Dư âm The Voice Kids Việt Nam 2013: Chuyện trẻ con, chuyện người lớn

Thứ Ba, 17/09/2013, 15:00

The Voice Kids Việt Nam 2013, được Việt hóa với tên gọi Giọng hát Việt nhí. Đây là chương trình ca hát dành cho các thí sinh nằm trong độ tuổi từ 9 đến 15, do công ty Cát Tiên Sa phối hợp cùng Đài truyền hình Việt Nam (VTV) sản xuất.
Đêm thứ Bảy vừa qua (7/9/2013), chương trình The Voice Kids Việt Nam đã kết thúc, với ngôi Quán quân thuộc về thí sinh Quang Anh, Á quân thuộc về thí sinh Phương Mỹ Chi và Ngọc Duy.
Như đã nói, The Voice Kids Việt Nam là cuộc thi ca hát dành cho trẻ con, nên giá mà mọi thứ dừng lại ở đây thì hay biết mấy. Đằng này, bằng bản tính cố hữu của người lớn, mọi thứ lại trở nên nháo nhào và đầy thị phi..

1. Ba thí sinh lọt vào Đêm chung kết, là Quang Anh, Phương Mỹ Chi và Ngọc Duy đều là những thí sinh có giọng ca tốt, đầy nội lực và quan trọng hơn, những thí sinh này đã nhanh chóng có được riêng cho mình một lượng người hâm mộ. Cá nhân tôi rất thích Ngọc Duy, nhưng Quang Anh và Phương Mỹ Chi là hai thí sinh có lượng fan đông đảo hơn cả.

Phương Mỹ Chi, được đám đông ví như là một "tiểu Hương Lan", "Cẩm Ly mới", được đặt ngay tên gọi thân mật là "Chị Bảy", được đám đông mặc định "hát hay nổi da gà" (một tờ nhật báo cũng sử dụng luôn cụm từ này khi viết về thí sinh Phương Mỹ Chi). Phương Mỹ Chi chuyên hát dòng nhạc dân ca, Chi hát rất hay, giọng ngọt ngào, mùi mẫn.

Quang Anh, được đám đông xem là một đối trọng của Phương Mỹ Chi. Quang Anh có chất giọng khỏe, phong thái biểu diễn rất chuyên nghiệp, lớn trước tuổi rất nhiều. Quang Anh được nhà sản xuất chương trình hướng đến khán giả xem chương trình với những câu chuyện liên quan đến "một tấm gương vượt khó, hát hay".

Ngọc Duy vẫn giữ được chất hồn nhiên con trẻ của mình. Duy bước vào cuộc chơi The Voice Kids Việt Nam 2013 một cách ngẫu hứng… Tôi thích Duy ở điểm này. Đêm chung kết, Duy với huấn luyện viên của mình là Thanh Bùi trình bày loạt ca khúc rất ấn tượng, cả thầy lẫn trò đều bộc lộ rất rõ cá tính nghệ sĩ, một cá tính đầy phóng khoáng. Hai huấn luyện viên Hồ Hoài Anh và Lưu Hương Giang của Quang Anh, lẫn huấn luyện viên Hiền Thục của Phương Mỹ Chi đã không làm được điều này.

Trước khi Đêm chung kết The Voice Kids diễn ra, người theo dõi chương trình mặc nhiên thừa nhận cuộc tranh đua giành ngôi vị quán quân chỉ diễn ra giữa Phương Mỹ Chi và Quang Anh, Ngọc Duy có rất ít cơ hội. Và cuối cùng, Quang Anh là người chiến thắng.

Phần trình diễn dạy nghề của HLV Thanh Bùi và thí sinh Ngọc Duy trong đêm chung kết.

2. Quang Anh vừa đoạt Quán quân The Voice Kids 2013, thì lập tức trên mạng nảy sinh ra hai luồng thông tin trái chiều. Một bên bảo kịch bản chương trình đã được dàn dựng sẵn, Quang Anh đã biết trước kết quả của cuộc thi nên tỏ ra tự tin thái quá, đáng lẽ giải Quán quân phải thuộc về Phương Mỹ Chi… Bên còn lại thì, ai bảo Quang Anh không xứng đáng ngôi vị Quán quân là "không công bằng", Quang Anh toàn diện hơn Phương Mỹ Chi, Quang Anh làm chủ sân khấu tốt hơn (!)…

Cao trào, là khi cư dân mạng tóm được cái công văn của một cơ quan hành chính tỉnh Thanh Hóa, được phát đi nhằm kêu gọi công dân đang sinh sống ở Thanh Hóa, công chức ngành giáo dục… nhắn tin đến tổng đài của The Voice Kids 2013, nhằm bầu chọn cho Quang Anh. Công văn có nội dung: "Em Nguyễn Quang Anh sinh ngày 18/3/2001, học sinh lớp 6D Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Thanh Hóa. Em có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng với tài năng, niềm đam mê và nghị lực vượt khó, Quang Anh đã xuất sắc lọt vào tốp 3 cuộc thi The Voice Kids (Giọng hát Việt nhí)... Hãy bình chọn cho Quang Anh, người con của xứ Thanh để em vươn xa với tài năng và ước mơ ca hát của mình. Mỗi tin nhắn của chúng ta là Quang Anh được chắp thêm đôi cánh để bay cao và xa hơn. Rất mong các đơn vị, nhà trường thông báo đến cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia bình chọn cho Quang Anh".

