Dựng lại hàng loạt tác phẩm của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ: Điều không thể cũ

Thứ Hai, 29/07/2013, 16:55

Tháng 8 này, tròn 25 năm kỷ niệm ngày mất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, Hội diễn Sân khấu toàn quốc sẽ diễn ra, tất cả vở diễn đều của một mình cố tác giả Lưu Quang Vũ. Điều chưa hề có trong tiền lệ của nền sân khấu nước nhà. Trong lúc này, từ Bắc chí Nam nhiều đoàn đang cấp tập dựng vở, không khí sôi động, náo nức căng tràn trong các nhà hát. Cũng đã lâu, kịch trường yên ắng và lắm lúc xô bồ mới có dịp thỏa thê với kịch bản ăm ắp tính nhân văn, niềm tin vào tình yêu, vào lòng trắc ẩn, những giá trị đạo đức…

Những kịch bản đã được dàn dựng trước đây từ rất lâu, trên 30 năm do các cây đại thụ của ngành sân khấu thể hiện giờ được lớp thế hệ nghệ sĩ trẻ tái tạo, phục dựng lại với nhựa sống mới, căng tràn sức trẻ. Kịch bản cũ, đạo diễn mới, diễn viên mới liệu có cách nhìn… mới?! Tinh thần… mới?!

Nhiều người khá tò mò bởi cuộc sống hiện nay với một tâm thế mới, khán giả mới, liệu sẽ đón nhận kịch của tác giả, người đã từng gây "bão" trong nền sân khấu nước nhà ra sao? Và, liệu hiện nay sân khấu có thoát khỏi những cái bóng che phủ quá lớn khi mạnh dạn chạm vào những vở kịch đã từng gây sốt từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Chỉ còn ít ngày nữa thôi, tất cả sẽ tìm được câu trả lời.

Sân khấu hoàng kim, Lưu Quang Vũ một thời để nhớ…

Những khán giả mộ điệu với nền nghệ thuật sân khấu nước nhà đều không khỏi xót xa và chạnh lòng khi nhớ về thời kỳ hoàng kim của nền sân khấu đã qua. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, các tác giả ưu tú mà nhiều người trong số họ đến nay đã hầu hết vắng bóng trên văn đàn và đi vào miền cực lạc, Xuân Trình, Tào Mạt, Đào Hồng Cẩm… Trong số đó, có một người đặc biệt mang một số mệnh đặc biệt, đó chính là nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, người được coi là tác giả kịch bản trẻ nhất cũng đã ra đi từ rất lâu. Có điều, anh rời bỏ cõi thế khi tuổi đời mới 40 và đang ở trong giai đoạn sung sức nhất của sự nghiệp.

10 năm đến với công việc sáng tác kịch bản cho sân khấu, anh đã để lại một con số ấn tượng trên 50 vở. Với sức lao động, năng lực sáng tạo khủng khiếp, dưới ngòi bút tài hoa, anh đã cho ra đời vô số kịch bản mà trong đấy không ít nhân vật điển hình đã được đẩy lên trở thành hình tượng được ngưỡng vọng suốt nhiều thập niên qua.

Lúc đó kịch trường sôi động không thiếu kịch bản hay với những cái tên ăn khách như Đào Hồng Cẩm, Tạ Xuyên, Xuân Trình, Tất Đạt… nhưng khi Lưu Quang Vũ xuất hiện lại lập tức trở thành "hiện tượng", gây nên những cơn sốt, để lại dư chấn mạnh mẽ cho người xem.

Kịch của anh giàu tính triết lý, ăm ắp tính nhân văn, hôi hổi tính thời sự. Những vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ lần lượt ra đời như một luồng gió mới mang hơi thở của thời đại phả vào cái quang cảnh buồn bã, nghèo khó của thời bao cấp.

