Đừng đùa với lửa

Thứ Hai, 13/10/2014, 17:20

Tốc độ đô thị hóa cao, nhà cao tầng, khu cao ốc mọc lên tới tấp nhưng lại thiếu quy hoạch bố trí cho công tác Phòng cháy chữa cháy (PCCC) là bất cập hiện nay. Khảo sát tính đến tháng 3/2014, Hà Nội có 695 nhà cao 9 tầng trở lên. Quá về số lượng đã đành, mà mục đích sử dụng của các công trình này cũng rất khác nhau, khiến cho công tác kiểm tra, giám sát lại càng khó khăn.

Rồi thì các vấn đề về hệ thống hạ tầng, ý thức PCCC, hiểu biết về công tác PCCC của cả cán bộ và người dân còn hạn hẹp… cũng là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn phòng chống cháy nổ. “Bà Hỏa” chẳng chừa một ai. Càng nên biết sợ càng tốt.

Chúng tôi đến trụ sở Lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội đúng dịp đơn vị này đang tích cực chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm “Ngày Toàn dân phòng cháy chữa cháy” 4/10 năm nay. Đã hơn 50 năm kể từ ngày Hồ Chủ tịch ký công bố ban hành Pháp lệnh về PCCC (1961 - 2014) và hơn 10 năm thực hiện Luật PCCC (2001 - 2014), song năm nay đối với Lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội thêm phần đặc biệt, bởi nó gắn với dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Bởi thế có thể gọi là chuỗi hoạt động kỷ niệm thì đúng hơn, không chỉ riêng một ngày, mà kéo dài đến hết tháng 10, cùng với đó là nhiệm vụ đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ và đảm bảo ANTT trên địa bàn trong dịp cao điểm giữa tiết trời hanh khô của mùa thu Hà Nội.

Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết năm nay sẽ không "làm" hoạt động lớn cấp thành phố, mà sẽ tập trung vào các hoạt động cụ thể, thiết thực ở các quận, huyện. Đó có thể là các Hội thao nghiệp vụ PCCC cho các lực lượng dân phòng và lực lượng PCCC cơ sở, tổ chức lễ ra quân ở một số địa bàn, các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật PCCC, kiến thức về PCCC nói chung… các hoạt động này sẽ được tổ chức từ cấp quận, huyện trở xuống trên địa bàn. Chủ trương năm nay là sẽ không áp đặt các địa phương mà sẽ là gợi ý thông qua thực trạng, đặc thù công tác PCCC cụ thể ở mỗi nơi, để sao cho các hoạt động diễn ra có hiệu quả nhất…

Thú thực là ngồi nghe kế hoạch tổ chức các hoạt động cụ thể đến từng cái băng rôn, khẩu hiệu, rồi thì bố trí sử dụng hệ thống loa công cộng tại các điểm thôn, xóm, nút giao thông trọng điểm để tuyên truyền - là một nét mới của năm nay - mà khiến chúng tôi sốt ruột quá!

Đại tá Nguyễn Văn Sơn: “Xin giấy phép một đằng, hoạt động một nẻo như bar Luxury gây khó cho công tác kiểm tra an toàn phòng chống cháy nổ”.

Như chừng hiểu được điều ấy, đồng chí Phó giám đốc lực lượng PCCC Hà Nội mới cười, bảo: "Đấy, các anh mới nghe một lúc mà đã thế, còn chúng tôi thì những việc như thế này cứ phải làm đi, làm lại mãi mà vẫn chưa ăn thua đây này…". Phòng cháy phải bắt đầu từ trong ý thức. Mà muốn tác động vào ý thức thì cách tốt nhất là tạo ấn tượng lặp đi lặp lại. Một lần chưa thấm thì hai, ba, bốn lần. Nhiều khi người ngoài không hiểu chuyện, lại thắc mắc "sao ra quân với tuyên truyền gì lắm thế" là vậy!

Được một hồi, câu chuyện của chúng tôi lại quay về chủ đề chính: Cháy! Vấn đề đặt ra thế này: Bây giờ, Luật PCCC có. Các văn bản quy phạm pháp luật, bộ tiêu chuẩn đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, về công tác thanh tra, kiểm tra… đều đủ cả. Vậy thì nếu đều "chuẩn" cả, thực hiện đúng như thế rồi, sao vẫn cháy?

"Hỏa hoạn chưa bao giờ là vấn đề riêng của một quốc gia hay thành phố nào!" Đại tá Nguyễn Văn Sơn đi thẳng vào vấn đề chính. "Cố nhiên, một khi có sự cố xảy ra, việc nhìn nhận lại toàn bộ quá trình, đánh giá đúng mức các yếu tố là điều cần thiết. Song từ xưa đến nay, đứng thứ 2 trong hàng tứ hung, hỏa hoạn vẫn là nỗi ám ảnh thường trực, đặc biệt là với những địa bàn thành phố đang trên đà phát triển nóng nhưng lại chứa đựng nhiều yếu tố không đồng bộ như Hà Nội hay TP HCM".

