Độc đáo đền thờ Nguyễn Tri Phương tại Đồng Nai

Thứ Sáu, 04/01/2019, 12:07
Hiếm có vị tướng nào mà trong một gia đình 3 người đều được dân chúng dựng đền thờ phối tế xem là phúc thần (Tam công) như Nguyễn Tri Phương cùng em ruột (Tán lý Định Biên Nguyễn Duy) và con ruột ông (Phò mã đô úy Nguyễn Lâm).

Ngoài đền thờ họ Nguyễn Tri ở quê cũ Phong Điền, Thừa Thiên - Huế, tại đất Đồng Nai cũng có một đền thờ Tam công mà trong đó Đức Ông Nguyễn Tri Phương được xem là thành hoàng của địa phương.

Thành hoàng là danh tướng

Qua cầu Gành thuộc phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, nhìn về hữu ngạn sông Đồng Nai sẽ thấy khu đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Tri Phương hiện lên hoành tráng giữa trời nước mênh mông, cây trái xanh tươi. Đền thờ quay mặt ra sông, theo hướng đông bắc. Theo phong thủy, đây là hướng tốt nhất để lập đền miếu. Bờ bên kia là Cù lao Phố sầm uất. Khuôn viên đền rộng khoảng 3.000m2.

Mặt trước đền đắp nổi 3 chữ Hán: Mỹ Khánh đình. Thì ra vùng đất này xưa kia thuộc làng Mỹ Khánh, dinh Trấn Biên. Không ai nhớ rõ ngôi đình này được lập từ bao giờ, chỉ biết trước đó là ngôi miếu thờ Thành hoàng bổn cảnh, đến năm 1803 thì được trùng tu thành đình và đến năm 1873 thì đình Mỹ Khánh cũng chính là đền thờ Tam công.

Tượng đồng Nguyễn Tri Phương.

Diện tích của đền là 500m², tạo dáng uy nghi bề thế. Kiến trúc đền theo lối chữ Công (I) gồm tiền đình, chánh điện và khách xá, mái lợp ngói vảy cá. Đỉnh chánh điện đắp lưỡng long tranh châu và đôi phụng hoàng bằng gốm men xanh nổi tiếng của Trấn Biên xưa. Họ tộc Nguyễn Tri tại Thành phố Hồ Chí Minh đã dựng bia khắc ghi công trạng của Nguyễn Tri Phương dựng trước sân đình. Các bao lam bằng gỗ quý chạm trổ hoa điểu, tứ linh rất công phu. Trong chánh điện treo nhiều bức hoành phi, liễn đối sơn son thếp vàng hàng trăm năm tuổi cùng đồ bát bửu, giá binh khí, áo mão....

Bộ quan phục của Nguyễn Tri Phương tại Bảo tàng quân sự Les Invalides, Pháp.

Nếu tính từ ngoài sân vào điện thì có đến 3 bức tượng Nguyễn Tri Phương. Trên hương án thờ chánh thần là tượng Đức Ông được khắc bằng gỗ mít đặt trên ngai chạm hình đầu rồng, sơn son thếp vàng tinh xảo. Đây là bức tượng chính của đền, tương truyền là một ông lão ở đây mộng thấy Đức Ông hiện về với áo mão nghiêm trang, khi tỉnh dậy bèn chặt cây mít trước nhà tự tạc thành tượng như trong mộng mà thờ.

Ba vị tôn thần

Bên tả và hữu chánh điện thờ hai vị Tán lý quân vụ Nguyễn Duy và Phò mã đô úy Nguyễn Lâm. Nguyễn Duy (1809-1861) tự là Nhữ Hiền, em ruột Nguyễn Tri Phương, thi đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ vào năm 1842. Năm 1860 ông được phong chức Gia Định quân thứ Tán lý quân vụ, trông coi việc quân sự ở Gia Định cùng Thống đốc quân vụ Nguyễn Tri Phương cùng Tham tán đại thần Phạm Thế Hiển.

Nguyễn Tri Phương chia quân thành ba đạo đóng tại đồn Phú Thọ, phủ hạt Tân An và tỉnh hạt Biên Hòa, hạ lệnh phòng thủ các đường sông, ngòi lớn nhỏ, vừa đánh và giữ, dần dần đắp thêm đồn lũy tiến sát đến chỗ địch đóng quân, chủ trương xây dựng Đại đồn Chí Hòa (về sau gọi là Kỳ Hòa) để bao vây, bức rút quân Pháp.

