Đôi lời về bài báo “Quá nhiều sạn"

Thứ Sáu, 24/04/2009, 15:30
Sau khi ANTG đăng bài Nhiều "sạn" trong "Hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2009" của các tác giả Bùi Tấn Nam, Nguyễn Viết Hòa, Đỗ Tấn Ngọc phê phán tài liệu Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2009 môn Ngữ văn, thay mặt nhóm tác giả, ông Vũ Nho có đôi điều trao đổi lại.

Ông Đỗ Tấn Ngọc đã từng một mình đứng tên dưới bài báo có tít rất giật gân: "Những sai sót "giết" học sinh" đăng trên Báo Gia đình và xã hội số 36, ngày 25/3/2009. Chúng tôi đã có lời trao đổi lại cũng trên Báo Gia đình và xã hội số 38 ra ngày 30/3/2009.

Trong bài báo đó, chúng tôi đã trả lời từng điểm mà ông Đỗ Tấn Ngọc quy kết sai và kết luận: "Sự thật, những góp ý của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc hầu như hoặc không trúng, hoặc không đúng, hoặc chưa chính xác, có thể gây ra những hiểu lầm không đáng có".

Sau bài trả lời của chúng tôi, ông Đỗ Tấn Ngọc cố vớt vát thể diện bằng bài "Nhóm tác giả ngụy biện?" đăng trên Báo Gia đình và xã hội số 40, ngày 3/4/2009. Chúng tôi quyết định không trao đổi lại bài báo này vì ai ngụy biện, ai không ngụy biện thì bạn đọc đã rõ cả.

Nay trên Chuyên đề ANTG lại có bài báo “Quá nhiều sạn” và ký tên 3 người. Chúng tôi đã xem xét kỹ và thấy rằng đây vẫn là những nội dung mà ông Đỗ Tấn Ngọc đã đăng trên Báo Gia đình và xã hội, có  bổ sung thêm mục "Râu ông nọ cắm cằm bà kia".

Ngay ở bài báo đăng trên ANTG, mặc dù có ghi tên 3 người, nhưng ông Ngọc vẫn để sót câu văn này: "Hỏi rất nhiều giáo viên dạy văn cho biết ý kiến về cuốn “Hướng dẫn ôn tập môn Ngữ văn” (...), tôi đều nhận được những cái lắc đầu, chặc lưỡi..." (Bài báo đã dẫn, cột 8, trang 15, dòng 9).

Như vậy, 3 người, nhưng thực chất chỉ là một mình ông Đỗ Tấn Ngọc viết mà thôi. Xin nói thêm là nội dung  bài báo của 3 ông đăng trên Chuyên đề ANTG còn được 3 ông "bê nguyên xi" nhưng giật tít  khác: "Giá cao kiến thức xào xáo" và  đăng trên Báo Văn Nghệ trẻ số 15, ngày 12/4/2009. 

Để bạn đọc ANTG biết được sự thật, chúng tôi phải nói lại đôi điều cho rõ.

Về kết luận "bê nguyên xi tài liệu cũ, sách cũ", chúng tôi cho rằng 3 ông đã đọc một cách hời hợt, vội vàng. Chỉ thấy tên bài giống với bài cũ đã vội vã đưa ra những kết luận chủ quan và cẩu thả.

Xin dẫn chứng bài "Tuyên ngôn Độc lập" làm ví dụ. Tài liệu ôn thi năm 2008 về hoàn cảnh sáng tác chỉ viết: "Ngày 19/8/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 26 tháng 8 năm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về tới Hà Nội.

Tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Người soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trước hàng chục vạn đồng bào" (trang 45, tài liệu đã dẫn).

