Đông Nam Á sẽ trở thành công xưởng thế giới?

Thứ Tư, 20/05/2020, 08:52
Trước những tác động lớn từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung và sự bùng phát của dịch COVID-19 đối với các ngành sản xuất trong nước và ngành sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch dời nhà máy sản xuất của họ ở Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á.

Theo tờ Philippines Star, 40% các công ty có kế hoạch di dời nhà máy sản xuất sang khu vực ASEAN.

So với Trung Quốc, Đông Nam Á quả thực có những lợi thế nhất định trong việc tiếp nhận chuyển giao sản xuất từ Trung Quốc. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế rằng vẫn có những nhược điểm rõ ràng của khu vực này mà không thể khắc phục một sớm một chiều. Ở một phương diện nhất định, có lẽ vẫn còn sớm để cho rằng Đông Nam Á có thể thay thế Trung Quốc trở thành “công xưởng thế giới”.

Năm 2019, Samsung đóng cửa nhà máy điện tử Huệ Châu - nhà máy cuối cùng tại Trung Quốc.

Lục tục di dời

Từ trước cuộc thương chiến Mỹ - Trung, trên thực tế một số ngành sản xuất ở Trung Quốc đã có xu thế chuyển sang khu vực ASEAN. Ngay từ năm 2010, Việt Nam dựa trên lợi thế về chi phí đã thay thế Trung Quốc trở thành nơi sản xuất giày thể thao lớn nhất thế giới của Nike. Ngành sản xuất của Samsung vốn đã cắm rễ ở Trung Quốc nhiều năm nhưng cũng sớm xây dựng nhiều nhà máy tại Việt Nam.

Năm 2018, Samsung đã đóng cửa các nhà máy ở Thâm Quyến và Thiên Tân; năm 2019, Samsung đóng cửa nhà máy điện tử Huệ Châu - nhà máy cuối cùng tại Trung Quốc. Cho đến nay, ngành sản xuất của Samsung đã rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc, chuyển sang khu vực Đông Nam Á và Nam Á.

Không nói đến ảnh hưởng của tính ổn định của thị trường thương mại Trung Quốc trong những năm gần đây đối với sự chuyển dịch của ngành sản xuất đối với Đông Nam Á, có thể dễ dàng nhận thấy tình hình di dời của ngành sản xuất đã diễn ra từ lâu và Đông Nam Á đã có sự chuẩn bị nhất định trong việc tiếp nhận xu hướng này. Thêm vào đó là sự bất ổn của môi trường sản xuất ở Trung Quốc khiến cho di dời nhà máy có thể coi là một lựa chọn tốt cho hoạt động sản xuất của họ.

Lợi thế về nguồn nhân lực của Đông Nam Á trong ngành sản xuất là rất nổi bật.

Ưu thế vượt trội

Ngoài cơ hội do tính không chắc chắn của môi trường sản xuất ở Trung Quốc đã mang đến cho ngành sản xuất ở Đông Nam Á trong những năm gần đây, khu vực này cũng có lợi thế lớn trong việc tiếp nhận chuyển giao sản xuất - nguồn nhân lực. Chẳng hạn như Indonesia và Philippines, 2 nước có dân số tương đối đông trong 10 nước ASEAN, thì dựa trên tiêu chuẩn độ tuổi lao động quốc tế từ 14 đến 64 tuổi, số người trong độ tuổi lao động của Indonesia và Philippines chiếm hơn 60% tổng dân số.

Trên thực tế, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động ở Đông Nam Á là 67,7%, với tổng dân số ASEAN là 662 triệu thì lực lượng lao động hiện tại của khối này là khoảng 450 triệu người, có thể thấy lợi thế về nguồn nhân lực của Đông Nam Á trong ngành sản xuất là rất nổi bật.

