Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung:

“Đình chiến” - nhượng bộ hay chiến thuật?

Thứ Hai, 17/09/2018, 15:15
Sau khi Mỹ hoàn tất kế hoạch áp thuế 50 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và dọa áp hai gói áp thuế 200 tỷ USD và 267 tỷ USD, dường như đã có những động thái mới từ cả hai nước khi cùng không muốn cuộc “thương chiến” bị leo thang tới mức vượt kiểm soát.

Khu vực Đông Nam Á và nhiều nước trên thế giới có thể tạm thở phào khi hai bên quyết định “đình chiến”.

Le lói cuối đường hầm

Ngày 12-9, trước sức ép về 2 gói áp thuế ở vòng 2 Mỹ dự định áp thuế với hàng hóa Trung Quốc lên tới gần 500 tỷ USD, Trung Quốc đã tuyên bố với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) rằng nước này muốn áp các biện pháp trừng phạt trị giá 7 tỷ USD mỗi năm lên Mỹ để trả đũa việc Washington không tuân thủ với phán quyết của WTO trong một vụ tranh chấp liên quan đến thuế chống bán phá giá.

Theo hãng tin Reuters, đề nghị của Trung Quốc muốn được WTO cho phép đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Mỹ có khả năng sẽ dẫn tới cuộc đấu pháp lý kéo dài nhiều năm xung quanh hình phạt và giá trị phạt.

Sau tuyên bố trên của Trung Quốc chưa đầy một ngày, ngày 13-9, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất tiến hành một vòng đàm phán thương mại mới với Trung Quốc nhằm giải quyết các vấn đề tồn đọng cũng như giải tỏa các quan ngại.

Nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và các quan chức cấp cao khác đã mời các đối tác đồng cấp Trung Quốc, trong đó có Phó Thủ tướng Lưu Hạc, tham gia vòng đàm phán thương mại mới nhằm giải quyết các quan ngại, trước khi Mỹ xem xét áp đặt thêm các mức thuế quan với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Cuộc gặp này có thể diễn ra tại thủ đô Washington hoặc Bắc Kinh trong những tuần tới.

Thông tin mới này đã khiến các chỉ số chính như Dow Jones và S&P tăng nhẹ, phản ánh tâm lý kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc tranh chấp thương mại sẽ được giải quyết. Chốt phiên giao dịch ngày 13-9, các chỉ số này tăng từ 0,04 - 0,1%. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạm thời không bị đẩy tới ngưỡng nguy hiểm.

Cũng trong ngày 13-9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này hoan nghênh đề xuất của Mỹ về việc tổ chức vòng đàm phán thương mại mới nhằm giải quyết các vấn đề tồn đọng. Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết Washington và Bắc Kinh thường xuyên đối thoại về các vấn đề thương mại, đồng thời thông báo hai bên đang thảo luận một số chi tiết liên quan đến cuộc đàm phán sắp tới. Ông Cảnh Sảng nhấn mạnh căng thẳng thương mại leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ không có lợi cho bất cứ bên nào.

Cuộc chiến thương mại giữa hai nước gây khó khăn cho cuộc sống của nhiều công nhân Trung Quốc. Ảnh: Livemint.

Phân tích về động thái mới, trang mạng cnbc.com, ngày 13-9, cho rằng các quan chức Mỹ được cho là đang tìm kiếm các cuộc đàm phán cấp cao với Trung Quốc trước khi một loạt biện pháp thuế quan tiếp theo được áp dụng nhưng các nhà chiến lược lại hoài nghi về khả năng các cuộc đàm phán được đề xuất sẽ làm giảm bớt căng thẳng thương mại giữa hai nước trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào tháng 11 tới.

Gary Hufbauer, thành viên cấp cao của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, nói: "Tôi nghĩ họ thực sự lo ngại về phản ứng của các thị trường tài chính trước việc áp thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Đó là một đòn giáng mạnh. Các thị trường tài chính rất khó kiểm soát trước những rủi ro thương mại này... Chúng có thể gây ra một cú sốc trước cuộc bầu cử vào tháng 11 tới".

Trong khi đó, báo The Wall Street Journal cho biết, chính quyền Tổng thống Trump đã sẵn sàng áp thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Tổng thống Donald Trump thậm chí đe dọa sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc có tổng trị giá 267 tỷ USD. Các nhà chiến lược cho biết họ không mong đợi các quan chức Trung Quốc xúc tiến vấn đề thương mại cho đến khi có kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ và liệu phe Trump có bị suy yếu do đảng Dân chủ giành chiến thắng hay không.