Với tài liệu năm nay, chúng tôi vẫn giữ nguyên đoạn trên, nhưng bổ sung thêm  hai đoạn cho phù hợp với sách mới:

"Hồ Chí Minh viết và đọc bản tuyên ngôn khi đế quốc thực dân đang chuẩn bị chiếm lại nước ta. Dưới danh nghĩa quân Đồng minh vào giải giáp vũ khí quân đội Nhật, quân đội Quốc dân đảng Trung Quốc tiến vào từ phía bắc; quân đội Anh tiến vào từ phía nam; thực dân Pháp theo chân quân Đồng minh, tuyên bố: Đông Dương là đất "bảo hộ" của người Pháp bị Nhật chiếm, nay Nhật đã đầu hàng, vậy Đông Dương phải thuộc quyền của người Pháp.

Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là lời tuyên bố với nhân dân Việt Nam, mà còn tuyên bố với nhân dân thế giới, phe Đồng minh và  cả kẻ thù của dân tộc về quyền tự do độc lập của dân tộc Việt Nam" (Hướng dẫn ôn tập... trang 17).

Chỉ một dẫn chứng trên về một bài đủ cho thấy những lời kết luận thiếu căn cứ của 3 ông về bê nguyên xi tài liệu cũ, sách cũ.

Về chuyện "Râu ông nọ cắm cằm bà kia":

Dẫn chứng thứ nhất, 3  ông lặp lại ý kiến của ông Đỗ Tấn Ngọc mà chúng tôi đã bác bỏ trong bài đăng trên Báo Gia đình và xã hội. Chỉ khác là ở bài báo của riêng ông Đỗ Tấn Ngọc, ý kiến này viết dưới tiêu đề "Mâu thuẫn, thiếu thống nhất". Đây là trả lời của chúng tôi mà ông Đỗ Tấn Ngọc đã không có cơ hội bắt bẻ:

Cũng với tiêu đề ấy, tác giả cho rằng ở bài "Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh" chúng tôi đã "bê nguyên" nội dung, kiến thức của sách lớp 12 hệ cải cách trước đây vào, khác hẳn sách chuẩn và sách nâng cao. Đây cũng lại là một quy kết hết sức thiếu căn cứ. 

Chúng tôi có trong tay sách giáo khoa Ngữ văn chuẩn và nâng cao, sao lại phải bê nguyên sách cũ? Trong mục Quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh, sách nâng cao trình bày 3 vấn đề: Bác coi văn chương là vũ khí chiến đấu, có đối tượng và mục đích rõ ràng;  Bác xem văn học nghệ thuật như "một mặt trận", các nhà văn là chiến sĩ trên mặt trận ấy; Sức mạnh của văn học cốt ở tính chân thực, hiện thực. Hồ Chí Minh đề cao thứ văn học chân thực (...), Người chủ trương phải viết cho dễ hiểu, cho "thấm thía", có "văn chương" thì quần chúng mới thích đọc. (Ngữ văn 12 nâng cao, tập 1, trang 31).

Bộ sách chuẩn Ngữ văn 12, tập 1, trang 24-25 về quan điểm sáng tác của Bác cũng trình bày 3 vấn đề như thế. Trong tài liệu của chúng tôi (trang 115) cũng nêu 3 vấn đề ấy. Chỉ có khác sách nâng cao ở thứ tự trình bày, nhưng từ đó mà kết luận là bê nguyên sách cũ và viết khác thì rất thiếu căn cứ.

Dẫn chứng thứ hai của 3 tác giả bài báo: "Bài Thuốc (Lỗ Tấn) sách chuẩn và sách nâng cao năm nay, ở phần Tiểu dẫn không hề có nói về quá trình học các nghề của Lỗ Tấn, thế mà các tác giả lại vẫn cho vào (giống như ở sách giáo khoa cũ)".

Quả thật, chúng tôi không rõ 3 ông đã đọc sách giáo khoa nào và đọc như thế nào mà có thể đưa ra kết luận như vậy?

Sách Ngữ văn 12 nâng cao, tập 2, trang 156, phần Tiểu dẫn về Lỗ Tấn viết: "Lỗ Tấn phải vào học Trường Khai mỏ và Trường Quân sự hàng hải để có học bổng". Tiếp theo, trang 157 viết: "Sau hai năm học Y khoa ở Sen-đai (Tiên Đài), năm 1906, do chứng kiến tình trạng ngu muội, hèn nhát của đồng bào mình trên màn ảnh, ông bỏ học, chuyển sang hoạt động văn học, muốn dùng văn học để nâng cao dân trí".

