Eo ơi, Hà Nội… thi!

Thứ Hai, 16/06/2014, 11:10

Mặc dù đã xế chiều nhưng cái nắng gay gắt của mùa hè vẫn chưa thuyên giảm, và độ nóng sốt ngày lại càng tăng lên tại một địa điểm luyện thi có tiếng trên phố Chùa Bộc. Dòng người xấp xỉ hơn trăm với mồ hôi nhễ nhại, chen chúc nhích từng chút một đến một nơi bán thẻ luyện thi. Người này đề phòng người kia lấn hàng, chen ngang. Xin mượn lời một phụ huynh pha trò trong lúc xếp hàng đợi mua thẻ luyện thi cho con gái: “Eo ơi Hà Nội thi/ ta đẩy nhau đẫm mồ hôi/ ta chèn nhau sụt cân mất!”.

Đến hẹn lại lên, dạo quanh các lò luyện thi Hà Nội vào thời điểm hai kỳ thi quan trọng của đời học sinh ngày càng đến gần này, cũng có lắm chuyện để mà nói, mà ngẫm!

1. Nhìn chung, tình hình các "lò", các trung tâm luyện thi có vẻ bớt nóng sốt hơn hẳn những năm trước. Dạo quanh các "lò" luyện thi tương đối đình đám trong một vài năm trở lại đây, thấy học sinh không còn quá đông đúc nữa. Đặc biệt là lò Đ.M., một trung tâm luyện thi khá nổi tiếng gần Trường đại học Bách khoa Hà Nội.

Trái với mọi năm, học sinh ùn ùn kéo đến, xe để chật hết cả bãi. Thì năm nay, chỉ lác đác vài nhóm học sinh đạp xe đến, anh bạn bảo vệ uể oải ngáp ngắn ngáp dài. Lân la bắt chuyện, với lý do muốn xin cho đứa em ở quê lên ôn thi, tôi tỏ ý băn khoăn với anh bảo vệ, lo ngại rằng vì kém chất lượng nên mới vắng thế này.

Anh chàng bảo vệ có khuôn mặt gầy sắt với cặp lông mày xếch rậm, nheo mắt nhát gừng: "Năm ngoái, trung tâm đông lắm đấy, có muốn chen chân để mà xin cũng chưa chắc đã được đâu. Năm nay, một số thầy già yếu rồi thì nghỉ không dạy nữa, một số thầy cô trẻ, có tiếng một chút thì tự tách ra mở lò riêng tại nhà, kéo theo nhiều mối quen nên mới vắng thế này".

Trước khi tôi định hỏi thêm thì cậu bảo vệ vừa nhìn quanh quất, vừa thì thào như người buôn bạc giả: "Nếu muốn chắc chắn đỗ thì tôi giới thiệu cho một lò thầy Th. Trước cũng dạy ở trung tâm này, nhưng tách ra làm riêng rồi. Đảm bảo chống trượt luôn. Chỉ cần cho tôi xin ít tiền thuốc lá, nước chè là được". Tôi khá ngạc nhiên không ngờ bảo vệ của trung tâm lại kiêm luôn dịch vụ "cò mồi" này. Lẽ nào, một phần trung tâm vắng dần cũng phần nào do sự "môi giới" của anh bảo vệ? Lấy cớ giá luyện thi ở lớp thầy Th. hơi cao, tôi cần về bàn với gia đình và xin số anh bảo vệ để liên lạc sau.

Anh chàng bảo vệ tỏ ra am hiểu: "Đằng ấy cứ về suy nghĩ đi. Tiếc gì mấy đồng cỏn con, thầy này luyện thi cho bao nhiêu thủ khoa rồi đấy!". Nhưng khi tôi hỏi đã luyện thi thành công cho những em thủ khoa nào, thì anh ú ớ không trả lời được.

Nhờ những mối quen chỉ dẫn, tôi có ghé qua một số "lò" nằm rải rác và kín đáo thuộc khu vực Bách khoa này. Tôi như đi lạc vào những mê cung mù trận. Trong một ngõ nhỏ trên đường Tạ Quang Bửu, đầu ngõ có ghi quảng cáo lớp luyện thi của các thầy cô giáo xuất thân là những giảng viên từ những trường đại học có tiếng. Có điều, quảng cáo là một chuyện. Nhưng trong tấm bảng viết tay ấy không hề ghi địa chỉ lớp học hay nơi ghi danh, mà chỉ cung cấp hai số điện thoại để liên lạc, đặt lịch hẹn. Cùng dòng chữ chú thích rõ to: "Chỉ nhận điện thoại đăng ký của PHỤ HUYNH, không nhận cuộc gọi của HỌC SINH". Sau khi gọi điện cho số điện thoại trên, tôi mang máng nhận ra rằng mình đang nói chuyện với một bên trung gian.