Chuyên gia Hufbauer tuyên bố ông "không trông chờ bất cứ đột phá nào. Điều mà chính quyền đang tìm kiếm là một số nhượng bộ ngay lập tức". Ông cho rằng Trung Quốc có thể nhượng bộ bằng cách chấm dứt áp thuế đối với các mặt hàng nông nghiệp chủ chốt, như đậu nành, thịt lợn và chấm dứt đặt điều kiện đối với các công ty công nghệ thành lập công ty liên doanh nếu họ muốn hoạt động ở Trung Quốc.

Tom Block, chiến lược gia chính trị của quỹ Fundstrat Washington, nhấn mạnh "vấn đề ở chỗ đây là chiến thuật đúng đắn để giải quyết tình hình, và có một lập luận rằng Mỹ cần nhẫn nại trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc".

“Thương chiến” đắt giá

Trước đó ít ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa tiếp tục áp thuế vòng thứ 2 đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ, với hai gói áp thuế 200 tỷ USD và 267 tỷ USD, sau khi Mỹ hoàn tất kế hoạch áp thuế 50 tỷ USD đối với hàng hóa từ Trung Quốc vào cuối tháng 8-2018. Động thái này khiến căng thẳng với Mỹ - Trung leo thang tới mức khó kiểm soát.

“Thương chiến” trị giá trên 500 tỷ USD giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tác động tiêu cực đến kinh tế khu vực Đông Nam Á và nhiều nước trên thế giới.

Ngay trước thời điểm Tổng thống Trump dự định áp thuế bổ sung đối với gói 200 tỷ USD, thống kê cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc vẫn tăng kỷ lục. Thống kê của Bộ Thương mại Mỹ đưa ra hôm 4/9 cho thấy, trong tháng 7, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng 9,5%, lên mức 50,1 tỷ USD, là mức tăng cao nhất trong 1 tháng kể từ năm 2015. Và với lý do trên, phía Mỹ dường như có thêm cớ để gia tăng áp lực đối với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại.

Về quyết tâm này của Mỹ, khi trả lời phỏng vấn truyền thông Mỹ, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế quốc gia thuộc Nhà Trắng, ông Larry Kudlow cho rằng Trung Quốc không nên đánh giá thấp quyết tâm chuẩn bị chiến tranh thương mại với Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump.

Một khía cạnh khác của tranh chấp kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến chính sách công nghiệp của Trung Quốc. Mỹ cho rằng Bắc Kinh hỗ trợ cho sự phát triển của các ngành công nghệ cao và cải thiện vị thế của các công ty Trung Quốc trong các chuỗi giá trị toàn cầu (chẳng hạn theo chiến lược Trung Quốc 2025), thường gây tổn hại cho các công ty Mỹ. Điều này tác động đến các lĩnh vực có vai trò quan trọng then chốt đối với tính cạnh tranh trong dài hạn của ngành công nghiệp và dịch vụ của Mỹ, trong đó có trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, người máy, công nghệ sinh học, công nghệ hàng không và không gian.

Việc giảm bớt khoảng cách công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ trong các lĩnh vực này được xem như một mối đe dọa đối với lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ trong dài hạn, cũng là một thách thức đối với lợi thế công nghệ của quân đội Mỹ.

Thiệt thì cùng thiệt...

Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung căng thẳng, nhiều nhà máy Trung Quốc đang mất đơn hàng xuất khẩu và phải sa thải công nhân. Trang CNN Money dẫn kết quả một cuộc khảo sát do công ty truyền thông Caixin phối hợp với công ty nghiên cứu thị trường Markit thực hiện cho biết, tăng trưởng sản lượng trong ngành sản xuất và chế tạo có quy mô khổng lồ của Trung Quốc trong tháng 8 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm. Nền kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc từ đầu năm nay, dấu hiệu giảm tốc xuất hiện nhiều và rõ hơn.

Các công ty Trung Quốc đã bắt đầu tính chuyện di dời sản xuất sang nước khác để tránh các hậu quả của cuộc chiến. Thực tế, xu hướng di dời sản xuất sang nước khác không phải là mới đối với Trung Quốc trong thời gian gần đây. Trong bối cảnh thị trường lao động trong nước bão hòa, giá nhân công địa phương tăng, các quy định về chuẩn mực môi trường bị thắt chặt hơn, công nghiệp Trung Quốc nói chung đã tìm đường di dời một phần sản xuất sang nước khác, chủ yếu là trong khu vực Đông Nam Á.

Ở phía bên kia, theo kết quả một cuộc thăm dò được công bố ngày 13/9, đa số các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc đã bị tác động mạnh sau những căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn trên thế giới. Cuộc thăm dò do Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Trung Quốc tiến hành từ ngày 29-8 đến ngày 5-9 đối với hơn 430 công ty Mỹ hoạt động tại cường quốc châu Á này. Theo đó, hơn 60% các công ty cho biết lợi nhuận và nhu cầu của khách hàng sụt giảm do hai nước áp thuế trả đũa lẫn nhau.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế vòng 2 đối với hàng hóa Trung Quốc. Ảnh: Afternoon Voice.