Sách Ngữ văn 12, tập 2, bộ chuẩn (trang 101) cũng viết về việc Lỗ Tấn được học bổng học y khoa nhưng đột ngột chuyển sang làm văn chương.

Sách viết rõ là Lỗ Tấn có học Trường Khai mỏ, Trường Quân sự hàng hải, Trường Y trước khi chuyển sang làm văn nghệ.

Xin hỏi 3 ông đã đọc tiểu dẫn nào, ở sách nào mà không thấy những nội dung đó?

Dẫn chứng thứ ba của 3 người: "Bài Ông già và biển cả (Hê-minh-uê), sách giáo khoa mới đâu có mục nào đề cập và hỏi về Nguyên lý tảng băng trôi của nhà văn. Trong khi đó, tài liệu ôn tập ở mục câu hỏi đề văn (trang 96) là có hỏi cái mà sách mới không dạy".

Được biết các ông là thầy giáo dạy văn, như tự giới thiệu, chúng tôi xin được trao đổi: Sách Ngữ văn 12, tập 2, bộ chuẩn, trong mục Tiểu dẫn trang 127 viết như sau: "Ông già và biển cả xuất hiện trên phần nổi của ngôn từ không nhiều, lối viết giản dị song phần chìm của nó rất lớn, bởi đã gợi lên nhiều tầng ý nghĩa mà người đọc sẽ rút ra được tùy theo thể nghiệm và cảm hứng trước hình tượng - đó là biểu hiện của nguyên lý sáng tác do nhà văn đề ra: tác phẩm nghệ thuật như một "tảng băng trôi" .

Phần Ghi nhớ, một phần rất quan trọng của sách đó, trang 135, có viết: Sự chuyển hóa từ bức tranh với những nét trần trụi, chân thực, giản dị sang một lớp nghĩa hàm ẩn, rộng lớn - đó chính là phong cách của Hê-minh-uê và cũng là sự thể hiện nguyên lý sáng tác của ông: tác phẩm nghệ thuật như một "tảng băng trôi".

Nếu dạy đoạn trích “Ông già và biển cả” mà không đụng đến nguyên lý "tảng băng trôi" của nhà văn thì không hiểu giáo viên sẽ dạy cái gì? Trong khi sách giáo khoa viết rõ như thế? Liệu 3 ông có thể viện lý do là không dạy sách chuẩn mà chỉ dạy sách nâng cao?

Xin thưa thêm cho rõ, sách giáo khoa Ngữ văn 12 nâng cao tập 2 cũng rất chú ý đến nguyên lý "tảng băng trôi". Trang 152, mục Hướng dẫn học bài có câu  số 5: Xem phần tri thức đọc - hiểu và trình bày cách Hê-minh-uê thực hiện nguyên lý "tảng băng trôi" trong văn bản. Cách đó 5 dòng, phần Tri thức đọc - hiểu có nửa trang in về Nguyên lý tảng băng trôi (trang 152, 153).

Giấy trắng mực đen rõ ràng như thế mà theo 3 thầy lại cho rằng: "Sách giáo khoa mới đâu có mục nào đề cập và hỏi về Nguyên lý tảng băng trôi của nhà văn".

Chỉ một mục đưa ra phê phán, nhưng cả 3 "minh chứng" trên của 3 ông đều không hề có căn cứ, bất chấp sự thật trong sách giáo khoa.

Những ví dụ khác được 3 ông dẫn ra, về cơ bản là lặp lại những ví dụ  của riêng ông Đỗ Tấn Ngọc mà chúng tôi đã trao đổi lại và bác bỏ  hoàn toàn trên Báo Gia đình và xã hội.

Trân trọng cảm ơn Chuyên đề ANTG đã cho chúng tôi cơ hội trao đổi lại những kết luận sai lạc của 3 giáo viên ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Thay mặt các tác giả

Vũ Nho
.
.