Dựng kịch lịch sử không thể khinh suất

Thứ Tư, 08/04/2009, 08:25
Khi kim đồng hồ trước đền Bà Kiệu đang nhích dần đến ngày đại lễ Thăng Long - Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi, các loại hình nghệ thuật nước nhà lại có dịp tung tẩy về đề tài lịch sử, một mảnh đất mầu mỡ luôn hứa hẹn những phát kiến mới khi nhìn vào những sự việc tưởng chừng như xưa cũ nhưng lại luôn ẩn chứa những thông điệp mới, hiện đại. Tuy nhiên, như cố NSND Nguyễn Đình Nghi đã nói: “Đụng vào lịch sử không thể khinh suất”.

Trong hàng chục những tác phẩm đã và đang được dựng, chúng ta luôn phải phân vân với câu hỏi: “Dựng tác phẩm lịch sử, thế nào là trung thành với lịch sử?”.

Trong những ngày này, tại khán phòng của Nhà hát Lớn vở chèo “Oan khuất một thời” của đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang đã gây nên cơn sốt trong giới nghệ thuật và khán giả.

Đạo diễn Doãn Hoàng Giang rong chơi tại khu vườn nghệ thuật đã nhiều và tại vở diễn này ở ông lại toát lên một bản lĩnh nghề nghiệp để cho không ít khán giả băn khoăn và ám ảnh. Và không một ai ra về khi cánh màn nhung chưa khép lại. Điều gì, níu chân khán giả giữa thời sân khấu không còn là hoàng kim, lại thêm dựng vở về lịch sử cái mà không thuộc về thị hiếu đám đông thích giải trí, tiếng cười luôn được ưu tiên hàng đầu.

Nhưng khán giả vẫn không khỏi băn khoăn khi dựng thành tác phẩm sân khấu, sử đã bị biến tướng, một số chi tiết gần như thay đổi hoàn toàn. Như trong sách sử chỉ nói nhà vua uống rượu về đến vườn vải rồi vua băng hà. Nhưng khán giả nhìn thấy lại là  một ông vua chạy đuổi theo Thị Lộ gây nên cảnh nháo nhác trên sân khấu...

Một lần nữa, đạo diễn Doãn Hoàng Giang vốn có tiếng là người giỏi phá: Phá chèo, phá tuồng, phá cải lương và giờ thì bị vu là “phá sử”. Sự thực về vấn đề này đến đâu, phóng viên Chuyên đề ANTG tìm gặp đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang, PGS-TS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái và nhà sử học Dương Trung Quốc.

Đạo diễn Doãn Hoàng Giang từ tốn: “Người ta hay nhầm về lịch sử, cứ nghĩ ông vua nào cũng phải uy nghi đạo mạo, ra sân khấu khệnh khạng ngồi, không biết ông vua lúc đấy mới chỉ 20 tuổi với đủ tính cách thất thường của một thanh niên mới lớn. Lại đứng trước một nhan sắc yêu kiều, học vấn uyên thâm, sao khó tránh khỏi xao lòng...”

Đạo diễn Doãn Hoàng Giang cũng bày tỏ, nhiều người hỏi ông tại sao lại để Nguyễn Trãi - nhà văn hóa lớn đối ẩm với hai nhà thơ xem ra việc này cũng không hề có trong sách sử? Liệu có phải là xuyên tạc sự thật?

Ông giải thích: “Cuộc chiến tranh qua đi, đôi khi những người chiến hữu cũ đã thay đổi cách nhìn nhau, không như lúc còn cùng chịu binh đao đạn lửa. Người ta nhìn nhau không còn tình như cũ cũng là chuyện không quá lạ lẫm. Lê Lợi vì những lý do khác nhau đã lạm sát không ít những trung thần.

Nguyễn Trãi ở giai đoạn này cũng rơi vào trong tình trạng “Chim hết cung bị xếp xó”. Nguyễn Trãi là một người đau đời, nhìn chung quanh những người tâm đầu hợp ý không còn, chỉ thấy lúc nhúc gian thần và ông đã không hòa nhập được. Nguyễn Trãi như một cái cây đứng thẳng, không chết về vụ án Lệ Chi Viên thì cũng sẽ chết vì mưu sâu kế hiểm của lũ gian thần.

