Đòi lại vỉa hè đã khó, duy trì còn khó hơn…

Thứ Ba, 07/03/2017, 19:35
Những ngày này, nóng nhất đối với người dân TP HCM không phải chuyện kẹt xe, tắc đường... mà là chuyện giành lại từng mét vỉa hè cho người đi bộ. Khởi đầu và nóng nhất là địa bàn quận 1. Tâm điểm của câu chuyện trên là việc ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 1 cả ngày lẫn đêm có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ đạo các cơ quan liên quan quyết liệt giành lại vỉa hè, trả cho người đi bộ. Phó Chủ tịch Đoàn Ngọc Hải tuyên bố cứng rắn “nếu không dẹp vỉa hè, tôi treo áo về vườn...”.

Tại cuộc họp thường kỳ tháng 2, ngày 27-2, Chủ tịch UBND TP HCM ông Nguyễn Thành Phong đã đánh giá cao việc quận 1 xử lý quyết liệt, chỉ đạo dẹp nạn lấn chiếm lòng lề đường tràn lan bấy lâu nay. Nhiều quận, huyện khác cũng đang “rục rịch” chuẩn bị ra quân.

Việc làm quyết liệt của quận 1 với công tác trực tiếp chỉ đạo của Phó Chủ tịch Đoàn Ngọc Hải đã và đang được hầu hết người dân thành phố hoan nghênh, ủng hộ. Tuy nhiên, ai cũng biết một vấn đề đã từng xảy ra, đó là sau khi dọn dẹp sạch sẽ xong, vỉa hè sẽ lại tái diễn lấn chiếm. Giành lại vỉa hè cho người đi bộ đã khó, thì việc duy trì trật tự lâu dài sẽ là chuyện vạn lần khó.

Vỉa hè đâu mất mà giành lại

Quyết tâm giành lại vỉa hè trả lại cho người đi bộ trên địa bàn đang trở thành hiệu ứng domino rất tích cực, kéo theo sự đồng bộ ra quân đòi lại vỉa hè của nhiều quận, huyện và thành phố khác trong cả nước. Tuy nhiên dư luận xã hội cũng đã xuất hiện về ý kiến trái chiều, ngược lại. Có người cho là đã “quá đà” thiếu tôn trọng tinh thần “thượng tôn pháp luật”...

Bao giờ cũng thế, bất cứ việc làm táo bạo, đột phá mạnh mẽ nào cũng đều vấp phải một số vấn đề. Nhưng mục đích của việc đòi lại vỉa hè đã được chính quyền và nhân dân đồng thuận cao.

Sở GTVT TP HCM cho biết: toàn thành phố hiện có 4.869 tuyến đường có diện tích mặt đường rộng từ 5m trở lên với tổng chiều dài khoảng 4.044km khắp các quận huyện. Trong số này, Sở GTVT TP quản lý 32 tuyến đường, tổng chiều dài 1.297km. Những con số thống kê cụ thể về tình trạng các tuyến đường như sau: có 186 tuyến không có vỉa hè (tổng chiều dài khoảng 271km) và 646 tuyến có vỉa hè, dài khoảng 1.026km thuộc diện quản lý của Sở GTVT TP.

Trên thực tế, tuyến đường vỉa hè dưới 3m nhiều nơi đã bị xóa sổ từ rất lâu do tình trạng lấn chiếm, buôn bán, kinh doanh của người dân. Trong khi số lượng vỉa hè có chiều rộng từ 3m trở lên khoảng 313 tuyến, tổng chiều dài hơn 368m thì đây chính là diện tích vỉa hè rất cần đòi lại, trả cho người đi bộ.

Riêng với 2.412 tuyến đường không vỉa hè, tổng chiều dài khoảng 1.803km và 1.625 tuyến có vỉa hè dài 942km do các quận, huyện quản lý hầu hết đã bị lấn chiếm dùng làm nơi kinh doanh, buôn bán rất bát nháo, gây ra tình trạng hỗn loạn, phức tạp gây mất an ninh trật tự và mỹ quan đô thị. Thậm chí có nơi là điểm đen về TNGT và mất TTAT giao thông.

Cũng cần nói thêm, nếu nhìn ở góc độ diện tích lòng lề đường hiện trạng của 4.869 tuyến đường, thì chỉ có 1.238 tuyến có bề rộng từ 7,5m trở lên với tổng chiều dài khoảng 1.716km. Căn cứ theo Quyết định số 74/2008/QĐ - UBND ngày 23/10/2008 của UBND TP HCM, thì chỉ có 42,41% tuyến đường đủ đảm bảo tiêu chuẩn xem xét cho xe đậu đỗ dưới lòng lề đường. Do đó, người đi bộ lâu nay bị chiếm vỉa hè phải đi bộ dưới lòng lề đường cũng không thể yên ổn bởi tình trạng xe ô tô đậu đỗ chiếm lòng lề đường dẫn đến tình trạng người đi bộ phải tràn ra giữa đường mới có lối đi.

