Điều kiện xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Chuyện chưa có hồi kết
Người ta bảo, đã là nghệ sĩ thì cần phải có cái danh. Danh tính, danh xưng, danh giá. Chẳng vậy mà, cứ mỗi lần đến lượt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT trong giới nghệ thuật lại nóng lên như chảo lửa. Trước đây, cứ 5 năm một lần xét danh hiệu, nhưng ngày 16/7/2010, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch ban hành Thông tư 06 rút xuống còn 2 năm một lần xét tặng và sẽ công bố vào ngày trọng đại của đất nước 2-9.
Nhưng, năm nay do lình xình và còn bất cập ở nhiều khâu nên dự định này đã bị trì hoãn. Hiện giờ, Bộ vẫn chưa đưa ra thời điểm cụ thể để công bố danh sách NSND, NSƯT. Trong lúc chờ đợi, giới nghệ thuật lại một phen dậy sóng những thì thào to nhỏ đằng sau - chuyện hậu trường.
Nghệ sĩ nhân dân thì nhân dân phải biết
Trong Nam, sau một loạt các nghệ sĩ tên tuổi từ Bảo Quốc, Hồng Vân, Thành Lộc… lên báo bức xúc nói về việc xét tặng danh hiệu còn nhiều bất cập thì ngoài Bắc, một số các trưởng đoàn, phó đoàn, rồi giám đốc nhà hát cũng thi nhau đăng đàn để trình bày ý kiến. Vẫn xung quanh câu chuyện về tấm huy chương vàng và bảng kê khai thành tích, mà giới nghệ thuật gọi là đơn. Cái "tôi" to đùng của người nghệ sĩ như bị tự ái, chạm nọc. Tại sao? Hà cớ gì mà lại phải viết đơn xin. Nghệ sĩ mà, lại nổi tiếng, danh giá thế. Đơn từ gì?
Vị đạo diễn lão làng của sân khấu - NSND Doãn Hoàng Giang (hiện giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam) - dường như điềm tĩnh hơn, chia sẻ: "Họ nhầm, không bao giờ có chuyện viết đơn xin. Còn bản kê khai là bắt buộc phải có, để cơ quan quản lý văn hóa, Hội đồng xét duyệt còn biết được những điều anh đã cống hiến và đạt thành tích gì". Ông lý giải: “Vì cá nhân anh tôi không thể cử một người suốt cả đời đi theo anh để biết những việc anh làm. Tờ giấy có ý nghĩa như thế chứ không phải là đơn xin. Khi anh không có thành tích thì anh xin cũng chẳng được".
Hôm gặp danh hài Xuân Hinh ở quán cà phê Gallery trên phố Quán Sứ, một bác độ 70 tuổi ngồi cùng bàn nhìn Xuân Hinh cười tủm tỉm và trêu anh là "Nghệ sĩ nhân dân chờ". Cái biệt danh nghe ngồ ngộ này lại thấy đúng với anh. Cách đây hơn một năm, Xuân Hinh cũng hăng lắm, lên báo đăng đàn "lý luận" về việc mình chưa được phong tặng danh hiệu NSND, nhưng lần này lại thấy anh cười bẽn lẽn. Hóa ra lần này anh có tên trong danh sách 138 người chờ duyệt, đề nghị xét tặng danh hiệu NSND lần thứ 7 này. Lần này, danh hài quen mặt trên truyền hình như Công Lý, Tự Long cũng nằm trong danh sách xét duyệt trong tổng số 466 hồ sơ NSƯT.
Nghệ sĩ hài Tự Long. |
Nghệ sĩ hài Công Lý. |
Qua 6 lần xét tặng danh hiệu cao quý của người nghệ sĩ, đất nước ta hiện có 191 NSND (trong đó có 44 nữ), 1.580 NSƯT (524 nữ).
