Độc quyền sách giáo khoa: Câu chuyện chưa có hồi kết

Thứ Ba, 02/10/2018, 10:24
Câu chuyện “độc quyền” sách giáo khoa (SGK) kéo dài một thời gian dài đến nay vẫn tiếp tục hâm nóng dư luận. Mới đây, báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về SGK đã khẳng định, sự “độc quyền” trong hoạt động xuất bản, in, phát hành SGK đã khiến hoạt động này mất đi tính cạnh tranh, thiếu công bằng, ảnh hưởng tới chất lượng, giá thành, gây bức xúc dư luận xã hội.

Giải pháp nào để xóa “độc quyền” một thị trường sách vốn được coi là một xuất bản phẩm đặc biệt và chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường xuất bản tại Việt Nam?

Một quy trình khép kín kéo dài

Để thực hiện báo cáo giám sát, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã làm việc với 3 Bộ: Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo và Công Thương; đồng thời tổ chức khảo sát thực tế ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Lâm Đồng; tham vấn các chuyên gia và đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo về các vấn đề thuộc phạm vi khảo sát (đã có 41 tỉnh, thành phố báo cáo về việc xuất bản SGK).

Bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, hoạt động xuất bản, in, phát hành SGK giáo dục phổ thông (GDPT) chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản luật như: Luật Xuất bản, Luật Giáo dục, Luật Thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật cạnh tranh... và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành.

Mặc dù hệ thống văn bản pháp luật đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động xuất bản, in, phát hành SGK GDPT nhưng vẫn tồn tại một số bất cập. Đó là quy định về thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tại Khoản 3, Điều 99 Luật Giáo dục hiện hành được cho là nguyên nhân chính dẫn tới độc quyền trong hoạt động xuất bản, in, phát hành SGK GDPT trong những năm qua, gây bức xúc dư luận xã hội.

Mặc dù Luật Xuất bản 2012 đã có một số quy định về điều kiện xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm nhưng chưa đủ để khắc phục bất cập này. Quy định về việc sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất SGK trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông (sử dụng một bộ SGK thống nhất trong cả nước) tại Khoản 3 Điều 29 Luật Giáo dục hiện hành đến nay không còn phù hợp, mâu thuẫn với quy định "thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học" tại Nghị quyết số 88/2014/QH 13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT.

Mặt khác, quy định về định giá, điều chỉnh giá bán lẻ xuất bản phẩm theo quy định pháp luật thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của tổng giám đốc nhà xuất bản (NXB) và quy định việc quản lý, định giá bán SGK – danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính chưa thống nhất, làm ảnh hưởng đến tính chủ động, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của NXB.

Thực hiện quy định của Luật Xuất bản, đến tháng 12-2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp, đổi giấy phép thành lập cho 37 NXB, trong đó chỉ có Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) có chức năng xuất bản SGK. Nhưng sau khi có chủ trương “thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, có một số SGK cho mỗi môn học”, đến nay có 5 NXB khác có đủ điều kiện về nguồn nhân lực và mạng lưới cộng tác viên được Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, bổ sung chức năng xuất bản trong giấy phép thành lập.

Đó là NXB ĐH Quốc gia Hà Nội; NXB ĐH Sư phạm Hà Nội; NXB ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh; NXB ĐH Huế và NXB ĐH Vinh. Nhưng cả 5 NXB này đến thời điểm hiện tại chưa tham gia vào thị trường SGK.

Dư luận kỳ vọng, việc xóa độc quyền trong thị trường Sách giáo khoa sẽ giúp người dân được mua sách với giá thành hợp lý, tránh lãng phí.

Như vậy, trong một thời gian dài, chỉ có NXBGDVN được cấp phép, có chức năng xuất bản SGK, điều này không chỉ làm cho hoạt động in, phát hành SGK thiếu khách quan, công bằng mà còn làm hạn chế vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Báo cáo giám sát còn chỉ ra, công tác quản lý nhà nước về thị trường SGK tại một số địa phương có dấu hiệu buông lỏng, phó mặc việc quản lý hoạt động SGK cho ngành giáo dục.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản, in, phát hành SGK tuy đã được quan tâm, nhưng chưa thường xuyên, lực lượng còn hạn chế, xử phạt chưa nghiêm nên khó khắc phục được tình trạng in lậu, in giả, sao chép trái phép SGK ngày càng tinh vi, phức tạp, lan rộng, có xu hướng gia tăng.

Trong 5 năm (2012 – 2017), Cục Xuất bản, in và phát hành và cơ quan hữu quan mới tiến hành được 17 cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động xuất bản, in, phát hành SGK, xử lý vi phạm hành chính 4 tổ chức và 5 cá nhân, xử phạt 640 triệu đồng.

