Đình miếu cổ lưu dấu đất Sài Thành

Thứ Ba, 26/03/2019, 13:33
Trải qua 300 năm lịch sử của vùng đất Sài Gòn - Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay còn lưu giữ những đình miếu cổ kính làm chứng tích lịch sử qua 3 thế kỷ thăng trầm.


Đình thần Chí Hòa

Đứng đầu trong top này là đình thần Chí Hòa. Tọa lạc tại quận 10, TP Hồ Chí Minh, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia này hiện có diện tích 32,8x15m - nhỏ hơn nhiều so với diện tích thực hơn 1ha ngày trước do bị lấn chiếm, song vẫn cảm nhận được khí thế hào hùng của một nơi từng được chọn là võ trường luyện tập võ nghệ của nghĩa quân Thiên địa hội Phan Xích Long. Trước kia đình có cây đa to hàng trăm năm tuổi, gốc lớn đến 3 người ôm. Năm 1980, cây đa bị đốn, cảnh quan đình thay đổi.

Đình xây trên nền cao 5 tấc, lợp ngói âm dương, đình có kiến trúc theo hình chữ Tam, gồm 3 lớp là nhà võ ca, chánh điện và hai dãy nhà đông và tây lang ôm theo chánh điện. Đi từ bên ngoài, trước võ ca có bàn thờ và tượng Thần Hổ đắp nổi uy nghi, hai bên có tượng kỳ lân phủ phục, chạm đôi câu liễn: "Hổ cứ sơn lâm phù xã tắc/ Long du nguyệt điện tráng sơn hà". Bên cạnh có bàn thờ Thần Nông, tượng bằng thạch cao.

Đình thần Chí Hòa.

Chính tại nhà võ ca này, năm 1915 - 1917, phong trào Thiên địa hội do "hoàng đế" Phan Xích Long lãnh đạo chống lại thực dân Pháp đã chọn làm nơi luyện tập võ nghệ, ăn thề của các nghĩa sĩ... Năm 1945, đình Chí Hòa lại sôi động do phong trào Thanh niên Tiền phong nổi lên. Dưới bệ sân khấu hiện còn hầm bí mật được lực lượng Thanh niên Tiền phong sử dụng trong một thời gian. Bên trong có sân khấu quay mặt về chính điện, hai bên có tranh diễn tả lại ngôi trường và lớp học của cụ Võ Trường Toản...

Khu chính điện có nóc tạc hình "lưỡng long chầu nguyệt", bốn đầu đao của mái là bốn đầu rồng. Vì đình thần Chí Hòa đã được hoàng đế sắc phong nên đầu đao là đầu rồng có chân xòe 3 móng, thể hiện thứ bậc Trung Đẳng Thần của vị Thành hoàng đình. Bên trong chánh điện có bức hoành phi 4 chữ "Thần Minh Chính Trực" cùng với hàng cột gỗ lim đen bóng có đường kính 30cm, cao 4m-7m chống đỡ giàn kèo thượng lương đã trên 150 năm tuổi. Bộ vì kèo với kỹ thuật xây dựng chêm, nêm rất tinh vi.

Ngoài ra các bao lam với nghệ thuật chạm thủng hình tứ linh hoặc mai, lan, cúc, trúc vừa cách điệu vừa chịu lực cho bộ vì kèo và cột. Các bộ liễn chữ Hán cẩn xà cừ rất quý và các bức hoành treo trước võ ca, đông và tây lang đều trên 100 năm tuổi. Những hiện vật thờ cúng trong điện đều thuộc loại quí hiếm như bộ giá gỗ lim với giàn binh khí cổ, tượng Bạch Mã, cặp hạc, bộ bát bửu; chiêng trống; bộ tàn lọng - áo mão-cân đai, võng điều và long xa.

