Du lịch mạo hiểm đến núi lửa Tungurahua
- Núi lửa Guatemala phun trào: Số người chết lên đến 99
- Cảnh tượng như "ngày tận thế" ở núi lửa Hawaii
Nổi tiếng ở Banos là “Người canh giữ miệng núi lửa”, Carlos Sanchez là thành viên cao tuổi nhất của Viện Địa-Vật lý Quốc gia Đại học Bách khoa Ecuador (IG-EPN) và là người duy nhất trên thế giới vận hành trạm giám sát địa chấn từ trên những nhánh cây.
“Người canh giữ miệng núi lửa”
Sanchez sống một mình ở vùng hẻo lánh này trong 18 năm qua và trở thành người tình nguyện ở vị trí chỉ cách rặng núi 2,5 km - nơi phun lửa, khói và nham thạch nóng chảy theo định kỳ từ năm 1999. Nhưng trong vài năm qua, du khách từ khắp nơi trên thế giới bắt đầu đổ về trạm quan sát của Sanchez sau khi ông quyết định treo một chiếc ghế đánh đu bằng gỗ từ ngôi nhà trên cây với hy vọng những đứa cháu sẽ ghé đến chơi.
Năm 2014, khi 2 thành viên trong nhóm du khách đang thay phiên nhau ngồi lên ghế đu thì bỗng nhiên núi lửa Tungurahua phun trào. Cả hai vội vàng chạy xuống núi, nhưng cũng kịp chụp tấm ảnh một người khác đang cố quan sát cột khói cao 8.000m. Về sau, tấm ảnh – tựa là “Tận thế” - được quốc tế đánh giá cao trong cuộc thi ảnh của tạp chí National Geographic rồi từ đó nhanh chóng lan truyền khắp thế giới.
Núi lửa Tungurahua đang phun trào. |
Hiện nay, mỗi ngày có đến hàng trăm người tìm đổ về Banos để tìm đến La Casa del Arbol (nhà trên cây). Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 10-1999. Sau 81 năm ngủ yên, núi lửa Tungurahua gầm rú sống lại với hàng loạt đợt phun trào dữ dội. Khi không khí nóng, tro bụi và đá rơi ào ào xuống những ngôi làng, Tổng thống Ecuador ra lệnh cho gia đình Sanchez cũng như 16.000 cư dân khác vùng Banos phải di tản trong vòng 4 giờ.
Nhưng đến ngày 2-12 cùng năm, Sanchez lái xe quay lại Banos để khám phá thị trấn. Những ngôi nhà bị bỏ hoang và đường xá ngập đầy tro bụi núi lửa nhưng nhà ông và thị trấn vẫn hoàn toàn nguyên vẹn một cách kỳ diệu. Đó là lúc Sanchez quyết định ở lại để canh gác núi lửa đồng thời giúp bảo vệ dân làng sống trong thung lũng cho đến khi các vụ phun trào kết thúc.
Sanchez kể: “Núi lửa vẫn tiếp tục hoạt động suốt 18 năm sau đó cho nên tôi vẫn có mặt ở đây”. Trạm giám sát khiêm tốn của Sanchez trên đỉnh đồi còn ông chỉ trang bị một cặp ống nhòm và máy điện đàm radio. Một nhóm chuyên gia nghiên cứu núi lửa ở chân núi Tungurahua đã huấn luyện Sanchez cách sử dụng điện đàm ngay khi nghe được những âm thanh trầm đục, ngửi thấy mùi khí sulphur hay phát hiện dòng chảy dung nham lao nhanh về hướng Banos.
Không bao lâu sau, một thợ điện về hưu và là cựu lính cứu hỏa đã giúp các nhà nghiên cứu núi lửa lắp đặt thiết bị đo địa chấn, đo độ nghiêng và thiết bị quan trắc khí sulphur dioxide trên đất của ông. Đó cũng là khoảng thời gian vợ ông Sanchez, bà Lidia, bắt đầu ngày càng nghi ngờ chồng bà đang làm gì đó trên đồng cỏ chăn bò.
Giữa những đợt địa chấn căng thẳng, Sanchez luôn túc trực canh gác suốt ngày đêm và đôi khi không trở về Banos thăm vợ cả vài tuần. Nghi ngờ Sanchez đang sống với phụ nữ khác, Lidia thu dọn quần áo của chồng rồi đi về rìa bên kia núi với mong muốn gặp mặt người đàn bà bí ẩn.
Lidia nhớ lại: “Khi đến nơi, tôi chỉ bắt gặp chồng sống có một mình để hoàn thành lời hứa bảo vệ mọi người. Người đàn bà duy nhất mà ông chờ đợi chính là Mẹ [núi lửa] Tungurahua”.
Ben Andrews, Giám đốc Chương trình núi lửa toàn cầu (GVP) của Viện Smithsonian (Mỹ), cho biết: Tungurahua là một trong 10 núi lửa hoạt động mạnh nhất trong số 1.500 núi lửa trên thế giới mà chúng tôi theo dõi. Năm 2006, núi lửa Tungurahua phun trào một dòng chảy nham thạch trôi xuống sườn núi, chôn vùi ba ngôi làng gần đó và giết chết 6 người.
