Đường hầm buôn lậu hàng cấm ở dải Gaza

Thứ Ba, 05/01/2010, 05:45
Bùng nổ buôn lậu mặt hàng xe môtô - tháo dỡ ở Ai Cập và buôn lậu vào Gaza - đang mang đến những hậu quả chết người. Những dòng xe môtô lợi dụng hệ thống đường hầm giữa Gaza và Ai Cập đã dẫn đến tình trạng tàn sát lẫn nhau giữa những tay lái trẻ tuổi, không bằng lái.

Mahmoud hãnh diện với chiếc môtô mà cậu ta vừa mua được trong tháng 10/2009 với giá 700 USD, hiện được dựng trên cát ở lối vào của một trong những con đường hầm được sử dụng để buôn lậu máy móc và hàng tiêu dùng vào Dải Gaza. 

Chiếc môtô do Trung Quốc sản xuất đã đem lại tiền bạc cho Mahmoud. Cậu ta nói: "Đó là tất cả những gì mà tuổi trẻ muốn. Còn tốt hơn là lái xe hơi".

Những chiếc môtô được tháo rời ra từng bộ phận chuyển qua các đường hầm, tránh né lính biên phòng Ai Cập và những chiếc xe tuần tra của Israel, và sau đó tập trung đến những cửa hàng trên vùng đất Palestine bị vây hãm. Theo Khalil Shahin, Giám đốc kinh tế của Trung tâm Nhân quyền Palestine (PCHR), số lượng xe môtô trên các đường phố ở Dải Gaza tăng lên khoảng 25% trong vòng 7 tháng qua là nguyên nhân gây ra ít nhất 160 cái chết và khoảng 1.000 trường hợp bị thương.

Dưới sức ép của PCHR, cuối cùng chính quyền Hamas đã phải hành động. Xe môtô bị cấm lưu thông trên con đường dọc bờ biển đông đúc xe cộ vào những ngày nghỉ cuối tuần trong mùa hè 2009. Và 3 trường dạy lái xe môtô được mở cửa, cũng như giấy phép lái xe và thuế - trị giá 1.300 shekel (210 bảng Anh) một năm - hiện đang là sự bắt buộc.

Tại đây, Những con đường hầm ở Gaza được sử dụng để buôn lậu hàng hóa từ Ai Cập.

Nhưng biện pháp ban đầu là cấm nhập xe môtô hầu như đã gây khốn đốn cho cửa hiệu môtô ở Rafah của Khaled Zannon. Người này nói: "Trước  khi có lệnh cấm nhập môtô của Hamas, mỗi tuần chúng tôi bán được chừng 50 đến 60 chiếc. Bây giờ chỉ bán được 2 chiếc. Phần đông người mua xe ở độ tuổi từ 15 đến 20. Nhưng có một số chỉ mới 11 tuổi đã biết lái xe".

Xe môtô có lẽ đã không còn được nhập ồ ạt nữa, nhưng hệ thống đường hầm vẫn còn tấp nập người qua kẻ lại như là tuyến giao thông huyết mạch giúp cho nền kinh tế bị bao vây của Gaza được phát triển. Một số những mặt hàng mà Israel không cho phép đi qua biên giới trên bộ cũng như dưới đường hầm gồm có những con thú sống.

Gần như bất cứ thứ gì cũng được đặt hàng với giá cao. Tại đầu khác của Dải Gaza, trong chợ của trại tị nạn Jabalia, một cửa hàng điện tử bày bán đầy đủ những mặt hàng như: máy giặt, tủ lạnh 2 tầng, máy hút bụi, máy nướng bánh, ấn đun nước, máy trộn thức ăn, lò vi sóng, bàn ủi hơi nước, máy pha cà phê, máy sấy tóc, tivi... đều xuất phát từ những đường hầm buôn lậu.

