Điện toán đám mây thu thập thông tin người nước ngoài

Thứ Ba, 26/02/2013, 22:55

"Điện toán đám mây" (Cloud Computing) đã phát triển rộng khắp trong những năm gần đây là phương thức rẻ tiền và linh hoạt giúp cho các cá nhân, công ty và các tổ chức chính quyền lưu trữ dữ liệu cũng như các tài liệu từ xa.

Theo một số đánh giá, khoảng 75% công ty của Anh sử dụng một số hệ thống đám mây - chủ yếu với Google Drive, Apple iCloud và Amazon Cloud Drive. Nhưng, có một hiện tượng mới nổi là - theo luật mới được phê chuẩn của Mỹ - mọi thông tin cá nhân được người dùng Internet tải lên (upload) các hệ thống đám mây đặt tại Mỹ hoặc nằm trong thẩm quyền của Washington đều có thể bị xâm nhập và phân tích mà không đòi hỏi phải có giấy phép.

Luật Do thám tình báo đối ngoại (FISA) cho phép các cơ quan chính quyền Mỹ tự do sử dụng bất cứ thông tin điện tử nào được lưu trữ trên các hệ thống "đám mây" bởi các công dân "không phải người Mỹ" làm việc trong các công ty đặt cơ sở tại Mỹ. Luật được khai thác một cách lặng lẽ trong những ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống George W. Bush năm 2008 và bắt đầu hồi phục vào mùa Giáng sinh 2012.

Caspar Bowden - hiện là chuyên gia cố vấn pháp lý độc lập về quyền đời tư công dân cho Microsoft Europe và đồng tác giả một báo cáo cho Nghị viện châu Âu cảnh báo về mối đe dọa của luật FISA liên quan đến các "đám mây", nhận định: "Theo luật mới, chính quyền Mỹ được phép thu thập bất cứ dữ liệu nước ngoài nào trong hệ thống đám mây ở Mỹ mà không ai nhận ra được".

Điện toán đám mây phát triển rộng trong những năm gần đây.

Điều đáng nói là, các tổ chức tình báo như là Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) có thể thu thập bất cứ thông tin nào được cho là ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách đối ngoại của Washington - nghĩa là các nhóm hoạt động tôn giáo, các tổ chức hoạt động xã hội và các nhà báo đều có thể trở thành mục tiêu bị xâm nhập. Một số lượng thông tin rất lớn sẽ bị đánh cắp và lưu trữ để phân tích khi chúng đi vào Mỹ thông qua hệ thống cáp ngầm xuyên Đại Tây Dương.

Các chuyên gia châu Âu cho rằng, FISA của Mỹ đã coi mọi công dân "không phải người Mỹ" đều là nghi can cần theo dõi! Trong khi đó, Amazon và Apple không có bất cứ bình luận nào về vấn đề này.

Cộng đồng tình báo Mỹ hiện đang cố gắng phát triển một mạng “điện toán đám mây” đơn nhất cho phép mọi chuyên gia phân tích của nó sử dụng và nhanh chóng sàng lọc lượng thông tin dữ liệu khổng lồ. Khi mục tiêu hoàn thành, nỗ lực này sẽ tạo ra một đám mây liên cơ quan, và điều quan trọng hơn cả là hệ thống sẽ phá vỡ những rào cản hiện nay giữa các cơ quan tình báo cũng như thay đổi nền văn hóa bảo thủ hẹp hòi của cộng đồng tình báo Mỹ.

Mục tiêu của nỗ lực là kết nối đám mây hiện có của CIA với đám mây mới của NSA. Mạng đám mây do NSA điều hành bao gồm 5 cơ quan tình báo khác và FBI. Bà Jill Singer, chuyên gia viễn thông của Cơ quan Do thám quốc gia Mỹ (NRO) quản lý các hệ thống vệ tinh do thám, cho biết NRO cũng tham gia chương trình đám mây đơn nhất của cộng đồng tình báo Mỹ để chia sẻ dữ liệu hình ảnh vệ tinh với mọi cơ quan tình báo. Nếu như cấu trúc siêu đám mây của cộng đồng tình báo Mỹ hoạt động trơn tru, nó sẽ giúp cho nước Mỹ phản ứng nhanh chóng hơn và linh hoạt hơn trước các mối đe dọa mới.

Để xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ trong thời gian "gần thật", cộng đồng tình báo Mỹ đang tìm kiếm những công cụ phân tích mạnh có khả năng tìm kiếm phân loại các loại thông tin đặc biệt cần thiết trong biển dữ liệu - từ hình ảnh video do máy bay không người lái cung cấp cho đến các dữ liệu đánh cắp qua các đám mây. Tuy nhiên, do không có khả năng tự phát triển những công cụ này cho nên cộng đồng tình báo Mỹ phải nhờ đến các công ty phần mềm giúp đỡ

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.