Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2: Ga C9 ngay sát Hồ Gươm

Thứ Năm, 21/03/2013, 04:30

Chuyên đề ANTG đã đăng tải ý kiến của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực xung quanh những lo ngại, băn khoăn về dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ quan điểm ủng hộ đối với dự án xây dựng một tuyến đường sắt đô thị văn minh, hiện đại, dần đáp ứng được nhu cầu giao lưu, đi lại của người dân thủ đô. Vấn đề còn lại là nó sẽ được triển khai như thế nào? Cuộc làm việc với Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) sau đó đã sáng tỏ thêm một số vấn đề liên quan.
>> Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2: Những câu hỏi lớn chưa lời đáp
>> Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2: Đừng xé nát Hồ Gươm

Tổng mức đầu tư: Các báo đưa tin sai!

Đúng hẹn, chúng tôi đến văn phòng MRB. Tiếp chúng tôi là TS Lưu Xuân Hùng, Phó trưởng ban của MRB. Theo ông Hùng, thời gian qua một vài cơ quan truyền thông cũng có những thắc mắc đối với dự án tuyến đường sắt đô thị số 2. Tuy nhiên, chủ yếu là do các đơn vị này còn "thiếu thông tin" và cũng theo ông Hùng, sau khi trực tiếp làm việc với MRB, các đơn vị truyền thông này đều đã hiểu hơn về dự án?

TS Lưu Xuân Hùng cho rằng trong toàn bộ tuyến đường sắt đô thị số 2, điểm gây tranh cãi nhiều nhất là vấn đề nhà ga C9. Bản thân MRB cũng lường trước được điều này. Theo ông Hùng, để cho đến thời điểm dự án được chấp thuận như ngày hôm nay, đối với những người làm ra nó là cả một quá trình. Riêng chuẩn bị về quy hoạch, cũng đã kéo dài tới 5 năm.

Đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo khoa học với sự tham gia đánh giá của nhiều chuyên gia, những cuộc triển lãm lấy ý kiến người dân và cả những văn bản liên thông tham khảo ý kiến của các Bộ, các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp về dự án này. Vì thế, nếu nói có sự bất ngờ nào về quy hoạch, là chưa chuẩn, mặc dù không phải góp ý nào cũng đến được đúng nơi cần đến.

Và vì thế, rõ ràng phản ứng của dư luận về vị trí thiết lập nhà ga C9 là có thật. Đây có lẽ nên phải coi là một lần rút kinh nghiệm sâu sắc, đặc biệt là với những người yêu Hà Nội, yêu Hồ Gươm. Bởi lẽ nếu thực sự quan tâm đến dự án từ khi nó mới được đưa ra bàn thảo, đến những hệ lụy sát sườn mà nó sẽ đem lại, thì có thể mọi việc đã khác.

Cố nhiên không phải trước đây đã góp ý rồi mà bây giờ dự án không có gì thay đổi thì thôi không tham gia nữa. Nhưng rất có thể, với những gay gắt ấy, ngay từ đầu, sẽ đem lại một kết quả khả quan hơn là đến thời điểm hiện tại, khi dự án đã trải qua nhiều công đoạn từ tư vấn thiết kế, quy hoạch, khảo sát… mà mỗi một công đoạn đều phải tính bằng ngoại tệ như thế này!

Trả lời câu hỏi của phóng viên về con số tổng mức đầu tư dự án đến thời điểm này, TS Lưu Xuân Hùng khẳng định, có nhiều tờ báo trước đó đã đưa tin sai. Con số 51.750.158 triệu đồng như Chuyên đề ANTG đã đăng tải mới là chính xác. Ông Hùng cho biết đây là tổng mức đầu tư được điều chỉnh theo Công văn số 8231/UBND-KH&ĐT thay cho mức 19.555.000 triệu đồng trong Quyết định số 2054/QĐ-UBND.

