Diễn viên sân khấu: Góc khuất sau ánh hào quang

Thứ Hai, 28/01/2013, 20:20

Không nói đến số ít ca sĩ đình đám với cátsê cao ngất ngưởng, cũng không nhắc tới một vài diễn viên thành danh được tiền khủng thu về từ những hợp đồng quảng cáo béo bở. "Nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật ở nước ta đa phần là nghèo. Và, cho dù trong số đó có không ít tên tuổi nghệ sĩ đã được định vị nằm lòng trong công chúng cũng vẫn không thoát khỏi cái nghèo đeo bám". Hay "Nếu trông chờ vào đồng lương nghệ thuật bèo bọt thì không đi được mà phải bò". Đó là tâm tư của những nghệ sĩ tại các nhà hát ngay giữa trung tâm thủ đô Hà Nội.

Nói đến nghệ thuật là nói đến cái đẹp, cái sang, cái thanh cao. Người ta đến thưởng thức nghệ thuật là thưởng thức cái đẹp. Ai biết rằng đằng sau những ông giám đốc hay mệnh phụ phu nhân quyền quý, cậu ấm, cô chiêu được cung phụng yêu chiều trong một vở diễn trên thánh đường sân khấu, ngoài đời sau khi cởi bỏ lớp hóa trang lại phải đối mặt với cơm áo gạo tiền. Rầu rĩ, khổ sở bởi cát sê cho một vai diễn từ 100 đến 200 nghìn đồng. Sân khấu với kép Tư Bền hàng chục năm nay vẫn chẳng có sự thay đổi gì mấy.

Ta hãy lùi vào quá khứ  những năm giữa và cuối của thập niên 80, đó là thời kỳ hoàng kim và thịnh vượng nhất của sân khấu phía Bắc. Khắp các nhà hát đèn đỏ rực rỡ, nhân tài xuất hiện, kịch bản của Lưu Quang Vũ được các nhà hát tới tấp dàn dựng. Tới đầu thập niên 90, sân khấu vẫn cứ duy trì tuy không phong độ như thập niên trước nhưng thời gian này Việt Nam có những bước chuyển biến đáng kể gia nhập WTO, một nền kinh tế thị trường mở cửa giao lưu hội nhập. Có lẽ cũng bởi đồng lương nghệ thuật eo hẹp và để nghề tay trái nuôi nghề tay phải mà nhiều nghệ sĩ đã từng có thời gian lăn lộn và bươn chải thương trường.

NSND Hoàng Cúc (cô Thanh trong "Tôi và chúng ta" kịch bản Lưu Quang Vũ) mở cửa hàng áo cưới, kiêm thêm nghề trang điểm cô dâu. Sau này vốn tính tháo vát và nhanh nhẹn, chị mở thêm cả cửa hàng cà phê. NSND Hoàng Dũng đã từng có thời gian ở nhà mở cửa hàng bán quần áo ở phố Hàng Ngang. "Lá ngọc cành vàng" NSƯT Thu Hà (một trong những gương mặt ăn khách nhất của diễn viên miền Bắc trong dòng phim thị trường miền Nam của những năm 80, 90)  đã có lúc mở cửa hàng áo cưới thời trang..

Trong Nhà hát kịch Trung ương có khá nhiều người mở quán cà phê, nhưng vợ chồng NSƯT Lan Hương - Đỗ Kỷ lại tìm một cách kinh doanh khác ít tốn kém hơn, không mất vốn đó là "bán giọng". Đài từ tốt, cả hai vợ chồng đều là người Tràng An, ngoài lịch diễn xuất trên sân khấu, đóng phim, họ bận rộn đi lồng tiếng cho những bộ phim, kịch truyền hình.

