Đường cao tốc: Tiềm ẩn nhiều tai nạn thảm khốc
- Hai xe ô tô tải va chạm nhau trên đường cao tốc
- Cả làng thành góa phụ vì đường cao tốc
- Xe buýt lật trên đường cao tốc làm 10 người tử nạn
Một yếu tố hàng đầu là phải nắm rõ là các quy định mang tính bắt buộc về phương tiện như: kỹ thuật, đăng kiểm, tốc độ, các chỉ dẫn, hướng dẫn và các kỹ năng cần thiết cho người tham gia giao thông trên cao tốc. Những yếu tố chủ quan, sơ suất cho dù rất nhỏ cũng có thể mang lại những hậu quả thảm khốc gây thiệt hại tính mạng con người và tài sản có giá trị lớn.
Công tác đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên đường cao tốc hiện nay vẫn đang còn nhiều vấn đề bất cập, thiếu đồng bộ từ hạ tầng, ý thức người tham gia giao thông, công tác quản lý, giám sát, điều hành... Đã có hàng trăm vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra, trên đường cao tốc vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về TNGT...
Đi nhanh nhưng không về đích
Hệ thống đường cao tốc Việt Nam đang khai thác gồm 13 tuyến, với tổng chiều dài 745km. Hiện có 8 đoạn, tuyến đang đầu tư xây dựng với tổng chiều dài 472km. Theo kế hoạch, còn phải hoàn thiện toàn bộ hệ thống đường bộ cao tốc với 21 tuyến có tổng chiều dài 6.411km. Kể từ ngày 3-2-2010, cao tốc đầu tiên TP Hồ Chí Minh - Trung Lương dài hơn 40 km nối Chợ Đệm (Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) với Thân Cửu Nghĩa (Châu Thành, Tiền Giang) đưa vào khai thác đến nay, đã xảy ra rất nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, thảm khốc.
Những vụ va chạm trên đường cao tốc với tốc độ cao 70-120km/h thường gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, thiệt hại về tính mạng, tài sản là rất lớn. Dù cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) trên đường cao tốc, nhưng tai nạn vẫn cứ liên tiếp xảy ra.
Gần đây nhất, khoảng 4h45 phút ngày 4-1-2017, trên đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai đã xảy ra vụ TNGT liên hoàn do 3 xe đâm nhau khiến cho nhiều người thương vong.
Thông tin từ Công ty CP dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc (VECE) cho biết: hai ô tô khách 45 chỗ tỉnh Bình Định, mang biển số 77B-010.40 và 77B-009.38 đang lưu thông trên cao tốc hướng từ Dầu Giây về Long Thành, đến Km 41+500 thì gặp xe container mang biển số 51C-573.60 do tài xế Hoàng Mạnh Hùng (ngụ Quảng Bình) điều khiển lưu thông cùng chiều bị lạc tay lái do nổ lốp.
Xe khách 77B-010.40 do tài xế Cao Đình Tân (SN 1972, quê Bình Định) điều khiển đâm vào xe container khiến xe này lật ngang lao về phía lan can đường, phần đầu xe khách vỡ nát. Có 17 người bị thương, trong đó có 5 người bị thương nặng đang cấp cứu và đã có 1 người tử vong sau khi chuyển lên BV Chợ Rẫy cấp cứu sáng cùng ngày.
Còn xe 77B-009.38 do tài xế Nguyễn Văn Mười (SN 1975, quê Bình Định) chạy song song cũng kẹt vào hai xe đã va chạm, đâm nhau khiến cho xe nát một góc phần đầu, may mắn 40 hành khách không ai bị thương nặng, chỉ hoảng loạn.
Trước đó trên cao tốc này đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNGT xe đâm nhau liên hoàn hoặc tự dưng bốc cháy, nhiều vụ nổ, phải thay lốp ngay trên cao tốc...
Chiều ngày 2-1, xe Fiat 4 chỗ, đời 2004 mang biển số 84A-026.01 trên đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, khi đang lưu thông theo hướng TP Hồ Chí Minh đi Tiền Giang, lúc xe chạy đến Km20+700 thuộc huyện Bến Lức, bỗng dưng bốc cháy phần đầu. Tài xế đã nhanh chóng tấp xe vào lề đường mở cửa bỏ chạy. Lực lượng Cảnh sát PCCC đến hiện trường thì xe đã cháy trơ khung.
