Điện gió ngoài khơi - Nguồn năng lượng mới ở Đức
Tổng thống Đức Horst Khler không ngớt ca ngợi nguồn năng lượng điện sinh thái này, theo ông thì "Điện gió có một tương lai xán lạn và hết sức quan trọng" và "Đây là một sự dung hòa với thiên nhiên".
Từ khoảng 10 năm nay, chính phủ và các doanh nghiệp Đức đã có chủ trương xây dựng các công viên điện gió khổng lồ ở ngoài khơi. Tuy nhiên, cho đến nay trên các vùng biển của Đức chưa xuất hiện một quạt gió - Offshore nào. Nguyên nhân cho tình trạng này là: khó khăn về kỹ thuật, thiếu vốn đầu tư, khó khăn về việc xây dựng hệ thống cáp điện.
Nhưng trong tháng 8/2008, trên vùng biển Bắc cách Borkum 45km sẽ hình thành công viên điện gió ngoài khơi đầu tiên của Đức với cái tên Alpha Ventus.; Theo người phát ngôn, mỗi quạt gió có trọng lượng khoảng 1.000 tấn và& cao khoảng 140m.
Chủ đầu tư là các tập đoàn năng lượng E.ON, Vattenfall và EWE. Hiện các tập đoàn điện lực này không quan tâm đến năng lượng sinh thái trên đất liền, các doanh nghiệp này sản xuất điện chủ yếu từ than đá, than nâu và điện hạt nhân. Lãnh đạo các tập đoàn điện lực nói trên hy vọng sẽ kiếm được hàng tỉ USD thông qua các nhà máy điện gió ở ngoài khơi.
Chính thức thì dự án Alpha Ventus chỉ được coi là một công trình nghiên cứu và người ta chưa quan tâm đến sự khai thác thương mại. Hơn nữa dự án này không phải là một dự án lớn, chỉ có 12 quạt gió với tổng công suất 60MW - đủ để cung cấp điện cho khoảng 60.000 hộ gia đình.
Tuy vậy dự án Alpha Ventus có thể gây nên một cuộc cách mạng trong ngành cung cấp điện lực ở Đức vì các chuyên gia đều cho rằng, sau khi “nổ phát súng” đầu tiên sẽ diễn ra một cuộc chạy đua trên biển Bắc và biển Đông (Nord - und Ostsee).
Theo dự báo của Chính phủ Đức thì đến năm 2020 các nhà máy điện gió ở ngoài khơi của Đức sẽ đạt tổng công suất 10.000MW - tương đương với lượng điện của 10 nhà máy điện hạt nhân. Nhờ gió biển, tỉ trọng điện sinh thái trong ngành công nghiệp điện của Đức từ 12% sẽ được tăng lên 20%.
Điện gió tuyệt đối không gây hại đến khí hậu và sẽ giúp nước Đức ít bị phụ thuộc hơn vào việc nhập khẩu năng lượng.
Hiện nay cơ quan hữu quan của Đức đã xác nhận 20 khu vực để xây dựng các công viên điện gió ngoài khơi biển Bắc và biển Đông. Phần lớn các dự án này còn ở giai đoạn quy hoạch nhưng cạnh đó đã có một vài dự án có mức độ cụ thể hóa khá cao.
Doanh nghiệp Bard Engineering đã phát triển dự án điện gió ngoài biển đầu tiên của Đức phục vụ mục đích thương mại, ngoài ra doanh nghiệp này đã đăng ký xây dựng tiếp 7 công viên gió ở ngoài khơi biển Bắc.
Nhà đầu tư tài chính cỡ lớn của Hoa Kỳ là Blackstone cũng đang thâm nhập thị trường xây dựng các công viên điện gió ở Đức và trước mắt sẵn sàng đầu tư khoảng 1 tỉ euro và sau vài năm có thể cung cấp điện cho khoảng 500.000 hộ gia đình.
Các tập đoàn năng lượng lớn đều quan tâm đến thị trường Offshore. Riêng Tập đoàn EBW dự kiến trong 5 năm tới sẽ xây dựng 260 hệ thống điện gió Offshore và sau đó tiếp tục lắp đặt 500 hệ thống điện gió nữa.
Theo dự kiến thì tổng số tiền đầu tư của các tập đoàn điện lực ở Đức là nhiều tỉ euro để xây dựng các nhà máy điện gió ở ngoài khơi.
Lý do cho sự bùng nổ nhà máy điện gió ngoài khơi là do sửa đổi Luật về năng lượng tái sinh (EEG) mới được thông qua gần đây. Luật EEG ghi rõ giá đối với điện sinh thái. Trước đây giá mua điện gió ở ngoài khơi là 9 cent/KW/giờ, nay tăng 15 cent.
Khoảng tháng 10/2008, dự án Alpha Ventus sẽ bắt đầu phát điện. Hai nhà sản xuất Repower và Multibrid chịu trách nhiệm sản xuất các quạt gió. Các quạt gió này đứng cách nhau 800m theo dạng mạng lưới do đó công viên gió Alpha Ventus có diện tích 4km2 bằng 550 sân bóng đá.
So với các trạm điện gió trên đất liền thì các trạm điện gió Offshore có một lợi thế: không ai trên bãi biển trông thấy chúng nên không sợ sự phản đối của dư luận và ngoài biển gió thổi mạnh thường xuyên do đó ở đây khai thác được một lượng điện lớn hơn.
Tuy nhiên, các nhà vận hành cũng đứng trước những thách thức cực lớn, thí dụ tại địa bàn Alpha Ventus ở biển Bắc độ sâu lên đến 30-40 mét, các quạt gió được lắp trên những trụ thép phải được cắm sâu dưới đáy biển, các công viên quạt gió ở Scottland hay Đan Mạch thường có độ sâu thấp hơn.
Vì vậy chi phí đầu tư xây dựng cho Alpha Ventus lên đến 180 triệu euro - cao gấp 3 lần so với các cơ sở tương tự trên đất liền. Đối với dự án Alpha Ventus, Chính phủ Đức quyết định chi 50 triệu euro phục vụ công tác nghiên cứu và Tập đoàn năng lượng E.ON chi 40 triệu euro để xây dựng mạng lưới điện.
Để thực hiện được những mục tiêu do Chính phủ Đức đưa ra trong những năm tới cần đầu tư từ 20 đến 30 tỉ euro cho vùng biển Bắc và biển Đông. Bảo trì các nhà máy điện gió trên biển hết sức phức tạp và tốn kém, chi phí bảo trì chiếm 20-30% tổng chi phí vì các nhà máy điện gió ở đây phải chịu được các cơn bão có sức gió lên đến 160km/h, chịu được sóng cao tới 15m cạnh đó còn có một vấn đề hết sức khó khăn đó là hàm lượng muối trong không khí rất cao làm cho việc chống ăn mòn hết sức tốn kém.
Qua con số thống kê ta có thể thấy việc vận hành nhà máy điện gió ở ngoài khơi khó khăn. Hiện nay các nhà máy điện gió trên toàn thế giới đạt công suất tổng cộng là 100.000MW, tuy nhiên trong số này chỉ có 1% từ các nhà máy điện gió ở ngoài khơi, số còn lại đều ở trong đất liền