Một điều chắc chắn rằng trong khuôn khổ một bài báo, chúng ta không bàn đến tính hợp lý hay không hợp lý của những con số này. Cho dù là đề xuất tăng hay giảm thì những con số phải được đặt trên góc độ chuyên môn của nó mới có thể phán xét được. Vấn đề là ở chỗ, dù vô tình hay cố ý, việc các phương tiện truyền thông đưa ra một con số chênh lệch giảm tới hơn 2,5 lần trong khi số tiền được điều chỉnh lại chênh tăng lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng như thế, sẽ khiến người ta có cái nhìn sai lệch trong đánh giá về dự án.

Không có chuyện 3 nhà ga nằm song song

Về thắc mắc của PGS. TS. Hà Đình Đức rằng thời điểm tiếp cận dự án, ông được biết về "3 tuyến" tách ra bắt đầu từ vườn hoa Hàng Đậu và sau đó đều gặp nhau ở Ngã Tư Sở (Chuyên đề ANTG số 1243 ngày 6/3/2013), TS Lưu Xuân Hùng khẳng định không có chuyện 3 tuyến tàu điện ngầm như thế. Cái gọi là tuyến ở thời điểm PGS. TS. Hà Đình Đức tiếp cận ấy chỉ là các phương án được đưa ra. Sau khi được xem xét, hai phương án kia bỏ. Phương án được duyệt như hiện tại, với nhà ga C9 như hiện nay. Như vậy là sẽ không có chuyện 3 nhà ga tàu điện ngầm nằm song song trên một mặt cắt có chiều ngang chưa đến 600m như PGS. TS Hà Đình Đức lo ngại.

Theo đánh giá của chúng tôi, những luận điểm mà ông Phó trưởng ban của MRB về sự hợp lý của vị trí nhà ga C9 chưa thuyết phục. Theo TS Lưu Xuân Hùng, hồ Gươm xưa nay vẫn là trung tâm, là điểm đến của nhiều người. Ngày trước, Hà Nội có 4 tuyến xe điện thì cả 4 tuyến đều chụm về Bờ Hồ. Tuy nhiên, nếu so sánh tàu điện leng keng trước đây với tàu điện ngầm hiện đại ngày nay thì chắc hẳn nhiều bạn đọc sẽ thấy ngay sự khập khiễng cả về lưu lượng lẫn những tác động ảnh hưởng tới môi trường, sinh thái xung quanh.

Cũng theo ông Hùng, việc có một nhà ga ở hồ Gươm sẽ phù hợp với quy hoạch của thủ đô trong tương lai với các tuyến phố quanh hồ sẽ là phố đi bộ. Đi bộ, theo ông Hùng, không phải tính đến những người đi tập thể dục hay dân cư sinh sống xung quanh khu vực hồ. Đi bộ ở đây phải được hiểu là dành cho khách du lịch. Hiện nay mục đích này chưa thành hiện thực là bởi chưa có phương tiện giao thông công cộng tiếp cận khu vực, chưa thuận lợi. Nay nếu có ga C9 thì sẽ khác. "Câu hỏi đặt ra là trước khi đi bộ thì người ta đi gì đến đây?" - TS Lưu Xuân Hùng đặt vấn đề. Và theo ông Hùng, tàu điện ngầm sẽ trả lời câu hỏi ấy!

Mặc dù trong tài liệu bản Phụ lục 2-B: Dự báo nhu cầu giao thông của Dự án Xây dựng đường sắt Đô thị Hà Nội - tuyến 2 chẳng có một lời nào nhắc đến khách du lịch, nhưng nếu coi đây là một phương án điều phối các luồng khách du lịch từ xa cũng như giảm bớt lượng phương tiện cá nhân vào khu vực trung tâm Bờ Hồ thì luận điểm này không phải không có cơ sở. Nhưng vấn đề vẫn được đặt ra, đó là nhà ga C9 có nhất thiết phải trồi lên ngay bên cạnh hồ Gươm thế không? Trong khi đó, hầu hết các ý kiến chuyên gia đã trao đổi đều cho rằng nên lùi ga C9 ra xa hơn một chút, ví dụ như tại quảng trường phía sau lưng tượng đài Vua Lý Thái Tổ chẳng hạn. Một sự thay đổi về cự ly gần như không đáng kể nhưng lại đạt hiệu quả cao hơn nhiều cho phương án bảo tồn cảnh quan xung quanh hồ Gươm. Tại sao không?