Một vụ tai nạn thảm thương cũng đã từng xảy ra trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây vào khoảng 5h30 sáng ngày 3-10-2016 giữa xe cứu thương và xe bồn, khiến tài xế xe cứu thương tử vong, còn y tá và bệnh nhân nguy kịch. Xe lưu thông theo hướng từ Lâm Đồng xuống Dầu Giây lên cao tốc về TP Hồ Chí Minh, tài xế Nguyễn Văn Phượng 54 tuổi, quê Lâm Đồng chở bệnh nhân Lê Xuân Nguyên (43 tuổi), bị gãy chân chuyển viện xuống TP Hồ Chí Minh cấp cứu. Trên xe còn có y tá Phan Thị Kim Nga và người nhà bệnh nhân là chị Phan Thị Ánh, 31 tuổi.
Khi đến gần trạm thu phí Long Thành bất ngờ đâm vào xe bồn mang biển số 51C-697.85 do tài xế Nguyễn Thành Công, ngụ Khánh Hòa điều khiển đang dừng xe ở làn dừng khẩn cấp. Vụ tai nạn khiến tài xế Phượng tử vong tại chỗ, bệnh nhân Nguyên, y tá Nga và chị Ánh bị thương nặng được đưa lên cấp cứu tại BV Chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh và BV Chợ Rẫy.
Tai nạn trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và TP Hồ Chí Minh - Trung Lương từ khi đưa vào khai thác đến nay thường xuyên diễn ra.
Theo nhóm chuyên gia Ths Lê Văn Đạt và TS Nguyễn Thanh Phong - Viện Chiến lược và Phát triển GTVT thì muốn giải quyết vấn đề TNGT trên đường bộ cao tốc, cần phải được triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp như: hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn hướng dẫn công tác đảm bảo ATGT trên đường bộ cao tốc, nâng cao năng lực quản lý, các điều kiện an toàn về hạ tầng giao thông, kiểm soát, quản lý tải trọng, tăng cường tuần tra, tuần đường, PCCC, cứu hộ cứu nạn, sử dụng công nghệ cao, ứng dụng thông minh…
Nguyên nhân chính là ý thức
Để xảy ra hàng trăm vụ TNGT trên đường bộ cao tốc thường đặc biệt nghiêm trọng, nguyên nhân chủ yếu vẫn là ý thức của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, có phần lỗi không nhỏ thuộc về kỹ thuật, liên quan đến công tác kiểm định và sự muộn màng, chậm chạp của công tác cứu hộ, cứu nạn trên cao tốc. Nhiều xe khi lên đường cao tốc đã chạy vượt quá tốc độ cho phép trong quy định từ 70km/h đến 120km/h từng đoạn, tuyến. Khi di chuyển, các làn xe thường vượt, lách, đánh võng trên đường nên xảy ra tai nạn liên hoàn.
Thêm vào đó, các xe dừng, lùi ngay trên cao tốc không có làn dừng khẩn cấp, với hệ thống đèn tín hiệu và biển báo không đủ cho các phương tiện cùng chiều lưu thông nhận biết, nên đã đâm vào nhau.
Nghiêm trọng hơn, nếu các vụ xe đâm va cực mạnh vào nhau trên những đoạn cao tốc trên cao rơi xuống, thì hậu quả rất khó lường. Riêng các trường hợp liên quan đến lỗi kỹ thuật, đăng kiểm như mất phanh, nổ lốp... cũng dễ xảy ra trên các đoạn cao tốc băng qua vùng có địa hình đồi dốc, tốc độ lưu thông cao, cộng với quán tính và ma sát lực cực mạnh thường dẫn đến sự cố tai nạn.
Tai nạn cũng từng xảy ra do nguyên nhân chủ quan của người lái xe như: đột ngột dừng đón trả khách trên cao tốc, lùi xe lại do vượt quá đoạn giao nhau đường rẽ trên cao tốc và dừng xe ngay trên cao tốc để đi vệ sinh... Khi làn xe từ phía sau lao đến với tốc độ trên 80km/h, khả năng đâm mạnh vào nhau là nguy cơ cao nhất vì khó có thể giảm tốc độ đột ngột trong lúc lưu thông, do thói quen chạy sát đuôi nhau với khoảng cách cực ngắn so với quy định từ 100m-200m.
Hơn nữa, khi lưu thông trên cao tốc hiện nay, có rất nhiều xe lưu thông chậm dưới tốc độ cho phép. Thậm chí nhiều xe còn tùy tiện dừng đỗ, tham quan... khiến cho những xe lưu thông đúng làn, đúng tốc độ cao dễ đâm vào đuôi gây ra tai nạn.
Đêm Noel vừa qua, khoảng 19h tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc (Hải Dương), xe bán tải Ford Ranger mang biển số 29C-362.88 dừng ở làn khẩn cấp, một người đứng báo hiệu, 2 người thay lốp xe... Đoạn đường không có đèn chiếu sáng nên rất tối, người báo hiệu đã tìm cách ra hiệu kêu cứu nhưng xe bồn chở dầu mang biển số 29C-181.34 do tài xế Nguyễn Minh Đức, 38 tuổi, trú Quận Long Biên (TP Hà Nội) điều khiển vẫn đâm sầm vào khiến 2 người thay lốp xe tử vong tại chỗ.