Đây là câu chuyện được ghi chép quanh mấy nghệ sĩ, NSƯT Bằng Thái, NSƯT Xuân Hinh và NSND Doãn Hoàng Giang về vấn đề danh hiệu.
NSƯT Bằng Thái sốt sắng: Nghệ sĩ nhân dân trước hết phải có đẳng cấp, như chị Nguyệt ánh mà đóng cô bé đánh trống trận, không một ai có thể thay chị. Chị chỉ một vai ấy thôi đã xứng đáng phong là NSND, mà không ai có quyền cản. Thế mới gọi là bình đẳng. Thế mới gọi là sang trọng. Thế mới gọi là cao cả.
Làm gì có NSND mà lại xa lạ với nhân dân. Phải nói thẳng cuộc sống bây giờ là gì?! Là vì khán giả. Là vì nhân dân, anh sống trong lòng nhân dân. Trọng Tấn, cất lên tiếng hát mình thấy sướng, thấy hay. Cả một thế hệ thanh niên đi theo tiếng hát ấy. Nhưng bây giờ cậu ấy chẳng tham gia một hội diễn nào thì làm thế nào. Lấy đâu ra huy chương vàng cho đủ tiêu chuẩn. Người ta đã đưa những chuyện này ra…”. NSƯT Bằng Thái đang hăng hái nói đến đây thì từ bàn nước bên kia một vị khách nghe ngóng tò mò nói chêm vào: "Ơ! Trọng Tấn chưa được NSƯT à?". Bằng Thái quay sang vị khách lạ bảo: "Chứ sao. Thế anh bảo cô Nhung Bống ở Sài Gòn hát giải thiếu nhi, nhi đồng từ khi lên 8 tuổi cho đến hôm nay, có xứng đáng NSƯT không? Thừa. Ấy vậy mà vẫn chưa được đấy".
Vị khách ngạc nhiên quá đứng cả dậy: "Ơ! Thanh Lam được NSƯT, thế Nhung Bống vẫn chưa được à. Tôi cứ nghĩ cô ấy được rồi cơ". Xuân Hinh đế vào: "Đấy! Đấy! Ai cũng nghĩ cô ấy được rồi nhưng hóa ra là chưa. Có ai thèm để ý đâu. Thế là lờ lớ lơ đi. Không chăm sóc, không động viên nữa, thế nhưng tóe loe ra có đâu. Mà không phải một trường hợp…".
Ít người biết Nhung “bống” chưa được NSƯT. |
Mọi người cùng nhau gật gù, nghệ sĩ ngoài giọng hát hay, diễn xuất giỏi thì phải thấy sức lan tỏa. Lan tỏa trong nước và quốc tế. NSND là nói đến ai cũng phải biết, hỏi em bé đánh giày, bà cụ bán báo, vào Nam, ra Bắc, lên miền núi xuống miền xuôi, mọi người phải quen mặt thuộc tên.
Nghệ sĩ Bằng Thái xem chừng vẫn còn xúc động, lại hăng hái: "NSƯT sức nặng là 1 tạ thì NSND phải là tạ rưỡi, 2 tạ". Danh hài Xuân Hinh tiếp lời: "Tức người nghệ sĩ không đóng thì thôi, đóng vai nào người ta phải nhớ vai đấy. Ví dụ đóng Nghị Hách thì không ai bằng ông Trọng Khôi. Nếu xét thì phải xét cái giá trị đóng góp của con người đấy cho cuộc đời này. Chứ không phải ở hội diễn, ở vai diễn mới gọi là toàn diện".
NSND Doãn Hoàng Giang lên tiếng: "Đã là NSND nhắc đến thì ai cũng biết. Khi xem vở này người ta biết ông này ở đẳng cấp cao hơn ưu tú. Thế mới sướng. Chứ được tiếng là NSND mà nhân dân không biết. Được tiếng mà đồng nghiệp không phục. Đồng nghiệp quan trọng lắm, làm sao đồng nghiệp phải tâm phục, khẩu phục. Nói đến nhân vật này thì anh này đóng vai. ông này thì vở kia. Chị này vở này. Trước hết là trong nghề phục nhau đã".