Bản vẽ thiết kế khu vườn hoa ven hồ này sẽ biến mất dưới độ sâu 20m.

Quá sát Hồ Gươm

Lại có một chi tiết mà chúng tôi buộc phải nhắc lại về những thông tin liên quan đến dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 và nhà ga C9 những ngày qua, đó là, lại không hiểu do vô tình hay cố ý, hầu hết các cơ quan thông tin đại chúng đều đưa rằng nhà ga C9 "nằm trước cửa Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN".

Qua trao đổi một cách chính xác, với bản vẽ trong tay, xin khẳng định lại nhà ga C9 đúng là "trước cửa EVN" thật, nhưng là ở phía bên kia đường, tức là phía bên vườn hoa - tượng ven hồ Gươm. Một cách dễ hiểu hơn cho ai đã từng đến hồ Gươm hình dung cho dễ, thì nhà ga C9 nằm trong khoảng giữa từ Tháp Bút đến điểm giao với phố Trần Nguyễn Hãn. Đây cũng là khu vực nhiều lần diễn ra các cuộc trưng bày hội chợ hoa và hiện vẫn đang trưng bày các tác phẩm điêu khắc xen lẫn các khóm hoa dưới tán cây xanh lâu năm rợp mát.

Theo TS Lưu Xuân Hùng, phần đường hầm của dự án sẽ được thi công ngầm sử dụng công nghệ máy đào TBM, đất thải do xe goòng chở ra cửa hầm. Riêng toàn bộ các ga sẽ phải đào lộ thiên, sau đó mới lấp lại. Đoạn hầm đi qua khu vực hồ Gươm sẽ có độ sâu 20m so với mặt đất. Ga C9 theo thiết kế có kích thước chiều rộng 40m, chiều dài 150m, và sẽ được thi công từng nửa một theo chiều dài. Như vậy sẽ có tổng cộng 6.000m2 mặt đất ngay sát hồ Gươm bị đào sâu 20m. Điều này có nghĩa là toàn bộ phần cây xanh, vườn hoa, vỉa hè ở khu vực này và một phần diện tích mặt đường Đinh Tiên Hoàng sẽ bị bốc đi khi công trình thi công. Sau khi thi công xong, sẽ có 4 cửa hầm lên xuống, một cửa nằm bên hồ Gươm và 3 cửa nằm bên kia đường Đinh Tiên Hoàng (phía bên vỉa hè của EVN - đúng là trước cửa EVN thật!). Mỗi cửa lên xuống theo bản vẽ sẽ có chiều ngang 6,5m và chiều dài là 17m.

Ông Hùng cho biết, các cửa lên xuống ga sẽ được thiết kế đơn giản với mái che nhẹ. Các cửa thông gió thiết kế thân thiện với môi trường? Và theo dự tính ban đầu, còn có một cửa ga nữa ở phía Tháp Bút, nhưng sau tính lại, để giảm bớt ảnh hưởng tới cảnh quan nên đã bỏ cửa ga này!?

Một chi tiết đáng chú ý khác là theo bản vẽ, khoảng cách từ bờ tường nhà ga đến mép hồ Gươm, đoạn gần nhất chúng tôi đo được bằng thước, theo tỉ lệ tham chiếu của bản vẽ chỉ tương đương khoảng 10m. Quá gần hồ!

Sau khi Chuyên đề ANTG đăng bài Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2: Đừng xé nát Hồ Gươm, GS. TS. Nguyễn Lân, Tổng thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam (ACVN) có nói với tôi rằng ông "không muốn gây khó khăn cho những người đang làm việc", vì thế nên ông không nói nên lùi ga C9 ra 2 hay 3 con phố, mà ý ông "chỉ nói là nên lùi ra xa hồ Gươm một chút" thôi. Không hiểu rằng sau khi biết thông tin rằng bờ tường ga C9 chỉ cách mép hồ Gươm có 10m như thế này, ông sẽ nói như thế nào về cái khoảng cách "một chút" của mình?

Việt Ba (vietanhp@gmail.com)
.
.