EVFTA và EVIPA: “Trái ngọt” của ước vọng và sự kiên trì

Thứ Hai, 17/02/2020, 18:33
Ngày 12-2, Nghị viện châu Âu (EP) đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) khiến cả hai phía đều “thở phào” sau hành trình gần thập niên “thai nghén” và chinh phục.

9 năm chinh phục

Có được EVFTA, Việt Nam đã phải trải qua tiến trình rất dài, được khởi động đàm phán từ năm 2010 và các bên chính thức đàm phán nhiều cấp, nhiều vòng từ năm 2012 cho đến nay. Tháng 10-2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

Tháng 6-2012, Bộ trưởng Công thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA. Tháng 12-2015, kết thúc đàm phán và bắt đầu khởi động tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định. Tháng 6-2017, hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật.

Tháng 9-2017: EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên.

Phiên thảo luận tại Nghị viện châu Âu.

Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm: Hiệp định Thương mại tự do chính là toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời. Hiệp định Bảo hộ đầu tư bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư (Hiệp định IPA). Hiệp định IPA này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện châu Âu và của nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.

Tháng 6-2018, Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành 2 hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.

Tháng 8-2018, hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định IPA. Ngày 17-10-2018, Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA. Ngày 25-6-2019, Hội đồng châu Âu phê duyệt cho phép ký các Hiệp định.

Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Hiệp định EVFTA vượt cả trình độ của chúng ta trong đàm phán. 28 nước khác nhau về trình độ quản trị nền kinh tế, nên toan tính của họ cũng khác, đặc biệt ở giai đoạn cuối, quá trình rà soát pháp lý khá dài, phức tạp. Tuy nhiên, hơn hết, chúng ta đã nỗ lực và đưa ra được lời giải. 9 năm đàm phán và đi tới ký kết là quá trình dài. Bên cạnh nỗ lực của đoàn đàm phán thì cũng phải nhấn mạnh đến sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Chính phủ.

Ngày 30-6-2019, Việt Nam và EU đã ký kết EVFTA, một dấu mốc quan trọng cho thành quả ngày 12-2 vừa qua.

Nhiều ngành, hàng của Việt Nam đứng trước cơ hội lớn khi vào thị trường EU.

Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

EVFTA và EVIPA trở thành những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên được Nghị viện châu Âu khóa mới xem xét và phê chuẩn.

Vậy nội dung EVFTA bao gồm những gì mà nó mang đến nhiều kỳ vọng đến vậy? Hiệp định gồm 17 chương, 2 nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý - thể chế.

Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.

Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức Peter Altmaier đánh giá cao ý nghĩa của EVFTA.

Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

Cam kết của Việt Nam và EU về thương mại dịch vụ đầu tư nhằm tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên. Cam kết của Việt Nam có đi xa hơn cam kết trong WTO. Cam kết của EU cao hơn trong cam kết trong WTO và tương đương với mức cam kết cao nhất của EU trong những Hiệp định FTA gần đây của EU.

Các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi cho các nhà đầu tư EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối. Hai bên cũng đưa ra cam kết về đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời thảo luận về nội dung giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước.

Việt Nam và EU cũng thống nhất các nội dung tương đương với Hiệp định mua sắm của chính phủ (GPA) của WTO. Với một số nghĩa vụ như đấu thầu qua mạng, thiết lập cổng thông tin điện tử để đăng tải thông tin đấu thầu... Việt Nam có lộ trình để thực hiện. EU cũng cam kết dành hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thực thi các nghĩa vụ này.

Cam kết về sở hữu trí tuệ gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý... Về cơ bản, các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, để phát triển thương mại điện tử giữa Việt Nam và EU, hai bên cam kết không đánh thuế nhập khẩu đối với giao dịch điện tử. Hai bên cũng cam kết hợp tác thông qua việc duy trì đối thoại về các vấn đề quản lý được đặt ra trong thương mại điện tử. Ngoài ra, hai bên khẳng định cam kết theo đuổi phát triển bền vững, bao gồm phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Về vấn đề lao động, với tư cách là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hai bên cam kết tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện Tuyên bố 1998 của ILO về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, bao gồm việc thúc đẩy phê chuẩn và thực thi có hiệu quả các công ước cơ bản của ILO.

Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác thông qua cơ chế chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về thúc đẩy việc phê chuẩn và thực thi các công ước về lao động và môi trường trong một số lĩnh vực như biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản...

Nghị sĩ Nghị viện châu Âu Geert Bourgeois, Báo cáo viên Ủy ban Thương mại quốc tế về Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA giữa EU và Việt Nam.

