Diễn viên Quốc Tuấn: Niềm hy vọng đã nuôi sống tôi 15 năm qua…

Thứ Hai, 25/09/2017, 11:33
Ngôi nhà anh, tọa lạc tại một khu chung cư ở Hà Đông, dù xa trung tâm, nhưng những ngày này có rất đông bạn bè tìm đến để chia sẻ niềm vui với anh. Bé Bôm, cậu con trai 15 tuổi của diễn viên Quốc Tuấn, bị mắc hội chứng Apert (bệnh xương cứng sớm cục bộ) và hẹp đường thở. Vừa trải qua cuộc phẫu thuật lần thứ 10 thành công.

Diễn viên Quốc Tuấn vẫn nhớ như in cái cảm giác hồi hộp lần đầu gặp con, cách đây 15 năm, năm 2002, ngày con chào đời. Bao nhiêu niềm hy vọng và sự sung sướng bị thay thế bằng nỗi đau đớn tột cùng vì con mắc phải dị tật bẩm sinh. Anh bảo, đúng là như số phận trêu đùa, vì trong quá trình mang thai, anh vẫn thường xuyên đưa vợ đi kiểm tra và siêu âm (12 lần siêu âm, 3 lần siêu âm màu) nhưng hoàn toàn không phát hiện ra bệnh của con.

Diễn viên Quốc Tuấn và con trai Anh Tuấn.

Vợ chồng diễn viên Quốc Tuấn đến với nhau khi tuổi đã cao, sự mong mỏi có một đứa con càng lớn bao nhiêu, thì nỗi đau càng khủng khiếp bấy nhiêu khi nhìn đứa bé đỏ hỏn đã mang trên mình tật bệnh và một hình hài không bình thường, các khớp xương tay và chân dính vào nhau. Vợ anh sau khi sinh gặp con ở phòng chăm sóc đặc biệt, đã ngất lịm. Diễn viên Quốc Tuấn là đàn ông, mạnh mẽ hơn, anh đã thức trắng đêm để nghĩ ngợi và rồi trở về thực tại, với một quyết tâm bằng mọi giá phải chữa chạy cho con để con được làm người.

Căn bệnh quái ác ấy đã khiến cậu bé Anh Tuấn (tên gọi ở nhà là Bôm) phải trải qua cuộc phẫu thuật đầu tiên khi mới chỉ mấy tháng tuổi. Anh đã bán căn nhà ở phố, để có tiền chữa chạy cho con. Mỗi lần sang nước ngoài, số tiền phải lên đến cả tỉ bạc. Khi bé Bôm được 3 tuổi rưỡi, xương hộp sọ bắt đầu cứng lại không phát triển trong khi não vẫn phát triển bình thường nên bắt buộc phải phẫu thuật hộp sọ tại Bệnh viện Hoàng gia Úc. Ca phẫu thuật thành công, hộp sọ của bé Tuấn đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, đường thở của bé vẫn chưa được can thiệp mổ nên Quốc Tuấn đành đưa con trở về nước.

Một thời gian sau, hai vợ chồng anh lại đưa con sang Hàn Quốc để mổ. Sức khỏe của bé Tuấn thời gian đó đã tốt dần nhưng phải đeo một cái khung rất to lên mặt và phải nới vít mỗi ngày để nâng khuôn mặt lên. Mỗi lần như thế, bé Bôm vô cùng đau đớn. Vậy mà Bôm đã phải đeo khung sắt trong 4 tháng trời, nhưng để hoàn thiện, hai vợ chồng anh phải ở lại Hàn Quốc tới 6 tháng.

Diễn viên Quốc Tuấn.

Anh nhớ lại, ở Hàn Quốc, đời sống người ta cao nên chi phí đắt đỏ lắm. Một ngày thuê phiên dịch là 400 USD, nhưng vợ chồng anh may mắn có rất nhiều người yêu quý. Các bạn sinh viên Việt Nam biết diễn viên Quốc Tuấn nên đã giúp dịch miễn phí. Mỗi người còn mang cho anh một món đồ, người thì cái chăn, cái gối, người thì cái phích...

Từ đó đến nay, sau lần phẫu thuật cuối cùng trong tháng 3 - 2017 vừa qua để chỉnh nắn các ngón tay là đã 10 lần. Điều may mắn nhất là sau lần thứ 10 này, Bôm coi như đã hoàn thành các cuộc phẫu thuật cơ bản, việc bây giờ chỉ là chờ đợi thời gian đến năm con 18 tuổi thì làm phẫu thuật thẫm mỹ để khuôn mặt của con bình thường như bao nhiêu người khác.