Người nghệ sĩ cần danh hiệu là vì…
NSƯT Bằng Thái: “Xã hội này người ta nói đến vấn đề này và người ta tiếc thay cho người này không có giải thưởng nhà nước, người kia trượt NSND, NSƯT. Mà đưa ra là đúng, đưa ra không ai hồ nghi gì nữa. Hỏi cả nước có thích Trọng Tấn không? Thích luôn. Bây giờ phải đợi nhé. Tấn 5 năm đi thi một hội diễn, đợi 5 năm nữa lại tiếp tục thi. Tấn ơi, em mới được hai vàng, lúc đấy mới xét được. Khi người ta đang phong độ, đang tác dụng tại sao không nâng đỡ. Đa phần cứ lên NSND một là về hưu hai là ông chết. Có trường hợp vì sợ chết nên phải phong vội như Y Moan".
NSND Doãn Hoàng Giang trầm ngâm: "Y Moan đáng nhân dân lâu lắm rồi, cách đây 5 năm, 10 năm, 15 năm. Không phong cho người ta, đến khi thập tử nhất sinh lại vội vàng phong. Bây giờ cay đắng còn có người chết rồi mà không được phong…”.
Danh hài Xuân Hinh: “Phương Thanh đóng Hiền "cá sấu", sau khi mất truy tặng luôn đi. Người nghệ sĩ đang sung sức nhất, đẹp nhất, đóng góp hữu hiệu nhất, nhân dân đang yêu mến nhất mà đời nghệ thuật rất nghèo về quỹ thời gian chứ có lâu dài đâu. Mất mới phong, giờ già còm cõi, chống gậy lụ khụ mới phong thì để làm gì. Phải dũng cảm đổi mới…”.
NDND Doãn Hoàng Giang: “Người nghệ sĩ thì phải sống với nhân dân chứ không phải sống với mấy ông hội đồng, thích nhau hay không thích nhau. Làm được điều đó, dân người ta tin về đường lối chính sách về vấn đề phong tặng mà nâng quan điểm lên người ta tin Đảng, Chính phủ, Nhà nước hơn.
Một đất nước mà có nhiều người tài giỏi phong cho người ta đúng lúc, đúng chỗ thì có phải đất nước ấy hạnh phúc không?”.
Vị khách lạ lúc nãy bỏ bàn trà với bạn sang hẳn bàn nghệ sĩ đang rôm rả nóng về vấn đề giải thưởng, buông cho một câu chán chết: "Tại sao nghệ sĩ các bác lại cứ cần phải có danh hiệu. Không có danh hiệu thì cũng có chết ai đâu nào?...".
NSƯT Bằng Thái tức chí: "Người nghệ sĩ cần danh hiệu không phải vì tiền. Bởi đó là sự đánh giá về sự nghiệp. Là niềm vui, niềm tự hào cho quê hương, cho con cháu, cho dòng họ. Đấy, danh hiệu của người nghệ sĩ phải đóng từng ấy thứ trên vai. Người nghệ sĩ lên truyền hình thì quê hương ấy hãnh diện chứ...".
Người khách lạ hỏi NSƯT Bằng Thái: "Quê bác ở đâu?". Bằng Thái vẫn chưa thôi bức xúc: "Quê tôi ở Quảng Ninh” vùng đất nổi tiếng văn nghệ mà đến giờ chỉ có hai người là NSND là Quang Thọ và cố NSND Lê Dung. Người ta hay tổ chức các hội diễn chuyên nghiệp mang tính toàn quốc ở Quảng Ninh, thế nhưng đến khi phong thì các bác lại rụt tay lại…".