Tuy nhiên, "phi thương bất phú", việc lồng tiếng cho phim chỉ là để duy trì cuộc sống bình ổn tàm tạm chứ không mấy khấm khá. Như Quỳnh, người con gái Hà Nội gốc, cô Nết một thời còn mở quán cà phê nhỏ. Thời đấy, trong khi các đồng nghiệp kinh doanh giải khát hay dịch vụ làm đẹp lại thấy thiên hạ xầm xì hai vợ chồng Chí Trung - Ngọc Huyền năng động lắm. Ngoài việc, cứ tối Chí Trung đóng hoàng tử trên sân khấu ở Ngô Thì Nhậm, thì sáng hôm sau tới chợ Trời ngay phố Huế, cách nhà hát chưa đầy cây số kiểu gì cũng gặp anh ấy buôn săm lốp xe máy hay những phụ tùng điện tử.

Thế rồi, khi giá nhà đất bắt đầu sôi sùng sục, "tấc đất tấc vàng" thì trên các phương tiện truyền thông, người ta thấy anh "khoe" có hẳn cả một trang trại hàng nghìn mét vuông lại Lương Sơn - Hòa Bình. Giờ đây, anh đảm nhiệm rất tốt vai trò bầu sô. Đời nghệ sĩ, như những nhan sắc may mắn trên kể thế là ấm.

Mới đây, vô tình, trong một buổi gặp với một số diễn viên của Nhà hát cải lương Hà Nội, Đạt, một diễn viên trẻ tiết lộ, lương của các diễn viên ở nhà hát chỉ khoảng trên 2 triệu, cátsê của một vai diễn như em cũng chỉ trên trăm ngàn, mà không phải lúc nào cũng có vai để diễn. Có khi cả tháng nhà hát cũng chỉ có vài đêm đỏ đèn, muốn sống những diễn viên có giọng như em lại kiêm thêm nghề hát văn. Giờ hầu đồng đang là mốt thời thượng nên một số lớn diễn viên của các đoàn nghệ thuật ca kịch như tuồng, chèo, cải lương đổ sô kiếm mối đi hát văn cho người có nhu cầu hầu đồng các giá.

Nghề diễn mua vui cũng được một vài trống canh. Xót xa không, khi thiên hạ cần mua vui trong bàn ăn, tiệc rượu, người ta rút điện thoại, một lúc sau một vài diễn viên có mặt, sau những câu chuyện nhạt nhẽo vô vị, khi chủ nhân rút thẻ thanh toán ra về thì liền dúi cho diễn viên một cái phong bì đôi ba triệu gọi là "tiền bo" để mấy diễn viên chia nhau. Việc đấy là "việc thường ngày ở huyện" mà những nhan sắc tân thời, diễn viên trẻ diễn ở các nhà hàng chẳng lấy gì làm xa lạ.

Trong buổi chiều mưa phùn rét mướt của ngày đông giá lạnh, đạo diễn già NSND Doãn Hoàng Giang (Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) trầm tư bên cốc cà phê dang dở khi hỏi về gia cảnh của diễn viên. Ông là đạo diễn cả nghìn vở diễn, đi suốt dọc dài đất nước từ Bắc vô Nam, hiểu tường tận ngóc ngách mọi nhà hát.

Vốn quá quen thuộc với cảnh đời nghệ sĩ, ông bảo: "Ở sân khấu phía Bắc, cho đến tận giờ lương của NSND ở một nhà hát khoảng 5 triệu/tháng. Tại nhà hát được cho là thịnh vượng nhất của các nhà hát, cátsê của NSND cũng chỉ dao động từ 500  ngàn đến 1triệu/đêm diễn. Mà để có được đêm diễn đấy, có khi tập mấy tháng ròng rã. Họa hoằn, cả tuần mới diễn một hai buổi. Sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường làm diễn viên ăn lương biên chế ở  nhà hát lương 2 triệu/ tháng. Đóng vai phụ thì 50-100 nghìn đồng/tối".

Ở các nhà hát kịch còn đỡ chứ xuống nhà hát tuồng, chèo đã từng có người phải chạy xe ôm, hay đi chở thịt lợn giao cho các đầu mối ở chợ. Nghề này nếu có chút ít tên tuổi, tiếng tăm thì lo chạy sô cũng kha khá, hay nhận hợp đồng quảng cáo. Nói đâu xa, cứ bật đài, truyền hình lên là lại thấy ngay mấy danh hài đi làm quảng cáo. Nhưng số may mắn đắt sô như vậy đâu có nhiều, còn biết bao nghệ sĩ vạ vật vì đồng lương bèo bọt. 

