Đời sống văn hoá Pháp trước khủng hoảng kinh tế

Thứ Ba, 02/12/2008, 16:00
Cơn bão tài chính đã vượt qua mọi biên giới, càn quét nhiều nền kinh tế và để lại nhiều hậu quả thảm khốc. Những tưởng đời sống văn hóa sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhưng thật ngạc nhiên là ở Pháp, người dân hầu như không cắt giảm gì nhiều các khoản chi cho văn hóa, nghệ thuật, giải trí.

Theo kết quả cuộc hội thảo tổ chức tại Avignon với 250 chuyên gia vừa qua thì người Pháp rất trung thành với thói quen ra ngoài thưởng thức nghệ thuật.

Ngay từ những ngày đầu diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính, người dân của xứ gà trống Gaullois vẫn chỉ có duy nhất một ý nghĩ trong đầu rằng nên tìm phương thức giải trí nào để quên đi những phiền muộn của cuộc sống hàng ngày.

Theo thông tin từ kênh Relaxnews, mức chi tiêu hàng năm của mỗi người dân Pháp vẫn được dành ra khoảng 1.025 euro để phục vụ cho nhu cầu văn hóa.

42% người dân Pháp vẫn muốn dành thêm tiền cho các phòng tranh, tham quan bảo tàng, nghe nhạc, xem phim... Thậm chí, Nhà hát Opera Paris còn ghi nhận một kỷ lục về số khách hàng quen lui tới thường xuyên nhiều hơn cả năm ngoái. Phim “Les Enfants du paradis” luôn được đón tiếp tỉ lệ khách lên tới 90%, Phim “La Petite Renarde rusée” cũng bán được số lượng vé vượt xa dự kiến.

Duy chỉ có phim “Tristan et Isolde” là đạt tỉ lệ khán giả là 85% thay vì 95% như ban đầu. Bất ngờ hơn cả là giá vé còn đắt hơn so với bình thường: 196 euro so với 138 euro như trước khủng hoảng.

Giá cả không còn là vấn đề đối với người Pháp. Chỉ trong tháng 9 và 10/2008, lượng khách thường xuyên tới rạp đã tăng 22,4% và đạt mức 14,2 triệu lượt. Những phim như “Séraphine”, “Vicky Cristina Barcelona”, “Le crime est notre affaire” rất được khán giả trông đợi. Không những thế, người Pháp còn háo hức với các phim ca nhạc như “Mamma Mia!”, “High School Musical” và không bỏ sót phim hình sự như “Go Fast”, “Mesrine”, “Mensonges d'État” và “Quantum of Solace”.

Khách hàng cũng nhiệt tình kéo nhau tới các cuộc triển lãm. Sự kiện lớn như buổi trưng bày của nghệ sĩ điêu khắc Jeff Koons nổi tiếng của Mỹ tổ chức ở cung điện Versailles quyến rũ được 200.000 người tới xem trong vòng hai tháng mặc dù giá vé vào cửa lên tới 13,50 euro. Buổi triển lãm tranh Picasso ở Grand Palais cũng có giá vé tương đương còn hấp dẫn được 5.000 người/ngày.

Mùa đông cũng là thời điểm người Pháp trốn tiết trời giá lạnh bằng các cuốn sách yêu thích. Họ năng đến thư viện hơn nữa, chịu khó chi tiền mua sách hơn. Theo Viện Nghiên cứu GFK, doanh số bán sách của tháng 9 đã giảm, nhưng với tỉ lệ hầu như không đáng kể: 1%.

Nhà xuất bản Robert Laffont chiếm vị trí đầu bảng nhờ các tác giả có sách bán chạy như Ken Follet, Jean d'Ormesson và Françoise Hardy.

Duy chỉ có ngành âm nhạc là chịu thiệt thòi hơn một chút trong tình hình kinh tế ảm đạm hiện nay. GFK đưa ra con số giảm doanh thu vào khoảng 15%. Các album mới có giá 13-17 euro được tìm mua không nhiều.

Chỉ một vài cái tên đủ uy tín như Francis Cabrel, Bénabar, Julien Clerc, Christophe Maé và Johnny Hallyday mới có thể khiến người tiêu dùng rút tiền ra khỏi ví. "Âm nhạc luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống dù có khủng hoảng hay không.

Nhưng người Pháp sẵn sàng chi cho lĩnh vực này theo một kiểu khác. Họ không nhất thiết bỏ tiền mua đĩa" - Jean-Jacques Laham - chuyên gia phân tích của Văn phòng Booz & Co phân tích.

Còn Françoise Benhamou, Giáo sư kinh tế học ở Đại học Sorbonne nhận định rằng: "Người Pháp có xu hướng đi nghe hòa nhạc hơn là mua đĩa về thưởng thức tại gia đình. Vé đi tham dự buổi biểu diễn của Christophe Maé, Francis Cabrel hay Michel Delpech cũng chỉ dao động trong khoảng 35-52 euro. Nếu nghệ sĩ Leonard Cohen tổ chức biểu diễn, chắc chắn thính giả sẽ lũ lượt kéo tới đặt vé từ trước".

Người Pháp nổi tiếng là rất cầu kỳ trong thưởng thức. Những tác phẩm chất lượng kém không bao giờ hy vọng có được khán giả trung thành. Vở nhạc - hài kịch của tác giả Rabbi Jacob đã thất thu ở phòng vé. Hay vở “Clérambard” của Jean-Marie Bigard cũng phải rút tên khỏi áp phích.

Đổi lại, các công viên văn hóa như Disneyland Paris lại không hề vắng khách chút nào. Xứng đáng với danh hiệu "địa điểm có thể xua tan mọi ưu phiền", công viên của trí tưởng tượng luôn luôn đầy khách.

Số lượng người đăng ký vào tham quan và nghỉ ngơi lại trong khách sạn của công viên ấn tượng đến nỗi giám đốc của Disneyland Paris quyết định thưởng cho mỗi nhân viên 200 euro. "Công viên Astérix cũng gặt hái kết quả tốt dù kinh tế ảm đạm một màu đen tối" - Didier Arno thuộc Văn phòng Protourisme chuyên nghiên cứu về du lịch cho biết.

Rõ ràng, đời sống văn hóa Pháp chẳng những không bị khủng hoảng tài chính - kinh tế tác động xấu mà trái lại còn có thể được coi là nhân tố mới đầy ngạc nhiên có thể giúp phục hồi phần nào nền kinh tế

G.K(tổng hợp)
.
.