Đường đời bất hạnh của cặp mẹ - con siêu sao Hollywood

Thứ Ba, 26/06/2018, 15:09
Cơn khủng hoảng đầu tiên của Judy bắt đầu vào tháng 4 năm 1947, trong quá trình quay bộ phim “The Pirate”. Judy đột ngột bị suy sụp thần kinh và phải nhập viện tâm thần một thời gian ngắn. Cô vẫn hoàn thành được lịch trình quay trước thời hạn nhưng đến tháng 7 cùng năm, Judy cắt cổ tay tự sát và may mắn được cứu sống...

Ma túy và rượu đã cướp đi tất cả

Sinh năm 1922 tại bang Minnesota của Mỹ, cô thôn nữ bé nhỏ chỉ cao có 1m50 tên Frances Ethel Gumm đã làm nên lịch sử của cả 3 lĩnh vực ca hát, phim ảnh, nhạc kịch tại Hollywood dưới cái tên Judy Garland. Tuy vậy, cuộc đời chỉ kéo dài 47 năm của bà không chỉ có vinh quang và danh vọng mà còn chất chứa vô số bất hạnh và nước mắt.

47 tuổi đời - 45 tuổi nghề

Sự nghiệp của Judy dài 45 năm, cho dù bà chỉ sống tới tuổi 47 vì khi mới 2 tuổi, Judy cùng 2 người chị lớn đã bắt đầu biểu diễn thường xuyên tại rạp chiếu phim của cha mình. Những màn biểu diễn không kéo dài được lâu vì cha của 3 chị em là ông Frank Gumm bắt đầu vướng vào những tin đồn giới tính. Nhiều người kể lại ông Frank Gumm thường xuyên quấy rối hoặc quyến rũ những nhân viên soát vé trong rạp.

Nhanh chóng nhận ra tài năng của 3 cô con gái, người mẹ đã khích lệ 3 đứa con thành lập một đoàn hát tên “Chị em nhà Gumm” (về sau là “Chị em nhà Garland”), và bà trở thành “bầu sô” của 3 đứa trẻ. 3 cô ca sĩ nhí dần dần trở nên nổi tiếng đến mức được biểu diễn tại Hollywood và cuối cùng, ở tuổi 13, Judy trở thành “gà nhà” của “người khổng lồ” trong ngành công nghiệp giải trí MGM. Judy xuất hiện trong 12 bộ phim của hãng MGM, nhưng cô bé chỉ trở thành hiện tượng sau khi nhận vai Dorothy trong phim “The Wizard of Oz”.

Khoảnh khắc cô bé Dorothy thơ thẩn trong khu vườn và bất ngờ hát vang bài hát “Somewhere Over The Rainbow” được đánh giá là một trong những cảnh phim kinh điển nhất trong lịch sử phim ảnh của thế kỉ 20. Chất giọng truyền cảm và quãng giọng cao hiếm thấy của Judy Garland đã khiến “Somewhere Over The Rainbow” trở thành một trong những ca khúc nhạc phim hay nhất mọi thời đại.

Tác phẩm này được coi là một trong những bài hát đáng nhớ nhất của âm nhạc và điện ảnh thế kỉ 20, được bình chọn là bài hát của thế kỉ 20 bởi Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ và được Viện Phim Mỹ xếp hạng 1 trong danh sách 100 ca khúc đáng nhớ nhất của điện ảnh Hoa Kỳ thế kỉ 20.

Judy Garland.

Bi kịch của sự nổi tiếng

Bất chấp thành công rực rỡ của mình, Judy Garland có một đời sống cá nhân trắc trở từ khi còn nhỏ. Sức ép của việc nổi tiếng quá sớm, cũng như những lời chê bai cay nghiệt mà quản lý và các nhà phê bình phim ảnh dành cho hàm răng hơi hô và chiếc mũi không được thon của Judy đã gây ảnh hưởng rất xấu lên tâm lý của nữ diễn viên khi cô bước vào tuổi thiếu niên.