Ngoài những lợi thế về nguồn nhân lực, điều không thể xem nhẹ là sự hỗ trợ chính sách trong nước mạnh mẽ của chính phủ các nước Đông Nam Á. Tháng 2-2020, trong cuộc gặp với đại sứ Nhật Bản, Thủ tướng Campuchia cho biết nước này sẽ bắt đầu giảm giá điện cho lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp bắt đầu từ tháng 2. Chính phủ nước này cũng sẽ trợ cấp tiền điện cho các công ty tư nhân với tổng số tiền từ 50 đến 60 triệu riel/năm.

Không chỉ vậy, các hiệp định thương mại tự do được một số nước Đông Nam Á ký kết với các nước phát triển cũng tạo lợi thế xuất khẩu của ngành sản xuất của khu vực này. Thông qua hạn chế của quy định nguồn gốc xuất xứ để đạt được ưu thế so sánh về mặt thuế quan là sức hút rất lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất lớn. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là Đông Nam Á không có gì trở ngại để “tiếp quản” làn sóng đầu tư di dời.

Việt Nam dựa trên lợi thế về chi phí đã trở thành nơi sản xuất giày thể thao lớn nhất thế giới của Nike.

Bài toán chi phí và hiệu quả nguồn nhân lực

Lực lượng lao động dồi dào có thể nói là một lợi thế nổi bật của Đông Nam Á, bên cạnh đó chi phí lao động thấp cũng là một lợi thế. Tuy nhiên, lợi thế về chi phí lao động  hiện nay của khu vực này cũng không phải là quá nổi bật so với Trung Quốc. Ngay trong năm 2020, mức lương tối thiểu ở Indonesia là 4,28 triệu rupiah (khoảng 1.858 nhân dân tệ).

So với tỉnh Quảng Đông - nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất của Trung Quốc, mức lương tối thiểu ở khu vực loại 1 (Quảng Châu, Thâm Quyến) là 2.100 nhân dân tệ và khu vực loại 2 (Chu Hải, Phật Sơn, Đông Quan...) là 1.720 nhân dân tệ, có thể thấy sự chênh lệch về chi phí lao động giữa 2 bên không thực sự quá lớn.

Theo thống kê của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), mức lương tối thiểu ở Jakarta năm 2015 bằng khoảng 80% ở Bắc Kinh và nâng lên 90% vào năm 2019. Có thể thấy rằng sự chênh lệch về chi phí lao động giữa Đông Nam Á và Trung Quốc đang dần được thu hẹp khiến lợi thế về lực lượng cũng như chi phí lao động ở khu vực này không còn thực sự nổi bật.

Bên cạnh đó, hiệu quả lao động không cao cũng trở thành một rào cản lớn cho khu vực ASEAN trong việc tiếp nhận chuyển giao sản xuất.

Cơ sở hạ tầng và chuỗi sản xuất phụ trợ

Ngành sản xuất của Trung Quốc tập trung ở các khu vực có hệ thống cơ sở hạ tầng đủ năng lực xử lý hoạt động vận chuyển hàng hóa như đường bộ, đường cao tốc, sân bay... trong khi cơ sở hạ tầng ở phần lớn các khu vực Đông Nam Á vẫn chưa đạt tiêu chuẩn. Không chỉ vậy, vấn đề cung cấp điện ở một số khu vực của Đông Nam Á còn hạn chế.

Như ở Philippines, sản xuất điện của nước này chủ yếu dựa vào các công ty tư nhân, ngoài việc các thiết bị phát điện đã lỗi thời, việc cung cấp điện không ổn định và giá điện cao cũng gây hạn chế cho việc chuyển giao sản xuất, không có lợi cho ngành công nghiệp chuyển sang hướng phát triển đa ngành. Đó là chưa kể ngành sản xuất của Trung Quốc bắt đầu sớm hơn, với những lợi thế về công nghệ, cơ khí...

Sự không hoàn chỉnh của chuỗi sản xuất ở Đông Nam Á là nhân tố quyết định khiến khu vực này không thể thay thế Trung Quốc trở thành “công xưởng thế giới” trong ngắn hạn. Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới có chuỗi sản xuất hoàn chỉnh. Điều này quyết định vị thế không thể thay thế của nước này trong thương mại quốc tế. Lợi thế này cũng tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận các ngành sản xuất khác nhau.