Sự hạn chế về tầm nhìn, cái hưng phấn nhất thời... của một vài cán bộ địa phương đã khiến đám đông phản cảm. Trẻ con chơi thì cứ để trẻ con chơi. Việc gì phải ngồi lọ mọ soạn thảo công văn, ký duyệt rồi gửi đi…

Nhưng, điều làm tôi bất ngờ nhất chính là nhận định của  nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, ông viết trên trang online của một tờ nhật báo, như sau: "Tôi là tác giả của ca khúc “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”. Trước hết, tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm rằng trong chương trình thi chung kết Giọng hát Việt nhí, một cháu gái 10 tuổi không nên hát ca khúc “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”.

Thông thường, một nhạc sĩ sáng tác rất thích chờ nghe một giọng ca mới hát ca khúc của mình. Thế nhưng trong trường hợp này, tôi lại không mong một cháu bé hát ca khúc ấy. Tại sao vậy? Nhạc sĩ viết ca khúc cũng như một người thợ may áo; hễ vóc dáng nào thì may ra chiếc áo ấy. "Chiếc áo" ca khúc có hai đặc điểm: nội dung ca từ và kỹ thuật thanh nhạc. Về nội dung ca từ, ca khúc của tôi viết cho người lớn; nó thấm đẫm chất oán thương của tâm hồn dân ca Nam Bộ. Về thanh nhạc, ca khúc viết với cung Mi thứ; âm vực khá rộng (thấp nhất là nốt Sol, cao nhất nốt Mi, 13 nốt); có nhiều quãng âm luyến láy đòi hỏi kỹ thuật xử lý cao. Một ca khúc như vậy chỉ phù hợp với ca sĩ chuyên nghiệp trưởng thành với những yếu tố thanh quản và âm tơ phát triển đầy đủ.

Cho nên, ca khúc ấy không phù hợp với một cháu bé 10 tuổi chút nào. Khi thuận để cháu bé hát ca khúc này trên sân khấu là đã để cháu mặc một chiếc áo quá rộng, không vừa với tâm hồn trong sáng và kỹ năng phát thanh của thiếu nhi. Tôi nói ở đây là nói về khía cạnh chuyên môn của một nhạc sĩ sáng tác có trách nhiệm với cuộc sống. Cháu bé không có lỗi. Cái lỗi ở đây thuộc về người lớn..".

Tôi nghĩ, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, với uy tín và sự nổi tiếng của mình, viết những đoạn này là bằng sự công tâm chứ không phải nhận "nhờ vả" từ một ai đó. Nhưng, cho dù ông có nói "Cháu bé không có lỗi. Cái lỗi ở đây thuộc về người lớn", thì nhhững nhận định ở  bài viết của ông vẫn vô tình nhằm vào Phương Mỹ Chi (Phương Mỹ Chi trình bày ca khúc "Đêm Gành hào nghe điệu hoài lang" trong Đêm chung kết The Voice Kids - N.N.H)  là điều rất không nên xuất hiện ở thời điểm này. Nhất là khi, fan của Phương Mỹ Chi và fan của Quang Anh đang "ném đá" nhau tơi tả trên mạng Internet.

Tất cả các thí sinh của The Voice Kids 2013, đa phần đều hát thứ nhạc mà chúng ta gọi là "nhạc người lớn". Không hát "nhạc người lớn", thì hát "nhạc ngoại quốc", có rất ít ca khúc nhạc thiếu nhi được trình diễn. Mà có lẽ, đã đến lúc những người lớn cũng bơn bớt lại cái tư duy "dưới 15 tuổi phải hát "Con cò bé bé", "Chú ếch xanh", "Bé bé bồng bông", "Mẹ đi vắng"… Trẻ con dưới 15 tuổi bây giờ khác với trẻ con dưới 15 tuổi ngày trước rất nhiều... Không chấp nhận thực tế khách quan đang diễn ra, thì làm sao có thể bàn chuyện văn hóa chung, quy chuẩn của thẩm mỹ được với mục đích hướng đến tích cực được.

Thí sinh Phương Mỹ Chi - hiện tượng của The Voice Kids Việt Nam 2013.

