Điều gì xảy ra sau khi chúng ta lìa đời?

Chủ Nhật, 25/09/2011, 22:35

Đó là một trong những câu hỏi lớn nhất về sự sống: Điều gì xảy ra sau khi chúng ta lìa đời? Ngày càng có thêm nhiều trải nghiệm về cận kề cái chết, hay NDE, được công bố nhờ tiến bộ của y học cũng như sự hồi tỉnh của những người được coi là đã chết. Một vài người “sống lại” mô tả về một vùng đất mà họ tin là “vương quốc” bên ngoài cuộc sống này.

Nhà liệu pháp người Mỹ, Mary Jo Rapini đã theo dõi vài trường hợp người được thông báo là chết lâm sàng hay cận kề cái chết đã sống lại kể chuyện về những gì mà họ trải qua khi "chết". Năm 2003, bà bị chứng phình mạch não nghiêm trọng. Bà nhớ mình thấy một quầng sáng màu hồng nhạt và sau khi "sống lại", một động lực vô hình thôi thúc bà viết cuốn sách "Chết để khỏi bệnh".

Trong sách, bà mô tả: "Quầng sáng bất ngờ phủ lên người và tôi ở bên trong nó. Sau đó tôi bước vào một căn phòng xinh đẹp. Thật khó diễn tả theo cách con người có thể hiểu được!". Mary Rapini đã loại bỏ lập luận khoa học khi giải thích hiện tượng NDE của mình: "Không giống như giấc mơ. Nó rất rõ ràng. Các nhà khoa học nói đó là giấc mơ. Nhưng không phải vậy". Câu chuyện của Rapini không là ngoại lệ.

Phóng viên báo chí Bob Woodruff cũng từng có trải nghiệm tương tự sau khi bị thương trầm trọng ở Iraq trong năm 2006 do chiếc xe chở ông bị trúng bom ven đường. Woodruff nhớ rõ đã "nhìn thấy" chính thân thể mình trôi bồng bềnh trong một vùng sáng chói lòa.

Chiếc ôtô chở Linh mục Don Piper, ở thành phố Pasadena bang California (Mỹ) đâm sầm vào chiếc xe tải 18 bánh vào năm 1989. Bác sĩ thông báo Piper thật sự đã chết. Bởi vì mạch của Piper không còn đập, nhưng 90 phút sau thì Piper "sống lại", ngơ ngác giữa những người qua đường đang dừng lại cầu nguyện cho Piper còn nằm tại hiện trường tai nạn.

Piper kể lại: "Tay lái ôtô đâm thẳng vào ngực, rồi mui xe sập xuống đầu nặng đến mức không ai có thể sống sót nổi trong tai nạn như thế".

Ông cho biết trải nghiệm sau khi "chết" thật khó giải thích được vì nó khác xa cuộc sống. Piper hồi tưởng lúc ấy ông nghe tiếng nhạc réo rắt, hay không tả nổi và ngửi được mùi hương chưa bao giờ cảm nhận được trước đó. Ông nội đã qua đời của Piper cùng với vài người đã chết khác đứng đón chào Piper. Họ đứng trước cánh cổng cực kỳ ấn tượng, với ánh sáng tràn ngập.

Sau khi sống lại, Piper trải qua hàng chục ca phẫu thuật cố định xương và tập đi đứng trở lại. Sau vụ việc khó tin, Piper viết một cuốn sách rất "ăn khách" kể lại trải nghiệm NDE của mình tựa đề "90 phút trên Thiên đường: Câu chuyện thật về Cái chết và Sự sống".

Hình ảnh mô tả về trải nghiệm NDE.

NDE được định nghĩa là cảm giác đôi khi xảy đến khi một người gần như đã chết hay được thông báo đã chết lâm sàng. Nhiều người trải nghiệm NDE đều kể lại họ nhìn thấy thứ ánh sáng chói lòa, nhận thức được bản thân đã lìa đời và gặp gỡ những người thân quá cố. Họ cũng mô tả trạng thái tinh thần của họ hoàn toàn điềm tĩnh và không thấy đau đớn gì cả.

Giới khoa học đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau để giải thích hiện tượng NDE. Nổi tiếng nhất là "giả thuyết não đang chết" - tức là khi não bị stress nó sẽ tiết ra một luồng hóa chất thần kinh tạo nên thứ ánh sáng chói gắt cùng với trạng thái yên bình và điềm tĩnh cực độ. Tháng 4/2010, một nhóm nhà nghiên cứu Slovenia báo cáo trường hợp những bệnh nhân chết do ngưng tim trải nghiệm NDE có mức carbon dioxide trong cơ thể cao hơn những bệnh nhân khác.

Một nghiên cứu khác do nhóm nhà khoa học Đại học Kentucky tiến hành trong năm 2009 tin vào "sự xuất hiện không rõ ràng của trạng thái thức và ngủ". Báo cáo nói: "Thường thì người sống lại nói những trải nghiệm của họ không thể giải thích được theo lý luận khoa học. Họ tin được gửi trở lại (trần gian) để truyền bá thông điệp rằng - thiên đường là nơi có thật"?

Đó cũng là trường hợp của cậu bé 12 tuổi Colton Burpo ở bang Nebraska nước Mỹ từng trải qua NDE lúc 4 tuổi và sau đó trường hợp này được kể lại mọi chi tiết trong cuốn sách best-seller "Thiên đường có thật". Hay trường hợp Erin Smith ở thành phố Montgomery bang Alabama nước Mỹ bị bắn chết cũng nói về trải nghiệm NDE của mình lúc 17 tuổi.

Jane Seymour mô tả rất hay về trải nghiệm NDE của mình trong một cuộc phỏng vấn năm 2005. Phản ứng dị ứng gây cho Seymour trạng thái gọi là sốc mẫn cảm (tụt huyết áp, khó thở). Seymour nói sau khi chết cô nhìn thấy ánh sáng và tin "có vài linh hồn to lớn hơn chúng ta rất nhiều", mặc dù cô không theo một tôn giáo nào. Có lẽ đáng ngạc nhiên là NDE có tỉ lệ xảy ra tương đối thường xuyên. Theo một nghiên cứu, 1 trong 10 bệnh nhân ngưng tim sống lại đều đề cập đến trải nghiệm cận kề cái chết này.

Theo giới khoa học, tiến bộ y khoa đã giúp cho ngày càng có nhiều trường hợp hồi tỉnh trong những năm gần đây. Nhưng cuộc tranh luận về NDE vẫn cứ tiếp tục. Trong khi nhiều người nói sự bước đi trong đường hầm tối đen, nhìn thấy ánh sáng chói lòa, nhận thức mình đã chết và gặp gỡ những người thân quá cố của họ không thể giải thích được bằng khoa học, thì nhiều nhà nghiên cứu sử dụng phản ứng sinh học để lý giải những hiện tượng kỳ quặc này

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.