Tượng Tán lý quân vụ Nguyễn Duy.

Ngày 24-2-1861, quân Pháp tấn công Đại đồn Chí Hòa, quân ta chống cự quyết liệt nhưng trước hỏa lực quá mạnh của địch, đại đồn thất thủ, Gia Định lại bị chiếm. "Nguyễn Duy ra sức đánh lại, bị tử trận, thi hài tan nát, xác đã biến, không nhận rõ được hình người nữa. Có người biết được dấu áo ông thường mặc, bèn lượm xác đem về táng ở cửa Đông thành Biên Hòa" (Theo Điếu Nguyễn Duy của Nguyễn Thông). Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển bị thương nặng, phải rút quân về Biên Hòa đắp đồn lũy, lập trận tuyến phòng thủ.

Ông cho quân đắp lũy ở Tân Hoa, Trúc Giang, củng cố lũy Đông Giang, Phước Tứ và Đồng Môn. Ở pháo đài Phước Thắng và cửa Cần Giờ, ông điều quân canh giữ mặt biển. Trên sông Đồng Nai, Nguyễn Tri Phương cho đắp cản bằng đá ong để ngăn chặn tàu thuyền địch. Hễ dưới sông có "cản" thì trên bờ có đồn lũy, bố trí đại bác.

Một trong những bức tường cản còn lưu lại tới ngày nay là "cản" ở khúc sông trước đền thờ Nguyễn Tri Phương bây giờ. Trước khi điều Nguyễn Tri Phương ra giữ thành Hà Nội, vua Tự Đức đã lệnh cho đích thân ông trông coi việc cải táng, đưa linh cữu Nguyễn Duy về Thừa Thiên an táng. Sau khi cải táng, người dân Biên Hòa đã đắp lại ngôi mộ ở chỗ cũ để thờ vọng. Ngày nay trên bàn thờ Nguyễn Duy có thờ mấy mảnh giáp trụ, chóp mũ chiến đã nám khói súng của ông.

Các mảnh giáp trụ của danh tướng Nguyễn Duy còn lại.

Phò mã đô úy Nguyễn Lâm (1844-1873) là con trai thứ hai của Nguyễn Tri Phương, ham học, khiêm cung, được vua Tự Đức gả em gái là công chúa Đồng Xuân (con vua Thiệu Trị) và phong cho chức Phò mã đô úy. Ngày 20-11-1873, quân Pháp do Francis Garnier chỉ huy tấn công thành Hà Nội sau khi đòi Nguyễn Tri Phương giải giới - lúc ấy là Tam tuyên quân thứ Khâm mạng Đại thần - nhưng không được trả lời. Phò mã Nguyễn Lâm đến thăm cha, gặp lúc nguy nan được Nguyễn Tri Phương giao chỉ huy giữ cửa đông nam, đúng hướng quân Pháp tấn công vào thành.

Nguyễn Lâm bị trúng đạn tử trận, Nguyễn Tri Phương bị thương nặng, kiên quyết không cho quân Pháp cứu chữa, khảng khái nói rằng: "Bây giờ nếu ta chỉ gắng lây lất mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa" rồi tuyệt thực đến chết 1 tháng sau đó vào ngày 20-12-1873. Đích thân vua Tự Đức tự soạn bài văn tế cho ba vị công thần Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy, Nguyễn Lâm và cho lập đền thờ Trung hiếu từ tại quê nhà. Đối với Phò mã Nguyễn Lâm, vua Tự Đức ban dụ rằng:

Làm tôi mà chết trung, làm con mà chết hiếu là quy tắc của muôn đời. Nguyễn Lâm không có trách nhiệm gì đến việc giữ thành, mà biết hiếu nghĩa như thế, ơn nước, tiếng nhà hai đàng không hổ thẹn, so với đám con em tầm thường của bọn quý phái khác, cùng những kẻ lúc bấy giờ bỏ quan, tìm nơi tiện lợi cho mình há chẳng càng nên khen thưởng ư? Vậy tặng cho Lâm làm Thị lang Bộ Binh chiếu hàm mà cấp tuất; lại cho thêm 300 quan tiền, để khuyến cho những người trung hiếu sau này. Và sai quan tỉnh Hà Nội sức cho dân phu hộ tống quan cữu của Lâm về quê chôn cất.

