Đối sách của Hàn Quốc khi bị Trung Quốc “cấm cửa” và tẩy chay

Thứ Năm, 13/04/2017, 17:20
Theo hãng thông tấn Yonhap, hệ thống bán lẻ tại Trung Quốc của Lotte Group, tập đoàn lớn thứ 5 của Hàn Quốc, đang đứng trước nguy cơ sụp đổ khi gần 90% số cửa hàng Lotte Mart tại nước này phải đóng cửa tạm ngừng hoạt động.


Việc bắt buộc đóng cửa hàng loạt cửa hàng Lotte Mart được xem là động thái mới nhất của Trung Quốc nhằm vào các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại nước này để đáp trả kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc. Bắc Kinh kịch liệt phản đối việc triển khai hệ thống này tại Hàn Quốc vì cho rằng, sẽ ảnh hưởng đến các lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc, thế mà Tập đoàn Lotte đã ký thỏa thuận bàn giao một sân golf thuộc sở hữu của tập đoàn này ở huyện Seongju (đông nam Hàn Quốc) để chính phủ sử dụng làm nơi bố trí THAAD.

Năm 2016, doanh thu từ chuỗi cửa hàng Lotte Mart ở Trung Quốc đạt 1.130 tỷ won (998 triệu USD), tức 94 tỷ won/tháng (83 triệu USD). Việc phần lớn chuỗi siêu thị bị đóng cửa giáng thêm một cú mạnh vào Tập đoàn Lotte, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của tập đoàn này từ lâu bị thâm hụt. Năm 2016, Lotte ghi nhận mức thâm hụt tổng cộng 207 tỷ won (182 triệu USD) do các cơ sở bán lẻ, trong đó khoảng 80-90% ở thị trường Trung Quốc. Lotte hiện có khoảng 120 cơ sở bán lẻ tại Trung Quốc, bao gồm 5 gian hàng trong các khu mua sắm lớn.

Cảnh vắng vẻ bên trong siêu thị Lotte Mart của Hàn Quốc ở Thượng Hải.

Theo thống kê mới nhất của Lotte, 67 cửa hàng Lotte Mart tại Trung Quốc đã bị buộc ngừng hoạt động tạm thời kể từ ngày 19-3. Trong khi đó, khoảng 20 cửa hàng khác đã tự nguyện đóng cửa vì người dân địa phương liên tục biểu tình chống Hàn Quốc gần cửa hàng làm ảnh hưởng tới việc bán hàng. Một cửa hàng Lotte bị phạt 3.000 USD vì sử dụng máy bộ đàm cầm tay phát ra “tín hiệu không dây bất hợp pháp”.

Ước tính doanh thu từ Lotte Mart có thể bị thiệt hại tới 116,1 tỷ won (102,7 triệu USD) nếu các cửa hàng tại Trung Quốc tiếp tục bị đóng cửa trong 1 tháng. Lợi nhuận kinh doanh của Lotte Mart dự kiến sụt giảm hơn nữa vì vẫn phải trả đủ lương tháng cho các nhân viên bản địa trong tháng đầu tiên các cửa hàng bị đóng cửa.

Chưa bao giờ Lotte phải đối mặt với tình hình trầm trọng như thế này vì hoạt động kinh doanh của các cơ sở đặt tại Trung Quốc vốn đã trong “giới hạn đỏ”, không thể cầm cự thêm được nữa trước các lệnh cấm của chính quyền cũng như tình trạng tẩy chay của người dân sở tại.

Để tỏ rõ quan điểm chống lại THAAD, chính quyền Trung Quốc còn ban hành lệnh cấm mọi hoạt động, sản phẩm liên quan đến ngành giải trí Hàn Quốc tại đất nước này. Như vào ngày 26-2, Yonhap News đưa tin rằng Trung Quốc đã chặn tất cả các phương tiện chia sẻ trực tuyến cho phép người dùng truy cập để theo dõi những bộ phim truyền hình và âm nhạc Hàn Quốc.

