EU tìm kiếm cơ hội ở châu Á

Thứ Hai, 23/07/2018, 15:45
Trong bối cảnh xung đột thương mại với Mỹ vẫn tiếp diễn, để đảm bảo lợi ích kinh tế cũng như gia tăng ảnh hưởng trong các mối quan hệ quốc tế, EU đang có những bước đi tích cực, chủ động trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác ở khu vực châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản.

Đây được xem là bước chuyển hướng mang tính chiến lược của EU nhằm tìm kiếm các cơ hội, điều kiện hợp tác, trao đổi thương mại với các đối tác lớn, mới... ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Một trong những bước đi của EU trong chiến lược chuyển hướng của mình là nhanh chóng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU ở thủ đô Bắc Kinh ngày 16-7 vừa qua.

Tại Hội nghị, hai bên đã nhất trí hợp tác để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và ủng hộ thương mại tự do toàn cầu. Đồng thời, hai bên cũng nhất trí trao đổi về các đề nghị tiếp cận thị trường lẫn nhau để thúc đẩy thỏa thuận đầu tư song phương.

EU và Nhật Bản thông qua Hiệp định FTA.

Đây có thể xem là tín hiệu về sự đồng lòng nhất định của Bắc Kinh và Brussels nhằm chống lại chính sách bảo hộ thương mại và tăng thuế quan mà Mỹ đang áp đặt với cả Trung Quốc và EU.

Không riêng gì EU, căng thẳng thương mại Trung Quốc - Mỹ đang ngày càng leo thang sau khi Washington áp mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD. Thậm chí, Tổng thống Donald Trump còn đe dọa đánh thuế tất cả các mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ trị giá hơn 500 tỷ USD, gần tương đương tổng lượng hàng mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc hồi năm ngoái.

Sự tương đồng trong việc chia sẻ nhiều lợi ích và mối quan ngại chung liên quan tới chính sách thương mại theo phương châm “Nước Mỹ trên hết” mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo đuổi được cho là những thuận lợi cho EU và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương chặt chẽ hơn.

Dữ liệu từ EU cho thấy Trung Quốc là nguồn nhập khẩu lớn nhất của EU, đồng thời cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của khối này. Trung bình cả hai bên giao dịch trên 1 tỉ euro (khoảng 1,16 tỉ USD) một ngày. Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư vào “lục địa già” khoảng 320 tỷ USD, hơn một nửa trong tổng số 678 dự án mở cửa cho đầu tư nước ngoài tham gia ở châu Âu có nguồn vốn xuất xứ từ Trung Quốc.

Riêng trong hai năm 2016 - 2017, tổng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào EU tăng gần 80%. Những con số này cho thấy tầm quan trọng của Trung Quốc trong quan hệ hợp tác thương mại với EU và là cơ sở để EU tiếp tục đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Bắc Kinh thời gian tới.

Cùng với Trung Quốc, Nhật Bản là đối tác nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía EU trong chiến lược hướng sang châu Á. Việc Hiệp định Đối tác kinh tế EU - Nhật Bản được EU và Nhật Bản thông qua vào ngày 17-7 vừa qua được xem là minh chứng cho tham vọng của EU ở châu Á. Nhật Bản và EU bắt đầu đàm phán thỏa thuận tự do thương mại từ năm 2013, trải qua rất nhiều vòng đàm phán và không phải ngẫu nhiên mà Hiệp định FTA này được hai bên thông qua nhanh chóng.

Trong bối cảnh, các hiệp định song phương, đa phương đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang đã khiến cho EU phải thúc đẩy sớm thông qua Hiệp định FTA với đối tác Nhật Bản.

Theo thỏa thuận vừa ký kết, Nhật Bản sẽ xóa bỏ thuế đối với 94% hàng nhập khẩu từ EU, bao gồm 82% các sản phẩm nông, ngư nghiệp. Điều này sẽ giúp pho-mát, rượu vang và thịt lợn của EU có giá rẻ hơn trên thị trường Nhật Bản. Giá rượu vang và thịt lợn châu Âu sẽ giảm cho người tiêu dùng Nhật Bản, còn các bộ phận máy móc, trà và cá Nhật thì rẻ hơn với người tiêu dùng châu Âu.

EU và Trung Quốc tăng cường hợp tác thương mại.

EU cũng sẽ xóa bỏ thuế đối với các sản phẩm chủ lực của Nhật Bản như đối với ôtô là sau 8 năm và tivi là sau 6 năm kể từ khi thỏa thuận tự do thương mại có hiệu lực.

Với tổng quy mô tương đương 1/3 kinh tế toàn cầu và dân số hơn 600 triệu người, thỏa thuận là một chiến thắng lớn cho phe ủng hộ thương mại tự do, nhất là giữa bối cảnh làn sóng bảo hộ nổi lên và 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới - Trung Quốc và Mỹ - đang bị cuốn vào một cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho rằng với việc ký thỏa thuận này, EU và Nhật Bản đang phát đi thông điệp về thương mại tự do và công bằng, các bên sẽ trở nên mạnh và giàu có hơn khi cùng nhau hợp tác.

Với vị thế là thị trường đơn lẻ lớn nhất thế giới khi sở hữu 28 quốc gia và hơn 500 triệu dân, tự do hóa thương mại với Nhật Bản sẽ giúp châu Âu đẩy mạnh xuất khẩu được nhiều hơn các sản phẩm hóa chất, quần áo, mỹ phẩm và bia sang Nhật Bản, theo đó tạo thêm việc làm cho người châu Âu.

Người tiêu dùng Nhật vốn ưa chuộng hàng hóa châu Âu, nên giá hàng châu Âu giảm có thể khuyến khích người dân đất nước mặt trời mọc chi tiêu nhiều hơn. Do vậy, các cơ hội hợp tác của các doanh nghiệp EU hướng đến thị trường này sẽ mở ra nhiều hơn.

EU đang cố gắng thiết lập liên minh của mình để đối mặt với chính quyền bảo hộ của ông Trump, trong đó có việc đàm phán và kí kết nhiều hiệp định thương mại khác với các đối tác ở khu vưc châu Á như Ấn Độ, Việt Nam... Với Việt Nam, EU đang tiến hành những bước tiếp theo để kí kết thỏa thuận Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9 tới.

Ngày 26-6 vừa qua, cả hai bên đã chính thức kết thúc quá trình rà soát pháp lý, thống nhất đẩy nhanh quá trình tiến tới ký kết và phê chuẩn hiệp định trong thời gian tới.

Kông Anh
.
.