Đức: Điều tra về nguồn gốc các kho sách

Chủ Nhật, 05/04/2009, 14:30
Hiện nay hàng trăm ngàn cuốn sách bị Đức Quốc xã đánh cướp trong Thế chiến II vẫn còn nằm trong các thư viện của Đức. Quản lý thư viện Trung ương và bang của Berlin (BCR), Detlef Bockenkamm, cho biết trong phòng lưu trữ thư viện có một bộ sưu tập sách bổ sung J (chữ J ở đây là Jews, người Do Thái).

Bockenkamm đã thu thập được hơn 1.000 cuốn sách ở đây. Ông cùng với một đồng nghiệp đã cố gắng lùng sục các tài liệu cũ, kiểm tra các hồ sơ và nghiên cứu những giấy tờ nhận sách.

Cuối cùng hai người phát hiện số sách này từng được lưu trữ trong một hiệu cầm đồ thành phố ở Berlin mùa xuân 1943. Giấy tờ ghi rõ thư viện thành phố đã mua "hơn 40.000 cuốn sách từ những thư viện tư nhân của những người Do Thái di tản" thông qua hiệu cầm đồ này.

Thư viện Đại học bang Lower Saxony được đánh giá là thư viện hiện đại nhất nước Đức, và dường như nơi này cũng không mấy quan tâm đến quá khứ. Nhưng vào cuối năm ngoái có một người lần đầu tiên quan tâm đặc biệt đến những cuốn sách bổ sung từ những năm tháng của Thế chiến II - đó là Arno Barnert.

Những gì mà Arno Barnert phát hiện là số sách có xuất xứ từ "nhà kho chứa đồ đánh cắp" của quân đội Đức ở Gottingen. Arno tìm thấy số sách bổ sung có nguồn gốc ở hai thành phố Krakow và Poznan của Ba Lan, lãnh sự quán Ba Lan ở Leipzig và một trường trung học ở tỉnh Enschede của Hà Lan.

Ngày xưa những cuốn sách này là sở hữu của Friedrich Fischl, chuyên gia về thi hào Goethe ở Vienne, người đã bị bắt năm 1941 và bị giết chết trong một trại tập trung ở Lodz, Ba Lan.

Với phát hiện của mình, Arno báo cáo lên ban quản lý thư viện nhưng giám đốc thư viện đã thẳng thắn yêu cầu anh chấm dứt công việc đang làm nếu không muốn bị mất việc! Nhưng Arno Barnert vẫn tiếp tục theo đuổi dự án của mình. Anh nói: "Dẫn chứng tài liệu chứng minh đường đi và lịch sử của những cuốn sách có được trong thời Đức Quốc xã là nhiệm vụ cơ bản đối với những nhà quản lý thư viện, một vấn đề đạo đức".

Trong tháng 2/2008, Barnert bắt đầu hợp tác làm việc với chuyên gia Frank Mobus của thành phố Gottingen. Mobus tìm thấy trong những tài liệu chứng minh rằng trong tháng 3/1933, các thành viên của SA cùng với cảnh sát Đức Quốc Xã đã tịch thu 890 cuốn sách của một nhà bán sách theo đảng Cộng sản ở Gottingen.

Trong số đó, một số cuốn được chuyển đến Thư viện quốc gia ở Berlin và một số cuốn khác đi đến Thư viện Đại học ở Gottingen. Không chỉ có người Do Thái là nạn nhân của bọn Quốc xã cướp sách. Bockenkamm tìm thấy 3 cuốn sách đóng dấu "Karl Marx House, Trier".

Sau khi chiến tranh bắt đầu, Đức Quốc xã đã tiến hành chiến dịch cướp sách rất quy mô. Quân Đức chiếm đóng ở vùng Đông Âu đã đánh cướp 375 văn khố, 957 thư viện, 402 nhà bảo tàng, 531 viện nghiên cứu và giáo dục. Quân Đức cũng "hoạt động" mạnh ở Pháp, như trường hợp của bộ sưu tập âm nhạc thuộc sở hữu của nghệ sĩ piano Arthur Rubinstein.

Năm 1945, Hồng quân tịch thu bộ sưu tập âm nhạc và mang về Liên Xô. Sau khi được gửi đến CHDC Đức trong thập niên 1950 trong chương trình giao trả tài sản văn hóa cho nước Đức, bộ sưu tập âm nhạc của Rubinstein cuối cùng được cho vào bộ phận âm nhạc của Thư viện quốc gia ở Đông Berlin, nơi không ai biết được giá trị của nó và bị để mặc cho bụi bám.

Chỉ đến năm 2003, tức 21 năm sau khi nghệ sĩ piano Rubunstein qua đời, nhà bảo tàng Glinka ở Moskva mới phát hiện được sở hữu chủ đích thực của bộ sưu tập âm nhạc. Cách đây hơn 2 năm, đại diện của Quỹ kế thừa văn hóa Phổ đã trao lại bộ sưu tập âm nhạc quý giá cho con cái của Rubinstein đang sống ở New York.

Cho đến nay chỉ có 14 thư viện Đức chính thức thừa nhận họ đang sở hữu những tác phẩm văn hóa đánh cướp của Đức Quốc Xã. Một số thư viện vin cớ rằng họ thiếu tài chính và nhân lực để thực hiện những cuộc tìm kiếm quy mô, đắt tiền và ngốn nhiều thời gian này.

Thư viện Đại học Marburg là thư viện lớn duy nhất của Đức hiện nay đang nghiên cứu cẩn thận tất cả những cuốn sách có xuất từ từ thời đại chiến tranh. Kết quả là thư viện đã thực hiện việc hoàn trả những cuốn sách về cho người thừa kế của những chủ sở hữu cũ.

Nếu không tìm ra người thừa kế thì những cuốn sách đó sẽ vẫn nằm lại trong thư viện và lịch sử của chúng được ghi chép trong thẻ catalogue

Di An (theo Spiegel)
.
.