Đánh giá thực trạng tình hình công tác PCCC trên địa bàn Thủ đô hiện nay, Đại tá Nguyễn Văn Sơn đã phân tích một cách cặn kẽ từng yếu tố để thấy, mặc dù được sự quan tâm sát sao của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến thành phố, song bản thân với những đặc thù, Hà Nội vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Công tác PCCC luôn đòi hỏi phải có sự đồng bộ, vừa mang yếu tố pháp luật, vừa là vấn đề chuyên môn, vừa mang yếu tố quần chúng. Muốn đạt kết quả tốt, tất cả đều phải được nâng lên.

Đầu tiên phải nói đến, đó là vấn đề về địa bàn. Từ một đô thị chưa đến 900km2, sau khi sáp nhập, Hà Nội trở thành một địa bàn rộng lớn với diện tích hơn 3.340km2. Diện tích lớn, dân cư đông trong khi thực trạng của 4 lực lượng PCCC chưa đáp ứng được. 4 lực lượng này mọi người đều biết, đó là dân phòng PCCC ở các thôn, xóm, tổ dân phố; lực lượng PCCC cơ sở thuộc các doanh nghiệp, cơ quan, xí nghiệp; lực lượng PCCC chuyên ngành - là lực lượng chuyên trách tại chỗ của các đơn vị kinh tế trọng điểm hoặc có nguy hiểm cháy nổ như sân bay Nội Bài, các tổng công ty xăng dầu… và cuối cùng là lực lượng Cảnh sát PCCC. Mạng lưới này hiện nay Hà Nội có đủ cả nhưng đều chưa đáp ứng được, cả về nhân lực cũng như trang bị.

Chẳng hạn ngay như lực lượng Cảnh sát PCCC, là nòng cốt, thì cũng mới có 15 phòng đảm đương nhiệm vụ trên địa bàn 30 quận, huyện của thành phố. Địa bàn chưa thể phủ kín, chứ đừng nói đến đạt chuẩn về trang thiết bị đồng bộ. Được biết theo quy hoạch chung, phấn đấu đến năm 2020 mỗi quận, huyện phải có 1 Phòng Cảnh sát PCCC chuyên trách.

Lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội trong một phương án diễn tập.

Bất cập về hạ tầng, đặc biệt là vấn đề giao thông cũng là một trở ngại lớn đối với công tác PCCC hiện nay. Đường sá chật chội, mật độ giao thông cao. Theo con số của các cán bộ tuyên truyền sở tại thống kê được thì trên địa bàn Hà Nội có cả thảy 1.278 ngõ sâu, nhỏ xe chữa cháy không thể vào được. 99% chất phục vụ chữa cháy là nước, trong khi nguồn nước phục vụ cho chữa cháy hiện nay nhìn chung là thiếu.

Theo tiêu chuẩn toàn thành phải có hơn 8.000 trụ nước phục vụ chữa cháy, thì hiện nay mới chỉ có 1.558 trụ nước. Thiếu hơn 6.000 trụ, chưa kể công tác bảo dưỡng, duy trì khả năng sẵn sàng. Nguồn nước ao hồ tự nhiên ngày càng bị thu hẹp. Chẳng hạn như vụ cháy xảy ra tại số 114 Âu Cơ trước đây. Ai cũng tưởng ở khu vực ấy, một bên sông Hồng, một bên hồ Tây, thiếu gì nước? Thế nhưng để xe chữa cháy chạy ra đến Lạc Long Quân lấy nước, chạy đi chạy về mất khoảng hơn 6 cây số. Không hề đơn giản như kiểu xuống bờ mương múc xô nước một tí nào cả.

Tốc độ đô thị hóa cao, nhà cao tầng, khu cao ốc mọc lên tới tấp nhưng lại thiếu quy hoạch bố trí cho công tác PCCC cũng là một bất cập hiện nay. Công tác kiểm tra, giám sát lại càng khó khăn. Rồi thì các vấn đề như hệ thống hạ tầng giao thông, nguồn nước, hệ thống điện dây cáp, đường điện cũ; ý thức PCCC, hiểu biết về công tác PCCC của cả cán bộ và người dân còn hạn hẹp… cũng là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn phòng chống cháy nổ. "Bà Hỏa" chẳng chừa một ai. Càng nên biết sợ càng tốt.

Đấy là những yếu tố, có thể tạm gọi là thuộc về khách quan. Còn các yếu tố về mặt chủ quan thì lại càng nhiều, khó có thể liệt kê ra hết được. Tựu trung lại, là khi tất cả tập trung cho làm ăn, nói một cách mỹ miều là phát triển kinh tế, thì công tác PCCC tự dưng sẽ bị đẩy xuống hàng thứ yếu là điều nhìn thấy rõ.

Đại tá Nguyễn Văn Sơn đưa ra ví dụ phân tích: Một công trình xây dựng, ban đầu anh xây với mục đích khác, sau lại đổi sang công năng khác. Điều người ta quan tâm duy nhất lúc ấy là hiệu quả kinh tế, chứ làm gì có chuyện tính đến phương án phòng chống cháy nổ? Hay cùng một căn nhà xây, với mục đích ban đầu để ở, thì yêu cầu về PCCC là thế này. Sau người ấy có điều kiện chuyển đi chỗ khác, nhà để cho thuê làm văn phòng, thì yêu cầu PCCC đã thay đổi. Cũng chính căn nhà ấy, với thiết kế ban đầu cho hộ gia đình ở, bỗng dưng lại chuyển sang cho người nước ngoài thuê, thì yêu cầu về PCCC lại càng khác nữa.