Riêng TP Hồ Chí Minh giai đoạn này đã xử lý 5 trường hợp, phạt vi phạm hành chính 570 triệu đồng, tịch thu 19.000 cuốn SGK và 54.000 tờ giấy in chưa thành phẩm dùng in SGK. Thực tế đã xảy ra không ít vi phạm nghiêm trọng về bản quyền SGK, nhất là sách tiếng Anh, mĩ thuật, sách bổ trợ, tranh bản đồ, các loại sách tham khảo.

Về xuất bản SGK GDPT, bà Hoàng Thị Hoa cho rằng, qua khảo sát cho thấy dư luận rất băn khoăn khi Bộ GD&ĐT vừa tổ chức biên soạn, vừa tổ chức thẩm định, phê duyệt, chỉ đạo việc xuất bản, in và phát hành SGK đã tạo ra thế độc quyền khép kín trong tất cả các khâu của quy trình, từ biên soạn đến phát hành, không thúc đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá bán SGK.

Việc giao Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn, phê duyệt, xuất bản SGK không phù hợp với Luật Xuất bản 2012 và xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay là cơ quan quản lý nhà nước không tham gia biên soạn, xuất bản mà chỉ tổ chức kiểm duyệt, thẩm định SGK

Nhiều khâu trung gian, tăng chi phí

Đối với việc in, phát hành SGK GDPT, bà Hoàng Thị Hoa cho biết, hàng năm NXBGDVN tổ chức in SGK theo hai hình thức: in gia công (NXB giao cho các nhà in nội bộ có góp vốn của NXBGDVN, không được tham gia dự đấu thầu theo luật) và in đấu thầu rộng rãi.

Tuy nhiên, việc in SGK GDPT chỉ được đấu thầu rộng rãi sau khi đã trừ sản lượng giao cho các đơn vị in nội bộ của NXBGDVN và những tên sách có số lượng in thấp. Do đó, tính cạnh tranh chưa cao, dẫn đến hạn chế về chất lượng, khó giảm giá thành, chưa khuyến khích việc đầu tư phát triển ngành in.

Việc phát hành SGK được thực hiện chủ yếu theo hệ thống nội bộ của NXBGDVN (qua 4 công ty sách và thiết bị giáo dục). Giai đoạn 2012 - 2017 số lượng SGK GDPT đã in, phát hành tương đối ổn định (khoảng trên 100 triệu bản/ năm) và chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 30% tổng sản lượng xuất bản phẩm cả nước. Nếu tính cả sách tham khảo, sách VNEN và tài liệu Tiếng Việt Công nghệ giáo dục thì lên đến 75% tổng sản lượng xuất bản phẩm cả nước.

Bên cạnh đó, tình trạng in lậu, in nối bản SGK GDPT ngày càng lan rộng, tinh vi và phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước và người sử dụng trong phân biệt thật, giả, phát hiện vi phạm; ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tác giả, của nhà xuất bản và người tiêu dùng.

Bà Hoàng Thị Hoa đánh giá: "Việc phát hành SGK được thực hiện chủ yếu theo hệ thống nội bộ, khép kín của NXBGDVN. Hệ thống phát hành SGK GDPT còn cồng kềnh, quy trình phát hành chưa thật hợp lý do phải trải qua nhiều khâu trung gian làm tăng chi phí vận chuyển".

SGK in tại hơn 90 cơ sở in tại 63 tỉnh, thành, phải chuyển về nhập kho, sau đó, chuyển đến các công ty cổ phần sách và thiết bị giáo dục tại các miền, rồi mới chuyển về các công ty phát hành sách địa phương, từ đó chuyển cho cơ sở giáo dục hoặc đại lý, làm tăng chi phí vận chuyển.

Ngoài ra, mức chi chiết khấu phát hành SGK GDPT khoảng 250 tỷ đồng/ năm (tương đương với 25% doanh thu hàng năm 1.000 tỷ đồng) là khá cao, chưa thật phù hợp với cơ cấu giá thành, ảnh hưởng lớn đến việc chi trả của học sinh.

Mặc dù giá bán SGK GDPT hiện hành khá thấp so với mặt bằng chung của thị trường xuất bản phẩm và giữ nguyên từ năm 2011 nhưng trong nhiều năm qua, tình trạng phần lớn SGK chỉ sử dụng một lần, thay mới hàng năm, gây lãng phí ngân sách nhà nước, gây bức xúc dư luận xã hội.

Qua khảo sát cho thấy, một số cơ sở giáo dục phổ thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có phát động học sinh nộp lại sách cũ cuối năm học, để cung cấp cho các vùng khó khăn, nhưng số lượng không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do việc biên soạn, thiết kế SGK chưa hợp lý, đã đưa các dạng/ mẫu bài tập vào hầu hết SGK tiểu học và THCS; chất lượng giấy in, đóng quyền SGK GDPT chưa bảo đảm; việc chỉ đạo, hướng dẫn sử dụng, giữ gìn, bảo quản sách và công tác kiểm tra, đánh giá việc in, phát hành SGK của Bộ GD&ĐT chưa được quan tâm đúng mức.