Vậy sáng tạo của người nghệ sĩ ở đây, để Nguyễn Trãi uống rượu với hai nhà thơ, để bày tỏ nỗi niềm người quân tử. Lúc đấy mưa bão vần vũ, trời sầu đất thảm, với tận cùng của nỗi đau đời, ông đã thốt lên: “Bạn hữu tan tác cả rồi, còn dăm ba kẻ ta ngồi với nhau. Nghĩa tình kể hết nông sâu, chén vui chưa cạn chén đau đã đầy. Một lời tỉnh, một lời say. Lưỡi tê vị đắng, tay tê chén cầm”.

Đạo diễn Doãn Hoàng Giang, nói một cách đầy tâm huyết: Nhiều người đặt quan niệm trung thành với lịch sử là rất cứng nhắc. Bởi, bản thân lịch sử chưa chắc đã phải là lịch sử thứ thiệt và có những lịch sử giả và viết theo những quan điểm khác nhau của các nhà chép sử, cũng chưa chắc đã đúng.

Vì bản thân lịch sử mà các nhà sử học còn có thể chưa dám khẳng định đó là chính sử thì hà cớ gì người nghệ sĩ không được sáng tạo. Cũng có quan điểm cho rằng, trong sách sử, người ta chỉ thấy Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung đánh giặc.

Nhưng Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo là người thế nào, sách sử không nói đến con người cụ thể với  số phận, cá tính, đời tư chỉ thấy rõ những năm tháng, những sự kiện. Vào lịch sử người nghệ sĩ tôn trọng cái gì và không tôn trọng cái gì?

Trước hết tôn trọng sự kiện có thật, không bóp méo sự kiện lịch sử. Xung quanh những điểm nhấn trong sách sử là phải tài năng của người nghệ sĩ làm cho thiên sử phong phú và đa dạng, đầy tính cách các nhân vật.

Phải sáng tạo ra tính cách nhân vật trở nên hấp dẫn, bởi người nghệ sĩ Việt Nam vào lịch sử dám sáng tạo lịch sử, dám hư cấu lịch sử và quan trọng nhất là phải tạo nên những nhân vật lịch sử có cá tính, có tính cách, có số phận, có tâm lý, chứ không phải những nhân vật lịch sử khô cứng.

Đạo diễn Doãn Hoàng Giang cho rằng: Cái lỗi để cho thế hệ trẻ Việt Nam không biết sử Việt Nam bằng sử Trung Quốc, có một phần là do sự thiếu bản lĩnh của những người làm nghệ thuật khi đi vào lịch sử, không khắc họa được những nhân vật lịch sử hấp dẫn hay khát vọng.

Bài học nền nghệ thuật Trung Quốc dạy cho ta biết bao nhiêu điều, họ hư cấu hay vô cùng. Họ dựa vào những câu chuyện có thật và sáng tạo thành nhân vật tính cách, tình huống tính cách rất hay, hấp dẫn.

Còn với nền nghệ thuật của chúng ta về đề tài lịch sử, lắm khi hay bị bệnh “bò sát”, tức là  trong sách sử có cái gì thì viết lại trong tác phẩm hệt như thế. Cái mà người ta nhìn thấy là sự bò sát trong các tác phẩm lịch sử khô cứng, lịch sử qua những con số, qua những sự kiện và không phải lịch sử qua những tác phẩm đã được thăng hoa...

PGS-TS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái cũng đồng tình với quan điểm của NSND Doãn Hoàng Giang và đưa ra lập luận: Khi dựng tác phẩm về đề tài lịch sử, người đạo diễn không có lý do gì để trung thành với lịch sử một cách thuần túy và trần trụi.

Cái họ cần, trước hết phải trung thành với kịch bản do tác giả kịch bản nghĩ về lịch sử như thế nào đã. Nghĩa là họ phải đồng quan điểm với tác giả viết kịch bản. Một kịch bản sẽ có 10 ông đạo diễn có những cách lý giải khác nhau, và 10 bản dựng khác nhau thì tất cả những người đi xem sẽ là trọng tài, sẽ thấy có thiện cảm vở này hoặc vở kia, hoặc sẽ thấy vở này thành công vở kia thất bại.