Cái thời đấy người ta có thể nhịn ăn, nhịn mặc, ky cóp dành dụm tiền, háo hức xếp hàng dài dằng dặc, chỉ mong mua được một tấm vé để được vào xem kịch của Lưu Quang Vũ. Khán phòng sân khấu lúc đấy đêm nào cũng chật kín khán giả và không có ghế trống. Kịch của Lưu Quang Vũ được chuyển thể sang cải lương, chèo, dân ca. Huyền thoại về nàng Sita khiến khán giả lúc đó không khỏi xót xa và mơ mộng. Nào Thanh trong "Tôi và chúng ta" làm cho người xem thổn thức đến nao lòng.

Một vở kịch ngay từ khi ra đời đã được khán giả đón nhận và lập tức trở thành tâm bão: "Hồn Trương Ba da hàng thịt" với triết lý sâu sắc về được, mất trong cuộc sống nhân sinh. Nhiều bậc tài danh của nền nghệ thuật nước nhà đã ngả mũ trước Lưu Quang Vũ khi xem xong vở kịch này. Nhưng, số mệnh nghiệt ngã, đây cũng chính là một trong số những kịch bản cuối cùng của nhà viết kịch tài hoa. Cả gia đình ông mất trong một tai nạn ôtô thảm khốc tại Hải Dương  vào mùa hè năm 1988. Sau khi ông mất, nhiều lời đồn thổi xầm xì, thêu dệt  về cái chết của con người kỳ lạ đặc biệt này…

Nhưng cuối cùng, mọi người đều đồng ý với nhận định của NSND Doãn Châu, nguyên Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, người cùng xe với gia đình nhà biên kịch hôm đó: "Vũ ra đi là do bàn tay sắp xếp của số mệnh nghiệt ngã do ông trời định đoạt và sắp đặt"…

NSƯT Chí Trung, NSND Lan Hương - những gương mặt đạo diễn trẻ tiềm năng.

Long đong, lận đận, nỗi buồn sân khấu…

Vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Mỹ thôi cấm vận Việt Nam, Việt Nam hội nhập WTO giao thương với thế giới, đời sống nghệ thuật trở nên phong phú hơn bao giờ hết và kèm theo không ít hệ lụy. Lúc này, nền công nghiệp điện ảnh được du nhập từ những cường quốc với các siêu phẩm điện ảnh cùng với đời sống sôi động của ca nhạc điện tử đang lấn sân, đè bẹp, co kéo nền kịch nghệ. Có quá nhiều thứ để người ta chọn lựa trên bàn tiệc. Nói như NSND Doãn Hoàng Giang: "Sân khấu buồn thê lương như chợ chiều ảm đạm, vắng khách".

Nhiều người đau đáu với sân khấu buông thõng những tiếng thở dài não nuột, bảo rằng: "Tiếc rằng Việt Nam không có Lưu Quang Vũ thứ hai", hay chua xót hơn: "Lưu Quang Vũ có sống dậy cũng khó có thể lôi kéo, vực dậy cả nền sân khấu".

Vào những năm đầu của thế kỷ XXI, sân khấu miền Nam đi tiên phong tổ chức mô hình xã hội hóa, nhiều sân khấu nhỏ ra đời. Tuy rằng, cũng chỉ là giật gấu vá vai, sân khấu vẫn đỏ đèn hằng đêm nhưng ít những vở diễn thực sự có chiều sâu mà loanh quanh là vở diễn nhỏ mang hơi hướng đậm mùi thương mại, đáp ứng thị hiếu chọc cười khán giả. Ngoài Bắc nhiều nhà hát nghệ thuật đã phải "ngủ đông", vở diễn được đầu tư tiền tỉ nhưng rồi sau đêm tổng duyệt, diễn được vài ba buổi là “đắp chiếu” để đấy. Vẫn khó có thể tìm ra được một tác giả song hành cùng thời đại, một sợi dây nhằng nhịt loay hoay hỗn độn với mớ bòng bong.