Quý nhất là hộp gỗ mun thân tròn đầu vuông, dài 4 tấc, trong đó có đựng bản sắc phong của vua Tự Đức phong cho đình vào ngày 16-2 năm Nhâm Tý (1852). Bản sắc phong chỉ được mang ra khỏi hộp khi có đại lễ. Bàn thờ Phúc Thần hay vị Thành Hoàng bổn cảnh đặt trịnh trọng ngay chánh điện, bàn thờ tả và hữu ban ở hai bên. Đối diện nhau có 2 bàn thờ: Phước Đức chánh thần (Thần Đất) và Đông Trù tư mệnh (Táo Quân).

Cạnh có bàn thờ Ngũ Hành nương nương. Đông lang kích thước hẹp, sử dụng như nhà kho. Tây lang rộng hơn, bố trí 2 bàn thờ Tiền Hiền và Hậu Hiền. Bàn Hậu Hiền ghi danh sách một số vị quá vãng có công xây dựng đình. Hầu hết các bàn thờ đều bài trí theo lối "đông bình, tây quả", giữa hương án, lư đồng.

Trường học của người thầy đầu tiên đất Gia Định

Bên trái trong chánh điện là bàn thờ vị danh sư đất Gia Định Võ Trường Toản (?-1792) với tượng tiên sinh ngồi đoan chính và bức bài vị đề "Xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh chi linh vị". "Xử sĩ Sùng Đức" là danh hiệu do triều đình ban tặng, còn dân chúng và giới sĩ phu tôn vinh thầy là Đức Võ Phu Tử.

Khoảng năm 1785, Võ Trường Toản đã mở trường học tại đình Chí Hoà và đào tạo ra những nhân sĩ nổi tiếng như Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh, Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Văn Trị, Hồ Huân Nghiệp, Bùi Hữu Nghĩa, Võ Duy Dương, Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Học Lạc, Ông Chiêu, Ông Trúc…

Đây có thể xem là trung tâm giáo dục đầu tiên, là lò đúc nhân tài cho vùng đất phương Nam. Các thế hệ nho sĩ và sĩ phu ở Gia Định xưa, dù không trực tiếp thọ giáo nhưng cũng đều là học trò của các môn đệ do Võ tiên sinh đào tạo. Ông Chiêu, Ông Trúc tức nghè Chiêu, nghè Trúc, chính là thầy dạy học của cụ Nguyễn Đình Chiểu.

Võ Trường Toản mất ngày 27-7-1792, để lại bài "Hoài cổ phú" được các sĩ phu Gia Định coi như là bài hịch dùng để tuyên truyền và khơi dạy lòng yêu nước của nhân dân sau sự kiện thành Gia Định bị mất (17-2-1859). G. Coulet, một tác giả người Pháp khi viết về các hội kín ở Nam Kỳ khẳng định "Hoài cổ phú" đã được các sĩ phu dùng làm tài liệu huấn luyện cho các tổ chức chống thực dân Pháp.

Năm 1996, đình Chí Hòa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia. Hằng năm vào ngày 16-2 Âm lịch, đình tổ chức long trọng Lễ hội Kỳ yên (cầu an), cầu cho "quốc thái dân an". Đây là ngày vua Tự Đức sắc phong cho đình vào năm 1852. 

Lễ Túc yết tổ chức vào sáng sớm, có xe hoa và lân cùng long xa đi rước sắc thần. Sắc thần đựng trong hộp gỗ phủ vải điều đưa lên long xa, hai bên có học trò lễ hộ giá. Vào chánh lễ, thường tế heo sống với các nghi thức chánh tế, bồi tế, đông hiến tây hiến tựu vị dâng rượu, lễ vật, đọc văn tế. Tiếp đó là lễ Xây chầu và hát bội tế thần, vì mang ý nghĩa diễn cho thần xem nên sân khấu phải quay vào chính điện. Sau lễ Kỳ yên, sắc thần được mang về thờ tại từ đường gần chợ Vườn Chuối.

“Thánh địa” của nghề kim hoàn Nam bộ

Giới kinh doanh, chế tác vàng bạc Nam Bộ có quy ước rằng sau khi đền Lệ Châu giỗ tổ (các ngày mùng 7, 8 tháng 2 Âm lịch) thì các đền thờ khác mới được tiến hành giỗ Tổ ở địa phương mình. Vì thế, lễ hội giỗ Tổ ở Lệ Châu là một cuộc hành hương lớn của thợ kim hoàn ở toàn Nam Bộ.

