Diện mạo toàn cầu hóa hậu COVID-19

Thứ Ba, 16/06/2020, 22:28
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đã kích động một làn sóng tin tức mới cho rằng toàn cầu hóa sẽ "chết yểu". Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng dịch bệnh không "giết chết" toàn cầu hóa song quá trình này sẽ diễn ra khác đi sau thời dịch bệnh. Trong khi đó, số khác cho rằng dịch bệnh là một cú đòn đau và tác động lâu dài đến quá trình toàn cầu hóa.

Dữ liệu và dự báo mới nhất ẩn ý rằng giới lãnh đạo cần lập kế hoạch và định hình một thế giới mà ở đó cả những sức ép về toàn cầu hóa và chống toàn cầu hóa vẫn là những đặc điểm lâu dài đối với môi trường kinh doanh.

Cú đòn đau...

Theo một bài phân tích trên tạp chí The Economist, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, toàn cầu hóa đã vướng vào những phiền toái. Hệ thống tài chính mở vốn thống trị nền kinh tế thế giới trong hàng chục năm qua đã bị hủy hoại bởi cuộc khủng hoảng tài chính và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Giờ đây, toàn cầu hóa lại bị xáo trộn khi các lệnh phong tỏa đã đóng cửa biên giới và làm gián đoạn hoạt động thương mại.

Kể từ tháng 1-2020, làn sóng mới về sự đổ vỡ và gián đoạn dòng chảy thương mại và đầu tư nước ngoài đã lan rộng từ châu Á đến phương Tây. Trên khắp thế giới, quan điểm của người dân đang rời xa toàn cầu hóa. Người dân cảm thấy bất bình khi sức khỏe của họ lại phụ thuộc vào thiết bị y tế nhập khẩu và sự hiện diện của người lao động nhập cư.

Thương mại chịu ảnh hưởng khi các nước từ bỏ ý tưởng cho rằng các công ty và hàng hóa được đối xử bình đẳng cho dù xuất xứ từ đâu. Động lực đưa chuỗi cung ứng trở về nước sở tại nhằm lấy lại sự phục hồi kinh tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố trước toàn dân rằng một thời đại mới về tự cung tự cấp về kinh tế đã bắt đầu.

Các gói kích thích kinh tế thời COVID-19 của Nhật Bản bao gồm các khoản trợ cấp cho các công ty đưa chi nhánh của họ trở về nước. Giới chức Liên minh châu Âu bàn về sự "tự chủ chiến lược" và đang lập quỹ để mua cổ phần trong các công ty. Mỹ đang kêu gọi Tập đoàn Intel xây dựng nhà máy tại Mỹ. Hoạt động thương mại dựa trên nền tảng công nghệ số đang sinh sôi nảy nở song vẫn ở mức khiêm tốn.

Toàn cầu hóa sẽ khác đi thời kỳ hậu COVID-19.

Cũng theo The Economist, dòng chảy vốn đầu tư cũng đang bị tê liệt khi đầu tư dài hạn đổ vỡ. Vốn đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc ở Mỹ đã giảm xuống còn 400 triệu USD trong quý đầu 2020, giảm 60% so với mức cách đây 2 năm. Các tập đoàn đa quốc gia có thể cắt giảm 1/3 mức đầu tư xuyên biên giới của mình trong năm 2020.

Mỹ cũng đã yêu cầu Quỹ Hưu trí liên bang chủ chốt ngừng mua cổ phiếu Trung Quốc và cho đến thời điểm viết bài này, các nước chiếm 59% GDP thế giới đã thắt chặt quy định về đầu tư nước ngoài. Khi chính phủ các nước nỗ lực cắt giảm những khoản nợ mới bằng cách đánh thuế doanh nghiệp và các nhà đầu tư thì một số nước có thể nỗ lực hạn chế hơn nữa dòng chảy vốn đầu tư xuyên biên giới.

Như vậy, cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu hiện nay đã bộc lộ những mặt trái của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đồng thời tạo tính hợp pháp để các quốc gia áp đặt hạn chế đối với thương mại toàn cầu và dòng dịch chuyển lao động. Các loại hình doanh nghiệp giờ đây bỗng dưng nhận ra những rủi ro của việc dựa vào các chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp.

Tất cả những biện pháp hạn chế hiện nay cho thấy các nền kinh tế "hướng nội" hơn và nền chính trị của các nước mang tính dân tộc chủ nghĩa hơn. Đa phần sự đổ vỡ này có thể mang tính tạm thời. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng dịch bệnh này có thể gây ra tác động lâu dài, nhất là khi nó củng cố những xu hướng khác vốn đang hủy hoại quá trình toàn cầu hóa.

