Dustin Hoffman - “Charlie Chaplin đệ nhị” của Hollywood

Thứ Sáu, 09/03/2012, 16:15

Năm 1937, gia đình một giám đốc sản xuất ở Hollywood sinh hạ một cậu con trai, được đặt tên là Dustin, và muộn hơn là người em trai Ronald - để tưởng nhớ Dustin Farnum và Ronald Kolman, những ngôi sao nổi tiếng của bộ môn nghệ thuật thứ bảy từng chinh phục mọi thế hệ khán giả qua tài năng diễn xuất, cũng như "mẽ ngoài" thượng thặng. Và ông bà Hoffman đâu có ngờ rằng, cậu cả Dustin: với tầm vóc nhỏ bé, cùng cái mũi to quá khổ… một ngày nào đó đã trở thành một đại siêu sao - hơn cả các thần tượng của quá khứ nữa.

Lúc đầu Dustin Hoffman rất thờ ơ với sự quyến rũ của kinh đô điện ảnh Hollywood và theo học nhạc tại Los Angeles. Nhưng ngay từ những thử nghiệm đầu tiên trên sân khấu của thành phố Pasadena (gần Los Angeles) đã quyết định số phận của anh. Đầu năm 1958, Dustin Hoffman lên đường đi New York - "thánh địa kịch nghệ" của nước Mỹ.

Như bất cứ một người nào muốn chuyên tâm với nghề nghiệp, Dustin mơ ước được học trong Studio sân khấu của Lee Strasberg - nhà sư phạm kiêm đạo diễn nghệ thuật đại tài. Nhưng bất thành sau 5 kỳ thi… trượt. Không nản, anh quyết tâm theo đuổi nghề mình đã chọn bằng những vai "thể hiện cá tính của một diễn viên đang lao động nghệ thuật thực thụ" - như nguyên văn lời Dustin thổ lộ sau này. Và anh đã kiếm được việc, không phải là tại các rạp lớn sầm uất như Broadway, mà là những nhà hát nhỏ khiêm nhường. Nhưng chính tại đây người ta cho phép thử nghiệm mọi lối diễn, mọi bản sắc, mọi vai hỗn độn… khiến Dustin Hoffman dần khẳng định được chỗ đứng của mình trong nghề, qua kinh nghiệm với mọi thể loại diễn xuất phong phú khiến nhiều người trong giới ít nhiều đã biết tới tên tuổi của anh.

Mười năm sau, Dustin Hoffman gặp được "dịp may lớn", khi nhà hài kịch trứ danh F.Gilroy phát hiện ra anh và đề nghị anh vai diễn chính trong vở kịch "Chúng tôi vừa nói về những đóa hồng" bất hủ của ông. Nhưng bất ngờ D.Hoffman bị tai nạn: bỏng nặng do khí gas khi đang nướng bánh, khiến vai diễn phải chuyển qua người khác. Sau khi ra viện, anh chỉ còn biết ôm mặt… khóc ròng mỗi khi nghe thấy nhan đề vở kịch đang "hớp hồn công chúng New York vốn khó tính" kia.

Nhưng số phận lại mỉm cười với anh, khi vị đạo diễn trẻ Mike Nichols chọn Dustin cho bộ phim "The Graduate" (Kẻ có học) của mình. Qua năm 1968 thì phim được trình chiếu và Dustin Hoffman đột nhiên trở thành người "mở mắt ra đã thành anh hùng". Đây chính là thời điểm khó quên trong lịch sử nước Mỹ: cuộc chiến Việt Nam dai dẳng và sa lầy… Công chúng và giới trẻ luôn bất mãn chán chường, Dustin Hoffman bỗng trở thành "thần tượng phản kháng" của họ chống lại thói đạo đức giả đang ngự trị trong xã hội Mỹ.

Áp phích phim "Midnight Cowboy".

Sau phim này Hoffman nhận được loạt hợp đồng "béo bở" cho 6 bộ phim sắp quay khác, nhưng anh phải làm theo những gì mà người ta "chỉ bảo". Hoffman công khai phản kháng như trong phim "The Graduate": "Nếu như tôi phải đóng những vai không xuất phát từ trái tim mình, thì tôi chính là kẻ ngu ngốc nhất trên thế gian này. Tôi thà làm việc không lương với những vai do mình chọn". Và anh đã thể hiện tính khảng khái của mình qua phim "Midnight Cowboy" (Chàng cao bồi lúc nửa đêm) của đạo diễn John Schlesinger gạo cội. Một bộ phim nói về tình bạn trong giới trẻ, trở thành "một trong những bộ phim hay nhất của Hollywood thập niên 60 thế kỷ XX. Một lời cảnh tỉnh về số phận của những người trẻ - "bé bỏng" trong một xã hội đồ sộ "phong lưu" - như nhận định của một nhà phê bình điện ảnh Mỹ nổi tiếng.

Năm sau Dustin Hoffman lại thể hiện vai của một dạng người "bé bỏng" khác trong phim "Little Big Man" (Người to nhỏ) bóc trần sự nhẫn tâm của nền "văn minh da trắng" đối với người thiểu số da đỏ, làm hư hỏng thế hệ con trẻ của họ qua những tiện nghi và ý thức tầm thường - thực dụng. Rồi "Lenny", bộ phim nói về ngôi sao nhạc nhẹ huyền thoại Lenny Bruce, lột tả "sự phản kháng qua âm nhạc" đối với nạn kỳ thị chủng tộc và tệ người bóc lột người…

Rồi vinh quang nghề nghiệp đã đến với Dustin Hoffman vào năm 1980, khi anh được trao giải Oscar cho vai nam diễn viên chính xuất sắc nhất của phim "Kramer vs. Kramer" (Krame đối chọi Krame). Một bộ phim tâm lý xã hội gây xúc động lòng người, kể lại cảnh "gà trống nuôi con" của một viên chức bị vợ bỏ và bắt buộc phải tự mình nuôi nấng và dạy dỗ cậu con trai mới 5 tuổi… Một tác phẩm điện ảnh sâu sắc cọ xát với những vấn đề xã hội bức xúc đương thời, luôn được coi là "bộ phim hay nhất về đề tài gia đình" trong toàn bộ lịch sử tồn tại của Hollywood

 Tổng cộng Dustin Hoffman đã xuất hiện trong vai chính của hơn 60 bộ phim - đều là dạng "hốt bạc" - mà không cần tới sự trợ giúp của các kỹ xảo "thời thượng" tốn kém. Ở Hollywood bây giờ, người ta gọi ông là "Charlie Chaplin Đệ nhị". Tuy đã bước qua ngưỡng thất tuần, nhưng trông ông vẫn còn rất sung sức, với vóc người thấp bé đầy chất hài hước, quanh ông lúc nào cũng như sẵn sàng bung ra những trận cười đến… vỡ bụng - y như với vua hề Charlot thuở  xưa vậy

Q.Phú (tổng hợp)
.
.