Các sắc phong cho Tổ nghề kim hoàn.

Đền thờ Tổ nghề kim hoàn Nam Bộ có tên là Lệ Châu hội quán, tọa lạc tại P.14,Q5, TPHCM. Đền được xây dựng từ năm 1892, là một trong những ngôi đền được xây dựng sớm nhất tại Sài Gòn. Vào những năm cuối thế kỷ 19, tại Chợ Lớn và các vùng lân cận, nghề kim hoàn, chế tác nữ trang đã rất phát đạt.

Để ghi nhớ ơn tổ và thầy, một số chủ lò kim hoàn, gồm các ông Nguyễn Tường Long, Võ Văn Tường, Huỳnh Văn Tiên, Trần Văn Lập, Cao Đình Huế, Thái Hồng Hưng… đã đứng ra vận động, quyên góp từ các lò kim hoàn, các thợ bạc ở khắp nơi và mua được một khu đất rộng ở đường Thủy Binh (Rue des Marins, nay là đường Trần Hưng Đạo) gần nhà thờ cha Tam. Nhà thờ tổ được khởi công vào năm 1892 đến năm 1896 thì hoàn thành.

Trong Sài Gòn năm xưa, ông Vương Hồng Sển viết: "Đường Nguyễn Trãi đi một đoạn khỏi đường Tổng Đốc Phương gặp chùa Lệ Châu. Đây là "chùa tổ" thờ tổ sư của nhóm thợ và chủ lò kim hoàn. Sau những người Hoa kiều đồng nghề cũng nhập với đồng nghiệp Việt Nam nên mỗi năm cúng tổ long trọng và oai nghi lắm".

Nơi đây từng là trụ sở của "Hội Lệ Cộng hòa tương tế ái hữu thợ bạc" từ năm 1936, rồi là trụ sở bí mật của Nghiệp đoàn thợ bạc cứu quốc, là cơ sở của Ban Kinh tài Nam Bộ và là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng. Lệ Châu hội quán được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật vào ngày 31-8-1998.

Đền rộng khoảng 1ha, được xây dựng theo kết cấu ba toà dọc, 7 cửa với hai hàng cột chạy dài từ ngoài vào trong. Tường gạch tô, mái lợp ngói âm dương, trước có sân rộng khoảng 400m2, gồm 3 toà nhà và một sân thiên tỉnh (giếng trời) ở sau chính điện. Toà nhà thứ nhất dùng làm nơi hội họp và là khu vực bái đường trong ngày lễ.

Trên vòm cửa có đắp bốn chữ: Lệ Châu Hội Quán bằng đồng và câu đối: Lệ thủy kim sinh cơ quốc thái/Châu đê ngân xuất nghiệp dân an. Nghĩa là: Sông Lệ sinh vàng nên quốc thái/Bờ Châu ra bạc nghiệp dân an.

Tuy  trải qua nhiều thăng trầm của biến cố lịch sử, nhưng Lệ Châu hội quán vẫn luôn được tu bổ, bảo quản trọn vẹn. Tính đến nay, ngôi thờ này đã trải qua bốn lần sửa sang, đó là vào các năm 1920, 1934, 1946, 1968. Lần sau cùng, nhà thờ được trùng tu lớn, cất lại Nghĩa từ, sửa chữa lại chánh điện do chiến tranh gây hư hại...

Ở Việt Nam, làng nghề kim hoàn sớm nhất giờ đây được biết đó làng Châu Khê, thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương đã có lịch sử trên 500 năm, thờ ông tổ là Lưu Xuân Tín, Thượng thư bộ Lại dưới thời vua Lê Thánh Tông có công khởi dựng nghề đúc bạc nén của làng. Còn tổ sư nghề kim hoàn Nam Bộ được thờ ở Lệ Châu thì sống vào thời Nguyễn.