Chứ không phải nói chuyện với cô M., thầy T. nào như trong quảng cáo đã ghi. Đầu dây bên kia là một nam thanh niên. Trước khi tôi kịp hỏi han về chất lượng, đầu dây bên kia đã xổ ra một tràng, hệt như MC chuyên nghiệp đang  dẫn chương trình. Nghe một lúc mà tai tôi ù đi bởi chỉ toàn nghe thấy những viễn cảnh tươi sáng: "chắc chắn đỗ", "không đỗ không lấy tiền", và một loạt các nhân chứng "ảo" như thủ khoa này, á khoa nọ đã từng là học trò ôn thi "lớp cô M.", "lớp thầy T.".

Có điều, tôi thấy hơi lạ, đó là tôi sẽ phải đến một địa chỉ để ghi danh, sau khi nộp tiền đầy đủ thì lúc ấy mới được nhận lịch học, và địa chỉ lớp học. Mọi sự tổ chức có vẻ rất kín kẽ, không trừ trường hợp đó là những lò luyện thi "chui" , chưa được cấp phép. Bí mật để tránh sự dòm ngó của các cơ quan chức năng. Với những "lò luyện thi" bí hiểm như thế này, khả năng "treo đầu dê bán thịt chó" là rất cao.

Chỉ cần gõ từ khóa trung tâm luyện thi trên trang tìm kiếm thì một loạt các đường link "lớp học bao đỗ", "lớp học chống trượt", "lớp học vip" hiện lên nhan nhản với những dòng quảng cáo thật bùi tai. Nếu đích thực có nhiều "lò" tốt đến vậy, thì đâu còn thí sinh trượt tốt nghiệp và đại học nữa? Với những chiêu trò câu khách, tung hỏa mù như thế, nếu không tỉnh táo thì phụ huynh và học sinh sẽ là những con mồi dại dột. Tôi biết có những trường hợp, phụ huynh tin vào lời quảng cáo, sau khi con em bị trượt thì có tìm đến những trung tâm "bao đỗ" ấy để đòi lại học phí.

Lúc ấy mới té ngửa thì ra trung tâm chỉ hoàn trả lại 100% học phí cho thí sinh có điểm thi đại học dưới 10 điểm và 50% học phí cho thí sinh có điểm thi đại học dưới điểm sàn. Nếu phụ huynh lỡ có đăng ký chậm cho con em muộn vài ba buổi, hoặc học sinh bận đột xuất, nghỉ học không đủ tiết thì trung tâm sẽ phủi tay, không hề có trách nhiệm. Những điều khoản này, thì trong tờ rơi quảng cáo chẳng hề nhắc đến. Nói chung, nộp tiền vào thì dễ, nhưng việc được hoàn trả lại  là một việc khó hơn bắc thang lên trời.

2. Bên cạnh những "lò" bát nháo ấy thì vẫn có những lò luyện thi được đánh giá khá tốt, có tiếng tăm và được nhiều phụ huynh truyền tai nhau. Một trong những "lò" nổi tiếng cả về số lượng học sinh theo ôn luyện và chất lượng giảng dạy ấy nằm ở gần Học viện Ngân hàng. Khác với những "lò" luyện thi tư nhân nhỏ lẻ, tự phát, lò luyện này khá quy mô và chuyên nghiệp trong tất cả mọi khâu, từ bãi trông xe rộng có thể chứa vài trăm chiếc xe, bãi đỗ ôtô để phụ huynh đưa đón con đi học.

