Phim bom tấn "Kong: Skull Island":

Diễn viên đóng thế 17 năm lặng lẽ nấp sau lốt thú

Thứ Năm, 18/05/2017, 16:30
Siêu phẩm “Avatar” là tác phẩm đầu tiên diễn viên Terry Notary vào vai loài thú diễn theo công nghệ motion capture - ghi lại chuyển động của diễn viên và sử dụng các thông tin để tạo ra nhân vật. Diễn viên thể hiện nhiều nhân vật người Navi trong phim và có trải nghiệm khó quên khi làm việc cùng đạo diễn James Cameron - người anh mô tả là “đẩy công nghệ tới cực hạn”.


Bộ phim năm 2009 đánh dấu lần đầu tiên có một camera ảo được dùng trong công nghệ motion capture, mở đường cho nhiều đạo diễn sau đó. Để chuẩn bị cho vai diễn, Notary phải nghiên cứu cử động của nhiều loài thú và bộ tộc khác nhau. Dự án ngốn của tài tử sinh năm 1968 một năm rưỡi, nhưng giúp tên tuổi anh trở nên nổi bật ở Hollywood.

“Nghiện” nhập vai loài vật

Trước vai vua khỉ ở "Kong: Skull Island", Terry Notary vốn nổi tiếng "nghiện" đóng thế các vai quái thú, sinh vật lạ trên màn ảnh. Có những diễn viên sinh ra để tỏa sáng trên màn bạc nhưng cũng có nhiều nghệ sĩ âm thầm đóng góp cho thành công của các bộ phim.

Terry Notary - tài tử diễn các biểu cảm và cử động cho vua khỉ trong "Kong: Skull Island" - thuộc mẫu người lặng lẽ đó. Điện ảnh là cú rẽ đột ngột trong cuộc đời người đàn ông sinh ở California, từng nuôi mộng tranh tài ở Thế vận hội Olympic chứ không phải hóa thân thành những sinh vật trên màn ảnh.

Năm 7 tuổi, Notary bị chẩn đoán bệnh tăng động. Để giảm bớt năng lượng thừa, cha mẹ cho anh học thể dục dụng cụ - môn thể thao giúp anh giành học bổng trường UCLA (Đại học California, Los Angeles).

Notary từng muốn tham gia đại hội thể thao lớn nhất hành tinh, nhưng rồi chuyển hướng sang ngành sân khấu. Anh gắn bó với chương trình xiếc Cirque du Soleil ở Las Vegas 4 năm, chủ yếu diễn các màn nhào lộn. Những kỹ năng hình thể của Notary khiến đạo diễn Ron Howard chú ý và mời anh giữ vai trò cascadeur kiêm huấn luyện viên chuyển động trong phim “How the Grinch Stole Christmas” (2000). Sau dự án điện ảnh đầu tay, diễn viên dần hứng thú với môn nghệ thuật thứ bảy.

“Tôi liên tiếp nhận lời mời. Tôi tiếp tục thử thách bản thân qua từng phim và sau 5 năm, bắt đầu phát triển hướng tiếp cận riêng để diễn cho ra các nhân vật độc đáo”, anh nói trên trang Animatrik.

Terry Notary diễn các biểu cảm, cử động và chuyển động của khỉ Kong.

Notary cũng chia sẻ: “Tôi chưa từng nghĩ công nghệ điện ảnh sẽ thích hợp hoàn toàn với những kỹ năng tôi rèn luyện trong 10 năm trước đó, từ cách tạo hình nhân vật đến chuyển động, hành vi và những thứ khác. Chưa từng dự định theo nghiệp phim ảnh, nhưng tôi luôn theo đuổi những gì mình cho là đúng. Tôi thật sự tin nếu bạn yêu việc mình làm, bạn sẽ không bao giờ thấy cực nhọc khi làm việc”.

Trên phim trường, nam diễn viên được đặt khuôn nhựa lên mặt với 52 điểm ghi nhận. Sau đó, anh đeo mũ có quai với chiếc camera luôn chĩa vào mặt. "Bạn phải học cách nhìn xuyên qua nó. Camera ghi lại các thay đổi trên mặt tôi và chuyển dịch những thông tin đó vào mặt khỉ. Vì thế, mỗi cái chớp mắt, mỗi cử chỉ nhỏ hoặc biểu cảm trên khuôn mặt đều được ghi lại một cách tinh tế", anh kể.

Luôn dư thừa năng lượng và có niềm đam mê bất tận với loài khỉ, Notary sẵn sàng nhập vai bất cứ lúc nào. Khi giảng giải cho người khác, nghệ sĩ này thường không dùng lý thuyết mà nhảy lên để mô tả. Anh từng bắt đầu cuộc phỏng vấn với tờ Telegraph năm 2014 bằng cách ngẫu hứng nhảy khỏi ghế, đi bằng bốn chân, thở phì phò và gầm gừ như một con tinh tinh - khiến mọi người giật mình. “Không gì vui hơn là được đóng vai khỉ”, Notary chia sẻ.

Kinh nghiệm với vai khỉ giúp tài tử có cơ hội với "Kong: Skull Island". Để nhập vai, Notary chơi với hai chú tinh tinh 4 và 5 tuổi để học hành vi của chúng. Nam diễn viên tập cách hành động như thể không tư duy mà chỉ tạo ra những phản xạ bản năng của loài linh trưởng. Theo anh, điều khó khăn nhất khi nhập vai khỉ là phải quên đi tất cả suy nghĩ vẩn vơ trong đầu.

