thúy Toàn đã bỏ ra vài trăm triệu đồng để đóng khung và trang hoàng cho tất cả những kỷ vật đã sưu tầm được trong những năm qua, trong số đó có một số tư liệu quý về Bác Hồ đối với nước Nga như: Cuốn “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ bản đầu tiên dịch ra tiếng Nga tháng 9-1960. Tập sách quy mô lớn đầu tiên viết về Bác Hồ của nhà sử học EvgenyKobelev; những chuyến thăm Nga của Bác Hồ sau năm 1954; hoặc lá thư Bác gửi lớp học 100 người Việt được Bác cử sang Nga học...  Với những đóng góp của mình, dịch giả Thúy Toàn là một trong mười hai người đã được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trực tiếp trao tặng huân chương Hữu nghị, huân chương cao quý của nước Nga vào tháng 11-2010 tại điện Kremlin.

3. Bây giờ, ở tuổi 80, dịch giả Thúy Toàn thường lặng lẽ ở nhà, ông đi dạo trong khu vườn và căn nhà yên tĩnh của mình. Có khi ông lục lại đống giấy tờ cũ, gặp lại rất nhiều thư từ và bản thảo viết tay của những nhà văn nhà thơ nổi tiếng đã đi vào thiên cổ để gợi nhớ một thời chưa xa của mình và bè bạn.

Gia đình dịch giả Thúy Toàn.

Thỉnh thoảng vui và nhớ về nước Nga xa xôi, ông vẫn lẩm nhẩm một mình bài thơ cũ: "Tôi yêu thích khi bạch dương xáo động/ Lá bạch dương lả tả bứt rời cành/ Tôi nghe, bỗng rưng rưng hàng lệ bỏng/ Lại tràn mi đôi mắt đã dửng dưng/ Tất cả lại dậy về trong ký ức/ Lại bồn chồn trong huyết quản, trong tim/ Bỗng có gì sướng vui và đau khổ/ Như có ai thủ thỉ một niềm thương"...

Tôi hỏi dịch giả Thúy Toàn, ông đã dịch được hàng nghìn bài thơ, nhưng hẳn có bài nào đó được ông coi là "tuyên ngôn" cho cuộc đời và tình yêu của mình với đất nước Nga?

Dịch giả Thúy Toàn lấy một cuốn sách đã cũ mèm thời gian được ông dịch và xuất bản năm 1991 với tựa đề "Tôi phải nói gì trên đất nước Nga" để "kết luận" về tình yêu của mình cho đất nước một thời tuổi trẻ ông đã gắn bó. Bài thơ "Vô đề" của tác giả Fyodor Ivanovich Tyutchev (1803-1873): "Bằng trí óc không hiểu nổi nước Nga/ Không thể đo nước Nga bằng dây thước/ Nước Nga có một điều đặc biệt/ Chỉ có thể đặt niềm tin vào nước Nga...".

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.