Ở tuổi 14, các nhà sản xuất phim đã gọi cô bé là "một con lợn béo buộc tóc hai bên”, “béo và xấu xí như một con quái vật” và ép cô bé ăn kiêng. Judy đã phải ăn kiêng khổ sở đến mức cô bé suốt ngày chỉ biết mơ về bánh kẹo và kem lạnh. Thói quen ăn uống rất thiếu lành mạnh này thậm chí vẫn còn tiếp diễn khi Judy đến tuổi trưởng thành.

David Rose - người chồng đầu tiên của ngôi sao - đã bị sốc khi chứng kiến vợ mình ăn ít ra sao. Ông cho biết, Judy hầu như chỉ dám ăn súp gà và uống cà phê đen, hút hàng chục điếu thuốc mỗi ngày và cứ 4 tiếng lại uống thuốc giảm cân một lần để giữ thân hình thon thả. Nhiều năm sau, Judy bập vào thuốc giảm đau và thuốc phiện vì chỉ khi dùng chất kích thích, cô mới có thể quên đi cơn đói.

Cơn khủng hoảng đầu tiên của Judy bắt đầu vào tháng 4 năm 1947, trong quá trình quay bộ phim “The Pirate”. Judy đột ngột bị suy sụp thần kinh và phải nhập viện tâm thần một thời gian ngắn. Cô vẫn hoàn thành được lịch trình quay trước thời hạn nhưng đến tháng 7 cùng năm, Judy cắt cổ tay tự sát và may mắn được cứu sống. Trong thời gian này, Judy lại phải điều trị 2 tuần ở bệnh viện tâm thần Austen Riggs tại Massachusetts.

“The Pirate” được công chiếu vào năm 1948 và là bộ phim đầu tiên Judy Garland đóng vai chính mà không có lãi. Lý do khiến The Pirate thua lỗ không chỉ vì chi phí sản xuất khổng lồ mà còn vì cả chi phí cho những ngày quay phải hủy khi Judy nhập viện. Trong suốt 2 năm sau đó, Judy nhập viện tâm thần liên tục, bắt đầu nghiện ma túy và thuốc ngủ, cũng như liên tục đến muộn hoặc nghỉ làm không phép. Cuối cùng, đến năm 1950, MGM buộc phải cắt hợp đồng với Judy.

Tuy nhiên, giống hệt như cô bé Dorothy trong “Phù thủy xứ Oz”, Judy đã không chịu bỏ cuộc. Cô tiếp tục chinh phục khán giả bằng tài năng không thể phủ nhận, cùng với sự giúp đỡ của những người bạn tốt như danh hài Bing Cosby. Bằng việc xuất hiện trên chương trình radio của Bing Cosby, bắt đầu tham gia diễn xuất trên các sân khấu danh tiếng của nước Anh và đặc biệt là tham gia bộ phim “A Star is Born”, Judy dần quay trở lại đỉnh cao.

Cuộc hôn nhân dài nhất lại là với người chồng… đồng tính

Judy lấy 5 đời chồng nhưng người đàn ông ở cạnh cô lâu nhất - đạo diễn huyền thoại Vincente Minnelli - lại là người... đồng tính.

Vincente Minneli được biết đến vì đã đạo diễn những bộ phim ca nhạc kinh điển như “Meet Me in St. Louis” (1944), “An American in Paris” (1951), “Gigi” (1958) - trong đó “An American in Paris” và “Gigi” đều thắng giải Oscar dành cho phim hay nhất. Năm 1945, Vincente và Judy kết hôn. Hai người có một cô con gái là ca sĩ, diễn viên Liza Minnelli.

Trong nhiều năm liền, Hollywood đã râm ran lời đồn rằng Vincente thực ra là... người đồng tính. Vô số phóng viên và tác giả có thâm niên tại kinh đô điện ảnh cho biết trước khi nổi tiếng, Vincente đã công khai xu hướng tính dục của mình nhưng khi ông bắt đầu xây dựng sự nghiệp tại Hollywood, các quản lý của Vincente yêu cầu ông che giấu giới tính thật bằng cách lấy vợ và Judy chính là nạn nhân của sự dối trá này.