Nhắc về hành trình chữa chạy cho con, đôi mắt diễn viên Quốc Tuấn đỏ hoe. Cái cảm giác khủng khiếp nhất là sự chờ đợi đến ngày con phẫu thuật. Đó là một sự hành hạ bản thân khủng khiếp vì lo lắng con có làm sao không, liệu ca phẫu thuật có thành công không (vì cũng đã có lần bị thất bại). Ba tháng trời trước ngày con phẫu thuật, anh luôn mất ăn, mất ngủ và trong đầu lúc nào cũng chỉ nghĩ đến việc con lên bàn mổ.

Diễn viên Quốc Tuấn bảo rằng, anh vốn là "dân đường tàu", nhà ở phố Điện Biên Phủ, nên lì lợm và gan dạ lắm. Chả bao giờ biết khóc dù thuở bé đi học suốt ngày bị các anh lớn bắt nạn.

Nhưng từ ngày có Bôm, từ ngày con bệnh tật và phải đi đến mọi ngóc ngách cùng con để tìm kiếm những tia hi vọng trở lại cuộc sống, anh đã rơi bao nhiêu nước mắt. Bây giờ mỗi lần nhắc đến con, hay xem những thước phim về những đứa trẻ con khuyết tật, ốm đau, anh lại chảy nước mắt. Đôi khi ngồi cạnh con, thương con mà nước mắt cứ chảy dài, con hỏi "Bố khóc à?" thì anh lại tránh đi "Không, có con gì đó rơi vào mắt bố!".

Nhưng cái "gen" di truyền lì lợm và can đảm ấy của anh đã truyền sang con. Biết bao nhiêu lần phẫu thuật, đại phẫu thuật, đau đớn và khủng khiếp lắm, người lớn chắc gì đã chịu được, vậy mà Bôm không bao giờ khóc. Có lúc đau thì con chỉ nhăn nhó rồi kêu đau, chứ con chịu đau giỏi lắm. Có lẽ bởi con sinh ra đã phải chịu những cơn đau đồng hành cùng sự trưởng thành, nên Bôm biết nghe lời và chịu đựng được tất cả những nỗi đau đớn về thể xác cực giỏi.

Bé Bôm say mê chơi đàn.

Những lần nhìn con như vậy, anh bảo, anh ước gì mình có thể chịu đau cho con, gánh vác một phần sự thiệt thòi để con được làm một người bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuổi thơ của con gắn liền với bệnh viện, với thuốc, với dao kéo. Mỗi lần phẫu thuật là con phải gây mê, những liều thuốc không chỉ ảnh hưởng đến thân thể mà còn ảnh hưởng đến tinh thần của con. Số phận đã đánh mất tuổi thơ của Bôm và gần như đánh cắp cả một phần đẹp đẽ nhất trong hành trình làm một người cha bình thường của diễn viên Quốc Tuấn.

Hai cha con anh sống một đời sống khác, yêu một cách yêu khác, chơi một cách chơi khác và cũng bảo ban nhau bằng một cách khác. Người ta miệt mài làm việc nuôi con ăn học, còn diễn viên Quốc Tuấn, thời gian của anh đồng hành với việc làm mọi công việc, thức trắng đêm để có thể kiếm tiền nuôi con chữa bệnh và phẫu thuật. Anh cũng bỏ hết mọi dự án phim lớn, những lời mời tham gia vai diễn chính, bởi vì thời gian hầu hết anh phải dành ở cạnh con. Anh chẳng bao giờ đi xa con dù chỉ một ngày.

Hai cha con như hai người bạn. Anh thường động viên con là đàn ông thì phải thật mạnh mẽ. Phải nỗ lực và can đảm để có thể vượt qua tất cả nỗi đau này. Có lẽ vì hiểu bố nên cậu bé Bôm rất hiếu động, nghịch ngợm nhưng cũng rất chăm chỉ. Con được bố Tuấn dạy tự lập từ bé, dù mang trên mình nhiều thương tích, song anh bảo rằng, phải để con tự lập thì sau này con mới không bỡ ngỡ và không khổ sở khi đến một môi trường mới. 

Những lần tập cho con đi xe đạp, nếu con ngã thì con cũng tự đứng dậy. Con tự giác ăn uống, tắm rửa, học hành theo đúng thời gian biểu đã đưa ra. Vì thời gian vào viện nhiều nên việc học của con được anh để ý. Tôi hỏi cháu Bôm về chuyện học giỏi không, Bôm cười: "Cháu học chán như con gián!".

Vì Bôm là đứa trẻ biết nghe lời nên các thầy cô giáo và các bạn đều rất quý mến. Nhưng thực sự không phải môi trường giáo dục nào cũng được thế. Cũng có nhiều ngôi trường đã từ chối nhận Bôm vào học vì nghĩ con không bình thường, nhiều bậc phụ huynh phản đối con họ phải học chung lớp với Bôm. Những lúc đó, diễn viên Quốc Tuấn rất buồn, anh không dám trách ai, chỉ buồn vì xã hội mình còn nhiều kỳ thị quá. Dù anh biết đó cũng là một lẽ bình thường của tâm lý các bậc phụ huynh, vì có phải ai cũng gần gũi và hiểu Bôm "vô hại" như thế nào đâu.