Phải chống liên kết, cạnh tranh không lành mạnh

Để làm lành mạnh hóa thị trường SGK, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm, đặc biệt là SGK, nhằm tạo môi trường pháp lý công bằng, có tính cạnh tranh, khuyến khích xã hội hóa, thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực này.

Trước mắt, sửa đổi bổ sung các quy định liên quan trong Luật Giáo dục hiện hành về biên soạn, xuất bản, in và phát hành SGK phù hợp với Luật Xuất bản 2012; Nghị quyết 88 của Quốc hội và hệ thống pháp luật hiện hành; xem xét tách việc biên soạn, xuất bản SGK ra khỏi chức năng quản lý nhà nước về giáo dục; bổ sung quy định cụ thể liên quan đến áp dụng phương pháp giảng dạy, tài liệu thí điểm trong hệ thống trường phổ thông.

Đối với Chính phủ, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị chỉ đạo, triển khai việc rà soát, kiến nghị hoặc ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật liên quan như: Chính sách xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông mới; khuyến khích, tạo điều kiện để các NXB được xuất bản SGK tham gia đấu thầu rộng rãi trong in, phát hành SGK.

Khi nhiều Nhà Xuất Bản cùng xuất bản Sách giáo Khoa, sẽ giảm bớt những khâu trung gian, tiết kiệm được nhiều chi phí.

Về phía Bộ GD&ĐT, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội kiến nghị, Bộ tập trung chỉ đạo, triển khai NQ 88 và NQ 51 của Quốc hội chất lượng, đúng thời gian và lộ trình. Nghiên cứu việc công bố chương trình, SGK sử dụng ngân sách nhà nước, trước mắt ở cấp tiểu học và một số môn, một cách công khai qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ Công Thương kiên quyết xử lý các hiện tượng liên kết, cạnh tranh không lành mạnh, độc quyền trong SGK, không để xảy ra việc tích trữ, khan hiếm SGK. Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra, thanh tra việc phát hành SGK giả, nối bản và xử lý một cách kiên quyết và hiệu quả.

Trao đổi với chúng tôi, Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho hay, hiện có quá nhiều vấn đề liên quan đến SGK. Nhân dân thì cho rằng, in SGK quá tốn kém, coi như đây là “món hàng siêu lợi nhuận”. Trước hết phải có quan điểm mới về SGK. Để tránh lãng phí, tốn kém, có thể quan niệm, “một quyển sách giáo khoa chính thống và sách giáo khoa điện tử”, vậy có cần phải in đến hàng chục triệu bản nữa không?

Lúc đó làm sao còn độc quyền được nữa? Chỉ cần một quyển SGK chính thống, còn lại là sách điện tử, vì hiện ngày càng đông người Việt biết đến internet và sử dụng điện thoại thông minh. Các nhà trường cũng kết nối internet. Do đó, xu hướng sử dụng SGK điện tử là xu hướng của tương lai.

Nhưng phải có quy định, cách dùng SGK chính thống và SGK điện tử như thế nào, có được dùng tự do không? Trong điều kiện khó khăn của Việt Nam, không nên in “ào ào”. “Có nhiều người dân hỏi tôi, trong một thành phố, mỗi trường dùng một quyển SGK có được không? Tôi nghĩ hoàn toàn có thể được vì đó là quyền lợi của họ, quyền được lựa chọn. Nhưng như thế tôi e lại nảy sinh ra một thứ độc quyền khác, đó là, một nhóm lợi ích nào đó chỉ đạo, học sinh nếu không học sách này thì không thể thi được, buộc học sinh, phụ huynh phải chọn” – Giáo sư Dong chia sẻ.

Cũng theo Giáo sư Phạm Tất Dong: “Trước khi đi đến một cơ chế cụ thể về SGK cần phải đánh giá, bàn bạc thật cẩn thận, không thể cứ căn cứ vào “một chương trình, nhiều SGK” là in thật nhiều. Do đó, “nếu Bộ GD&ĐT không có phương án chỉ đạo chặt chẽ, tỉnh táo sẽ đi đến một “cơn bão” độc quyền mới. Tôi đồng ý “một chương trình, nhiều bộ SGK”, nhưng phải quy định rất chặt chẽ để không xảy ra lộn xộn như vừa rồi.

Tôi đề nghị Ban biên soạn SGK phải riêng biệt, độc lập, không nằm trong  NXBGDVN. Nếu vừa biên soạn, vừa xuất bản, vừa in khác gì “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, và câu chuyện chống “độc quyền” chỉ là hình thức?”…

Thu Phương
.
.