Ngày 28-2, trang web của Lotte Mart ở Trung Quốc (lotte.cn) bị hacker đánh sập, hay, Trung Quốc ra lệnh cấm bán các tour du lịch đến Hàn Quốc. Vào giữa tháng 3, theo một bài báo độc quyền của tờ Segye Ilbo (Hàn Quốc), nhóm nhạc nữ MIXX đã chính thức tan rã và 3 thành viên người Trung Quốc của nhóm đã phải trở về quê hương của họ.

Lệnh cấm của Trung Quốc còn tác động đến nhiều lĩnh vực liên quan, như ngành kinh doanh hàng miễn thuế vốn phụ thuộc nhiều vào du khách Trung Quốc. Theo thống kê, du khách Trung Quốc chiếm 1/2 tổng số khách nước ngoài đến Hàn Quốc trong năm 2016 và chi tiêu ít nhất 2.000 USD/người để mua sắm tại đây.

Trong một nỗ lực nhằm giảm thiểu các thiệt hại, Chính phủ Hàn Quốc và các chính quyền địa phương ra sức thúc đẩy đa dạng hóa du khách nước ngoài từ các nước Đông Nam Á hay Trung Đông, nơi các ngôi sao nhạc pop và các sản phẩm phim truyền hình của Hàn Quốc được hâm mộ. Bộ Văn hóa Hàn Quốc cho biết sẽ có kế hoạch tổ chức các cuộc triển lãm du lịch tại Việt Nam và Singapore trong tháng 4 này để quảng bá du lịch Hàn Quốc.

Thành phố cảng lớn nhất của Hàn Quốc là Busan đã phối hợp với các doanh nghiệp địa phương để phát triển các chuyến du lịch khám chữa bệnh và du lịch bằng tàu biển cho các du khách từ Trung Đông, Ấn Độ, Mông Cổ và Nga. Tỉnh Bắc Chungcheong, nơi có sân bay quốc tế Cheongju, đang lên kế hoạch tăng các chuyến bay đến Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam, Nga và Nhật Bản.

Trong khi đó, các nhà ngoại giao Hàn Quốc đang áp dụng nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho công dân nước này ở Trung Quốc trước làn sóng bài Hàn trong người dân sở tại liên quan đến việc Seoul thúc đẩy kế hoạch triển khai THAAD.

Các nguồn tin cho biết Đại sứ quán Hàn Quốc tại Bắc Kinh gần đây đã mở một đường dây liên lạc trực tuyến đặc biệt để đưa ra những lời cảnh báo an toàn tới người dân Hàn Quốc trên khắp Trung Quốc. Việc này diễn ra trong bối cảnh sự giận dữ của người Trung Quốc đối với động thái của Hàn Quốc triển khai THAAD đã leo thang thành nhiều dạng bạo lực chống người và hàng hóa Hàn Quốc.

Theo các nguồn tin, thậm chí Đại sứ quán Hàn Quốc tại Bắc Kinh đã đưa ra khuyến cáo các công dân Hàn Quốc ở Trung Quốc nên tránh những khu vực đông người hay địa điểm diễn ra các cuộc tuần hành, cũng như tránh những cuộc tranh luận không cần thiết với người Trung Quốc.

Ngày 20-3, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Joo Hyung-hwan đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về hành động trả đũa của Trung Quốc đối với các công ty nước này do việc triển khai THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc. Bộ trưởng Joo cho biết: “Trung Quốc có thể vi phạm một số thỏa thuận thương mại” sau khi Bắc Kinh áp đặt các biện pháp hạn chế chống lại các công ty Hàn Quốc trong các lĩnh vực du lịch và bán lẻ.

Một quan chức giấu tên thuộc Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết văn bản khiếu nại không được coi là hành động pháp lý, mà là yêu cầu WTO xem xét liệu Trung Quốc có đang thực hiện các thỏa thuận thương mại một cách công bằng hay không.

Hiếu Thảo (tổng hợp)
.
.