Điện ảnh Việt chới với hội nhập

Thứ Ba, 31/10/2017, 15:07
Theo Hội Điện ảnh Việt Nam và Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam, sở dĩ tình trạng người làm điện ảnh Việt bị doanh nghiệp nước ngoài chèn ép kéo dài có nguồn gốc sâu xa từ trước khi Việt Nam hội nhập WTO.

Ngay khi những tranh cãi quanh câu chuyện cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam chưa có hồi kết, mới đây, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hiệp hội phổ biến và phát hành phim Việt Nam và một loạt các đơn vị sản xuất, phát hành phim Việt tiếp tục khiến những người vốn lạc quan với con số tăng trưởng đáng kể của phim Việt trong vài năm gần đây giật mình với cảnh báo: Những phát triển mang tính nhất thời và người làm điện ảnh Việt đang bị thất thế ngay trên chính đất nước mình.

Tiếp tục tố cáo bị doanh nghiệp nước ngoài chèn ép

Ấm ức vì bị chèn ép nhưng nhà phát hành phim Việt không dám kêu, sợ báo chí đưa tin, khán giả phản ứng vì cho rằng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm giá vé đến 65% là chính sách có lợi cho người sử dụng dịch vụ. Đó là thừa nhận có phần cay đắng của không ít người làm điện ảnh Việt trong buổi làm việc mới đây giữa những người làm quản lý, sản xuất, phát hành phim cũng đã được chuyển đến Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

Phát hành phim ngoài hệ thống rạp chiếu đang là thế yếu của nhà sản xuất phim Việt.

Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cho biết, việc một đơn vị thống lĩnh thị trường thực hiện giảm giá sâu thoạt nhìn có vẻ là thực hiện các chính sách có lợi cho khán giả nhưng nếu xem xét, đối chiếu kỹ sẽ nhận thấy, đây thực chất là chính sách nhắm tới triệt tiêu cơ hội của các đơn vị phát hành nhỏ lẻ mà các đơn vị này đều là của Việt Nam.

Cụ thể, chính sách giảm giá vé chỉ được thực hiện theo từng khung giờ, từng loại phim, từng cụm rạp, từng đối tượng khán giả, đặc biệt là với khán giả trẻ. Các khu vực giảm giá đều gần với các cụm rạp của đơn vị phát hành trong nước, đánh trúng vào những nỗ lực thu hút khán giả và thực tế đang là những khu vực mà các đơn vị phát hành trong nước khai thác nguồn khán giả. Mức giảm giá của đơn vị thống lĩnh thị trường như thế sẽ khiến các đơn vị chiếu phim nhỏ lẻ đối diện với nguy cơ bị “thôn tính”.

Nếu không giảm giá theo, họ không giữ chân được khách hàng. Nếu giảm giá theo thì khó có thể bù lỗ. Lý do là đơn vị thống lĩnh thị trường phát hành phim đang là đại lý phát hành của rất nhiều hãng phim nổi tiếng trên thế giới. Muốn có phim chiếu, các đơn vị trong nước buộc phải lấy lại phim và chi trả cho họ 25.000 đồng/vé.

“Tấm Cám – chuyện chưa kể” - bộ phim trở thành tâm điểm chú ý trong tranh cãi quanh chuyện phim Việt bị chèn ép khi ra rạp.

Thực tế, việc các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh trong nước tố cáo doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ỷ thế chèn ép đã âm ỉ nhiều năm nay. Năm 2010, với sự nhập cuộc tích cực của nhiều bộ ngành, doanh nghiệp bị tố cáo đã hứa rút lại các điều khoản bất hợp lý và các đơn vị trong nước rút đơn kiện.

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp trong nước, chỉ sau một thời gian ngắn, đơn vị thống lĩnh thị trường lại tiếp tục “bổn cũ soạn lại”. Vì đây là đơn vị chiếm thị phần lớn trong phát hành phim, sở hữu nhiều cụm rạp lớn, hiện đại, ở những vị trí “đắc địa” trong thu hút khán giả và lại là đại lý phát hành phim của nhiều hãng phim lớn trên thế giới nên phần lớn các đơn vị sản xuất, phát hành phim trong nước đều chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Nếu phản ứng lại chính sách của đơn vị thống lĩnh này, phim được sản xuất không có nơi phát hành rộng rãi và không có phim ngoại nhập ăn khách để chiếu phục vụ khán giả. Nếu kiện thì rất mất thời gian, nhiêu khê, tốn kém mà chưa chắc đã mang lại hiệu quả như mong muốn.

Tuy nhiên, đến năm 2015, Cục Điện ảnh thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phải tổ chức một cuộc họp khẩn khi 13 doanh nghiệp phát hành và rạp chiếu phim trong nước bức xúc đồng loạt tố cáo CGV chèn ép. CGV là đơn vị sở hữu số lượng cụm rạp, phòng chiếu và thị phần điện ảnh trong nước lớn nhất ở thời điểm này.