Những vở diễn gần đây khiến khán giả hứng thú lại là tác phẩm kịch bản mượn của nước ngoài. Còn đa phần kịch bản trong nước vẫn đi theo lối mòn quen thuộc, chưa bứt phá, cảm giác vẫn thấy chưa ổn, chưa tới, thấy thiêu thiếu, văng vắng một điều gì đấy. Một số nhà hát đi tìm phương thức khác diễn hài kịch để nuôi chính kịch. Một dàn diễn viên sáng giá nháo nhác chạy sô, đóng hề diễn hài để tìm kế sinh nhai. Sân khấu hỗn độn, quay cuồng với câu hỏi được, mất!!!

NSND Trọng Khôi, người đã để đời với vai diễn anh hàng thịt trong "Hồn Trương Ba da hàng thịt".

“Và, rồi anh đến…”

Xin lấy lời một bài hát mong chờ một tín hiệu vui trong thời điểm này khi các đoàn đua nhau phục dựng lại kịch của tác giả Lưu Quang Vũ. Kể từ ngày đó đến nay, tròm trèm cũng đến 30 năm, nhiều người thắc mắc vì tính thời sự nhưng rồi người ta cũng nhanh chóng tìm được câu trả lời vì tính nhân văn, giá trị đạo đức luôn ăm ắp, đầy đặn, sâu sắc trong từng kịch bản của nhà biên kịch này. Mà ngày nay giá trị đạo đức đang bị băng hoại, xuống cấp, sự độc ác, xung đột, vụ lợi, ích kỷ, tham lam, quan liêu, tham nhũng như căn bệnh cố hữu khó bỏ. Kịch của Lưu Quang Vũ thực sự vẫn là một điểm sáng tinh túy mang đầy tính nhân văn, hướng con người đến với những điều đẹp đẽ, hướng thiện.

Nhiều người tỏ ra nghi ngờ với thế hệ đạo diễn và diễn viên trẻ ngày nay. Người ta đặt ra câu hỏi, liệu rằng, thế hệ kế cận có đủ tài năng, tâm huyết để phục dựng lại những vở diễn đã từng một thời tạo nên thánh đường sân khấu.

Nhiều người cũng tỏ ra không lạc quan vì ai có thể thay thế được những đạo diễn tài danh Nguyễn Đình Nghi, Xuân Huyền, Phạm Thị Thành… Ai có thể đủ sức nặng để tải được những vai diễn lớn trong kịch của cố tác giả? Ai có đủ sức diễn thuyết phục thay được một dàn sao thời đó khi những diễn viên từ lâu đã gắn tên, đóng mác với vai diễn để đời như NSND Hoàng Cúc vai Thanh trong "Tôi và chúng ta", Lâm Bằng vai nàng Sita trong vở chèo "Nàng Sita", cố NSND Trọng Khôi trong vai anh hàng thịt trong "Hồn Trương Ba da hàng thịt", NSND Trần Tiến gây ấn tượng mạnh mẽ trong vai Đế Thích cũng trong vở kịch này… đạo diễn hay diễn viên ngoài tài năng là thứ trời cho còn phải có một bề dày về văn hóa mới có thể tải hết được sức nặng của vai diễn, của cốt truyện, của tư tưởng triết lý nhân sinh mà tác giả gửi gắm vào tác phẩm.

Nếu cứ loay hoay với nghi ngờ, e dè, lo lắng, liệu rằng sân khấu sẽ mãi ì ạch giậm chân tại chỗ. Không mạnh dạn đi làm sao thấy đường?! Sân khấu mỗi thời một khác. Giờ đây, các đạo diễn trẻ, gọi là trẻ là so với lớp tiền bối đi trước, chứ thực chất họ cũng đã 50 cả rồi, NSƯT Chí Trung, NSND Lan Hương, NSND Hoàng Dũng… nào có kém cạnh ai, đã từng có những kỳ tích về các vai diễn đầy ấn tượng, giờ cởi bỏ lớp áo diễn viên ngồi ở vị trí đạo diễn thị phạm cho lớp diễn viên trẻ. Những ngày này, vào các nhà hát thấy khí thế ra quân thực sự sôi động.

