Dùng “trà thảo mộc”, hãy thận trọng!

Thứ Ba, 29/10/2013, 08:10

Những năm gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều loại "trà thảo mộc". Trong nước sản xuất có mà nhập từ nước ngoài cũng có. Theo quảng cáo, mỗi loại "trà thảo mộc" lại có những công dụng khác nhau: Từ bổ gan, lợi mật đến giảm béo, mịn da, dưỡng tóc. Thậm chí một số bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp, trĩ, viêm đại tràng, cũng có thể chữa được bằng cách uống trà thảo mộc!
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của nhiều lương y, bác sĩ thì không phải bất cứ loại "trà thảo mộc" nào cũng an toàn…

Từ trà Atisô …

Vừa đi Đà Lạt về hôm trước thì chiều hôm sau, anh Chính, một hàng xóm của tôi đã mang sang biếu tôi một gói trà atisô 100gr. Theo lời anh thì trên đường về, nhà xe chọn điểm dừng giải lao giữa đường là một tiệm bán trà ở thị xã Bảo Lộc. Tại đây, ngoài những loại trà truyền thống như trà đen, trà búp, trà mạn, trà móc câu…, được ướp tẩm với nhiều hương vị khác nhau thì còn có trà atisô.

Anh nói: "Tôi đọc trên bao bì cũng như nghe người bán quảng cáo, là trong trà atisô ngoài vitamin C, còn có kali, manhê nên rất tốt cho tim mạch. Bên cạnh đó, atisô có tác dụng làm giảm cholesteron, triglycerid trong máu, hỗ trợ tiêu hóa, làm giảm lượng đường trong máu, giúp gan đào thải chất độc…, có thể uống thay nước hàng ngày nên tôi mua 5kg về để uống dần". 

Thế nhưng sau hơn nửa tháng, một bữa gặp anh, thấy anh có vẻ hốc hác, tôi hỏi anh còn uống trà atisô nữa không? Anh lắc đầu: "Mấy ngày đầu uống vào thì không sao. Nhưng về sau lúc nào bụng tôi cũng đầy đầy, đói mà ăn không được. Bệnh viêm dạ dày lúc trước đã ổn thì nay lại đau nhiều hơn, chưa kể tiêu hóa lúc thì táo bón, lúc thì tiêu chảy. Đi khám, bác sĩ nói nguyên nhân do tôi lạm dụng trà atisô quá nhiều".

Atisô là vị thuốc tốt. Điều này không thể chối cãi. Các nhà khoa học Pháp, Liên Xô cũ, Nhật và Thụy Sĩ đã chứng minh tác dụng của atisô bằng các thực nghiệm lâm sàng: Sau 2 đến 3 tiếng đồng hồ kể từ khi tiêm tĩnh mạch cho chuột lang dung dịch atisô, thì lượng mật bài tiết nhiều hơn bình thường 4 lần, hàm lượng cholesterol và urê trong máu hạ thấp, lượng nước tiểu và urê trong nước tiểu tăng lên. Do vậy, vào thập niên 60 của thế kỷ trước, một hãng dược phẩm Pháp đã tung ra thị trường 2 chế phẩm là Artichol tiêm và Chophytyl dạng viên uống.

Tuy nhiên, dần dà các bác sĩ nhận ra rằng do tác dụng tiết mật và co thắt túi mật để đẩy mật từ gan xuống ruột nên nếu uống atisô thay nước hàng ngày thì có thể gây co thắt toàn bộ cơ trơn của hệ tiêu hóa, dẫn đến tình trạng đầy hơi, trướng bụng, chán ăn bởi lẽ trong atisô có nhiều chất sắt, nhưng lại thiếu các khoáng chất khác như kẽm, crom…, thậm chí còn có thể gây viêm dạ dày. Vì thế, sau 30 năm xuất hiện trên thị trường, hãng này đã ngừng sản xuất Artichol và Chophytyl.

...đến trà nhân trần, trà đắng

Hiện nay, theo tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều người sử dụng trà nhân trần làm thức uống hàng ngày thay nước. Y học cổ truyền khẳng định đây là một vị thuốc tốt, có thể chữa một số bệnh liên quan đến gan. Tuy nhiên, các chuyên gia về Dược động học vẫn có những quan điểm trái chiều về loại cây này.

Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam: "Nhân trần có tính bình, vị đắng, hơi cay, có tác dụng lợi mật, nhuận gan... Người ta chỉ cần lợi mật khi mật không tiết ra trong một số bệnh như viêm túi mật, tắc ống dẫn mật, và nhuận gan khi gan có vấn đề…". Bên cạnh đó, nó còn có khả năng làm hạ huyết áp, thúc đẩy tuần hoàn, giải nhiệt, giảm đau và kháng viêm, cũng như có thể ức chế một số vi khuẩn gây bệnh thương hàn, phó thương hàn, kiết lị, viêm não, viêm phổi và một số loại nấm.

Một trong những loại trà giảm béo hiện bán trên thị trường.