Vào giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, không ít diễn viên của các đoàn nghệ thuật trong cả nước đã từ bỏ thánh đường sân khấu đi xuất khẩu lao động sang Tiệp, đi Nga, đến Bulgaria,   CHDC Đức... Đi hồi đó là để thoát khỏi cái đói, cái nghèo của thời bao cấp. Đến nay, cuộc sống tất bật, nhiều mối lo, cuộc sống sinh tồn trở nên mạnh mẽ cũng khiến con người ta trở nên năng động hơn. Diễn viên chạy sô, diễn show. Họ về các làng quê để diễn, đôi lúc ký được hợp đồng cho các công ty, xí nghiệp tại các thành phố lớn. Tuy vậy, vẫn là câu "phi thương bất phú". Người ta không thể ở biệt thự, đi xe hơi, dùng hàng hiệu, khi chỉ trông chờ vào nghề diễn nếu không thêm nghề tay trái như làm quảng cáo hoặc một công việc gì tương tự.

Trường đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội, mỗi năm hơn 1.000 thí sinh dự thi nhưng nhà trường chỉ chọn khoảng 14, 15 người. Bạn tôi, Mai Huê học cùng khóa, cùng trường với tôi, may mắn được lọt vào số được chọn ít ỏi ấy. Vì có nhan sắc lại cộng thêm khả năng diễn xuất điêu luyện, khi còn đang là sinh viên, Huê từng nhận được rất nhiều hợp đồng làm phim. Mai Huê vốn là một nữ diễn viên solist của nhà hát được mệnh danh là đỏ đèn nhất trong các nhà hát kịch ở Thủ đô. Mới đây, một tờ báo đã liệt bạn tôi vào 10 nhan sắc làm khuynh đảo màn ảnh. Huê đóng nhiều phim, nhưng biết đến nhiều nhất là bộ phim dài 4 tập "Kẻ không cầu may" của đạo diễn Bạch Diệp, chiếm được  cảm tình của đông đảo khán giả cả nước.

Ngay sau khi ra trường Mai Huê được NSƯT Anh Tú mời về nhà hát và được vào biên chế luôn. Trong khi đấy, cũng có diễn viên phải xin vào nhà hát và có người sau 5 năm làm tại nhà hát không có lương mà chỉ diễn vai nào có cátsê vai ấy. Trong khi bạn tôi được ưu ái về ngoại hình đẹp và khả năng cảm nhận tác phẩm mà liên tục vào những vai chính của đoàn thì một số diễn viên bằng tuổi hoặc cùng khóa vẫn phải lui cui với vai phụ nhỏ lẻ.

Một tối, tôi đi xem bạn diễn vở "Lò luyện trạng" của đạo diễn Lê Hùng. Bạn diễn hài cũng rất được. Tối khác, bạn lại tặng tôi vé đi xem vở: "Bóng tối Phù Dung" đạo diễn Lê Hùng. Lần này là vở chính kịch, bạn đóng vai bi. Sau khi vở kịch kết thúc, chẳng còn nghi ngờ gì nữa, tôi chắc mẩm: "Huê sinh ra là để làm diễn viên sân khấu. Huê sinh ra là để làm nghệ thuật". Nhưng, tôi cũng không ngờ đấy là lần cuối cùng được xem bạn diễn. Đầu năm 2000, khi đang đứng ở trên bục vinh quang của nghệ thuật bạn tôi đã "lạnh lùng" đoạn tuyệt với nghiệp diễn để trở thành nữ tiếp viên hàng không.

Tôi tiếc cho bạn lắm, nhưng bạn bảo: "Diễn viên trông hào nhoáng thế thôi chứ nghèo và eo hẹp lắm. Tập luyện ròng rã cả tháng trời, bầm dập người đến khi đóng vai chính cũng chỉ có trăm ngàn thôi". Rồi bạn kể vào vai chính theo đoàn làm phim cả tháng trời quay một tập cátsê cũng chỉ có triệu bạc. Trông vào đâu?! Ăn bằng gì nếu cứ mãi thế này.