Cuộc khủng hoảng này có thể giáng một đòn mạnh vào các chuỗi cung ứng toàn cầu bị phân mảnh, làm giảm nhu cầu đi lại của giới du lịch kinh doanh toàn cầu, và trở thành công cụ chính trị cho những lực lượng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ lớn hơn và kiểm soát nhập cư.

"Dấu chấm hết"...

Khi đại dịch tạo ra cú sốc trên phạm vi toàn cầu, giới hoạch định chính sách và giới đầu tư bắt đầu đặt câu hỏi liệu đại dịch có phải là "chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài" của thời kỳ toàn cầu hóa đang diễn ra hay không?

Cuộc khủng hoảng và cách ứng phó y tế cộng đồng cần thiết đang gây ra sự suy giảm lớn nhất và nhanh nhất trong các dòng chảy quốc tế trong lịch sử hiện đại. Những dự đoán hiện nay, mặc dù chưa hoàn thiện vào giai đoạn này, cho thấy thương mại hàng hóa suy giảm ở mức từ 13-32%, đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 30-40% và vận tải hàng không quốc tế giảm 44-80% trong năm 2020.

Viết trên tạp chí Harvard Business Review, Trợ lý Giáo sư Steven A. Altman thuộc trường Leonard N. Stern School of Business, New York, cho rằng những con số này ám chỉ một sự tụt lùi lớn của những thành tựu gần đây mà quá trình toàn cầu hóa đem lại, song chúng không là chỉ dấu cho sự sụp đổ căn bản sự hội nhập thị trường quốc tế.

Theo dự báo mới nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), lượng xuất hàng hóa toàn cầu trong năm 2020 có thể giảm xuống mức xuất khẩu của những năm từ giữa đến cuối những năm 2000. Đó sẽ là một sự sụt giảm hết sức đau đớn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới ngày một lớn hơn và phức tạp hơn hiện nay. Ông Altman tiếp tục đánh giá rằng ngay cả những dự báo thương mại ảm đạm và bi quan nhất cũng không ám chỉ sự tụt lùi của sự phân tách các thị trường quốc gia trên thế giới. Phần lớn những gì diễn ra trong quá trình hội nhập thương mại kể từ sau Thế chiến II sẽ vẫn nguyên vẹn.

Toàn cầu hóa bị “tổn thương” thời COVID-19.

Một câu hỏi khác mà ông Altman đặt ra là nếu sự sụt giảm những dòng chảy thương mại khó có thể làm đảo ngược quá trình toàn cầu hóa thì liệu sự sụt giảm thậm chí mạnh mẽ hơn được dự báo sẽ xảy ra đối với đầu tư nước ngoài (FDI) có thể làm đảo ngược quá trình toàn cầu hóa hay không? Giống như những dòng chảy vốn khác, FDI có xu hướng dễ chịu tác động, vì vậy sự suy giảm FDI không gây bất ngờ như ai đó có thể giả định. Vì vậy, sự suy giảm dòng chảy FDI không nhất thiết là dấu hiệu của bước tụt lùi thực sự của toàn cầu hóa kinh tế được thúc đẩy bởi các doanh nghiệp. Bởi hoạt động kinh doanh nước ngoài của các tập đoàn đa quốc gia không luôn bám sát các xu hướng FDI.

Trong khi đó, sự sụp đổ của ngành vận tải và du lịch quốc tế gây ra những thiệt hại là không thể tranh cãi trong bối cảnh các nước đều áp đặt những biện pháp hạn chế đi lại quốc tế. Tuy nhiên, ông Altman ghi nhận rằng sự sụp đổ chưa từng có tiền lệ này theo sau sự bùng nổ về đi lại quốc tế. Ngay cả khi số hành khách đi lại bằng hàng không quốc tế giảm 2/3 thì vẫn sẽ có nhiều người đi trên các chuyến bay quốc tế hơn con số của năm 2003.

...hay một quá trình khác?

Vậy đây có phải là "cái kết" của quá trình toàn cầu hóa hay không? Liên quan câu hỏi này, một bài viết trên The Economist chỉ ra rằng câu trả lời là không. Tuy nhiên, quá trình cấu hình lại toàn cầu hóa chắc chắn xảy ra, hay toàn cầu hóa sẽ diễn ra khác đi thời hậu dịch bệnh.

