EU và Nhật Bản bắt tay kiểm soát tuyến kết nối Âu – Á

Thứ Hai, 07/10/2019, 13:49
Lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản ngày 27-9 vừa qua đã ký kết một hiệp định về cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy hợp tác trong các dự án giao thông, năng lượng và kỹ thuật số kết nối châu Âu với châu Á, qua đó tìm kiếm một lựa chọn thay thế cho những dự án rầm rộ của Trung Quốc đang gây nghi ngờ cho cả Brussels và Tokyo.

Cả trên danh nghĩa lẫn trong thực chất, thỏa thuận này chính thức hóa sự tham gia của Nhật Bản vào "Chiến lược kết nối với châu Á" được EU đưa ra và thực hiện từ một vài năm nay.

Tài trợ cho dự án này là quỹ đảm bảo trị giá 60 tỷ Euro (khoảng 65,48 tỷ USD) của EU, các ngân hàng phát triển và các nhà đầu tư tư nhân. Như vậy, sau thỏa thuận về khu vực mậu dịch tự do, Nhật Bản và EU đã có thêm dấu ấn mới trong việc thúc đẩy quan hệ song phương với việc ký kết thỏa thuận về phối hợp cùng nhau thực hiện những dự án về phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, vận tải và công nghệ số có tác dụng và hiệu ứng kết nối châu Âu với châu Á.

Ngoài ra, EU và Nhật Bản còn mong muốn thiết lập các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt hơn. Trong hiệp định 10 điểm, EU và Nhật Bản đã cam kết dành “sự quan tâm cao nhất” đối với “năng lực tài chính và nợ bền vững” của các quốc gia. Mặc dù không phải tất cả ngân sách của EU và Nhật Bản sẽ được chi tại châu Á, song EC sẽ đưa việc chi tiêu cơ sở hạ tầng để kết nối với châu Á thành chính sách chính thức trong ngân sách chung của EU.

Thủ tướng Nhật Bản và Chủ tịch EU.

Chiếm 60% dân số thế giới, 60% GDP và 55% giá trị thương mại toàn cầu, tiềm năng hợp tác giữa châu Âu và châu Á rất lớn. Năm 2016, trong bản Chiến lược toàn cầu thế kỷ XXI, EU xác định cần đẩy mạnh các liên kết giữa an ninh và phát triển của châu Âu với vai trò và vị thế ngày càng gia tăng của châu Á. Từ đó, nhiều dự án hợp tác chung giữa hai khu vực về chính trị, kinh tế và an ninh đã được triển khai với tầm nhìn về kết nối ngày một định hình rõ nét.

Song, những ảnh hưởng nghiêm trọng của các nguy cơ an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, khủng bố, an ninh mạng... cùng việc hàng loạt quốc gia như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản điều chỉnh chiến lược đẩy mạnh hợp tác với châu Á đòi hỏi Lục địa già phải thể hiện những bước đi tích cực hơn.

EC đã khai mạc Diễn đàn kết nối châu Âu - một hội nghị quốc tế hội tụ nhiều bên liên quan nhằm thúc đẩy đối thoại và tăng cường mối quan hệ giữa các chính phủ, tổ chức tài chính và những chủ thể thuộc khu vực tư nhân cả trong và ngoài châu Âu. Dựa trên quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa EU và các đối tác châu Á - Thái Bình Dương, lần họp đầu tiên của diễn đàn được tổ chức với chủ đề "Kết nối EU - châu Á: Xây dựng cầu nối cho tương lai bền vững", một năm sau thời điểm triển khai chiến lược của EU về kết nối hai châu lục.

Tham dự diễn đàn có hơn 1.400 lãnh đạo, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và giới học giả các nước Liên minh châu Âu (EU) và châu Á, trong đó có Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker, cùng thủ tướng các nước Nhật Bản, Phần Lan, Croatia...

Trong phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker khẳng định sự kết nối đã trở thành "ADN của châu Âu" và là yếu tố cần thiết trong bối cảnh các nước trên thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, những thách thức chung mà các nước đang phải đối phó và sự phát triển của khoa học công nghệ.

Tuy EU không xác nhận chính thức nhưng giới quan sát cũng thừa biết là chiến lược này của EU nhằm mở rộng quan hệ hợp tác của EU với các đối tác bên ngoài và đối phó với kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã triển khai các dự án tại hơn 60 quốc gia, được biết đến với tên gọi “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI), nhằm thiết lập một mạng lưới kết nối trên bộ và trên biển với Đông Nam Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi.

Cách tiếp cận của EU và Nhật Bản ở đây là hợp sức nhằm đồng thời 2 mục tiêu là tăng cường hợp tác song phương và cùng đối phó Trung Quốc. Trung Quốc có chủ định kết nối châu Á - Thái Bình Dương với châu Âu và các châu lục khác thì EU phải có chiến lược kết nối châu Âu với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản cũng không thể không tìm cách vươn tới châu Âu.    

Trước đó, Nhật Bản và EU đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về tự do thương mại tại Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản - EU tháng 7-2017 và nhất trí được thỏa thuận cuối cùng vào tháng 12-2017. Theo các nội dung trong thỏa thuận, Nhật Bản sẽ xóa bỏ thuế đối với 94% hàng nhập khẩu từ EU, bao gồm 82% các sản phẩm nông, ngư nghiệp. Điều này sẽ giúp pho-mát, rượu vang và thịt lợn của EU có giá rẻ hơn trên thị trường Nhật Bản.

Về phần mình, EU sẽ xóa bỏ thuế đối với 99% hàng nhập khẩu từ Nhật Bản. EU cũng sẽ xóa bỏ thuế đối với các sản phẩm chủ lực của Nhật Bản như đối với ôtô là sau 8 năm và tivi là sau 6 năm kể từ khi thỏa thuận tự do thương mại có hiệu lực.

Trong chừng mực nhất định, EU và Nhật Bản cũng còn có được tác động và hiệu ứng tương tự để xử lý quan hệ của từng bên với Mỹ. Nhân danh chính sách America First, Nhà Trắng vẫn để ngỏ đe dọa đánh thuế 25% vào thép, áp thuế 10% bán sang Hoa Kỳ và nhất là vẫn chưa từ bỏ ý định đánh thuế xe hơi của Liên minh châu Âu đã khiến Brussels và Tokyo thành lập một mặt trận chung.

Nhật Bản vừa ký kết một thỏa thuận thương mại với Mỹ nhưng đấy chỉ là thỏa thuận hạn chế chứ chưa toàn diện trong khi EU vẫn đang có mâu thuẫn lớn với Mỹ về  thương mại. Sự kết nối sẽ giúp EU và Nhật Bản hợp sức đối phó Mỹ hoặc giảm thiểu tác động tiêu cực bởi cuộc xung khắc thương mại giữa Mỹ với từng bên.

Sự kiện tại Brussels được coi là hành động đầu tiên cụ thể hóa chiến lược kết nối Âu - Á đầy tham vọng được EC đưa ra cách đây một năm sau khi Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker và lãnh đạo một số quốc gia EU kêu gọi khối này phải có một chính sách mạnh mẽ, rõ ràng và toàn diện hơn hướng tới châu lục đông dân nhất thế giới. Chiến lược của EU đã gặp được sự tương cầu của Nhật Bản, với con mắt nhìn về phía Trung Quốc.

Nam Sơn
.
.