Ngược lại, chuỗi cung ứng và sản xuất ở Đông Nam Á chưa hoàn chỉnh, khiến khu vực này không thể tiếp nhận những ngành sản xuất có chuỗi sản xuất quá dài vì tổng chi phí vận chuyển trong các khâu của chuỗi sản xuất là quá cao.

Đối với các ngành có chuỗi sản xuất ngắn, phần lớn các nguyên liệu, phụ kiện vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc, không thể tự cung cấp hoàn toàn. Trong dịch COVID-19, nhiều ngành sản xuất ở Đông Nam Á cũng phải đối mặt với vấn đề sản xuất đình trệ vì sự gián đoạn của dịch vụ logistics và nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc. Có thể nói, ngành sản xuất của khu vực ASEAN vẫn phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc và bị tác động bởi “hiệu ứng tràn” của ngành sản xuất nước này.

Bên cạnh đó, tính ổn định của chính sách và khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp của các chính phủ cũng là một yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp cân nhắc di dời và lựa chọn điểm đến. Đại dịch COVID-19 vừa qua chính là một biểu hiện quan trọng để đánh giá năng lực quản lý của các chính phủ này. Ngoài nguyên nhân cơ sở hạ tầng y tế không đảm bảo, cũng có nguyên nhân từ chính sách ứng phó của chính phủ.

Tất nhiên, mỗi chính phủ có một cách khác nhau và đạt kết quả cũng khác nhau. Chẳng hạn như Việt Nam là một trong những nước được đánh giá là hàng đầu thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, song nhiều nước khác trong khu vực lại không được như vậy. Và để có được lợi thế so sánh cạnh tranh với Trung Quốc, người ta phải đặt tính thống nhất của cả khu vực lên trên chứ không phải chỉ là một quốc gia đơn lẻ. Và đây thì lại là một điểm yếu.

Có một hệ thống logistics mạnh là điều kiện quan trọng trong phát huy lợi thế sản xuất cạnh tranh của bất kỳ nền kinh tế nào.

Hướng tới tương lai

Trước những biến động trong thương mại xuất nhập khẩu của Trung Quốc những năm gần đây, cùng với những lợi thế như đã phân tích, Đông Nam Á xem ra đã nắm bắt cơ hội nhưng chưa thực sự chuẩn bị tốt cho việc trở thành “công xưởng thế giới”. Để có thể đạt được mục tiêu đó, khu vực Đông Nam Á vẫn còn phải đối mặt với một chặng đường dài và khó khăn, không dễ để đạt được mục tiêu này trong tương lai gần.

Phải thừa nhận rằng trong bối cảnh thương mại quốc tế có những bất ổn và biến động như hiện nay, nếu các công ty đa quốc gia và các ngành sản xuất muốn duy trì sự phát triển thương mại ổn định thì không thể đặt chuỗi sản xuất trong cùng một khu vực. Nhìn ra thế giới, Đông Nam Á vẫn có một lợi thế nhất định so với hầu hết các khu vực trong việc tiếp nhận sản xuất và ngành sản xuất của khu vực này vẫn còn nhiều không gian để phát triển.

Số người trong độ tuổi lao động của Indonesia và Philippines chiếm hơn 60% tổng dân số.

Cùng với việc các ngành sản xuất của Trung Quốc đang từng bước nâng cấp, việc chuyển giao một số ngành sản xuất của nước này sang khu vực khác là xu thế tất yếu trong tương lai và các nước dọc tuyến “Vành đai và Con đường” hay khu vực Đông Nam Á đều sẽ là những lựa chọn cho xu hướng này. Đông Nam Á có lợi thế rõ ràng so với các khu vực khác, điều đó có nghĩa là Đông Nam Á là điểm đến lý tưởng cho việc chuyển giao ngành sản xuất từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều cần thiết bây giờ là khu vực này cần phải nhìn thẳng vào những điểm yếu của mình và thay đổi để chuẩn bị tốt và đặt nền móng vững chắc cho việc trở thành “công xưởng của thế giới”.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.