Tình trạng xe hai bánh tràn lên vỉa hè khi gặp sự cố ùn tắc càng khiến cho vỉa hè trở nên tồi tệ hơn, hỗn loạn hơn khi lưu thông vào giờ cao điểm trước và sau chủ trương phạt xe lưu thông trên vỉa hè. Tại trung tâm quận 1, quận 3, Sở GTVT TP cấm đậu xe 77 tuyến, cấm đậu theo giờ 20 tuyến và cấm dừng đậu 23 tuyến và cấm đậu theo ngày chẵn lẻ... nhằm tránh gây ùn tắc, nhưng nhiều đoạn đường vì quá hẹp, trật tự không duy trì được lâu như đường Tôn Thất Tùng, đoạn Bùi Thị Xuân đến Nguyễn Trãi.

Thiếu bãi đậu, gửi xe tại khu vực trung tâm thành phố, đặc biệt là ô tô dẫn đến tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng, người đi bộ bị đẩy xuống lòng lề đường là một thực tế đã và đang diễn ra. Cuộc chiến giành lại vỉa hè, sẽ vô cùng gian nan, khó khăn khi thực tế có quá nhiều tuyến đường vỉa hè chỉ còn tồn tại dưới 3m, thì không thể đủ cho một xe gắn máy dựng sát cửa nhà mặt tiền.

Thành phố hiện có hàng ngàn con đường vỉa hè rất chật hẹp, như cách nói của ông Trần Vinh Quang, đường Nguyễn Trãi, quận 1: Chỉ còn cách “treo xe” lên cửa nhà. TP HCM hiện có khoảng 7,45 triệu xe cá nhân theo đăng ký, cùng với xe các tỉnh thành đến đi mỗi ngày, trung bình có không dưới 10 triệu phương tiện lưu thông.

Phòng CSGT Đường bộ- Đường sắt Công an TP HCM cho biết thêm: mỗi ngày có khoảng 150 ô tô và 900 xe gắn máy đăng ký mới. Với số phương tiện khổng lồ này, bài toán về bãi đậu xe tại khu vực trung tâm TP đã nhiều năm qua vẫn còn loay hoay chưa có giải pháp hữu hiệu thì việc đòi lại vỉa hè chưa đồng bộ với nhiều vấn đề liên quan đến hạ tầng kỹ thuật cũng dễ dẫn đến việc duy trì trật tự lâu dài khó bền vững.

Bài toán cần nan giải lúc này là tạo “thói quen” chấp hành pháp luật và trật tự công cộng nhưng cần thiết phải tác động, tuyên truyền làm thay đổi nhận thức người dân. Thay đổi tâm lý buôn gánh, bán bưng, “di dộng”... vì không làm như thế, chỉ sau khi các đoàn công tác rút đi, người buôn bán lại tiếp tục tràn ra chiếm vỉa hè để mưu sinh...

Lập lại trật tự đã khó, duy trì còn khó hơn

Nhớ có lần ngồi ăn cơm trên vỉa hè đường Võ Văn Tần đối diện Trường Đại học Mở... có mấy dãy bàn khách ăn dài ra sát mép đường, hai ông khách Tây đi bộ qua bị kẹt xe dưới lòng đường, nên loay hoay tìm đường đi... sát ngay quầy thức ăn rất ngạc nhiên khi chủ nhà tưởng khách ăn cơm rối rít mời ngồi. Vỉa hè được người chủ kinh doanh “coi như” là một phần diện tích sở hữu của riêng mình, không còn là phần đường đi bộ công cộng.

Trở lại câu chuyện nóng giành lại vỉa hè đang diễn ra rất quyết liệt trên địa bàn quận 1, từ Chính phủ đến Bộ Công an, UBND TP và người dân đều ủng hộ và đang cần triển khai khắp các nơi. Các cơ quan truyền thông đã hồ hởi vào cuộc với thái độ tích cực ủng hộ cho việc làm phù hợp và đúng đắn đối với công tác chỉnh trang đô thị, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại là nơi đáng sống. Tuy nhiên, cũng đã có một bộ phận nhỏ của truyền thông và các trang mạng xã hội đã tham gia một cách tiêu cực, có thái độ phản ứng ngược nên khiến cho nhiều người quan tâm hiểu sai bản chất vấn đề.