Nhà văn nổi danh Mark Steyn cho biết, Judy từng cố gắng tự tử khi phát hiện chồng mình cặp kè với... một người đàn ông khác. Người chồng thứ tư của Judy, Mark Herron, cũng là người đồng tính. Judy ly dị Mark không chỉ vì ông là người đồng tính mà còn vì thói vũ phu của Mark.

5 cuộc hôn nhân và 5 lần ly dị đắt đỏ, phong cách làm việc kém chuyên nghiệp, thói nghiện ngập cùng những khoản nợ thuế khổng lồ... đã khiến Judy Garland kiệt quệ và qua đời tại London khi mới tròn 47 tuổi vì sốc thuốc.

May mắn thay, tài năng của Judy Garland đã được kế thừa trọn vẹn bởi con gái của bà - nữ diễn viên đoạt giải Oscar Liza Minnelli (1946). Liza Minnelli có đôi mắt, giọng hát và phong thái diễn xuất giống hệt người mẹ tài hoa bạc mệnh của mình. Không chỉ vậy, cuộc đời của Liza cũng có rất nhiều nét tương đồng với cuộc đời của Judy Garland.

Con gái Liza: Sự lặp lại không chỉ tài năng mà cả bi kịch

Giống như mẹ, Liza bắt đầu sự nghiệp khi còn rất nhỏ và dần mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Khi mới 2 tuổi, Liza đã xuất hiện trong vở nhạc kịch “In the Good Old Summertime” của mẹ. Ở tuổi 19, Liza đã trở thành gương mặt quen thuộc của sân khấu Broadway và là diễn viên nữ trẻ nhất từng đoạt giải Tony cao quý cho vai diễn của cô trong vở nhạc kịch “Flora, the Red Menace”.

Khi ngắm nhìn con gái nhận giải, Judy thì thầm với nhà thiết kế Donald Brooks: “Nhìn con bé kìa! Chúng ta đã đưa nó lên sân khấu ấy đấy! Nhờ anh mà trông con bé mới xinh đẹp thế và nhờ cảm hứng từ tôi mà nó mới diễn hay thế, chứ bản thân nó có động lực gì đâu”.

Tinh thần cạnh tranh của Judy rất khó để che giấu, đặc biệt là với chính con gái ruột của mình. Liza nhớ lại: “Như thể chỉ một phút trước bà vẫn là mẹ tôi nhưng một phút sau bà trở thành một con sư tử tìm cách đuổi giết kẻ đang xâm lăng lãnh địa của bà”.

Thành công của Liza mang lại rất nhiều tiền bạc. Cô trở thành người chu cấp cho mẹ mình - một con nghiện rượu và chất kích thích hạng nặng.

Có vẻ như Judy không chỉ để lại cho con gái mình tài năng mà còn cả bi kịch. Giống như mẹ, Liza kết hôn tới 4 lần và 2 trong số 4 đức lang quân này là người đồng tính. Thậm chí, người chồng đầu của Liza là Peter Allen còn ngoại tình với Mark Herron - người lúc này đang là chồng của Judy Garland. Peter về sau công khai yêu một người mẫu nam và qua đời năm 1992 vì HIV-AIDS.

Năm 1996, trong một cuộc phỏng vấn trên tạp chí Advocate, Liza thuật lại: “Tôi cưới Peter và ông ấy không hề nói với tôi là ông ấy không thích phụ nữ. Tất cả mọi người đều biết cả, trừ tôi. Và cái cách tôi biết chuyện á... để tôi nói thế này, từ đó trở đi tôi không bao giờ về nhà đột xuất nữa. Trước khi về nhà, tôi sẽ gọi điện báo trước”.