Tại Đồng Nai, người dân cũng tạc tượng thờ "Tam vị tôn thần" và đình Mỹ Khánh trở thành đền thờ Tam công từ đó đến nay. Đôi câu đối như gợi lên phong thái của vị anh hùng dân tộc, tậm tâm báo quốc: "Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích địa/ Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự vọng thanh thiên" (Kia thành quách, kia non sông, trăm trận phong trần còn thước đất/ Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh).

Hằng năm tổ chức lễ Kỳ yên long trọng vào ngày 16, 17 tháng 10 âm lịch. Trước khi hành lễ, các vị hương chức lớn nhỏ đều hội tại đền để yết kiến thần thánh. Đến tối lễ bắt đầu từ lúc trăng lên cũng là khi con nước bắt đầu lớn. Lễ kéo dài trong hai ngày với những nghi thức tiến thần, diễn hành lễ bộ, tống phong... rất độc đáo và đẹp mắt.

Đền thờ Nguyễn Tri Phương đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1992.

Hậu duệ Nguyễn Tri Phương

Nguyễn Tri Phương (1800-1873) tên thật là Nguyễn Văn Chương, tự là Hàm Trinh, lấy chữ trong hào Lục tam, quẻ Khôn trong kinh Dịch: Hàm chương khả trinh, hoặc tòng vương sự, vô thành, hữu chung (đại ý: Ngậm chứa đức tốt không để lộ ra nên được vững bền, theo người trên mà làm việc nước, không mong công trạng cũng có kết quả).

Họ tộc Nguyễn Tri dựng bia ghi công Nguyễn Tri Phương.

Ông nguyên quán tại thôn Đường Long, xã Phong Chương, huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế), làm quan trải qua ba đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, từng giữ chức Khâm sai Tổng thống Quân vụ Đại thần kiêm Tổng đốc các tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên. 

Năm 1850 vua Tự Đức mới đổi tên cho ông là "Tri Phương", lấy ở câu "Hữu dũng thả tri phương" trong Luận ngữ, nghĩa là người vừa dũng cảm lại có mưu lược. Sau khi qua đời được thăng hàm Thái tử Thái bảo Võ hiển điện Đại học sĩ Trí dõng tướng Tráng liệt bá. Cuộc đời oanh liệt của ông gắn với việc làm Tổng chỉ huy quân đội triều đình nhà Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873).

Sau khi cha, chú và em trai hy sinh, con trưởng của Nguyễn Tri Phương là Nguyễn Ngọc được tập phong Tráng liệt tử, bổ Cấm binh Cai đội, trông nom việc thờ cúng tổ tiên, quyết không nhận bổng lộc hay chức tước gì của Pháp. Con của Nguyễn Duy là Nguyễn Văn Khâm làm Tư vụ chủ sự Bộ Lại cũng từ quan về quê dạy học làm thuốc. Tọa giám ấm sinh Nguyễn Hàm thì tham gia phong trào Cần Vương rồi mất tích.

Theo cụ Nguyễn Tri Tài, nguyên giáo sư Ban Việt - Hán, Đại học Văn khoa Sài Gòn, giảng viên  môn Hán cổ khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, cháu 5 đời của Nguyễn Tri Phương (đứng hàng chánh bái), thì dòng họ Nguyễn Tri còn một nhánh ở Tiền Giang. Trưởng nhánh là Nguyễn Tri Túc, con thứ Nguyễn Tri Phương. Ông Túc nổi tiếng về tài thổi sáo và đánh đàn, có hai con là Nguyễn Tri Lạc và Nguyễn Tri Khương cũng là những nghệ sĩ nổi tiếng.

Ông Lạc giỏi về hát bội, đàn cò, ông Khương là tác giả vở cải lương Giọt lệ chung tình (Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà) nổi tiếng. Con ông Lạc là nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca. Em gái ông là mẹ của Giáo sư tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê và nghệ sĩ quái kiệt Trần Văn Trạch.

Chú ruột của ông Nguyễn Tri Tài là Nguyễn Tri Kiệt, cháu nội Phò mã Nguyễn Lâm, con của Lễ bộ thượng thư Nguyễn Tri Kiểm cũng là nghệ sĩ đa tài, giỏi các loại đàn cò, tranh, nguyệt, làm đạo diễn và đóng vai kép hát bội, ca Huế, cải lương vào những năm 1940 tại xứ thần kinh Huế.

Hàn Phong
.
.