Sau đó, Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam cũng cho rằng thị trường điện ảnh Việt đang có sự cạnh tranh thiếu công bằng và lành mạnh. Tháng 8-2016, 8 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh tiếp tục gửi tâm thư lên hàng loạt cơ quan chức năng tố cáo bị chèn ép về tỷ lệ ăn chia doanh thu chiếu phim.

Cụ thể, phim do đơn vị này phát hành tại các cụm rạp khác bị áp phân chia tỷ lệ cao trong khi phim do doanh nghiệp khác phát hành tại hệ thống cụm rạp này chỉ được trả theo tỷ lệ thấp hơn nhiều. Đến thời điểm hiện tại, câu chuyện gây tranh cãi này vẫn chưa có hồi kết và doanh nghiệp bị tố cáo vẫn cho rằng họ xứng đáng được nhận theo tỷ lệ doanh thu phòng vé theo mức đã phân chia vì tổng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn.

Đoàn kết, tự chủ nếu không muốn bị “thôn tính”?

Theo Hội Điện ảnh Việt Nam và Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam, sở dĩ tình trạng người làm điện ảnh Việt bị doanh nghiệp nước ngoài chèn ép kéo dài có nguồn gốc sâu xa từ trước khi Việt Nam hội nhập WTO.

Theo cam kết hội nhập, các đơn vị nước ngoài có vốn đầu tư vào Việt Nam buộc phải giữ tỷ lệ 51% - 49%. Tuy nhiên, tiền thân của CGV, đơn vị được cho là giữ vị trí thống lĩnh thị trường điện ảnh hiện nay đã đầu tư vào Việt Nam từ trước đó và thời điểm này, nhà đầu tư chưa bị giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn nên vẫn có thể giữ đến 80% cổ phần.

Sự “đổ bộ” của hàng loạt phim bom tấn thế giới vào thị trường điện ảnh đang là thách thức lớn cho công nghiệp điện ảnh Việt Nam.

Theo thời gian, quy mô doanh nghiệp này ngày càng phát triển. Một số doanh nghiệp hoạt động điện ảnh có vốn đầu tư nước ngoài khác cũng phát triển tương tự. Nếu Nhà nước không có chính sách can thiệp, điều tiết kịp thời, rất có thể, trong 5 năm tới, phát hành phim của Việt Nam sẽ khó tồn tại được.

Việc thiếu “đầu ra” cho sản phẩm sẽ đẩy điện ảnh Việt Nam vào nguy cơ bị “nô dịch”, sẽ chỉ là thị trường tiêu thụ của các nền công nghiệp lớn và mất đi ngành công nghiệp sản xuất phim.

Điện ảnh là một trong những phương tiện chuyển tải, phổ biến văn hóa dân tộc hiệu quả nhưng nếu nhà làm phim Việt Nam muốn phim của mình được chiếu rạp sẽ phải cúi đầu làm theo những yêu cầu của doanh nghiệp nước ngoài nắm rạp chiếu, dù rằng có thể phải chịu sự chèn ép. Hệ quả lâu dài là điện ảnh Việt khó phát triển như chúng ta đang kỳ vọng. 

Bày tỏ sự chia sẻ với những bức xúc của người hoạt động điện ảnh Việt nhưng ông Trịnh Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cũng khẳng định: Khi mở cửa hội nhập, cạnh tranh là đương nhiên. Các doanh nghiệp trong nước cũng phải cạnh tranh sòng phẳng với các đơn vị doanh nghiệp nước ngoài.

Dưới góc độ cạnh tranh, chúng ta đã có Luật Cạnh tranh từ năm 2004. Luật Cạnh tranh đảm bảo môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp lành mạnh, không phân biệt doanh nghiệp trong nước và nước ngoài nhưng sau 12 năm nhiều quy định trong đó đã không còn phù hợp.

Sau nhiều lần kiến nghị, Luật đã được đưa vào chương trình xây dựng, sửa đổi. Nếu chỉ với công cụ này sẽ rất khó để giải quyết thỏa đáng các vấn đề của người làm điện ảnh nhưng nếu các đơn vị, công ty, hội nghề nghiệp của người hoạt động điện ảnh Việt Nam hoạt động bài bản, chặt chẽ hơn, các đơn vị đồng lòng nhất trí hơn nữa thì không phải không có giải pháp.

Điển hình là năm 2010, Bộ Công thương đã nhận đơn của nhiều doanh nghiệp Việt Nam tố cáo doanh nghiệp nước ngoài chèn ép. Sau quá trình tích cực phối hợp điều tra, Bộ đã có kết luận có vi phạm, phía nước ngoài cam kết xóa các vi phạm và Việt Nam rút đơn kiện.