Trong khi đó điện không có đủ (chỉ có từ 8 đến 12 giờ/ngày) để cho phép máy móc thiết bị hoạt động, các chủ cửa hàng cho biết người ta dễ dàng nghe thấy tiếng máy phát điện ầm ầm ở khắp Gaza.

Abu Rawhai, là một trong số 17 người đầu tư tiền bạc xây dựng đường hầm cho riêng mình sử dụng. Anh giải thích: "Chúng tôi là dân môi giới. Giới con buôn ở Ai Cập  thuê chúng tôi vận chuyển hàng hóa và người dân ở Gaza cũng đặt hàng với chúng tôi. Bạn có thể đặt mua bất cứ thứ gì mà bạn cần". Những trường hợp va đụng nhau giữa các đường hầm ở Gaza không là chuyện ngẫu nhiên.

Trong tháng 9/2009, con đường hầm chính đã bị Israel dội bom  và 2 công nhân của Abu Rawhai bị chết ngạt bởi đường hầm bị đánh sập. Sau vụ này, Abu Rawhai bồi thường cho mỗi gia đình nạn nhân 40.000 shekel (6.500 bảng Anh) và sau đó tiến hành xây đường hầm khác cách nơi bị trúng bom chừng vài mét.

Abu Rawhai than phiền chính quyền Ai Cập đang cho xây dựng một barie ngầm dưới đất để ngăn chặn đường buôn lậu hàng hóa. Đường hầm của Abu Rawhai sâu 13 mét; còn barie của người Ai Cập dài 30 mét dưới lòng đất. Abu Rawhai nói: "Mọi chuyện sẽ chấm dứt một khi bức tường ngầm này được xây xong".

Có phải hệ thống đường hầm chằng chịt là tốt cho Gaza? Rawhai nói rằng: "Chúng phá vỡ sự vây hãm. Nhưng đó là công việc nguy hiểm chết người. Người ta sợ không biết có toàn mạng để trở lên mặt đất hay không". Khalil Shahin ở PCHR ước tính có khoảng 40 đến 50.000 người Gaza làm việc trong hay quanh nền "kinh tế đường hầm", trong đó bao gồm công việc vận chuyển hàng và bốc xếp.

Kể từ khi Israel phong tỏa gần như hầu hết mọi thứ hàng hóa trong và ngoài Dải Gaza, hệ thống đường hầm trở thành một "cầu nối sinh mạng chủ chốt để phá vỡ sự vây hãm và bảo đảm cho cuộc sống tối thiểu vẫn được tiếp tục". Tuy nhiên, hệ thống đường hầm này cũng gây hậu quả chính trị là trói buộc nền kinh tế Gaza vào Ai Cập nhiều hơn cũng như tạo khoảng cách xa hơn với Bờ Tây.

Một hậu quả mà một số chính khách lãnh đạo Palestine nói đó là chiến thuật có cân nhắc của Israel nhằm phân chia và làm suy yếu Palestine. Cuối cùng là nền kinh tế Palestine khó hồi phục được nếu sự vây hãm chưa chấm dứt. Song hệ thống đường hầm cũng giúp hình thành nên một nhóm người giàu có trong số 5.000 chủ sở hữu đường hầm.

Hamas cũng được hưởng lợi kinh tế từ đường hầm, vì chính quyền thành phố Rafah kiếm được 10.000 shekel (1.630 bảng Anh) cho mỗi lần cấp phép và điện chiếu sáng cho đường hầm. Mohammed, một chủ nhân đường hầm khác, nói: "Chúng tôi không có sự lựa chọn. Đây là cách duy nhất để làm việc. Nếu biên giới được mở cửa thì sẽ không còn đường hầm nữa".

Và cho đến nay, hàng hóa buôn lậu vẫn lưu thông qua đường hầm, với những chiếc xe tải chở chocolate và yanson - loại hạt hồi được đặt hàng rất mạnh vì nó được coi như là một phương thuốc hiệu quả chống cúm A/H1N1

Thục Miên (theo Guardian)
.
.