 Là một quận trung tâm của thành phố hơn 10 triệu dân, hàng ngàn khách du lịch trong và ngoài nước có mặt tại địa bàn mỗi ngày, thì không thể để tình trạng nhếch nhác, kém mỹ quan hiện diện trên các vỉa hè đô thị khiến cho khách bộ hành than phiền không có lối đi, liên tục bị quấy rối, gạ gẫm bán hàng rong, móc túi... Từ nhiều năm về trước, nhiều chỉ thị, nghị quyết ban hành về chỉnh trang, lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường nhưng qua các đợt cao điểm mọi thứ lại tiếp tục tái diễn do các lực lượng không đủ sức, lực duy trì thường xuyên.

Tại cuộc họp ngày 1-3, Chủ tịch UBND TP - ông Nguyễn Thành Phong đã đánh giá cao lãnh đạo quận 1 trong việc đòi lại vỉa hè, nhưng ông cũng đặc biệt lưu ý đến cách làm, phải đúng trình tự pháp luật quy định, thận trọng từng bước thực hiện đối với các công trình, trụ sở bảo vệ mục tiêu, an ninh trật tự... Mặt khác, thành phố cũng lưu ý trách nhiệm của lãnh đạo phường trong việc duy trì trật tự, công tác vận động, tuyên truyền và sắp xếp công việc kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ của các hộ dân sau khi đòi lại vỉa hè cho người đi bộ. “Đừng để nỗ lực của chúng ta rồi đâu lại vào đấy” - Chủ tịch UBND TP nhắn nhủ với cán bộ quận về công tác lập lại trật tự.

Bên cạnh việc triển khai các giải pháp cấp thời một cách quyết liệt để giành lại vỉa hè cho người đi bộ, từ năm 2016, UBND quận 1 đã quyết định đồng bộ hóa hệ thống hạ tầng toàn bộ vỉa hè thuộc 134 tuyến đường, với tổng diện tích vỉa hè là 936.000 m2, sẽ lát đá granite ước tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng. Nguồn vốn được huy động từ các doanh nghiệp và người dân đóng góp để đầu tư làm khang trang hệ thống vỉa hè quận trung tâm thành phố.

Dự kiến thực hiện trước 80 tuyến vỉa hè trong quý 2/2016, có 5 tuyến đường thực hiện thí điểm gồm: Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thái Học, Phùng Khắc Khoan, Đồng Khởi và Công xã Paris. Dự án kéo dài trong 3 năm từ 2016 đến 2019. Để triển khai thực hiện lát vỉa hè theo kế hoạch, quận 1 đã bàn tính kỹ lưỡng, phối hợp đồng bộ với các sở, ngành liên quan cùng thực hiện ngầm hóa dây điện, cáp viễn thông... Riêng cây xanh, quận chủ trương trồng thêm, khi thi công theo hình thức cuốn chiếu, nhanh chóng trả lại mặt tiền không làm xáo trộn, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh, đời sống của người dân. Việc chỉnh trang, lập lại trật tự đô thị là hướng đến mỹ quan, hiện đại chứ không siết hoạt động buôn bán bình thường của người dân.

Câu chuyện đòi lại vỉa hè, giờ đây lan tỏa khắp mọi nơi trong thành phố. Cô Hạnh, một chủ quán nhậu trên đường Thành Thái, quận 10 đã cẩn thận dọn lùi sâu vào trong nhà hai dãy bàn với tâm trạng lo lắng: Lo nhất là chỗ để xe của khách. Hàng quán dọn lùi sâu vào trong không sao, nhưng còn xe của khách... Riêng bà Trần Mai Vân - cán bộ hưu trí ngụ đường Bùi Thị Xuân, quận 1 tâm đắc: Một thành phố hiện đại phải quang đãng, sạch sẽ chứ đâu như cái chợ hẻm lúc nhúc hàng họ, buôn bán không có lối đi cho người đi đường... tui ủng hộ anh Hải (Phó Chủ tịch Q1) hết mình...

Dọn sạch vỉa hè, trước hết là các hộ buôn bán nhỏ lâu nay chiếm dụng vỉa hè sẽ chấp hành nghiêm túc bảo đảm trật tự, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Nhưng với “đội quân” bán hàng rong di động, thường độc chiếm vỉa hè vào các buổi chiều, tối sẽ tiếp tục là bài toán nan giải. Vì thông thương, khi “vệ tinh” thám thính thấy lực lượng trật tự xuất hiện, họ nhanh chóng báo động cho nhay biết, dọn dẹp nhanh chóng rời đi, hoặc “nhấp nháy” trên đường thì các cơ quan chức năng không thể quy họ là người chiếm dụng vỉa hè. Với lý sự cùn của những người bán hàng rong, câu chuyện duy trì trật tự trên các vỉa hè khi đòi lại được sẽ tiếp tục còn nhiều gian nan, kiên trì lâu dài...

* Ảnh trong bài của Minh Đức: Cuộc chiến gian nan đòi lại vỉa hè…

Hoàng Châu
.
.