Trên lâm sàng, nhân trần đã được nhiều bệnh viện Y học cổ truyền sử dụng để điều trị các bệnh viêm gan truyền nhiễm cấp tính thể vàng da, vàng da tán huyết do thương hàn ở trẻ sơ sinh, giun chui ống mật, rối loạn lipid máu, viêm loét miệng, nấm da...

Tiến sĩ, dược sĩ Đào Đại Cường, Đại học Y Dược TP HCM, nói: "Nhưng nếu không có bệnh mà lại uống hàng ngày, nghĩa là bắt gan phải tiết mật dù cơ thể lúc ấy không có nhu cầu thì gan sẽ phải hoạt động nhiều hơn, dẫn đến hiện tượng mất cân bằng chức năng gan".

Bác sĩ Nguyễn Giang Hồng, nguyên Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Quận 3 cho biết: "Tôi đã từng gặp khá nhiều sản phụ mất sữa hoặc ít sữa vì trong giai đoạn mang thai, họ thường xuyên uống trà nhân trần, gây xuất tiết các tuyến sữa. Chưa kể nhân trần còn có tính lợi tiểu nên nếu uống thay nước hàng ngày, cơ thể sẽ thiếu hụt kali, phospho và một số khoáng chất khác, dẫn đến thai nhi kém phát triển còn thai phụ thì đi đứng yếu ớt, dễ té ngã…".

Trao đổi với chúng tôi về cây nhân trần, Lương y Huỳnh Văn Khiết cho biết hiện nay trên thị trường, cây nhân trần khá hiếm nên người ta lấy cây bồ bồ - cũng có tác dụng tương tự như cây nhân trần - để thay thế. Tuy nhiên, do cây bồ bồ không có vị ngọt nên trong trà nhân trần, họ cho thêm cam thảo. Bác sĩ Hướng phân tích: "Cam thảo là chất dẫn thuốc, giúp cho thuốc phát huy tác dụng nhiều hơn. Tuy nhiên cam thảo có tính giữ nước, trong khi nhân trần lại giúp đào thải. Hai vị thuốc công dụng trái ngược nhau mà dùng chung thì không có lợi cho cơ thể", chưa kể trong quá trình chế biến, một số người còn phun thuốc diệt cỏ để nó nhanh khô, dễ xay, nghiền, hoặc phun thuốc chống mốc nhằm bảo quản được lâu, dẫn đến sản phẩm trà nhân trần chứa nhiều độc tính nguy hiểm.

Một loại trà thảo mộc khác được khá nhiều người mắc bệnh tiểu đường truyền tai nhau vì tính năng hạ đường huyết của nó: Đó là trà đinh (hay còn gọi là trà đắng). Bác sĩ Khanh, nguyên Phó khoa Răng - Hàm - Mặt, BV An Bình, bị bệnh tiểu đường, kể: "Sáng hôm ấy, tôi thử đường huyết lúc bụng đói thì chỉ số là 350mg/dl. Nửa tiếng sau khi uống 1 ly trà đắng, tôi thử lại thì nó còn là 120mg/dl nhưng chỉ được hơn 1 tiếng, lúc tôi vừa đứng dậy, định lấy xe đi làm thì trong vài giây, đầu tôi không còn nhận thức được gì nữa. Tôi bị mất thăng bằng, té nhào xuống".

Hôm sau, Bác sĩ Khanh thực nghiệm lại chuyện này. Anh nói: "Cũng như hôm trước, uống xong một lát là đường huyết hạ ngay nhưng hiện tượng mất thăng bằng vẫn xảy ra, trong khi nếu tôi uống thuốc hạ đường huyết như bình thường mỗi ngày thì chẳng có vấn đề gì hết. Từ đó, tôi không dám uống nữa và khuyên những người bị tiểu đường, đừng tin lời đồn là trà đắng chữa được bệnh".--PageBreak--

Trà đắng có tên khoa học là Ilex, thuộc họ Aquifoliacae. Ở Việt Nam, nó được gọi là Ilex Cornula Lindl và vị đắng đặc trưng của nó là do một chất có tên Ilicin... Theo tài liệu của Hội Dược thảo Trung Quốc, trà đắng được sử dụng để chữa các bệnh về tim mạch như nghẽn mạch tim hay nghẽn các mạch máu trong cơ thể, hoặc chữa cảm lạnh, đau nhức. Bên cạnh đó, nó còn được coi là một loại thuốc ngừa thai và phá thai (theo tài liệu của bác sĩ Li Shin Chen trong Chinese Medicine Herbe). Tại Việt Nam, nhiều nhà sản xuất quảng cáo rằng nó giúp giảm cân, an thần, ngủ ngon, hạ cholesterol máu và trị… tiểu đường.

Tuy nhiên, theo khảo sát của các chuyên gia về Dược động học, trà đắng thuộc nhóm dược thảo có chứa chất Pyrrollizidine Alkaloide. Chất này cũng được tìm thấy trong số khoảng 230 loại cây cỏ khác nhau, là nguyên nhân chính gây ra một số trường hợp độc hại cho gan.