Đệ nhất tổ Cao Đình Độ (1744 - 1810) người làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Xuất thân trong gia đình nông dân, lớn lên làm nghề bịt đồng nhưng ông luôn nung nấu ước mơ trở thành người thợ kim hoàn. Lúc bấy giờ chỉ có người Hoa mới biết phương pháp chế tác kim hoàn cũng như độc quyền kinh doanh vàng bạc.

Để học được nghề kim hoàn, ông phải cải trang thành người Hoa, xin vào giúp việc cho một chủ tiệm vàng ở Thăng Long. Nhờ trung thực, hiền lành, ông Độ được chủ tận tình truyền dạy nghề thành tài. Tay nghề ông ngày càng thành thạo và đạt trình độ kỹ thuật tinh xảo đủ sức tranh tài với những thợ kim hoàn người Hoa khác tại đất Thăng Long thời bấy giờ.

Năm 1783, Cao Đình Độ vào Kế Môn, huyện Phong Điền, Thuận Hóa (Huế) lập nghiệp, thu nhận đệ tử và truyền lại nghề cho con là Cao Đình Hương. Từ đó, làng Kế Môn trở thành làng nghề kim hoàn.

Danh tiếng cha con Cao Đình Độ lan xa. Năm 1790, vua Quang Trung đã cho triệu hai cha con ông cùng một số thợ bạc của làng Kế Môn vào triều đình để lập cơ vệ Ngân Tượng, chuyên lo việc chạm trổ vàng bạc và đồ trang sức trong cung điện. Cao Đình Độ được phong chức Lãnh binh, gia đình sinh sống tại làng Cao Hậu, huyện Hương Trà.

Năm 1802, Gia Long lên ngôi, những gì thuộc về vương triều Tây Sơn đều bị phá hủy, chỉ duy nhất ngành Ngân Tượng được bảo tồn và những người làm việc ở cơ vệ ấy đều được lưu dụng. Hai cha con ông Cao Đình Độ và Cao Đình Hương cũng như nhóm thợ làng Kế Môn vẫn được vua Gia Long trọng dụng, cấp bổng lộc và giữ nguyên tước cũ để tiếp tục nghề kim hoàn trong cung điện.

Năm 1810, ông Cao Đình Độ qua đời, hưởng thọ 66 tuổi. Con là Cao Đình Hương được kế tục sự nghiệp của cha với chức Lãnh binh, nhưng ít lâu sau, ông xin từ quan về quê để tìm người nối nghiệp, vì ông thấy rằng nếu chỉ quanh quẩn phục vụ trong cung vua thì nghề kim hoàn sẽ bị thất truyền, hoài bão của cha mình sẽ không thể trở thành hiện thực.

Lúc bấy giờ quan Thượng thư bộ Lại là Trần Minh, mời ông về dinh phủ dạy nghề kim hoàn cho ba người con trai là Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền và ba người cháu là Huỳnh Quang, Huỳnh Bảo, Huỳnh Nhật.

Hơn 10 năm truyền dạy nghề, năm 1821, ông Cao Đình Hương qua đời. Trước khi mất, mong muốn sau cùng của ông là học trò của mình đem nghề kim hoàn truyền bá rộng rãi trong dân gian. Thực hiện tâm huyết của thầy, ba anh em Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điền ra Thăng Long mở lò thu nhận đệ tử rồi sau đó vào Sài Gòn-Gia Định mở lò thợ bạc ở Chợ Lớn (Cảng Bình Đông ngày nay).

Sau khi truyền nghề cho 36 đệ tử ở Chợ Lớn, ba anh em lại tiếp tục đến các tỉnh miền Tây, sang Campuchia, Lào, Thái Lan... rồi qua đời khi nào, ở đâu không ai rõ. Còn Huỳnh Quang, Huỳnh Bảo, Huỳnh Nhật thì vào đất Phan Thiết mở lò, khai sinh ra nghề kim hoàn tại đây.

Như vậy, nếu như họ Cao có công khai sáng nghề kim hoàn, thì họ Trần, Huỳnh là những người có công phổ biến nghề kim hoàn suốt từ Bắc vào Nam. Họ được người trong nghề tôn vinh là tổ sư đời thứ hai của ngành kim hoàn Việt Nam.

Thiên Tường
.
.