Tại Nhà hát kịch Việt Nam, NSƯT Tú Mai - nữ đạo diễn được coi là người có "con mắt xanh" chọn kịch bản và rất tinh tế cũng đã lên khuôn đạo diễn vở "Hồn Trương Ba da hàng thịt". Nhà hát Tuổi Trẻ, NSƯT Chí Trung đang bàn bạc cặn kẽ với nhà quay phim NSƯT Phạm Việt Thanh để kết hợp đưa điện ảnh vào sân khấu vở "Mùa hạ cuối cùng". Sự kết hợp ăn ý hứa hẹn một vở diễn có điểm nhấn bắt mắt, và là món ăn lạ miệng cho sân khấu đang đói thực đơn. NSND Lan Hương hừng hực lửa, ngày đêm mải miết với kịch hình thể vở "Hồn Trương Ba da hàng thịt", những ý tưởng độc đáo từ lâu đã được ấp ủ, nung nấu giờ có dịp thể hiện.

Kịch của Lưu Quang Vũ có thế mạnh về lời thoại, vậy nữ đạo diễn sẽ tải cốt truyện lên sân khấu bằng hình thể, bằng âm nhạc, vũ đạo thế nào đây? Nhiều điều mới mẻ và thú vị, hấp dẫn khiến khán giả không khỏi tò mò, háo hức.  Đoàn cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát kịch Hà Nội, Nhà hát chèo Việt Nam, Nhà hát kịch Quân đội… cũng tưng bừng, rộn ràng không kém khi đến với tác phẩm của cố tác giả Lưu Quang Vũ … 

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ rời khỏi cõi thế từ rất lâu và rất xa nhưng tinh thần ông gửi gắm trong tác phẩm vẫn mãi được người đời nâng niu, trân trọng. Và dù sao, trên hết, cho đến ngày hôm nay câu chuyện bài học về tính nhân văn, tình thương, lòng bác ái, sự cao đẹp thánh thiện trong tâm hồn chưa lúc nào cần như trong giai đoạn này

NSƯT Chí Trung: Kịch của anh Vũ quá hay, cốt truyện đã quá hay và chỉ làm đúng thế thôi thì đã hay rồi.  Khi đạo diễn kịch của anh Vũ, sẽ có hai trở ngại với các đạo diễn hiện nay. Một là phải làm lại vở diễn đã từng tạo thành công. Hai là trên cơ sở ý tưởng cũ, dàn dựng cũ, nhưng diễn viên hoàn toàn mới thì mình phải thổi hồn vào cho họ.

Năm 1980, Nhà hát Tuổi Trẻ, đạo diễn NSND Phạm Thị Thành đã dựng "Mùa hạ cuối cùng" ít nhiều thành công trong thời kỳ đó. Bây giờ tôi làm đúng như thế thì sẽ không thành công nữa,  bởi vì chúng ta mất toàn bộ khán giả hết lòng vì nghệ thuật sân khấu, số khán giả hết lòng vì Lưu Quang Vũ cũng bớt đi nhiều, mất toàn bộ tính thời sự của thời đại, chỉ còn giá trị về lòng tin, về nhân cách, cốt lõi của vở kịch thời nào cũng có. Điều quan trọng và khó nhất là sự chiêm nghiệm của những người làm nghề, sự chiêm nghiệm của cuộc sống thời nay, những vấn đề đã cũ nhưng chúng ta nhìn ở góc nhìn mới.

Đến với kịch của anh Lưu Quang Vũ, tôi không có áp lực nào bởi tôi nghĩ tôi không đến để tìm một vinh quang, một hào quang, một thành công và sự khẳng định. Tôi không đến để tìm những điều ấy, tôi đến đơn giản chỉ giải quyết một kịch bản rất hay của Lưu Quang Vũ, một vấn đề mà Lưu Quang Vũ để lại và tôi rung động sâu sắc về điều ấy.

Trần Mỹ Hiền
.
.