EVFTA: Kỳ vọng và nỗi lo

Thứ Hai, 01/07/2019, 15:22
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EU) (viết tắt là EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) sẽ cùng được ký kết vào ngày 30-6 tới tại Hà Nội. Các hiệp định này được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam, hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, cùng với đó là những nỗi lo...

Sau nhiều năm tiến hành đàm phán và rà soát pháp ly,á đến ngày 17-10-2018, Ủy ban Châu Âu (EC) đã chính thức thông qua EVFTA và EVIPA và đến ngày 25-6 vừa qua, Hội đồng Châu Âu chấp thuận cho phép EC ký các hiệp định này với Việt Nam.

EVFTA với 17 chương, 2 nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, các vấn đề pháp lý - thể chế.

Giới chuyên gia đánh giá EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Cả EVFTA và EVIPA đều được đánh giá là những thỏa thuận "tiêu chuẩn" và "tham vọng cao nhất" từng được ký kết giữa EU và một quốc gia đang phát triển.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (trái).

Những lợi ích song trùng

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với thương mại hàng hóa trị giá gần 50 tỷ euro (khoảng 56 tỷ USD). Do vậy, việc ký kết và thực thi EVFTA sẽ là đòn bẩy rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh, như: dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ…

Cụ thể, ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.

Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ có khoảng 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), trong khi  EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.

Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO. Những cam kết xóa bỏ thuế quan của Việt Nam cho EU sẽ giúp người tiêu dùng Việt Nam dễ dàng tiếp cận với nguồn cung sản phẩn và dịch vụ chất lượng cao từ EU như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng…

Do EVFTA là hiệp định rất toàn diện, trải rộng từ hàng hoá, đầu tư, mua sắm chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ… Việt Nam sẽ có điều kiện để tiếp tục hoàn thiện nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là có điều kiện hình thành chuỗi giá trị mới. Ngoài những lợi ích về kinh tế, các hiệp định cũng sẽ thúc đẩy việc tăng cường tôn trọng quyền con người, quyền của người lao động và bảo vệ môi trường.

Còn về EVIPA, hiệp định này bao gồm các quy định hiện đại về bảo hộ đầu tư cho phép việc thực thi và triển khai thông qua Hệ thống mới tòa án về đầu tư, đồng thời vẫn đảm bảo các chính phủ cả 2 phía có quyền điều tiết các lợi ích của công dân. EVIPA sẽ thay thế các hiệp định đầu tư song phương mà 21 nước thành viên EU đã ký với Việt Nam, để triển khai một khung pháp lý mới đảm bảo ngăn ngừa xung đột về lợi ích cũng như tăng cường minh bạch.

Cụ thể, EVIPA sẽ giúp bảo vệ nhà đầu tư, từ đó tăng đầu tư của EU vào Việt Nam. Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định EVIPA sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.

Điều này hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại Đông Nam Á. Đây cũng là bước đệm cho một thỏa thuận thương mại EU - Đông Nam Á rộng lớn hơn, kéo theo đó là các khoản đầu tư vào khu vực.

Khấp khểnh đường xa

EU hiện đã có các thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore và đã tiến hành đàm phán với các thành viên ASEAN khác là Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Việc EU đưa Việt Nam vào quỹ đạo thương mại sẽ giúp khối mở rộng dấu ấn ở Đông Nam Á và sẽ đóng vai trò là bước đệm cho thỏa thuận khu vực.

Sau khi Hội đồng Châu Âu đưa ra quyết định trên, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã bày tỏ: "Tôi hoan nghênh quyết định của các thành viên EU. Sau khi ký hiệp định với Singapore, hiệp định ký với Việt Nam là thỏa hiệp thứ hai tượng trưng những bước nền tảng cho sự giao tiếp giữa EU và khu vực. Đây cũng là một tuyên bố chính trị giữa hai đối tác và bằng hữu cùng đứng chung để giao thương tự do, công bằng dựa trên luật lệ”.

Các đại biểu dự Hội nghị thượng đỉnh EU.

Cao ủy châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmstrom, người sẽ đến Hà Nội để ký hai hiệp định này cũng nói: "Việt Nam là một quốc gia sinh động với 95 triệu dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nhờ quan hệ thương mại gia tăng”. Bỏ qua các tuyên bố lạc quan này, con đường để các thỏa thuận này được phê chuẩn và triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khấp khểnh.

Sau lễ ký kết vào ngày 30-6 tới, EVFTA còn phải trải qua tiến trình phê chuẩn. Theo quy định Nghị viện châu Âu sẽ xem xét trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Châu Âu vào cuối năm 2019. Nghị viện Châu Âu vừa mới được bầu vào cuối tháng 5-2019 và chưa sắp xếp xong việc tổ chức, còn nhiều việc ưu tiên khác cần làm hơn là thông qua hiệp định này. Sớm nhất là cuối năm nay hoặc đầu năm tới, Nghị viện Châu Âu mới có thể phê chuẩn hiệp định EVFTA.