Danh hài Xuân Hinh nói xen vào: "Bác này là chồng nghệ sĩ Minh Huệ. Em là dân chèo mà người ta có câu "hát văn Kim Liên, hát chèo Minh Huệ". Theo nghệ sĩ Bằng Thái, vợ anh, nghệ sĩ Minh Huệ là NSƯT đầu tiên của tỉnh, đúng ra chị phải NSND cách đây 20 năm rồi. Từ khi Minh Huệ được ưu tú đến giờ chị đã được thêm 5 cái huy chương vàng nữa, thừa vàng. Nhưng đến giờ vẫn chưa được phong NSND.
Ông Bằng Thái bảo giờ vợ ông yếu lắm, việc sinh hoạt hằng ngày cần phải có người giúp đỡ vì bà bị di chứng một cơn đột quị. Thi thoảng hai vợ chồng trêu nhau, Minh Huệ bảo chồng: "Ông ơi, tôi phong ông là nhân dân, ông phong tôi là nhân dân. Thế là chúng ta sướng rồi".
Vị khách lạ bảo: "Các bác nghệ sĩ phức tạp thật sao cứ phải NSND hay ưu tú mới được. Có nhất thiết là phải như thế không?".
NSND Doãn Hoàng Giang tiếp lời: "Xã hội nào mà không vinh danh một số người, tác phẩm tiêu biểu. Nó không phải là cần thiết hay không cần thiết mà là xã hội ghi nhận điều đó. Nhưng, xét thưởng thì bao giờ nó cũng có sự công bằng và không công bằng, không thể nào tránh được. Đến giải Oscar, giải Sư tử vàng, nhiều giải tầm quốc tế mà nhiều khi mọi người cũng kêu ầm lên. Dù xã hội công bằng nhất thì thỉnh thoảng cũng phải có trường hợp ra khỏi quỹ đạo…”.
NSND không nên chỉ căn cứ vào số huy chương
Theo NSND Doãn Hoàng Giang, trong sáng tạo văn học nghệ thuật người ta chủ yếu lấy khát vọng cống hiến cho đời để viết. Ngày xưa các ông Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan là vì ham muốn mà các ông viết chứ nghĩ gì đến danh. Các ông lớn của thế giới người ta cứ thế viết thôi chứ nghĩ gì đến danh. Và cuộc đời sẽ khẳng định người ta thôi. Ai xứng đáng thì phong. Nhưng đánh giá về chuyện xứng đáng thì hình như là ta hơi bị thiếu tiêu chí chuẩn. Chẳng hạn như dựa vào tiêu chí cần có 2 huy chương vàng thì mới đủ điều kiện để phong NSND. Thật ra có khi anh gặp may mắn trong một hội diễn thì anh được ngay huy chương, còn tác động của anh trong xã hội, vai trò của anh trong xã hội thì lại là chuyện khác. Có thể có những người được rất nhiều huy chương vàng hoặc bạc nhưng nói thẳng ra là anh hay chị không bao giờ đủ tầm làm là NSND. NSND còn hơn nhau ở đẳng cấp…
Ý của vị Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật sân khấu NSND Doãn Hoàng Giang cũng rất giống như NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, hiện nay đang là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. ông Lê Tiến Thọ đã từng thẳng thắn nói: "Tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT được quy định trong Thông tư 06 rất rõ, trong đó giải thưởng, huy chương chỉ là một trong những tiêu chuẩn để xét. Theo ông những tiêu chuẩn như có tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp cao, cống hiến phụng sự nghề nghiệp cho Nhà nước, cho nhân dân. Phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, uy tín nghề nghiệp, được đồng nghiệp và nhân dân yêu mến… đó mới chính là tiêu chuẩn đích thực".
Tuy nhiên, trong lúc chờ Bộ VH-TT&DL xét duyệt, các nghệ sĩ lại được phen nháo nhác, hy vọng, chờ đợi với không ít nỗi niềm canh cánh…