Căng tin phục vụ đồ ăn, nước giải khát cho các bạn học sinh lót dạ trong lúc ngồi chờ đến ca học, từng khu ôn thi các môn riêng biệt, cho đến việc lịch học cũng được in rời và chi tiết từng ngày, giá từng môn học. Khác với những lò khác là thường thanh toán học phí theo tháng, theo môn. Thì ở "lò" này, việc thanh toán học phí khá linh động, có thể mua theo vé buổi, trung bình khoảng 50 - 80 nghìn đồng/buổi học. Hoặc có thể mua theo tuần, theo tháng… đến lịch bán thẻ cũng được phân chia rõ ràng theo ngày, theo giờ. Mỗi lớp trung bình khoảng 300 học sinh theo học trong không gian chỉ khoảng 30m2. Mặc dù có quạt trần và điều hòa nhưng vẫn tương đối ngột ngạt, khó chịu. Nhưng đó chưa phải là nỗi khổ chính.

Quảng cáo luyện thi cấp tốc.

Nỗi ám ảnh khiến nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng nhất là việc… xếp hàng mua thẻ học. Tôi đã xếp hàng gần hai ngày chỉ để mua được một chiếc thẻ ôn môn Hình học với giá 280 nghìn đồng. Thôi thì trong hai ngày chen chúc chờ mua thẻ ấy, bao nhiêu hỉ nộ ái ố và nhiều chuyện khôi hài không tưởng xảy ra. Ngày đầu tiên, tôi đến từ buổi sáng, vì nghĩ buổi sáng sẽ dễ mua hơn, ít phải chờ đợi hơn.

Do chưa có kinh nghiệm, khi đến nơi, tôi xếp hàng  mua vé qua một ô cửa, có người bán vé y hệt mậu dịch ngày xưa. Sau khi chờ đến trưa, gần như đói lả, tôi hí hửng cuối cùng cũng đến lượt mình. Thế nhưng, tiếp tôi là một gương mặt phụ nữ khó đăm đăm: "Mua thẻ học môn Hình à, 5 giờ rưỡi chiều quay lại nhé. Sáng không bán!". Tôi cố gắng nài nỉ vì tiếc công sức xếp hàng mấy tiếng đồng hồ nhưng đáp lại chỉ là khuôn mặt lạnh tanh: "Chiều mới bán!".

Vậy là buổi chiều, năm rưỡi tôi quay lại để mua thẻ, thì hỡi ôi, dòng người dễ đến hơn trăm xếp hàng đã chật kín tự lúc nào, chỉ toàn thấy người và người lố nhố, ai cũng phăm phăm, hùng hổ như chuẩn bị bước vào cuộc chiến sinh tử. Tôi nghe thấy hai cô bé học sinh đang đeo ba lô thì thầm bàn tính  "chiến thuật" với nhau: "Lát nữa cậu mua liền hai thẻ xong, tớ sẽ vòng ra sau, hai đứa mình đổi áo chống nắng rồi lại mua tiếp giúp cái Hoa, hôm nay nó bị đau bụng không đi mua được". Thì ra, tối đa mỗi người chỉ được mua hai thẻ học. Thi thoảng lại có vài tiếng quát lên vì xô đẩy, chen ngang, giẫm vào nhau.

Có phụ huynh thì luôn miệng cằn nhằn vì bị một cậu choai choai tranh chỗ: "Tôi đã phải xin nghỉ làm từ 4 giờ chiều để ra đây xếp hàng mua thẻ cho con gái, thế mà nó lại chen ngang, thế có tức không?". Cậu trai thì vẫn vờ không nghe thấy, kiên trì "cố thủ" để giữ chỗ. Gần nửa tiếng trôi qua, tôi toan tiến lên khoảng trống phía trên thì bị một bác đội mũ lưỡi trai, gương mặt đỏ phừng phừng giơ tay chặn: "Ấy, không được đứng đây đâu, phía sau tôi có ba đứa nhờ tôi giữ chỗ hộ, nó chạy đi 5 phút mua nước mía!".

Một lúc sau, lại có một cô bé đeo kính bị say nắng loạng choạng, tụt huyết áp, mặt tái mét . Thế là một người  bạn phải chạy ra đỡ cô bé vào ngồi  nghỉ tại căng tin gần đó. Một khung cảnh hỗn loạn và nhốn nháo. Phải còn vài chục người nữa mới đến lượt, tôi đành bỏ cuộc.