3. Bản chất của The Voice Kids 2013 là gì? Theo quan điểm của cá nhân, tôi cho rằng The Voice Kids 2013 chính là cuộc thi "trẻ con hát, người lớn chơi". Điểm lại các cuộc tranh luận, những động thái hiếu thắng, cuồng thần tượng, đều xuất phát từ người lớn. Người lớn có để những Phương Mỹ Chi, Quang Anh hay Ngọc Duy chơi một cách hồn nhiên đâu, họ ép các thí sinh đều phải chơi theo ý muốn của họ…

Với sự hậu thuẫn của các đài truyền hình lớn lẫn phương tiện truyền thông, sự phát triển của mạng Internet... thì những chương trình ca hát là niềm hy vọng rất lớn của nhiều cá nhân. Đặc biệt, là những chương trình ca hát đậm chất giải trí hơn chuyên môn. Nên không phải vô cớ mà nhiều ca sĩ hăm hở đăng ký làm thí sinh tham gia một cuộc thi ca hát. Vì ở một cuộc thi như The Voice Việt Nam hay The Voice Kids Việt Nam, thì độ nóng nhất thời của thí sinh là điều không cần phải bàn cãi. Bởi tên tuổi họ được cập nhật liên tục trên báo mạng lẫn báo giấy, rồi sóng truyền hình, các diễn đàn mạng…

Họ nhanh chóng có được fan hâm mộ, lịch trình diễn, tiền cát-sê. Mọi thứ thay đổi chóng vánh có thể chỉ sau đúng một đêm, sau lúc họ xuất hiện trên sóng truyền hình. Nhưng, sau đó chắc chắn còn rất nhiều việc mà họ phải làm nếu như họ muốn thành một ca sĩ chuyên nghiệp. Một vài cá nhân không thoát được khỏi tình trạng ảo nhất thời này, mà lâm vào tình cảnh không thể tồi tệ hơn về mặt danh vọng, kiểu như ca sĩ Bùi Anh Tuấn đã dính phải.

Phương Mỹ Chi hay Quang Anh hoặc Ngọc Duy, muốn trở thành ca sĩ thì con đường ấy còn xa diệu vợi lắm… Nên thôi, đám đông cứ tập bình tâm một lần, để các em được trở về với cuộc sống thường nhật, như trước khi tham gia cuộc thi The Voice Kids 2013. Tất nhiên là nếu gia đình của các em có nhu cầu để các em trở thành ca sĩ ngay lập tức thì đó là ý kiến riêng của gia đình các em thôi, tôi không có ý định tranh cãi. Nhưng, theo quan sát của tôi thì sự nhất thời nào cũng nảy sinh nhiều yếu tố không tốt đẹp ở phía tương lai. Như trước đây, chúng ta đã từng có rất nhiều những "thần đồng âm nhạc", mà mãi cho đến giờ không còn thấy bóng dáng họ ở đâu (?!).

Ca sĩ Hiền Thục, một trong bốn huấn luyện viên của The Voice Kids 2013, vừa khẳng định "Không phải đến bây giờ chương trình kết thúc rồi tôi mới nói điều này, mà trước đó tôi đã có nói với báo chí rồi. Ngay từ đầu tôi đã xác định rất rõ, tôi tham gia The Voice Kids trên cương vị là một huấn luyện viên, nhiệm vụ của tôi là giúp đỡ, huấn luyện để các em hay hơn mỗi ngày. Nhưng trên cương vị là một người mẹ, tôi sẽ không cho con mình tham gia. Bởi, sẽ mất rất nhiều thời gian, mà ở tuổi của các con bây giờ thì việc học mới là quan trọng nhất. Hơn nữa, tuy là một cuộc chơi nhưng với sự quan tâm theo dõi của hàng triệu người, các cháu cũng không khỏi gặp phải những sức ép. Hàng tuần phải tham gia rất nhiều sự kiện, nào là các hoạt động bên lề, quay clip, mỗi tuần là một bài mới… Cường độ làm việc như vậy làm sao mà không căng thẳng được".

Đó cũng là khẳng định đáng để các bậc làm cha làm mẹ lưu tâm… Và tôi tin rằng, không một ông bố hay bà mẹ nào lại muốn con mình vướng víu vào những câu chuyện vớ vẩn xung quanh bất cứ một cuộc thi nào đó. Nên hãy biết cách "nhìn chuyện người, suy chuyện mình" để cân nhắc cho The Voice Kids Việt Nam mùa sau.

Cuối cùng phải thừa nhận rằng, trong bất cứ cuộc chơi nào đều phải có người thắng và người thất bại, dẫu đó là cuộc chơi của những cô bé, cậu bé trong độ tuổi 9 đến 15. Chúng ta miệng thì bảo "không nên dạy trẻ con ăn thua", tay thì lại "trao giải nhất cho em này, trao giải nhì cho em khác". Thế nên, thắng thua trong một cuộc chơi, nhất thiết phải xem đó là chuyện hết sức bình thường.

Thứ đến, một cuộc chơi do công ty tư nhân sản xuất và ở đâu không thể không tính đến yếu tố lợi nhuận. Công việc làm ăn thì không thể để lỗ…

Ngô Nguyệt Hữu
.
.