Sau khi bạn tôi nghỉ nghiệp diễn một vài năm sau ở nhà hát thì diễn viên điện ảnh Quách Thu Phương cũng giã từ sân khấu. Sau này, diễn viên Kim Oanh cũng không còn biên chế ở nhà hát mà chuyển sang làm truyền hình. Những con họa mi cứ lần lượt vuột cánh bay đi. Nhà hát Tuổi trẻ lại tiếp nhận lứa diễn viên trẻ triển vọng khác.

NSƯT Lê Chức (Nguyên Giám đốc Nhà hát Cải lương Trung ương - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam):

Với tôi bây giờ tôi cảm nhận về cái nghèo nó sâu nặng nhất, cái nghèo thì thường đi theo cái hèn. Ngày hôm nay tôi là người cuối cùng trong gia đình thoát cái nghèo. Tôi vẫn thường nói với ba đứa cháu của mình (NSND Lê Khanh, Lê Vân, Lê Vi): Cậu kiếm tiền cật lực bằng lao động. Cậu vẫn sợ nhất cái nghèo nó lẽo đẽo theo  mình.

Trước đây, vào những năm khốn khó của thời bao cấp, chúng tôi cả một lũ diễn viên nghèo với nhau. Đi diễn buổi trưa ăn ở đâu? Nào Đức Trung có tiền không? Lê Hùng có không? Tất Bình có không? Tất cả rút ví bầy ra, cộng cả lại chỉ đủ đi ăn đầu chó ở phố Nguyễn Cao chứ không đủ tiền mua thịt. Còn đến giờ tình hình đã được cải thiện hơn chưa.

Trong cuốn hồi ký "Yêu và sống" của Lê Vân - Đấy là sự thực, nhưng cũng có cả những lời độc giả trách oan. Hai cháu ruột của tôi, Vân múa công, Vi cũng múa công. Giờ nhà hàng hoa lệ, bàn ăn sang trọng. Có một lần tôi phải ra khỏi phòng ăn. Được mời đến ăn, có ai xem múa ở bữa ăn?!. Mà trên sân khấu nhỏ ai đó cứ múa, cứ hát lập tức trong đầu tôi hiện lên hình ảnh hai cô cháu gái Vân và Vi.

Nếu sân khấu kia là hai đứa cháu mình thì sao nhỉ và tôi phải bỏ ra ngoài. Vậy thì Vân viết đúng chứ. Ông ăn, ông uống, có ông nào xem. Bản thân cậu là một thứ ca công, cháu là ca nương. Làm hoa cho người ta hát, làm gái cho người ta trêu. Chấp nhận thôi. Nhưng giới hạn của tình huống rất khác nhau và Vân không chịu nổi sự phá vỡ của giới hạn ấy. Vân phải bảo vệ mình bằng cách xin chào nghề nghiệp nhé. Tôi không xuất hiện ở bữa ăn, ở những đám hội hè của các vị. Có phải là hội của tôi đâu, trong lúc lương của tôi không đủ sống. 

Nếu ngày hôm nay tôi không có thêm cái nghề gọi là nghề đi bán giọng, tôi không được như thế này đâu. Bao nhiêu việc tôi phải lo như ma chay, cưới xin, hơn 4 triệu gần 5 triệu về hưu, cộng gần 5 triệu tiền lương của chức danh này. 10 triệu với gia đình khổng lồ thì làm sao mà đủ, nếu tôi không có 10 triệu của bán giọng (lồng tiếng) mỗi tháng để giúp được người trong họ hàng mình ốm đau, đi thăm nom một người nào đó, hay sửa lại một ngôi mộ, sửa sang nhà cửa. Mấy triệu bạc lương làm sao đủ. Người nghệ sĩ như Vân, Vi có điều kiện sắc đẹp, tài năng thì bị đối xử như cái mà không phải trời ban cho nghệ sĩ. Lòng tự trọng nghề nghiệp bị tổn thương. Biểu hiện ra là sự tự ái. Thể hiện thế cũng chẳng qua là để chống trả lại, giữ lại lòng tự trọng.

Mỹ Trân
.
.