10 đạo diễn có quyền cắt nghĩa về một kịch bản (do một tác giả viết) một cách khác nhau và đối chiếu lịch sử theo quan niệm của họ. Họ có thể giở cuốn sử ra họ xem, chẳng ai cấm cả, vấn đề cuối cùng là tác phẩm lịch sử ấy người xem có thỏa dạ hay không.

Bởi vì cuối cùng người ta thu được ở tác phẩm nghệ thuật là cái gì. Bà Nguyễn Thị Minh Thái kết luận: “Mục đích biện hộ cho phương tiện. Kịch hay phim có cái để diễn và sau cái diễn, khán giả có cái để xem. Sau cái xem khán giả có cái để nghĩ, thậm chí có cái để cười. Và sau cái để cười, có cái để khóc, hoặc cười to hơn nữa...”.

Còn nhà sử học Dương Trung Quốc, đưa ra quan điểm với không ít đồng cảm với người nghệ sĩ: “Bây giờ phải phân biệt văn học về lịch sử. Tác phẩm lịch sử hoàn toàn khác với lịch sử. Nếu chỉ cần biết về lịch sử thì người ta đọc sách sử chứ cần gì phải xem phim, xem kịch lịch sử.

Lịch sử là mảnh đất màu mỡ để người nghệ sĩ hoàn toàn có thể thỏa thê trí tưởng tượng, cùng với bản lĩnh tri thức, cái nhìn về lịch sử qua lăng kính của người nghệ sĩ được thể hiện qua tác phẩm”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc còn cho rằng, người nghệ sĩ đi vào lịch sử phải biết sáng tạo, hoàn toàn có thể hư cấu, thậm chí đặt các giả thiết, các nghi vấn về lịch sử.

Nếu giả thiết đó mang tính thuyết phục cao, giải thích một cách hợp lý thì tác phẩm đó chính là một kho sử sống để các nhà sử học nghiên cứu. Văn chương tạo nên lịch sử. Đôi khi chính tác phẩm văn học lại trở thành chính sử.

Đề cập tới những công việc mà mình cả đời tâm huyết, đạo diễn Doãn Hoàng Giang thao thiết: “Phải nói thực lòng là trước đây tôi dựng một loạt vở về đề tài lịch sử, mấy nhà nghiên cứu lịch sử đi xem rồi thốt lên: “Ơ, anh ơi! Sao chỗ này không giống lịch sử. Chỗ này trong sử không ghi như vậy...” làm cho mình cụt cả hứng sáng tạo.

Tôi rất quý sự uyên bác của các nhà sử học như  Dương Trung Quốc, Phan Huy Lê, Lê Văn Lan. Nhưng cũng ái ngại, thậm chí là sợ mấy nhà sử học xem tác phẩm của mình với con mắt của một nhà sử học chứ không phải xem tác phẩm của mình với con mắt của người nghệ sĩ đi vào lịch sử.

Đạo diễn Doãn Hoàng Giang khẳng định: “Nhà sử học chú ý đến sự kiện, còn tôi chỉ mượn sự kiện cho nhân vật của tôi tung hoành tạo thành những tính cách nhân vật, huyền thoại nhân vật”.

Có một điều lý thú, ngay cả bản thân đạo diễn Doãn Hoàng Giang cũng không ngờ, nhà sử học Dương Trung Quốc thổ lộ, từ trước đến nay ông không hề lấy tư cách là một nhà làm sử đi xem tác phẩm về đề tài lịch sử để xét nét, mà bao giờ cũng đến với tác phẩm đó với tinh thần là một khán giả thưởng thức nghệ thuật.

Và ông rất bất bình với những ai nhân danh nhà sử học để phán xét các tác phẩm nghệ thuật cho rằng không giống chính sử. Theo ông, đó là sự phán xét một chiều, mang tính quy chụp, nghệ thuật không hạn chế các giả thiết...

Bởi lẽ, khi nhìn vào một sự kiện lịch sử, mỗi người đều có cách lý giải khác nhau, cách tiếp cận khác nhau nhưng đều có một mẫu số chung là tác phẩm đấy có mang hơi thở của thời đại? Vì mục đính cuối cùng một tác phẩm về đề tài lịch sử vẫn là tác phẩm đó truyền thông điệp gì và có ích như thế nào để phục vụ cho con người đương đại

Trần Mỹ Hiền
.
.