FIFA và bê bối lớn nhất 25 năm qua

Thứ Năm, 11/06/2015, 16:05
“Cơn sóng thần chống tham nhũng” ập đến Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) hôm 27/5 dường như đang nhấn chìm làng bóng đá thế giới trong bê bối. Những cáo buộc mới nhất mà nhà chức trách Mỹ và Thụy Sĩ đưa ra đã khiến hàng loạt nhà tài trợ lớn của tổ chức này đe dọa cắt hợp đồng để tránh rắc rối. Và câu hỏi được đưa ra lúc này là làm thế nào mà ổ tham nhũng lớn này lại bị đánh sập ngay trước thềm cuộc bầu cử chủ tịch FIFA gây nhiều tranh cãi.

Tham nhũng, hối lộ tràn lan trong FIFA hơn hai thập kỷ qua

Thông tin về vụ bắt giữ các quan chức FIFA tràn ngập trên các trang báo và mạng xã hội từ ngày 27-5 sau khi Lực lượng Cảnh sát chống tham nhũng Thụy Sĩ ập vào khách sạn 5 sao Baur au Lac ở thành phố Zurich bắt giữ 7 quan chức đương nhiệm của FIFA với cáo buộc tham nhũng, rửa tiền và nhận hối lộ.

Những quan chức này sau đó sẽ được dẫn độ về Mỹ theo một hiệp ước trao đổi được ký giữa hai nước vào năm 1990 và có hiệu lực từ năm 1997.

Tờ The New York Times cho hay, lệnh bắt được Văn phòng Tư pháp liên bang Thụy Sĩ ban hành theo yêu cầu của nhà chức trách Mỹ với cáo buộc các quan chức FIFA đã tham nhũng, nhận hối lộ 150 triệu USD để cho phép các hãng thể thao và truyền thông thể thao quảng cáo, giao dịch và kết nối tài trợ cho các giải đấu bóng đá ở Mỹ Latinh.

Tuy nhiên, nguồn tin từ Cơ quan Tư pháp Thụy Sĩ lại cho hay, trong hơn một năm qua, cảnh sát Thụy Sĩ đã thu thập thông tin từ các ngân hàng địa phương và truy tìm thông tin được lưu trữ trên mạng máy tính của FIFA liên quan đến những nghi vấn về hành vi nhận hối lộ trong cuộc vận động giành quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022 của Nga và Qatar.

Chủ tịch FIFA Sepp Blatter có nguy cơ bị thẩm vấn hoặc bắt giữ.

Hiện Thụy Sĩ cũng đã bắt đầu tiến hành thủ tục tố tụng hình sự đối với các cá nhân nói trên với cáo buộc quản lý yếu kém trong việc trao quyền đăng cai World Cup. Tuyên bố của Văn phòng Bộ trưởng Bộ Tư pháp Thụy Sĩ hôm 27/5 còn khẳng định, cuộc điều tra được tiến hành với sự phối hợp từ chính FIFA và các tài liệu sẽ được đưa ra làm bằng chứng cho những cáo buộc trong tương lai.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch khẳng định, tình trạng tham nhũng, hối lộ đã diễn ra tràn lan tại FIFA trong suốt hơn hai thập kỷ qua, từ năm này qua năm khác, từ giải đấu này đến giải đấu khác và FBI đã âm thầm điều tra tìm ra những cáo buộc tham nhũng này từ sau khi tờ Sunday Times trích lời Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) châu Đại Dương Reynald Temarii rằng, ông đã nhận được một lời đề nghị trị giá hơn 6 triệu USD để đổi lấy phiếu bầu cho cuộc đua giành quyền tổ chức World Cup 2018.

Sau đó, FBI còn được Thủ tướng Trinidad & Tobago hỗ trợ công tác điều tra bằng việc cử Daryan Warner, con trai của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quốc gia Jack Warner làm "nhân chứng hợp tác".

Bà Loretta Lynch cho biết thêm, những hành vi tham nhũng của các quan chức FIFA liên quan trực tiếp tới nước Mỹ. Nghĩa là một phần các hành vi hối lộ bị cáo buộc đã diễn ra trên nước Mỹ và được thực hiện thông qua hệ thống tài chính của nước này.