Thừa nhận về một "diện mạo khác" của toàn cầu hóa thời hậu dịch bệnh, tác giả Richard Fontaine, Giám đốc điều hành Trung tâm An ninh Mỹ mới, viết trên tạp chí The Foreign Policy rằng trên thực tế, trước khi xảy ra đại dịch, quá trình toàn cầu hóa đã suy giảm, đạt đỉnh trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và chưa hồi phục kể từ đó.

Đại dịch COVID-19 làm bộc lộ rõ những rủi ro cố hữu trong việc quá phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, kích hoạt làn sóng đưa sản xuất trở về trong nước và gây sức ép đối với quan niệm về sự phụ thuộc lẫn nhau trên phạm vi quốc tế. Hệ quả là làm tăng tốc những thay đổi vốn lâu nay đã âm ỉ trong lòng quá trình toàn cầu hóa để rồi thế giới sẽ chứng kiến một định dạng mới, hoàn toàn khác biệt và mang tính giới hạn hơn của toàn cầu hóa.

Trước hết, các nền kinh tế có thể ít phụ thuộc vào một quốc gia nào đó vốn có thể gây ra rủi ro trên toàn cầu. Theo đó, các công ty sẽ đa dạng hóa nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào quan trọng và chuyển đổi về sản xuất trong nước hoặc khu vực. Một lựa chọn khác là "làm ngắn" chuỗi cung ứng với việc các công ty Mỹ chuyển sản xuất đến Mexico và các công ty châu Âu chuyển về Đông Âu hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Những tiến bộ công nghệ trong tự động hóa và các công nghệ sản xuất tiết kiệm lao động khác như sử dụng robot và công nghệ in 3D sẽ tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất.

Sự đổ vỡ của chuỗi cung ứng toàn cầu thời dịch bệnh.

Thứ hai, hội nhập kinh tế sẽ vẫn diễn ra song quá trình này sẽ tiếp tục thay đổi từ phạm vi toàn cầu sang phạm vi khu vực và song phương. Các cuộc đàm phán thương mại đa phương toàn cầu đã không đem lại kết quả gì kể từ vòng đàm phán ở Uruguay hồi năm 1993. Thay vào đó, Liên minh châu Âu đã hoàn tất các thỏa thuận thương mại riêng rẽ với Hàn Quốc và Nhật Bản, còn các nước châu Phi đang thảo luận về một khu vực thương mại toàn lục địa. Ngay cả sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc cũng đang tăng cường kết nối khu vực và song phương, chứ không phải kết nối toàn cầu.

Nhận định trên BBC, giáo sư kinh tế học Richard Portes, tại trường London Business School, nói rằng rõ ràng mọi thứ sẽ phải thay đổi vì các công ty và người dân giờ đều nhận ra những rủi ro mà họ đang phải chấp nhận. Ông giải thích: "Nhìn vào thương mại, một khi chuỗi cung ứng bị đổ vỡ vì dịch bệnh thì người ta bắt đầu tìm kiếm nguồn cung thay thế ở trong nước ngay cả với cái giá đắt đỏ".

Theo một bài viết mới đây trên trang mạng Diễn đàn Kinh tế thế giới, chuỗi cung ứng toàn cầu hết sức phức tạp và không một lĩnh vực hoặc quốc gia nào là một thực thể đơn độc trong chuỗi này. Tuy nhiên, chuỗi giá trị toàn cầu lại tuân thủ nguyên tắc hiệu suất. Đó là kết quả của quá trình kinh doanh tìm nguồn cung ứng đầu vào tốt nhất có thể để đáp ứng nhu cầu sản xuất với chi phí thấp nhất, cho dù nguồn gốc đầu vào là từ đâu. Đây là một lần nữa là tin tốt lành đối với sự tồn tại của toàn cầu hóa. Khi hiệu suất vẫn là mục tiêu chính thì hoạt động kinh doanh sẽ tiếp tục trao đổi trên phạm vi toàn cầu.

Không ai có thể dự đoán được cuộc khủng hoảng tiếp theo. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, sự đảm bảo hiệu quả và tin cậy nhất là thiết lập một mạng lưới hợp tác quốc tế bền vững. Bản chất giai đoạn tiếp theo của toàn cầu hóa sẽ một câu hỏi lớn hơn mà các cuộc thảo luận chính trị quan trọng nhất trong những năm tới đây sẽ "mổ xẻ" và diễn giải, trong đó sẽ chú trọng đến đường hướng cụ thể và dạng thức mang tính chọn lọc hơn của mô hình hợp tác xuyên biên giới và sự phụ thuộc lẫn nhau thời kỳ hậu dịch bệnh.

Hà Ngọc (Tổng hợp)
.
.