Dùng Instagram cảnh báo xâm hại phụ nữ

Thứ Ba, 18/09/2018, 11:07
Tháng 9-2017, 2 nữ nghệ sĩ trẻ Mexico tình cờ nhìn thấy trên Facebook bản danh sách các nạn nhân của một loạt tội ác nhằm vào phụ nữ (femicide) do một người mang biệt danh là Frida Guerrera (“Chiến binh Frida”) đăng lên. Bản danh sách cho biết hơn 1.000 phụ nữ đã là nạn nhân của “femicide” ở Mexico chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017.

Một trong 2 nữ nghệ sĩ giấu tên phát biểu: “Chúng tôi thấy rất choáng váng khi nhìn thấy bản danh sách nên quyết định phá vỡ sự im lặng”. Sau đó, họ thành lập dự án Instagram gọi là “No estamos todas” có nghĩa là “Chúng tôi không có mặt ở đây” để cảnh báo về tội ác này.

Theo 2 nữ nghệ sĩ thành lập dự án “No estamos todas”, phụ nữ ở Mexico thường hay bị chỉ trích và có thể đối mặt với nguy hiểm khi dám lên tiếng chống lại tội ác “femicide”. Theo số liệu chính thức, năm 2017 có đến 2.585 phụ nữ bị sát hại ở Mexico và 671 vụ trong số đó được điều tra ghi nhận là do “femicide” – loại tội ác đang có chiều hướng gia tăng ở nước này.

Ngày 24-11-2017, tức 1 ngày trước Ngày Quốc tế loại bỏ bạo lực chống phụ nữ, 2 nữ nghệ sĩ công bố trên Instagram hình ảnh vẽ chân dung nạn nhân của femicide lần đầu tiên và kể từ đó họ đã đưa lên nền tảng xã hội này hơn 80 hình ảnh như thế - từ đơn sắc đến nhiều màu sắc và hiện thực đến trừu tượng. Mỗi hình ảnh đều có dòng chữ như là: “No estamos todas, no falta…” – tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “Chúng tôi không có mặt ở đây, chúng tôi đang mất tích”. Tiếp theo sau câu này là tên, tuổi và thành phố quê hương của nạn nhân.

Nữ nạn nhân Maria Delgadillo qua nét vẽ minh họa của Grecia Zamora Gonzalez.

Ban đầu, dự án chỉ có sự tham gia từ các họa sĩ ở Mexico song hiện nay số thành viên đã tăng đến 130 người đến từ nhiều quốc gia khác bao gồm: Trung Quốc, Mỹ và các phần khác ở Mỹ Latinh. Tuy nhiên, chiếm đa số vẫn là nghệ sĩ nữ. Khi các nghệ sĩ đồng ý tham gia, 2 nữ nghệ sĩ tổ chức dự án sẽ gửi đến cho họ đầy đủ thông tin nạn nhân của femicide – bao gồm những liên kết đến bài báo mới và hình ảnh nạn nhân cùng với tài liệu hướng dẫn cách tiếp xúc với gia đình nạn nhân.

Nghệ sĩ thành viên tự do vẽ chân dung nạn nhân theo phong cách của mình, kèm với dòng chú thích minh họa về đời tư nạn nhân nhưng không đề cập đến vụ giết người nhằm mục đích tránh tình trạng kích thích bọn sát nhân bởi vì “đó là vấn đề nhạy cảm” – theo Melissa Zermeno, họa sĩ làm việc cho mạng truyền thông Televisa ở Mexico City.

Còn Zermeno vẽ chân dung Lizeth Guzman Ramirez, phụ nữ 32 tuổi bị chồng sát hại tại bang Puebla vì lý do liên quan đến tài chính. Zermeno cho biết công việc vẽ tranh minh họa nạn nhân mất nhiều thời gian hơn do tầm quan trọng của dự án “No estamos todas”.

Lúc đầu, phần đông những đề tài của No estamos todas có nguồn gốc ở Mexico song về sau này bao gồm cả những nữ nạn nhân tại những vùng khác ở Mỹ Latinh. Dự án cho thế giới thấy rõ 14 trong số 25 quốc gia có tỷ lệ femicde cao nhất trên thế giới nằm ở Mỹ Latinh và vùng Caribea – theo tổ chức nghiên cứu Small Arms Survey tại Genava (Thụy Sĩ). “No estamos todas” là một phần trong phong trào chống bạo lực liên quan đến giới tính đang tăng ở khu vực Mỹ Latinh và vấn đề này đã thành chủ đề trong nhiều cuộc biểu tình chống đối cũng như các chiến dịch như là NiUnaMenos (Không phải là vấn đề nhỏ).

Catalina Matamoros, một phụ nữ làm phim hoạt họa và vẽ tranh minh họa ở Colombia, nhận định femicide là vấn đề lớn ở đất nước của chị do văn hóa tôn sùng nam giới và xã hội có xu hướng trách cứ nạn nhân là phụ nữ hơn là người đàn ông hành xử độc ác. Matamoros giải thích: “Tôi tin rằng đây là vấn đề lớn không chỉ ở Mexico mà cả ở Colombia cũng như khắp Mỹ Latinh bởi vì chúng tôi thường quen với những gì mà đàn ông muốn và những gì mà đàn ông nói”.

Biểu tình chống femicide ở Mexico.

Matamoros vẽ chân dung Giselin Lopez, nữ nạn nhân 23 tuổi ở bang Puebla đang mang thai khi bị sát hại. Còn nữ nghệ sĩ Grecia Zamora Gonzalez vẽ minh họa nữ nạn nhân 74 tuổi làm nghề nuôi ong tên là Maria Delgadillo. Tuy nhiên, Gonzalez mô tả Delgadillo là một phụ nữ trẻ tuổi cùng với những con ong và bông hoa.

Monica Alexander là một trong số những họa sĩ vẽ minh họa đầu tiên đến từ Mỹ tham gia dự án “No estamos todas”. Chị chào đời và lớn lên tại Houston và đang sống ở Atlanta. Gia đình chị có gốc gác từ thành phố Monterey (California) và chị thường về thăm quê hương ruột thịt vào mỗi năm. Monica Alexander chia sẻ: “Tôi thấy cần phải cho thế giới nhìn thấy những gì đang xảy ra trên đất nước chúng tôi. Phần đông phụ nữ bị sát hại ở đây đều là người da màu”.

Alexander vẽ minh họa nữ nạn nhân 21 tuổi tên là Rosario Morales bị bắn chết hồi tháng 4-2017 ở Puebla. Alexander sử dụng màu vàng sáng và tía, pha trộn thêm một số yếu tố tự nhiên như là bông hoa và tán lá. Frida Guerrera, tác giả bản danh sách trên Facebook, hy vọng dự án “No estamos todas” sẽ có tác động đến vấn đề femicide.

Diên San (tổng hợp)
.
.