Doanh nghiệp Việt với cơ hội từ EVFTA

Thứ Năm, 09/07/2020, 14:21
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Ngay khi có hiệu lực, các doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi về thuế quan với lợi thế khoảng 85% dòng thuế tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh Châu Âu (EU) được xóa bỏ thuế nhập khẩu.

Đối với giá trị hàng hóa còn lại, thuế quan nhập khẩu sẽ được EU xóa bỏ sau một lộ trình từ 7-10 năm hoặc áp dụng chế độ hạn ngạch.

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết Hiệp định EVFTA là một thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. Đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, được coi là mẫu mực trong khuôn khổ thương mại đa phương. Mẫu mực bởi đây là thực thể kinh tế gồm 27 quốc gia có trình độ về kinh tế và quản trị quốc gia ở mức tiên tiến, hàng đầu thế giới ký kết hiệp định thương mại với thực thể là một nền kinh tế đang phát triển và ở trình độ thấp hơn nhiều.

Các nội dung thỏa thuận dựa trên quy tắc bất đối xứng nhằm có những giải pháp hướng đến đảm bảo lợi ích chung của cả hai bên cân bằng. Hiệp định không chỉ đề cập đến các nội dung trong hiệp định thương mại truyền thống mà còn lĩnh vực mới và phi truyền thống.

Nông sản Việt Nam tìm cách tăng giá trị xuất khẩu sang EU.

Những cam kết của Việt Nam trong sửa đổi luật pháp về sở hữu trí tuệ, mua sắm công, cải cách doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như thương mại điện tử chính là cú hích tạo môi trường mới cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân trở thành chủ đề thật sự của quá trình hội nhập.

Hiệp định EVFTA đi vào thực thi sẽ mở đường cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và khai thác hiệu quả thị trường đầy tiềm năng với gần 500 triệu dân và GDP 18 nghìn tỷ USD. Việc chủ động tiếp cận, nắm vững về thị trường cũng như sẵn sàng đối mặt với những thách thức sẽ giúp các doanh nghiệp đón đầu thời cơ, tận dụng tối đa các lợi ích từ hiệp định thương mại này mang lại.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết thâm nhập thành công thị trường EU đồng nghĩa với việc Việt Nam có cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác cùng lúc với 27 quốc gia thành viên, góp phần giải quyết bài toán đầu ra về mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tránh bị lệ thuộc vào một số thị trường nhất định, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Bộ Công Thương, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới với quy mô nhập khẩu năm 2019 khoảng 2.197 tỷ USD, trong khi đó thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực này còn khiêm tốn, chiếm khoảng 2% với chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

EU hiện là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận với nguồn hàng hóa chất lượng, máy móc, thiết bị, công nghệ kỹ thuật cao từ các nước châu Âu. Thời cơ cho các doanh nghiệp Việt Nam còn được nhận định đến từ xu hướng dịch chuyển linh hoạt và dòng đầu tư trên thế giới để giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc vào một nguồn. Tác động kép từ COVID-19 và căng thẳng thương mại giữa các nước đã dẫn đến quá trình tái cơ cấu sâu sắc các chuỗi giá trị toàn cầu vốn đã diễn ra trước đó nên càng gia tăng tốc độ và quy mô chuyển đổi.

Việc Việt Nam bước đầu kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, sớm đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới, đồng thời là một trong số ít nước được World Bank dự báo tăng trưởng dương trước tác động của dịch COVID-19. Điều này sẽ mở đường cho các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng mới và tăng sức hấp dẫn đầu tư với các đối tác nước ngoài. Việt Nam đứng trước cơ hội đón đầu làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ dòng vốn của các quốc gia EU chuyển dịch vào Việt Nam với xu hướng đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng sạch, chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất máy móc, công nghiệp phụ trợ, dược phẩm... Các chuyên gia dự báo dòng đầu tư trực tiếp FDI từ EU vào Việt Nam về trung hạn và dài hạn sẽ gia tăng đáng kể với nhiều dự án chất lượng có giá trị cao.

Cơ hội là rất lớn nhưng theo ông Trần Tuấn Anh, có đến 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam không nắm rõ thông tin về Hiệp định EVFTA, một phần do doanh nghiệp hạn chế về nguồn lực và tư duy về hội nhập, một phần là trách nhiệm của Bộ Công thương. Ông Trần Tuấn Anh cũng đề nghị báo chí tích cực tuyên truyền hơn nữa để các doanh nghiệp nắm bắt nhiều thông tin và tìm kiếm các cơ hội mới tại thị trường châu Âu, thay vì để cho nước khác Tuyên truyền nhằm giúp doanh nghiệp hiểu và nắm bắt cơ hội

Tại tọa đàm về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và vai trò của truyền thông do Bộ Công Thương phối hợp với Ban Tuyên giáo TP Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 1/7, ông Trần Tuấn Anh phát biểu: “Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe mọi đóng góp của cơ quan truyền thông. Chúng ta cùng chung suy nghĩ, định hướng trong việc làm sao chia sẻ những điều tốt nhất, toàn diện nhất và đầy đủ nhất để xã hội, người dân và doanh nghiệp thật sự nắm bắt và hiểu kỹ, đầy đủ những cơ hội thách thức, nhiệm vụ, giải pháp mà chúng ta đang cùng kỳ vọng”, Bộ trưởng Bộ Công thương phát biểu.

Lãnh đạo một số cơ quan báo chí cho rằng thời gian qua Bộ Công Thương ít cung cấp thông tin cho báo chí thì không thể truyền tải đến người dân và doanh nghiệp. Chính vì vậy, có nhiều doanh nghiệp không nắm rõ Hiệp định. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng đây là thiếu sót của Bộ Công Thương và sẽ quan tâm đến việc cung cấp thông tin cho báo chí để kịp thời tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp.

Ông Trần Tuấn Anh cũng cho biết, Bộ Công Thương sẽ trao đổi với các bộ, ngành khác để thống nhất việc hỗ trợ doanh nghiệp một cách tốt nhất, “không để việc chúng ta tự làm khó chúng ta”.

Nguyễn Cảnh
.
.