Theo Tiến sĩ Subhuti Dharmananda, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về y học cổ truyền tại Đại học Portland, bang Oregon, Mỹ,  viết trong báo cáo gửi Tổ chức Y tế thế giới năm 1988, thì việc sử dụng trà đắng thường xuyên, lâu dài sẽ khiến việc cung cấp máu cho gan bị rối loạn, dẫn đến sưng gan, vàng da, bụng có nước, chân phù và nặng hơn hết là chết do suy gan cấp tính. Bên cạnh đó, nó còn có tác dụng làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp đột ngột, dẫn đến hiện tượng người uống mất thăng bằng, tự té ngã, cũng như làm suy giảm chức năng tình dục vì Pyrrollizidine Alkaloide gây ức chế tuyến yên - là cơ quan quyết định sự tăng trưởng và phát triển sinh dục.

Một bậc đàn anh của tôi trong nghề báo, kể rằng: "Mình vốn nghiện uống trà nhưng có dạo, chẳng hiểu vì sao bà xã mình lại chỉ mua trà đắng về cho mình uống. Theo lời bà ấy, trà đắng rất tốt cho gan, mật, lại làm tăng thêm tuổi thọ".

Sau khoảng 6 tháng liên tục uống trà đắng, một hôm bậc đàn anh hỏi tôi về các nguyên nhân gây suy giảm chức năng tình dục. Lúc nghe tôi nói xong, anh khẳng định là mình không nằm trong những trường hợp ấy. Cuối cùng, anh kết luận: "Vậy thì có thể chỉ là do trà đắng thôi". Quả nhiên lúc anh ngừng sử dụng trà đắng này, 3 tháng sau anh điện thoại cho tôi, thông báo: "Nó lại chạy tốt rồi ông Cao ạ".

Và trà giảm béo

Tại TP HCM, trà giảm béo bán "nhiều như quân Nguyên" - theo cách nói đùa của một số bác sĩ, dược sĩ. Không chỉ bán tại khu phố thuốc Bắc đường Phùng Hưng, Hải Thượng Lãn Ông, mà một số tiệm thuốc tây cũng có loại trà này. Chị Huệ, nhà ở đường Hàn Hải Nguyên, quận 11, cho biết chị cao 1,6 mét nhưng nặng tới gần 80kg. Nghe bạn bè chỉ dẫn, chị mua trà giảm béo về uống. Chị nói: "Uống khoảng 1 tuần, tôi đi tiêu, đi tiểu rất nhiều, giảm được 5kg nhưng cơ thể suy kiệt, phải vào bệnh viện".

Tác dụng nhanh chóng của "trà giảm béo" được Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, Đại học Y Dược TP HCM giải thích: "Các chất lợi tiểu, nhuận trường trong trà có tác dụng làm mất nước, gây tiêu chảy, ăn không được nên giảm cân. Nó rất có hại vì cơ thể mất chất dinh dưỡng. Trước mắt, người uống có cảm giác gầy đi nhưng nếu uống lâu dài, niêm mạc ruột sẽ bị tổn thương, gây ra bệnh mà Tây y gọi là bệnh do thuốc nhuận trường. Bệnh tuy không nặng nhưng dây dưa khó chữa, về lâu dài là suy dinh dưỡng".

Cấp cứu bệnh nhân bị biến chứng vì trà giảm béo.

Qua khảo sát, đặc điểm chung của một số loại "trà giảm béo" là gây tiêu nhiều, tiểu nhiều. Trên một gói trà, chúng tôi thấy thành phần của nó gồm: Chất Stevia (không biết có phải là Stevia rebaudiana - cỏ ngọt - dùng làm chất điều vị hay không?), chất Malva verticellata (đồng quỳ) có công dụng lợi tiểu, nhuận trường, chất Persimmon leaf làm hạ huyết áp. Đặc biệt hơn cả là nó còn có chất Senna (bột lá tả diệp), gây xổ rất mạnh nên chẳng trách khi uống vào, người uống thường xuyên bị "Tào Tháo" rượt!

Chị Huệ cho biết: "Để thuận tiện, tôi nấu mỗi lần 2-3 lít, cho vào chai để vào tủ lạnh uống dần. Gặp bạn bè quen, tôi cũng giới thiệu, mời họ uống thử. Đến khi vào bệnh viện, bác sĩ nói tôi bị mất nước trầm trọng, rối loạn điện giải và có khả năng tử vong vì trụy tim mạch thì tôi điện thoại về nhà, bảo con tôi đổ sạch".

Về mặt quản lý nhà nước, mặc dù một số loại "trà thảo mộc" có tính chất dược lý nhưng do tên gọi chung là "trà" nên các cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ cần đăng ký ở bộ phận an toàn vệ sinh thực phẩm chứ không phải qua sự kiểm nghiệm của cơ quan quản lý dược. Trong hồ sơ tiêu chuẩn, hầu hết đều được gọi là "trà túi lọc", có công dụng hỗ trợ giảm cân, nhuận trường, còn độc tính của những thành phần trong túi trà này thì chẳng ai nhắc đến mặc dù trà giảm béo  như chúng tôi vừa nói, có chứa chất Senna - là chất độc mà hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo không nên sử dụng trong các công thức thuốc

Vũ Cao
.
.