EU và cuộc tranh giành ảnh hưởng tại Đông Nam Á

Thứ Năm, 26/09/2019, 22:18
Trong những năm đầu của thế kỷ 21, có nhiều ý kiến cho rằng Liên minh châu Âu (EU) có thể đóng vai trò một “siêu cường thầm lặng”, và thậm chí EU được dự đoán có thể trở thành đối thủ của Mỹ trong cuộc đua giành bá quyền.

Hiện tại, với sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự bàn tán về một cuộc chiến tranh lạnh mới đang âm ỉ giữa Mỹ và Trung Quốc, vị thế của EU trên thế giới đang ngày càng trở nên kém ấn tượng hơn.

Đối với một số chuyên gia và nhà quan sát, EU vẫn được coi là một “liên minh dân sự” xét tới khả năng phi quân sự của khối này, hoặc là một “liên minh mang tính quy chuẩn”, thể hiện qua vai trò lịch sử của họ trong việc giúp định hình các quy chuẩn toàn cầu về nhân quyền và quản trị. Còn trên mặt trận thương mại, EU có lợi thế hơn nhiều.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2017, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia thành viên EU là 17.300 tỷ USD, so với 19.400 tỷ USD của Mỹ và 12.200 tỷ USD của Trung Quốc. Hơn nữa, không giống như Trung Quốc, lượng hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu mỗi năm của EU thường ngang nhau, khiến EU trở nên không thể thay thế đối với các quốc gia có nền kinh tế định hướng xuất khẩu.

EU từ lâu đã tận dụng quyền tiếp cận thị trường chung đầy hấp dẫn của mình làm lợi thế đòn bẩy để định hình chính sách thương mại và điều tiết. Nhưng trong những năm gần đây, liên minh này đã bắt đầu ràng buộc thương mại với một số điều kiện chính trị nhất định, điều mà một số nhà phân tích đánh giá là “sự xoay trục” trong chính sách của châu Âu.

Eu trở nên không thể thay thế đối với các quốc gia có nền kinh tế định hướng xuất khẩu.

Cuối năm 2018, bà Cecilia Malmstrom, Cao ủy Thương mại của EU tuyên bố: “Chính sách thương mại phải được dẫn dắt bởi các giá trị của chúng ta”. Và có thể nói không một nơi nào trên thế giới mà ở đó EU đang cố khẳng định các giá trị của mình như ở khu vực Đông Nam Á.

Có một lý do hợp lý để biến Đông Nam Á thành nơi thử nghiệm cho chính sách mới này. EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đối tác thương mại chính của khu vực Đông Nam Á, chỉ đứng sau Trung Quốc. Đổi lại, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU, sau Mỹ và Trung Quốc.

Xét tới việc hầu hết các quốc gia Đông Nam Á vẫn duy trì nền kinh tế định hướng xuất khẩu và EU là thị trường lớn nhất đối với hầu hết các quốc gia này, chính phủ của những nước mà danh tiếng của họ phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng tin cậy vẫn cần phải xem xét nghiêm túc mối đe dọa từ sự giảm sút thương mại.

Vấn đề mà EU phải đối mặt là việc khối này đang cố gắng bảo vệ một trật tự thế giới tự do chỉ thông qua sức mạnh thị trường trong thời điểm mà Mỹ và Trung Quốc dường như đã sẵn sàng phá vỡ trật tự này bằng một cách tiếp cận cứng rắn đối với thương mại như là một phần trong cuộc cạnh tranh địa chính trị rộng lớn hơn giữa hai cường quốc này.

Rõ ràng EU vẫn phụ thuộc nhiều vào Mỹ về an ninh, tuy nhiên xét về từng quốc gia đơn lẻ, lại đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực đầu tư và thương mại. Italy đã trở thành nước lớn đầu tiên của EU gia nhập sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh vào tháng 3-2019, trong khi các quốc gia thành viên ở khu vực Tây Balkans cũng đang tiếp nhận ngày càng nhiều các khoản đầu tư từ Trung Quốc.

Cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung hiển nhiên là có tác động đến Đông Nam Á. Mỹ chủ yếu nhìn nhận khu vực Đông Nam Á thông qua lăng kính chính sách của khu vực này đối với Trung Quốc, nên họ đơn giản hóa cách đối phó với các quốc gia Đông Nam Á theo cách chia thành nhóm các nước thân thiện và không thân thiện. Tuy nhiên EU không có một lập trường nhất quán như vậy đối với cuộc thương chiến này, và cả đối với các bên.

Cái gọi là “tầm nhìn chiến lược” được công bố vào tháng 3-2019 của EU chỉ nêu ra: “Trung Quốc và là đối tác hợp tác mà EU có các mục tiêu phù hợp chặt chẽ, một đối tác đàm phán mà EU cần tìm sự cân bằng về lợi ích, một đối thủ cạnh tranh kinh tế đang theo đuổi vị thế đi đầu về công nghệ, và cũng là một đối thủ có tính hệ thống đang quảng bá các mô hình quản trị thay thế. Điều này đòi hỏi hoàn toàn EU phải có một cách tiếp cận linh hoạt và thực dụng cho phép bảo vệ những lợi ích và giá trị của mình một cách có nguyên tắc”.

Và chính sách cuối cùng của EU đối với Trung Quốc có như thế nào đi nữa, về bản chất nó cũng sẽ quyết định cách thức khối này đối xử với Đông Nam Á. Một cách để tránh con đường mà Mỹ đã chọn – cụ thể là đánh giá các quốc gia Đông Nam Á dựa trên tầm nhìn địa chính trị - chính là phải theo đuổi quan hệ với tất cả các quốc gia này thông qua ASEAN. Nhưng ASEAN lại gần như không có ảnh hưởng đối với các nước thành viên do chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Tóm lại, EU phải quyết định xem mình sẽ “can dự với thế giới một cách thực chất thay vì lấy thực tế làm cái cớ để từ bỏ”. Đối với EU, điều này có nghĩa là phải quyết định xem, với “chủ nghĩa thực dụng có nguyên tắc” của mình, liệu EU muốn trở nên nguyên tắc hơn hay trở nên thực dụng hơn? Trở nên nguyên tắc hơn có thể đòi hỏi phải có thêm nhiều kênh gây ảnh hưởng hơn chứ không chỉ là một đối tác kinh tế đơn thuần, điều rõ ràng không thể mang lại đủ lợi thế đòn bẩy để thực hiện mục đích tác động nếu muốn.

Trở nên thực dụng hơn nghĩa là phải chấp nhận rằng EU sẽ không thể luôn ưu tiên các giá trị của mình trong mọi mối quan hệ, và việc quan hệ tốt đẹp với mọi đối tác sẽ phải được coi là biện pháp phù hợp nếu đối tác ấy giúp duy trì hoặc mở rộng tầm ảnh hưởng của EU trong một khu vực có tầm quan trọng chiến lược như Đông Nam Á.

Ngọc Lan (tổng hợp)
.
.