Để có được kết quả này, tất nhiên phải có sự đoàn kết, nhất trí, mạnh dạn đấu tranh và tạm gác quyền lợi riêng để đấu tranh vì cái chung. Hội Điện ảnh và Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam cũng cần quan tâm đóng góp nhiều hơn vào quá trình soạn thảo, sửa đổi các luật có liên quan đến hoạt động điện ảnh, tránh tình trạng, “ván đã đóng thuyền” rồi mới kêu than.

Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cũng cho rằng nếu những tố cáo của các tổ chức, đơn vị làm điện ảnh trong nước là đúng thì cần phải xem xét một cách nghiêm túc, tại sao lại xảy ra tình trạng như vậy?

Nếu doanh nghiệp nước ngoài giữ vị trí thống lĩnh thị trường thì cũng phải đáp ứng nhiều điều khoản hoạt động kèm theo, chưa kể họ cố ý hay không nhưng nếu sơ sảy là rất dễ vi phạm, không phải muốn làm gì cũng được. Nếu thấy họ có dấu hiệu vi phạm thì các đơn vị bị ảnh hưởng không nên chỉ đi kêu khơi khơi mà cần có hành động quyết liệt, cụ thể, cần thiết thì khởi kiện.

Các cơ quan quản lý Nhà nước, Thanh tra, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh, Cục Đầu tư nước ngoài… sẽ tích cực nhập cuộc, nếu sai thì phải xử. Nếu các đơn vị, tổ chức cứ ngại thủ tục rườm rà mà không làm gì cả, không bắt đầu thì sẽ không đi đến đâu.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng có nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề nói trên của điện ảnh Việt, trong đó có giải pháp về hành chính, giải pháp kỹ thuật. Nếu tiếp cận bằng giải pháp hành chính thì phải hết sức thận trọng.

Khi chúng ta gia nhập WTO thì tất cả mọi hành xử của cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương phải phù hợp với cam kết WTO, không thể quy định yêu cầu với doanh nghiệp nước ngoài thì cao hơn còn với doanh nghiệp Việt Nam thì thấp hơn. Nếu không sẽ rất dễ bị kiện mà mức phạt có thể để lại hậu quả nặng nề, thậm chí có vụ phải bồi thường lên đến hàng trăm triệu USD.

Với trường hợp doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực điện ảnh, theo cam kết với WTO, chúng ta còn có giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài nhưng giai đoạn để chúng ta áp dụng điều kiện này cũng chỉ có thời hạn nhất định.

Giả sử có dựa vào giải pháp này để có những can thiệp nhất định thì đến một thời hạn nhất định thẩm quyền này của chúng ta cũng hết. Nếu có những tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài muốn thôn tính các đơn vị điện ảnh nhỏ lẻ thì sau khoảng thời gian này họ vẫn có thể tiến hành được.

Cũng theo ông Kiên, điện ảnh là lĩnh vực đặc thù, không thuần túy là kinh tế và mục tiêu chính của điện ảnh không phải chỉ là kinh tế nên trong tất cả hoạt động sửa đổi luật hay biện pháp về chính sách, điều hành các cơ quan có thẩm quyền cũng cần có cách tiếp cận phù hợp, không phải tiếp cận dưới góc độ thuần túy kinh doanh, kinh tế.

Nhưng trước đó, các tổ chức, đơn vị trong ngành điện ảnh phải có trách nhiệm đoàn kết lại, chủ động cùng bàn bạc, thống nhất thông qua các tổ chức như Hội Điện ảnh để tìm giải pháp, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước. Sự hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian tới cũng không thể giống như chúng ta hình dung từ trước đến nay là tạo các điều kiện như cho cơ chế riêng hay đưa tiền cho người làm điện ảnh duy trì hoạt động. Có rất nhiều cách để người làm điện ảnh trong nước tiếp cận sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ngay trong quá trình hoạt động, bản thân đội ngũ người làm điện ảnh cũng cần tích cực đóng góp ý kiến xây dựng chính sách phù hợp và thuận lợi cho phát triển điện ảnh nước nhà. Nếu gặp khó khăn, tất cả nên ngồi lại bàn bạc, đoàn kết, thậm chí chấp nhận hy sinh quyền lợi nhỏ, cá nhân để vì mục đích lớn hơn của tập thể. Nghệ sĩ nổi tiếng nhưng chấp nhận hội nhập thì xử lý tất cả mọi việc phải dựa trên cơ sở pháp lý, không thể cảm tính.

“Nếu không có cơ sở pháp lý thì thương nhau đến mấy cũng chịu. “Bát cơm” của mình thì mình phải chủ động, quyết liệt bảo vệ trước. Nếu không tập hợp nhau quanh các hội, hiệp hội thì đấu tranh vô cùng khó. Trong nền kinh tế thị trường, đấu tranh thông qua hiệp hội có khi có kết quả cao hơn nhiều việc đấu tranh thông qua các cơ quan quản lý Nhà nước…” - Ông Kiên nhấn mạnh.

Minh Hải
.
.