Những lúc ấy, anh phải động viên con để con bớt lo lắng. Song hành với việc động viên, là anh đưa con đến khắp mọi nơi. Có những người vì nhiều lý do nào đó, họ không cho con tiếp xúc với môi trường xung quanh nhiều, nhưng riêng với anh, đi đâu anh cũng đưa con theo, đó là cuộc gặp gỡ bạn bè hay đi chơi, đi siêu thị, đi đến nơi công cộng, anh không ngại ngần sự tò mò, anh muốn cho con quen với những sự tò mò, hiếu kỳ trong xã hội, vì rõ ràng con có một ngoại hình không bình thường như những người khác.

Có lúc khi Bôm đi qua, có người còn chạy theo để nhìn, anh bảo, con ngoảnh lại cười với họ đi nào. Đó là cách xua tan mọi sự tò mò và soi mói xung quanh. Anh cũng muốn cho con thấy cách để cư xử với những người khác, để sau này con không phải gặp những bỡ ngỡ khi một mình ra cuộc đời.

Bởi vì, dường như sự đau đớn và tổn thương khi trải qua hơn 15 năm tìm thầy tìm thuốc tìm bệnh viện, lấy hy vọng để sống, để gặt hái những thành quả ngọt ngào để được trở lại làm người bình thường cho con đã vượt quá sự nặng nề thường ngày của sự tò mò hay hiếu kỳ của những người xung quanh.

Anh bảo, nếu ai rơi vào hoàn cảnh như anh mới thấy rằng, thực ra ranh giới giữa tuyệt vọng và hy vọng nó mong manh lắm. Không phải anh thương bản thân mình, không phải anh thấy khổ mà nhìn một đứa bé, là máu mủ của mình nằm đó, mà mình không biết có thể làm gì cho con, không đỡ được cho con. Sự bất lực khủng khiếp lắm.

Bây giờ, niềm vui của anh lại càng trở nên trọn vẹn, khi Bôm đam mê chơi nhạc. Con có thể dành 4 đến 5 tiếng đồng hồ một ngày để học nhạc. Đầu tiên, con chỉ chơi organ vui vui, không ngờ con có năng khiếu và đam mê. Giờ đây anh đã sắm cho con đàn piano và anh vô cùng hạnh phúc khi con thi đỗ vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và sẽ theo đuổi con đường chuyên nghiệp để ít ra, con có thể tự lo cho đời sống của mình mai này...

Có nhiều người đàn ông mạnh mẽ và can đảm, nhưng đắm đuối với con, yêu con, hiểu con và hy sinh hết tất cả sự nghiệp, thời gian để chăm con như diễn viên Quốc Tuấn không nhiều. Anh bảo, lúc này, người ta không nghĩ đến sự thiệt thòi hay sự hy sinh nữa. Ai rơi vào hoàn cảnh của anh rồi cũng sẽ làm như thế. Hạnh phúc là cho đi, để được nhận lại, là được sẻ chia và được làm những điều mình cho là đúng nhất cho mình, cho gia đình, cho con cái. Ai có con như thế cũng phải chiến đấu cùng con, để được đùm bọc và chở che con, để không bao giờ phải ân hận một điều gì khi mình đã làm mọi việc hết sức có thể...

Cũng để biết rằng, cuộc đời có nhiều số phận còn khủng khiếp hơn mình rất nhiều và cũng còn nhiều tấm lòng nhân ái, yêu thương. May mắn của anh là gia đình có đủ tiềm lực về kinh tế để lo cho con, tự thu xếp được kinh phí, việc còn lại chỉ là chiến đấu và hy vọng.

Trước khi tôi tạm biệt bố con anh ra về, cũng là lúc thầy giáo đến nhà dạy đàn cho Bôm, một bản nhạc cổ điển vang lên trong căn nhà vắng lặng và ngăn nắp của hai cha con anh, như một kết thúc có hậu của một câu chuyện đẹp và nhân văn.

Diễn viên Quốc Tuấn ngồi đó ngắm nhìn con, gương mặt anh đầy hạnh phúc, hạnh phúc nhỏ bé mà lớn lao biết bao nhiêu. Rồi anh trở vào căn phòng làm việc bật máy tính lên, để chuẩn bị một kịch bản phim mới của cuộc đời mình. Để lại mở ra một chân trời mới đầy hy vọng trong ngôi nhà nhỏ của hai cha con "chiến binh" Bôm...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.