Bên cạnh đó, khoảng 74,3% các công ty nói rằng sẽ bị ảnh hưởng nếu Mỹ tiếp tục áp thuế bổ sung đối với lượng hàng hóa của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Khoảng 67,6% số ý kiến bày tỏ tâm lý bi quan tương tự nếu Trung Quốc áp thuế trả đũa đối với lượng hàng hóa của Mỹ trị giá 60 tỷ USD. Ngoài ra, hơn 52% các công ty trên cho rằng chính quyền Bắc Kinh đang “gây khó dễ” cho họ bằng nhiều biện pháp như thủ tục thông quan chậm, thanh tra gắt gao, hành chính quan liêu.

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Trung Quốc William Zarit cảnh báo chính quyền Mỹ đang đối mặt với nguy cơ rơi vào "vòng xoáy" của cuộc chiến thương mại với những đòn "công kích và đáp trả", vốn không đem lại lợi ích cho bên nào.

Michael Strain, Giám đốc Chương trình nghiên cứu chính sách kinh tế thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), nhận định: Chúng ta vẫn không biết ông Donald Trump muốn thúc đẩy cuộc chiến tranh thương mại đi xa đến đâu nhưng tác động tiêu cực của nó đã rõ ràng. Sự tấn công của ông Trump đối với các cơ chế quốc tế và người nhập cư có thể làm suy yếu năng lực của nền kinh tế Mỹ trong giai đoạn dài.

Cơ hội và thách thức

Justin Wood, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), mới đây khi trả lời phỏng vấn báo chí đã đưa ra nhận định, mâu thuẫn Mỹ-Trung về thương mại có thể cũng khiến ASEAN phải tự thay đổi mô hình kinh tế. Ông Wood nói: “Thương mại toàn cầu bị tổn thương bởi những tranh chấp này và khi tình hình xấu đi, nền kinh tế của ASEAN chắc chắn sẽ không tránh khỏi những tổn thương khá nặng”.

Theo ông Wood, các nền kinh tế ASEAN đã có nhiều thập niên phát triển dựa vào mô hình xuất khẩu, chế tạo và nhiều nước trong khối vẫn rất phụ thuộc vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng của họ cũng như mời gọi đầu tư từ bên ngoài.

Ông Wood nhận định: “Chắc chắn ASEAN quan tâm tới việc đảm bảo một môi trường thương mại toàn cầu lành mạnh với cam kết cho một hệ thống mở, minh bạch và tuân theo luật lệ. Nếu điều đó bắt đầu bị ảnh hưởng bởi tranh chấp hiện tại thì tôi nghĩ nó sẽ gây tổn hại rất lớn cho ASEAN”.

ASEAN là khu vực chịu ảnh hưởng lớn nếu Mỹ-Trung Quốc xung đột về thương mại. Ảnh: SIMA Asean.

Theo ông Wood, đây là lúc để xem ASEAN có thể có những phản ứng như thế nào: “Từ trước tới nay ASEAN có xu hướng dựa vào thị trường bên ngoài để thúc đẩy tăng trưởng của khối. ASEAN có dân số 600 triệu người và 600 triệu người này đang có sức mua ngày càng tăng. Đây là thời điểm quan trọng đối với các nước ASEAN để bắt đầu suy nghĩ sâu sắc hơn về thị trường trong nước chứ không phải là thị trường bên ngoài hay toàn cầu”.

Giám đốc khu vực châu Á của WEF cho rằng ASEAN nên bắt đầu tính đến cái gọi là ý tưởng về một thị trường chung: “Nếu ASEAN có thể xây dựng một thị trường chung thực sự có sự kết nối mạnh, thị trường và nhu cầu khu vực có thể tạo lực đẩy thực sự cho ASEAN”.

Cùng chung nhận định này, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia Ong Kian Ming nhìn nhận chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vừa là thách thức, vừa là cơ hội để ASEAN tự thúc đẩy chính mình. Theo ông, các nước ASEAN nên tích cực phối hợp để cùng gia tăng sức hút đầu tư cho khu vực thay vì chỉ tập trung vào việc phát triển của riêng mình. Thứ trưởng Ong Kian Ming cũng nhận định rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khó có thể được giải quyết trong ngắn hạn và các nền kinh tế mở sẽ chịu ảnh hưởng từ những mâu thuẫn này.

Vì lẽ đó, ông cho rằng Malaysia nói riêng và các nền kinh tế tương tự khác trong khu vực cần cởi mở với đầu tư và nhanh chóng thúc đẩy việc hoàn thành các thỏa thuận thương mại như Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để sớm củng cố lập trường duy trì thương mại cởi mở.

Hoa Vinh
.
.