Người chồng thứ tư - David Gest - cũng bị đồn thổi là người đồng tính, tuy nhiên ông luôn phủ nhận điều này. David Gest và Liza Minnelli kết thúc cuộc hôn nhân của họ bằng một cuộc ly dị cay đắng nhất nhì lịch sử Hollywood.

Hai mẹ con Judy và Liza trên trường quay.

Năm 1974, Liza kết hôn với đạo diễn Jack Haley Jr. sau một thời gian ngắn hẹn hò. Một điều thú vị là cha của Jack Haley Jr. - diễn viên Jack Haley - là bạn diễn của Judy trong phim “The Wizard of Oz”. Họ ly dị tháng 4 năm 1979.

Năm 1979, Liza kết hôn với nhà điêu khắc Mark Gero. Đây là cuộc hôn nhân lâu bền nhất của nữ diễn viên; cặp đôi bên nhau được 13 năm trước khi ly dị vào năm 1992.

Năm 2002, Liza kết hôn với David Gest. Hai bên nhanh chóng ly thân cùng năm và ly dị vào năm 2003 với lý do Liza hành hung David mỗi khi bà say xỉn.

Dù trải qua rất nhiều cuộc hôn nhân nhưng bất hạnh thay, Liza không thể có con. Một lần sảy thai khi còn trẻ đã cướp đi của bà khả năng sinh nở.

Giống như mẹ, Liza là một con nghiện thuốc. Ông hoàng của giới mộ điệu Mỹ trong thế kỉ 20 Andy Warhol từng kể lại trong nhật kí của mình rằng suốt thập niên 70, Liza say xỉn tối ngày và thường xuyên gõ cửa studio của ông để yêu cầu được dùng tất cả những loại chất kích thích mà Andy có. Đến đầu thập niên 80, Liza phải đi cai nghiện ở Bệnh viện Betty Ford. Liza lại tiếp tục tái nghiện và thậm chí còn quay sang sử dụng những loại thuốc nặng hơn sau cái chết của người mẹ minh tinh.

Hệt như Judy Garland khi còn trẻ, Liza cũng luôn rất tự ti về ngoại hình của mình. Nhà văn Emmanuel Levy viết trong cuốn tiểu sử ông chắp bút cho cha của Liza là đạo diễn Vincente Minnielli: “Giống như mẹ của mình, Liza luôn lo lắng về ngoại hình cũng như sức hấp dẫn của bản thân”.

Thêm vào đó, trong cuốn tiểu sử “Get Happy: The Life of Judy Garland”, nhà văn Gerald Clarke cho hay: “Họ không chỉ trông giống hệt nhau - từ cái eo mảnh đến cặp chân dài - mà còn có những nét tính cách tương đồng. Liza lúc nào cũng nghĩ rằng mình thật xấu xí và điều này đẩy cô vào nỗi lo lắng và bất an triền miên - hệt như Judy Garland khi còn sống”.

Cả hai nhà văn đều đồng ý rằng chính sự tự ti và những đổ vỡ tình cảm khiến hai mẹ con theo đuổi chung một mẫu đàn ông sẽ công nhận và chú ý đến mình - như một cách thay thế hình tượng người cha.

May mắn hơn người mẹ bạc mệnh của mình, Liza cuối cùng đã cai nghiện thuốc và sống lâu hơn hẳn so với Judy - bà hiện vẫn khỏe mạnh ở tuổi 72. Sau khi rút lui khỏi ánh đèn sân khấu, bà cống hiến sức lực cho những tổ chức từ thiện góp phần hỗ trợ sự phát triển não bộ ở trẻ em và những tổ chức phi chính phủ hoạt động nâng cao nhận thức về HIV/AIDS).

Năm 2007, bà tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn: “AmfAR (tên một tổ chức chuyên hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu để đẩy lùi HIV/AIDS quan trọng đến như thế với tôi vì tôi đã mất không ít người thân và bạn bè do căn bệnh thế kỉ này”.

Thi San
.
.