Tại các quốc gia khác như Đức, người lái xe phải tự trang bị áo phản quang khi làm nhiệm vụ cứu hộ trên cao tốc để các xe từ phía sau nhận biết và phải trang bị luôn biển báo phản quang hình tam giác để đặt cảnh báo cho các xe sau về sự cố tai nạn để tránh trong khi chờ cứu hộ đến giải quyết.
Ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Đường bộ cao tốc lưu thông với tốc độ cao nên khi xảy ra tai nạn thường rất thảm khốc. Nhiều lái xe thiếu kỹ năng khi lưu thông trên cao tốc còn có những hành vi ngớ ngẩn như: thò tay ra cửa vẫy xin vượt, chuyển làn, cài số lùi, nháy đèn để trở lại điểm giao cắt đã lỡ vượt qua hay đi sát đuôi xe phía trước liên tục nháy đèn, bấm còi xin vượt, hoặc chuyển làn không bật đèn xi nhan, tự động dừng trên cao tốc để đi vệ sinh, không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn giữa hai xe từ 100-200m...
Một vấn đề còn “lôm côm” trong quản lý đường cao tốc đó là công tác duy tu, bảo trì, lắp đặt biển báo, đèn tín hiệu, phản quang, camera theo dõi chưa phù hợp vị trí, kích cỡ hoặc không lắp đặt tại những khu vực cần thiết... Đặc biệt là công tác cứu hộ, cứu nạn (CHCN) và PCCC trên cao tốc. Hầu hết các vụ cháy nổ xe trên đường cao tốc thường xảy ra ban đêm, trên các cung đường vắng, lực lượng PCCC địa phương khi nhận tin báo cháy đến khi tiếp cận hiện trường hầu như đã cháy trụi xe. Chưa kể đến việc lắp đặt các trụ nước chữa cháy dành cho đường bộ cao tốc chưa được quan tâm.
Về công tác cứu nạn, cứu hộ cũng khó khăn tương tự. Do không cho hệ thống trực chiến thường xuyên trên cao tốc nên khi các phương tiện và lực lượng CHCN đến nơi thường rất chậm trễ, công tác cấp cứu, chữa trị tại hiện trường không thể tiến hành... Tiêu chuẩn trên đường cao tốc khoảng 50km phải có một trạm CHCN để kịp thời ứng cứu trong thời gian dưới 30 phút đến nay không được đảm bảo trên nhiều tuyến đường cao tốc Việt Nam.
Nhiều tuyến đường cao tốc xảy ra tình trạng mất trật tự ATGT do cả hai yếu tố chủ quan lẫn khách quan do hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh chưa hoàn thiện như cầu vượt, cầu chui, đường gom... cùng với ý thức người dân tham gia giao thông còn nhiều hạn chế, cũng đã dẫn đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn về TNGT cho đường cao tốc. Đặc biệt gần đây còn xảy ra tình trạng lái xe trả đón khách trên cao tốc, xe máy lưu thông vào đường cao tốc, xe ô tô chạy ngược chiều trên cao tốc...
Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành đường bộ cao tốc, hệ thống ITS trong quản lý giám sát thông minh, camera đã được lắp trên toàn các tuyến, các nhân viên trung tâm có thế giám sát toàn bộ hoạt động trên các đường cao tốc, truy lùng và kịp thời ngăn chặn phát hiện nhiều vụ gây hư hỏng tài sản, cầu đường, phương tiện.
Tuy nhiên, một số điểm sương mù các tuyến cao tốc phía Bắc vẫn còn gây khó khăn cho việc giám sát bằng camera, đặc biệt là thiếu camera sử dụng tia hồng ngoại giám sát ban đêm và cơ chế chính sách dành cho bộ phận điều hành, quản lý chưa thỏa đáng nên việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giám sát, quản lý điều hành trên đường cao tốc hiện nay vẫn phải còn nhiều sự đầu tư và giải pháp hiệu quả hơn.
Thêm vào đó, hệ thống rào chắn, cầu đường giao cắt, bảo vệ hành lang đường cao tốc hiện nay tại nhiều địa phương còn nhiều vần đề chưa hợp lý và các công ty quản lý khai thác đường cao tốc còn nhiều nơi chưa thực hiện các dự án, công trình phụ phục vụ trên cao tốc.
* Ảnh trong bài: Một số vụ TNGT trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây do VECE cung cấp.