Điện Jokhang ở Tây Tạng - Trung Quốc

Thứ Ba, 14/08/2007, 09:00
Điện Jokhang là một khu liên hợp bằng gỗ quý, cao bốn tầng, là sự phối hợp giữa các nền kiến trúc Tây Tạng, Nepal và thời Đường của Trung Quốc, mái ngói lợp vàng óng ánh.

Được đưa vào danh sách Di sản văn hóa thế giới của UNESCO vào năm 2000, điện Jokhang, với tổng diện tích 25.100 m2, tọa lạc tại trung tâm thành phố Lhasa, là địa điểm chính thu hút nhiều khách du lịch và các tín đồ hành hương đến Tây Tạng.

Songtsem Gampo (năm 617-650) là vị vua thứ 33 của Vương quốc Tây Tạng. Dưới triều đại của ông, Phật giáo được ưu tiên phát triển, cùng với những cải cách đầy ý nghĩa trong xã hội. Để tăng cường mối quan hệ với các nước láng giềng, ông lần lượt kết hôn với hai nàng công chúa là Bhrikuti của Nepal và Văn Thành của Trung Quốc.

Khi đến Tây Tạng, mỗi nàng đều mang theo một bức tượng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tuy nhiên, tượng do Công chúa Văn Thành mang đến là một tài sản cực kỳ hiếm có.

Tương truyền lúc Thích Ca Mâu Ni còn sống, ông đã tự tay đắp 3 bức tượng: một bức mô tả ông vào năm 8 tuổi, một bức lúc ông 12 tuổi (lúc còn là Hoàng tử Ấn Độ) và một bức lúc ông trưởng thành. Bức tượng của Công chúa Văn Thành là bức của năm 8 tuổi.

Vào thời gian này, đa số người dân Tây Tạng thường sống trong các căn lều thô sơ và có rất ít lâu đài, cung điện.

Nhân sự kiện này, Vua Gampo đã xây dựng cung điện Jokhang để thờ bức tượng Phật mà Công chúa Văn Thành mang đến. Thế nhưng, vì ghen tị nên Công chúa Bhrikuti yêu cầu Vua Gampo cũng phải xây cho nàng một Jokhang khác lớn hơn, đẹp hơn.

Do vậy, vào năm 647, một khu cung điện liên hợp mới được xây dựng trên nền của một cái hồ. Theo truyền thuyết, vị trí này được chọn lựa sau khi đã thử nhiều nơi khác trong khu vực bị thất bại: Bao nhiêu ngôi điện xây lên đều bị đổ sụp! Quá hoang mang trước hiện tượng này, Công chúa Bhrikuti phải cậy nhờ Công chúa Văn Thành giúp đỡ.

Là một người phụ nữ có học thức uyên bác, Công chúa Văn Thành cho biết, rằng vị trí địa lý của Tây Tạng vốn không được đẹp. Nàng khuyên: muốn xây nên điện, phải  dùng 1.000 con cừu chở đất từ một vùng núi ở xa đến, lấp đầy và san bằng mặt hồ.

Sau khi hoàn thành, đền được đặt tên là Ra Sa Vphrul Snang (“Ra” có nghĩa là “cừu” và “Sa” có nghĩa là “đất ở Tây Tạng”) để tưởng niệm đến những con cừu đó. Dù truyền thuyết này có thực hay không thì điện Jokhang đã liên tục thu hút tín đồ Phật giáo đến Tây Tạng và trở thành một phần không thể thiếu của nền văn hóa và lịch sử.

 Cùng với thời gian, thành phố Ra Sa phát triển xung quanh điện và trở thành thánh địa Lhasa. Khu liên hợp nguyên thủy bao gồm 8 điện thờ. Sau nhiều lần cải tạo, nó được phát triển to đẹp như ngày nay.

Điện Jokhang là một khu liên hợp bằng gỗ quý, cao bốn tầng, là sự phối hợp giữa các nền kiến trúc Tây Tạng, Nepal và thời Đường của Trung Quốc, mái ngói lợp vàng óng ánh.

Đứng giữa quảng trường của điện Jokhang, bạn có thể quan sát toàn thể khu liên hợp và tham khảo hai tấm văn bia, một cái thể hiện tình đoàn kết liên minh giữa vua Tây Tạng và Đại đế nhà Đường; một cái giáo dục cho dân Tây Tạng biết cách ngăn ngừa và chữa trị đậu mùa - một căn bệnh từng được xem là không thể chữa trị được ở đây.

Với tiền vé 70 NDT, du khách có thể chiêm ngưỡng thắng cảnh tuyệt vời này 

Thuý Hân (theo Travelchinaguide.com)
.
.