Theo cáo trạng mà Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra, từ năm 1991 đến nay, các nghi phạm nói trên cùng một số đồng phạm khác đã gợi ý và nhận tới 150 triệu USD tiền hối lộ để đổi lấy các hợp đồng bản quyền truyền thông và quảng cáo tại các trận đấu và giải bóng đá lớn cho một số công ty tiếp thị thể thao nhất định.

Phần lớn hoạt động phi pháp này liên quan đến các trận đấu trong khuôn khổ vòng loại World Cup tại khu vực Bắc-Trung Mỹ và Carribean của Liên đoàn bóng đá Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Caribbean (CONCACAF), Cúp vàng CONCACAF (CONCACAF Gold Cup), Giải vô địch bóng đá Nam Mỹ (Copa America), Giải vô địch các câu lạc bộ Nam Mỹ (Copa Libertadores)…

Chưa hết, tình trạng hối lộ và tham nhũng còn xảy ra trong cuộc đua đăng cai giải Vô địch bóng đá thế giới năm 2010 - World Cup đầu tiên được tổ chức tại châu Phi, cũng như trong cuộc bầu cử chức Chủ tịch FIFA vào năm 2011; các hợp đồng tài trợ giữa một công ty đồ dùng thể thao lớn của Mỹ và Liên đoàn Bóng đá Brazil.

Chủ tịch CONCACAF Jeffrey Webb bị cáo buộc 17 tội danh.

Và mặc dù Bộ Tư pháp Mỹ không nêu tên cụ thể của công ty đồ dùng thể thao lớn của Mỹ nhưng theo nhiều tờ báo của Mỹ, đó là Hãng NIKE bởi bản cáo trạng có nói rằng công ty này đã ký một hợp đồng tài trợ 10 năm trị giá 160 triệu USD với Liên đoàn Bóng đá Brazil từ năm 1996 - trùng khớp với hợp đồng của NIKE.

Cáo trạng cũng nêu rõ, ba ngày sau khi ký hợp đồng tài trợ, một lãnh đạo thuộc công ty thể thao này đã đồng ý cho Traffic Brazil, một công ty tiếp thị thể thao thu thêm "phí tiếp thị." Traffic Brazil đã gửi hóa đơn trị giá hơn 10 triệu USD cho công ty này trong ba năm tiếp theo - khoản tiền được các điều tra viên cho là khoản hối lộ.

47 tội danh cho 9 quan chức

Cho đến nay, Mỹ đã thu thập được nhiều bằng chứng quan trọng và sẽ truy tố 9 quan chức cấp cao của FIFA với 57 tội danh. Nếu bị kết tội, các nghi phạm có thể sẽ phải đối mặt với mức án tới 20 năm tù.

Giám đốc FBI, ông James Comey còn cho biết thêm rằng, ngoài 9 quan chức cấp cao FIFA, còn 5 nhân vật khác bị cáo buộc thực hiện các hành vi rửa tiền, gian lận, lừa đảo - đó là Giám đốc điều hành các hãng thể thao như Alejandro Burzaco, Aaron Davidson, Hugo Jinkis, Mariano Jinkis và Jose Margulies.

Ngoài ra, còn có 4 cá nhân và 2 tổ chức đã nhận tội trong hơn 2 năm điều tra của FBI. 3 trong số đó chấp nhận số tiền phạt khổng lồ: Chuck Blazer, cựu Tổng thư ký CONCACAF  - 1,9 triệu USD; Jose Hawilla (người sáng lập và sở hữu Traffic Group) - 151 triệu USD trong đó có 25 triệu USD đóng ngay; Daryan Warner - 1,1 triệu USD.

Hãng tin AP thì cho hay, một trong những dấu mốc quan trọng giúp FBI có thông tin và dẫn đến vụ bắt giữ 7 quan chức FIFA hôm 27/5 là kết quả cuộc điều tra trốn thuế liên quan đến Chuck Blazer. Ông Chuck Blazer đã nhận tội trước tòa và chấp nhận hợp tác để được giảm án.

Cụ thể, Chuck Blazer đã chấp nhận làm người đưa tin cho FBI, dùng một móc đeo chìa khóa trong đó có gắn một microphone cực nhỏ giúp ghi lại toàn bộ nội dung các cuộc họp của FIFA mà ông tham gia, từ đó hé lộ dần chuyện mua phiếu bầu cùng những hoạt động nhận hối lộ khác..

FIFA đang chìm trong "cơn bão bê bối".