Một cô bé, nghe kể là học sinh "lớp 13", đã thi trượt năm ngoái, năm nay tiếp tục tới lò luyện nhìn tôi chép miệng thương hại: "Chị phải đến từ 3 rưỡi, 4 giờ xếp hàng là vừa chị ạ! Môn Hình và môn Anh là hai môn xếp hàng đông nhất!". Quả là đông thật, đông đến nỗi người của trung tâm phải liên tục ra căng dây để tránh chen lấn, xô đẩy. Trải nghiệm một ngày làm học sinh thời nay mới thấy: Ôi, cái sự học hành thi cử quả thật là gian nan!

3. Đã là "lò" thì đồng nghĩa với việc "nóng", đặc biệt vào cái thời điểm mùa hè này. Nhưng gần đây đã xuất hiện thêm các "lò nguội", một sự lựa chọn mới cho các thí sinh để ôn thi. Đó chính là các hình thức luyện thi trực tuyến, online-offline phát triển rầm rộ.

Và mới xuất hiện từ mùa thi 2013 trước  là hình thức luyện thi thông qua Facebook, qua website. Các bạn học sinh có thể ngồi tại nhà, nhâm nhi nước giải khát và… ôn thi. Phí công khai của các lò luyện online chỉ khoảng dưới 5.000 đồng cho mỗi lượt học trực tuyến 60 phút (cho hầu hết các môn học); Hoặc với hình thức luyện offline qua thẻ, chỉ  xấp xỉ 100.000 đồng, người học đã có thể  "cầm trong tay" khối kiến thức tổng hợp đủ các môn học theo từng khối thi (A,B,C, D…) với số lượng người học lại không hề giới hạn, lại càng rẻ hơn khi mua theo các deal của nhiều trang mua hàng trực tuyến.

Có điều, các "lò" luyện thi "nguội" này cũng chưa hẳn là một sự lựa chọn tốt nhất. Bởi lẽ, yếu tố quan trọng nhất của các lò online này là sự tự giác của học sinh. Trong căn phòng mát mẻ, trước màn hình vi tính với trang Facebook hấp dẫn, những trò game mới lạ, việc tập trung vào những dòng kiến thức khô khan, những con số căng thẳng chính là thử thách lớn nhất mỗi sĩ tử phải vượt qua. Các bậc phụ huynh cũng không nên quá mù quáng mà đổ xô nhồi nhét con em mình vào những lò thầy này, cô kia mà còn phải căn cứ vào năng lực nhận thức của con em mình để lựa chọn ra hình thức ôn luyện thích hợp nhất.

Nguyễn Hữu Tiến, thủ khoa Trường đại học Y Hà Nội năm 2013 với số điểm 29,5. Là gương mặt được Quỹ Hạt giống Việt của Báo Nhân Dân và Ngân hàng Techcombank lựa chọn để trao học bổng xuất sắc, cho rằng: “Tôi không lên án hay phê phán những lò luyện thi mọc lên nhan nhản như nấm. Âu đó cũng là để đáp ứng nhu cầu của các bạn, có khi của cả những phụ huynh nữa. Bởi khi chúng ta cảm thấy yếu, thấy hổng về một lượng kiến thức nào đó mà có người hướng dẫn để bồi đắp lại thì rất tốt. Tuy nhiên, tôi thấy phần nhiều các bạn học sinh đi ôn ở các lò xuất phát từ tâm lý lo lắng người ta đi ôn, ắt sẽ biết nhiều, sẽ giỏi hơn mình tự ôn ở nhà. Và chạy "show" hết các lò nọ, lớp kia. Lúc về đến nhà đã quá mệt mỏi không thể tự ôn lại kiến thức.

Cá nhân tôi, gia đình khó khăn, không có điều kiện để đi đến những trung tâm để học, nhưng hai anh em đều đỗ thủ khoa. Đó là minh chứng cho việc hoàn toàn có thể tự ôn luyện mà vẫn đạt được kết quả tốt. Ông cha ta ngày xưa đều chủ động tự học mà dẫn đến thành công như thần đồng Lương Thế Vinh tự nghiên cứu và chế ra bảng cửu chương còn lưu truyền mãi đến ngày nay... hay trạng nguyên lừng danh Mạc Đĩnh Chi, lúc nhỏ nhờ biết chủ động sáng tạo cách học bắt đom đóm bỏ vỏ trứng mà sau đỗ trạng được phong “Lưỡng quốc Trạng nguyên” vang danh hai nước đấy thôi! Chủ động và tự tin là hai yếu tố quan trọng nhất!”.

Huyền Vũ
.
.