Đối với Hiệp định EVIPA, hai bên cam kết sẽ dành đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc với đầu tư của nhà đầu tư phía bên kia, với một số ngoại lệ, cũng như sự đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài, cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng, cam kết bồi thường thiệt hại phù hợp cho nhà đầu tư của bên kia tương tự như nhà đầu tư trong nước hoặc của bên thứ ba trong trường hợp bị thiệt hại do chiến tranh, bạo loạn,...

Trong trường hợp có tranh chấp phát sinh giữa một bên và nhà đầu tư của bên kia, hai bên thống nhất ưu tiên giải quyết tranh chấp một cách thiện chí thông qua đàm phán và hòa giải. Trong trường hợp không thể giải quyết tranh chấp thông quan tham vấn và hòa giải thì mới sử dụng đến cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định cụ thể trong Hiệp định này.

Đôi bên cùng có lợi

Chia sẻ với báo chí sau quyết định của Nghị viện châu Âu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định, quyết định phê chuẩn hiệp định EVFTA và EVIPA với tỷ lệ ủng hộ cao thể hiện sự coi trọng, đánh giá cao của của các nghị sĩ và các quốc gia thành viên EU về vai trò, vị thế của Việt Nam và quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - EU. Hai hiệp định sẽ tạo dựng các khuôn khổ hợp tác song phương lâu dài theo hướng đối tác bình đẳng, cùng có lợi, đóng góp vào xu thế chung về thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và phát triển bền vững.

Theo Thứ trưởng, việc phê chuẩn các hiệp định cũng khẳng định chính sách của EU tiếp tục tăng cường gắn kết với châu Á - Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, chúng ta sẵn sàng phối hợp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa EU và ASEAN.

Về phía EU, trao đổi với phóng viên, nghị sĩ Nghị viện châu Âu Geert Bourgeois, Báo cáo viên Ủy ban Thương mại quốc tế về Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA giữa EU và Việt Nam, cho rằng, đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới “đầy đủ nhất và tham vọng nhất” mà lần đầu tiên EU ký với một nước đang phát triển. Mô hình này dựa trên các cuộc đàm phán giữa các đối tác bình đẳng, cùng có chung mục tiêu và các giá trị chung, nhằm khuyến khích phát triển kinh tế và tạo việc làm, nâng cao sức cạnh tranh, chống đói nghèo và đẩy mạnh cải cách thể chế. Hiệp định này “hướng đến một quan hệ đối tác cùng có lợi”, ông Geert Bourgeois khẳng định.

Nghị sĩ Geert Bourgeois nhấn mạnh: “Và chúng ta biết rằng, mỗi tỷ Euro xuất khẩu sẽ tạo thêm hàng nghìn việc làm”. Hiệp định sẽ trở thành một phương thức khuyến khích sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, vì lợi ích của nhân dân. Trong quá trình đàm phán Hiệp định với Chính phủ Việt Nam, ông Geert Bourgeois đã gặp gỡ và làm việc với các đối tác đáng tin cậy và rất cởi mở.

Để đạt được sự đồng thuận, ông đã thông báo rất rõ ràng những yêu cầu từ phía EU, cũng như từ phía các nghị sĩ trong Nghị viện châu Âu. Ông “theo dõi sát sao các bước tiến triển” trong việc soạn thảo và ký kết Hiệp định.

Với những kết quả đạt được, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức Peter Altmaier cho rằng, thỏa thuận đạt được mở ra tiềm năng thị trường rất lớn cho các doanh nghiệp châu Âu. Theo Bộ trưởng Peter Altmaier, Việt Nam là thị trường đạt mức tăng trưởng cao với tiềm năng thị trường rất lớn cho các sản phẩm và dịch vụ của châu Âu.

Ông Peter Altmaier cho rằng, hai hiệp định EVFTA và EVIPA đảm bảo cho các sản phẩm của châu Âu tiếp cận Việt Nam - thị trường ngày càng trở nên quan trọng hơn. Việc EP thông qua hai thỏa thuận với Việt Nam là "tín hiệu quan trọng cho thương mại tự do cũng như chống lại chủ nghĩa bảo hộ".

Trong khi đó, các hiệp hội công nghiệp, ngoại thương của Đức cũng hoan nghênh việc EP thông qua các thỏa thuận thương mại với Việt Nam. Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp Liên bang Đức (BDI) Joachim Lang cho rằng, ngành công nghiệp Đức đã "thở phào" khi các thỏa thuận được thông qua, điều sẽ giúp đẩy mạnh các trao đổi kinh tế với Việt Nam, đồng thời ông cũng kêu gọi nhanh chóng để hiệp định có hiệu lực.

Hà Phương
.
.