Ngoài ra, vẫn còn đó câu hỏi liệu EVFTA có hội đủ đa số phiếu tán thành của các nghị sĩ trong Nghị viện châu Âu hay không. Còn Hiệp định EVIPA phải được nghị viện các quốc gia thành viên phê duyệt riêng nên cần thời gian, sẽ lâu hơn. Với Việt Nam, hy vọng sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú, chuyên gia kinh tế từ Đại học Strasbourg (Pháp) nhận định: "Việc EVFTA sẽ được đưa ra Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào cuối tháng 6 là tin tốt, sau nhiều tháng trì hoãn. Tuy nhiên, quá trình thảo luận ở Nghị viện châu Âu cũng khó đoán trước được vì đây là các nghị sĩ EU khoá mới (vừa được bầu vào tháng 5-2019).

Nếu Nghị viện châu Âu thông qua EVFTA, hàng hoá Việt Nam có khả năng vào châu Âu tăng cao hơn trước đây. Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng hàng hoá Việt Nam cần phải tuân theo chất lượng châu Âu nghiêm ngặt".

Những khúc mắc còn lại

Nếu không có gì thay đổi, ngày 30-6 tới, Việt Nam sẽ gia nhập nhóm các nước có FTA với EU gồm Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore. Các thỏa thuận thương mại này, bao gồm thương mại hàng hóa và dịch vụ trị giá hơn 500 tỷ euro (569 tỷ USD) hàng năm, tương đương gần 1/2 giá trị giao dịch thương mại hàng năm giữa EU và Mỹ.

Tuy nhiên giới quan sát cũng nhận định rằng đằng sau những nụ cười và những cái bắt tay, các thỏa thuận thương mại và đầu tư này cũng gặp không ít thách thức, ẩn chứa những rủi ro.  Một số chuyên gia quốc tế cảnh báo điều khoản "Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và quốc gia" (ISDS) trong các thỏa thuận thương mại và đầu tư sẽ đe dọa ngân sách công và gây nguy hại cho các biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội. ISDS là điều khoản cho phép một nhà đầu tư nước ngoài chống lại luật quốc gia chủ nhà và kiện chính phủ quốc gia chủ nhà qua một hội đồng trọng tài quốc tế xét xử theo quy định của một hiệp ước đã có.

Một trong những vấn đề cơ bản nhất của ISDS là điều khoản này chỉ mang tính một chiều, tức là chỉ đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư chứ không hỗ trợ lợi ích cộng đồng. Các quan chức EU có thể khẳng định mục đích của họ là thúc đẩy sự phát triển bền vững ở Việt Nam, nhưng thực tế lợi ích của các tập đoàn đầu tư cũng đóng vai trò then chốt ở đây.

Trong bối cảnh các đối tác thương mại đang cắt giảm gần như tất cả các mức thuế để thúc đẩy thương mại giữa lúc chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy trên toàn thế giới, năm 2018, EU bị "tấn công" trực tiếp vì quyết định của Mỹ áp thuế đối với thép và nhôm của khối này. EU tiếp tục phải đối mặt với mối đe dọa thuế áp lên ôtô trong bối cảnh thỏa thuận ngừng chiến thương mại đang lung lay.

Cuộc thương chiến Mỹ -Trung cũng góp phần làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế châu Âu. Với hơn 50 tỷ euro thương mại hàng hóa và dịch vụ hàng năm, FTA với Việt Nam nhấn mạnh các nỗ lực của EU nhằm hạ thấp các rào cản thương mại trước sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu.

Theo ước tính của một số cơ quan nghiên cứu tại EU, năm 2035, xuất khẩu chủ lực của EU sang Việt Nam, bao gồm pho mát, rượu vang, xe hơi và dược phẩm, dự kiến tăng 29% trong khi nhập khẩu từ Việt Nam tăng 18%. Việc EVFTA sẽ loại bỏ 99% thuế nhập khẩu song phương hoàn toàn có thể khiến tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại giữa hai bên và các ngành sản xuất tại Việt Nam có thể bị ảnh hưởng lớn.

Đài Sputnik dẫn lời chuyên gia Piotr Tsvetov phân tích: "Nỗ lực của Việt Nam ký kết các hiệp định với EU, đặc biệt là hiệp định về thương mại tự do, là điều dễ hiểu. EU liên tục chiếm vị trí đối tác thương mại có khối lượng giao thương lớn thứ hai của Việt Nam và vấn đề thuế quan rất hệ trọng đối với Việt Nam...”.

Bên cạnh việc thúc đẩy tôn trọng thỏa thuận chống biến đổi khí hậu từng được các nước ký ở Paris, Ủy ban thương mại EU - Việt Nam nhấn mạnh hai bên cam kết áp dụng các nguyên tắc của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) để bảo vệ quyền của người lao động. Từ một góc nhìn khác, việc Brussels hối thúc Việt Nam phê chuẩn các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về bảo vệ quyền cơ bản của người lao động như quyền thương lượng tập thể là một trong những dấu hiệu cho thấy EU có thể sử dụng thương mại để thúc đẩy các ưu tiên chính sách khác.

Nam Sơn
.
.