Ở đây mới đang bàn đến sự việc với các dữ liệu đầy đủ. Nếu như có sự gian dối, nội dung có thể còn bị đẩy đi xa nữa. Ví dụ điển hình là vụ cháy bar Luxury tại số153 đường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội vừa rồi. Sau khi hỏa hoạn thiêu trụi quán bar, có tin đồn rằng quán đã hoạt động không phép hơn một năm nay? Còn theo báo cáo của Phòng Cảnh sát PCCC Số 6, đơn vị phụ trách địa bàn về công tác quản lý về PCCC đối với cơ sở như sau: Phòng Cảnh sát PCCC Số 6 đã kiểm tra hướng dẫn cơ sở các quy định về an toàn PCCC.

Ngày 19/12/2013, Phòng Cảnh sát PCCC Bắc Thăng Long (nay là Phòng Cảnh sát PCCC số 6) đã tiến hành kiểm tra đối với cơ sở nhận thấy: Cơ sở đã lập hồ sơ quản lý công tác PCCC, xây dựng phương án chữa cháy, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho đội viên đội PCCC cơ sở.

Tại thời điểm kiểm tra phát hiện cơ sở còn tồn tại thiếu sót về an toàn PCCC và đã kiên quyết lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt đối với cơ sở về 3 lỗi. Bao gồm: 1. Bố trí, sắp xếp vật tư hàng hóa cản trở lối thoát hiểm; 2. Thiết kế, xây dựng lối thoát và cửa thoát hiểm không đúng quy định; 3. Trang bị phương tiện PCCC không đầy đủ theo quy định. Và đã yêu cầu cơ sở phải thực hiện xong các kiến nghị của cơ quan Cảnh sát PCCC mới được đưa vào hoạt động!

Ngày 27/12/2013, cơ sở đã có bản cam kết gửi Phòng Cảnh sát PCCC Bắc Thăng Long thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của cơ quan Cảnh sát PCCC tại biên bản kiểm tra ngày 19/12/2013. Ngày 10/3/2014 qua báo cáo của cơ sở và kiểm tra đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp ngày 20/8/2013 cho Công ty TNHH Kinh doanh thương mại và đầu tư Tây Hồ do cơ sở cung cấp: Tính chất hoạt động chỉ là kinh doanh nhà hàng ăn uống lưu động (không bao gồm kinh doanh quán bar, phòng hát karaoke, vũ trường)!

Theo Phụ lục của Nghị định 79/2014 có hiệu lực thi hành từ 15/9/2014 thì trên địa bàn thành phố có hơn 200 nghìn cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc diện quản lý, về PCCC và còn đang tiếp tục điều tra cơ bản bổ sung. Với số lần kiểm tra định kỳ ít nhất 1 lần, nhiều nhất là 4 lần trong 1 năm theo quy định. Toàn bộ lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố hiện có 140 cán bộ vừa làm công tác kiểm tra, vừa kiêm nhiệm. Tính một cách số học đơn thuần, nghĩa là mỗi cán bộ trung bình phải đảm trách hơn 1.400 cơ sở. Như vậy tính ra nếu chỉ kiểm tra lần lượt không thôi, mỗi ngày một đơn vị, thì cũng phải mất gần 4 năm một người mới kiểm tra hết một lượt ngần ấy cơ sở mình phụ trách.

"Cố nhiên công việc không thể máy móc một cách số học như vậy được", Đại tá Nguyễn Văn Sơn chia sẻ thêm. Tuy nhiên, nói như vậy để thấy, công tác PCCC rất cần sự hợp tác, phối hợp của các ngành, các cấp, toàn thể người dân và đặc biệt là người đứng đầu đơn vị, đứng đầu cơ sở. Lực lượng Cảnh sát PCCC được giao đặc trách, là nòng cốt, là lực lượng chủ công trong cuộc chiến với giặc lửa là đương nhiên. Điều 5, Luật PCCC nêu rõ: Phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lực lượng Cảnh sát PCCC có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra hoạt động phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và làm nhiệm vụ chữa cháy.

Tại khoản 2, Điều 8 của Luật này cũng nêu rõ: Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy phải tuân thủ các tiêu chuẩn của Việt Nam về phòng cháy và chữa cháy… Luật thì quy định như vậy, mà suy cho cùng, phòng chống cháy nổ rõ là phải tự thân trước đã. Có của thì phải lo mà giữ. Để cho “bà Hỏa” viếng thăm rồi mới la toáng lên, không chừng còn bị phạt thêm vì tội tắc trách, không thực hiện đúng quy định về phòng chống cháy nổ nữa ấy chứ. Cái lý đơn giản như vậy, mà cứ phải tuyên truyền mãi, tuyên truyền mãi…

Việt Ba
.
.