Nhưng ngay cả khi dòng chảy nóng bỏng trôi xuống sườn dốc, Sanchez vẫn không chịu rời đi. Lúc bị ngạt khói, Sanchez trốn trong một bọng cây trong khi đá đổ ào ạt xuống bên kia.
Trong suốt 2 giờ, Sanchez liên tục thò đầu khỏi bọng cây để cập nhật thông tin trực tiếp qua radio cho thị trưởng Banos để di tản hàng trăm gia đình. Bọng cây đã bảo vệ Sanchez và ông cho rằng cái cây đủ khỏe để xây một trạm gác cao 8m từ một nhánh cây.
Chiếc ghế đu và 14 cuốn sổ lưu niệm
Chiếc ghế đu được dựng năm 2008, và ngay sau đó vợ Sanchez cùng với 5 đứa con và 11 đứa cháu thường xuyên đi chơi dã ngoại, tổ chức sinh nhật gia đình và đến thăm ông bất cứ khi nào núi lửa yên ắng. Khi núi lửa Tungurahua gầm gừ vào ban đêm, Sanchez vẫn bình thản ngồi một mình ở ngôi nhà trên cây, chơi kèn harmonica dưới bầu trời đầy sao có vẻ như đang cố gắng ru ngủ núi lửa.
Sanchez tâm sự: “Giữa núi lửa và tôi dường như có quan hệ hết sức phức tạp. Có lúc là bạn, có khi là kẻ thù”. Ngày nay, Sanchez còn gìn giữ những hòn đá núi lửa suýt giết chết ông trong đợt phun trào năm 2006 cùng với tấm bản đồ chi tiết, mẫu khói và một giấy chứng nhận từ Chính phủ Ecuador ghi nhận công lao phục vụ đất nước một cách vô điều kiện của Sanchez.
Bức “Tận Thế” được quốc tế ghi nhận trong cuộc thi ảnh National Geographic 2014. |
Ở Ecuador, có khoảng 500 trạm quan trắc núi lửa, nhưng Sanchez là người duy nhất canh gác thị trấn Banos từ sườn đông bắc núi lửa Tungurahua. Từ tháng 3-2016, sau thời gầm rú với hơn 70 vụ nổ và liên tục dội nham thạch xuống, núi lửa Tungurahua nay đã yên ắng và chỉ còn là tiếng rì rầm. Nhưng Sanchez nhận định chỉ là vấn đề thời gian trước khi núi lửa tỉnh giấc trở lại.
Bất cứ khi nào quan sát thấy nguy hiểm tiềm tàng hay nhận được cảnh báo từ các nhà nghiên cứu núi lửa, Sanchez lập tức thông báo du khách nhanh chóng di chuyển xuống núi để giữ an toàn. Sanchez nói khi cúi nhìn từ ngọn cây xuống hàng dài du khách thích mạo hiểm đang lượn lờ quanh căn nhà của ông: “Tôi không có đủ mũ bảo hiểm phát cho mọi người”.
“La Casa del Arbol” trông giống như hai vũ trụ song song. Vào bất cứ ngày nào, hàng dài du khách trang bị lỉnh kỉnh máy ảnh xếp hàng chờ đến 30 phút để đánh được đu trên khe vực sâu. Họ phấn khích nhưng cũng sợ hãi tột độ. Sau đó, mọi người cùng chụp chung bức ảnh để đăng lên Instagram. Họ trèo lên những nấc thang bộ của ngôi nhà trên cây mà không hề chú ý đến Sanchez đội nón bảo hộ màu cam đang có mặt ở đâu đó với chiếc ống nhòm trên tay.
Trong suốt 9 năm qua, Sanchez luôn vui vẻ cho phép bất cứ ai đi ngang qua nhà muốn trèo lên nhà trên cây và đánh đu chiếc ghế của ông. Sanchez chỉ yêu cầu mọi người ký vào cuốn sổ lưu niệm. Sau khi bức ảnh của National Geographic về chiếc ghế đánh đu của lan truyền trên mạng vào 2 năm trước đó, Sở Du lịch thành phố Banos yêu cầu người quan trắc núi lửa bắt đầu quan sát thêm cả lượng du khách ghé thăm đồng cỏ của ông và bắt đầu tính thêm phí tham quan.
Sanchez nói: “Tôi muốn tất cả gia đình ở Banos vẫn có thể thưởng thức nơi này như gia đình tôi. Vì thế tôi đồng ý tính vé vào cửa, nhưng chỉ với 1 USD thôi, còn trẻ em thì chỉ tính nửa giá”.
Hiện nay, Sanchez đang lưu giữ 14 cuốn sổ lưu niệm loại 200 trang chứa đầy thông điệp từ những ngôn ngữ mà có khi ông chưa bao giờ biết tới.