Anh nói trên tờ Hollywood Reporter: "Trước khi đóng King Kong phiên bản mới, tôi nghiên cứu mọi nhân vật Kong cũ để vừa có kết nối, vừa tạo ra khác biệt". Notary thích nhất phim Kong đầu tiên (năm 1933) bởi ánh nhìn đáng sợ từ mắt vua khỉ trong lần đầu xuất hiện. Khỉ Kong năm 2005 được anh đánh giá cao vì mối quan hệ ân cần, ngọt ngào với nhân vật của Naomi Watts.

Phiên bản Kong của Terry Notary không thể hiện rõ tình cảm với nhân vật nữ chính như các phim trước. Thay vào đó, cái chết của cha mẹ mới là tình tiết quan trọng trong tâm lý nhân vật, tạo ra gánh nặng và sự cô độc của vua khỉ. Cũng theo tài tử, "Kong: Skull Island" chỉ là khởi đầu của Kong - vẫn còn vị thành niên và chưa phát triển hết kích thước.

Trong những phần sau, vua khỉ sẽ ở thời kỳ sung mãn nhất, trở thành một chiến binh có trách nhiệm và phải đương đầu với nhiều thế lực dữ dội hơn.

Khỉ Kong quay ở Việt Nam được dựng kỹ xảo ra sao?

Các chuyên gia mất hơn một năm tạo hình vua khỉ với 19 triệu sợi lông, mỗi vùng lông có màu sắc, độ dài, hướng bạt do gió thổi khác nhau.

Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts chia sẻ đội ngũ làm kỹ xảo của "Kong: Skull Island" có gần 300 nghệ sĩ, được chia làm các nhóm nghệ sĩ hoạt hình và kỹ thuật viên. Stephen Rosenbaum (từng làm kỹ xảo cho “Avatar”) và Jeff White (“Warcraft”, “The Avengers”, “Transformers” và “Cướp biển vùng Caribbean”) là hai chuyên gia đứng đầu ê-kíp.

Họ mất một năm rưỡi tạo hình King Kong, trong đó, quá trình xử lý đồ họa cho quái thú mất 8 tháng, quá trình quay diễn viên đóng thế và hậu kỳ cho phim mất 10 tháng. Qua mọi công đoạn, đạo diễn Jordan Vogt-Roberts muốn vua khỉ vừa gợi hình ảnh quái thú trong bản phim kinh điển năm 1933, vừa là chú khỉ tuổi vị thành niên đơn độc - thần hộ vệ của đảo Đầu lâu.

Terry Notary bắt chước hành động loài khỉ.

Kích thước của Kong là yếu tố được chú trọng đầu tiên. Kong mới trông như tòa tháp - cao hơn 33 mét và lập kỷ lục là vua khỉ đồ sộ nhất màn bạc - khi đứng bên các nhân vật. "Kích thước lớn cho người xem cảm giác Kong nặng nề và choáng ngợp khuôn hình. Chúng tôi cần xử lý sao cho con người chỉ là một cái tăm đứng dưới bóng của Kong. Như vậy, các nhân vật trong phim sẽ cảm nhận rằng họ rất nhỏ bé trong thế giới của Kong và họ không thuộc về nơi đó", Jeff White bày tỏ trên Los Angeles Times.

Khỉ Kong trong phim mới có lớp da gồm 19 triệu sợi lông được dựng bằng đồ họa. "Sự tiên tiến của các phần mềm cho phép các chuyên gia kỹ xảo tạo ra nhân vật này chân thực hơn nhiều với khỉ Kong hồi 2005. Công suất máy tính hiện giúp những chuyên gia có thể chế ra gấp 10 lần số lông chúng ta có thể chế tạo được 10 năm trước. Càng có nhiều lông, nhân vật càng trông như thật", chuyên gia người Mỹ nói.

Stephen Rosenbaum nói mỗi sợi lông trên cơ thể Kong có màu sắc riêng trong những cảnh quay có độ phản chiếu ánh mặt trời khác nhau, cũng như có độ dài riêng. Mỗi vùng cơ thể Kong có loại lông khác nhau. Khi Kong di chuyển, gió cũng thổi làm lông bị rung theo các hướng khác nhau. Ngoài ra, Kong còn tương tác với môi trường xung quanh, như lúc vua khỉ tay tạt nước và các con bọ bay vo ve quanh đầu, bùn lầy bết vào lông.

Đôi mắt của Kong không chỉ ở trạng thái thông thường mà phải luôn có cảm xúc. Jeff White giải thích rằng, quan trọng là đôi mắt phải có hồn bởi khuôn mặt Kong dài 3 mét. "Đôi mắt loài linh trưởng có mống mắt lớn và tròng mắt to. Bởi vậy, chúng tôi dành nhiều thời gian để xử lý mọi chi tiết cho đúng. Đây là một trong những lần đầu tiên chúng tôi xử lý chiều sâu 3D cho vùng mống mắt của nhân vật khỉ đột", Rosenbaum nói.

Khâu thiết kế âm thanh cũng là thành tố quan trọng giúp Kong sống động. Từ trước khi quá trình sản xuất diễn ra, các nhà làm phim đã thử nghiệm nhiều kỹ thuật khác nhau để tạo ra tiếng gầm của Kong. Chuyên gia Jeff White chia sẻ rằng, vài cảnh phim yêu thích của anh là khoảnh khắc Kong kết nối với thành viên đoàn thám hiểm hoặc ngồi im, ngắm nhìn vẻ đẹp của đảo Đầu lâu.

"Tôi thích cảnh Kong ngồi trên đảo và chiêm ngưỡng cực quang, cảnh Kong cùng nhân vật nhiếp ảnh gia Weaver (Brie Larson) giúp nâng chiếc trực thăng đè lên con vật khác hoặc khi Kong đến kết nối Weaver và Conrad bên mỏm núi", anh tâm sự.

Văn Nguyễn - D.T. (tổng hợp)
.
.