Như vậy, tính đến nay có ít nhất 18 cá nhân và tổ chức liên quan đến bê bối tham nhũng, nhận hối lộ trong FIFA. Các quan chức cấp cao của FIFA bị "nhúng chàm" lần này gồm Phó chủ tịch FIFA kiêm Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Caribbean (CONCACAF) Jeffrey Webb; Phó chủ tịch FIFA, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ (CONMEBIL) Eugenio Figueredo; cựu Phó chủ tịch FIFA Jack Warner; Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Costa Rica Eduardo Li; Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nicaragoa Julio Rocha; nguyên Tổng thư ký Hiệp hội bóng đá quần đảo Cayman Costas Takkas; Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Venezuela Rafael Esquivel; Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Brazil Jose Maria Marin; cựu Chủ tịch CONMEBIL từ năm 1986-2013 Nicolas Leo.

Cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ cho hay, Phó chủ tịch, thành viên Ủy ban Điều hành FIFA kiêm Chủ tịch CONCACAF Jeffrey Webb là người bị cáo buộc nhiều tội danh nhất - 17 tội danh.

Năm nay 50 tuổi, ông này có quốc tịch Cayman và từng kinh qua nhiều vị trí cao ở FIFA như Phó chủ tịch Ủy ban Kiểm toán nội bộ, cựu thành viên Ủy ban Minh bạch và tuân thủ của FIFA, thành viên các Ủy ban Khẩn cấp và thành viên Ban tổ chức World Cup…

Ngay sau khi bị bắt giữ ở Thụy Sĩ, Jeffrey Webb đã bị CONCACAF ra lệnh cấm hoạt động trong liên đoàn và bị thay thế vị trí Chủ tịch CONCACAF bởi Phó chủ tịch Alfredo Hawit.

Eugenio Figueredo thì mới thay Nicolas Leoz trên cương vị Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ từ năm 2013 sau 20 năm làm phó. Eugenio Figueredo năm nay 83 tuổi, người Uruguay nhưng mang quốc tịch Mỹ.

Cùng độ tuổi với Eugenio Figueredo và cũng bị bắt giữ hôm 27/5 còn có Jose Maria Marin, thành viên Ban điều hành FIFA. Nhân vật mang quốc tịch Brazil này mới thôi chức Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Brazil hồi tháng 4 vừa qua và từng là Trưởng ban Tổ chức World Cup Brazil 2014.

Còn Eduardo Li (56 tuổi), vốn là một doanh nhân và đã giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Costa Rica trong suốt 8 năm qua. Năm ngoái, vị quan chức này đóng vai trò trưởng Ban tổ chức giải U17 nữ thế giới. Trước khi bị bắt, Eduaro Li được đề cử vào Ban điều hành FIFA khóa mới.

Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nicaragoa Julio Rocha thì là thành viên Ủy ban Phát triển của FIFA, từng là cầu thủ chuyên nghiệp và HLV bóng đá. Rafael Esquivel thì giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Venezuela từ năm 1988 và kiêm cả vị trí Ủy viên Ban kỷ luật FIFA và Ban điều hành Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ…

Sau khi lục soát khách sạn Baur au Lac, lực lượng cảnh sát chống tham nhũng Thụy Sĩ thu được 2 thùng tài liệu quan trọng.

Ngoài những nhân vật nói trên, còn một nhân vật khác không kém phần quan trọng dù không bị bắt giữ nhưng là mắt xích lớn trong vụ án là cựu Phó chủ tịch FIFA, cựu Chủ tịch CONCACAF Jack Warner. Sáng 28/5, ông này đã tự thú tại một đồn cảnh sát Trinidad & Tobago.

Trước đó, trong cuộc điều tra của FBI, Jack Warner được cho là có vai trò trong việc Hiệp hội Bóng đá Caribbean (CFU) trả hơn 500.000 USD trong hơn 20 năm cho một công ty mà người đứng đầu là Chuck Blazer.

Jack Warner còn bị cáo buộc đã hợp tác với Phó chủ tịch Mohamed Bin Hammam của FIFA ở thời điểm tháng 6/2011 khi rời các chức vụ của FIFA lẫn CONCACAF để mua chuộc các quan chức bóng đá ở khu vực này nhằm ủng hộ Bin Hammam trong cuộc tranh chức chủ tịch FIFA với Sepp Blatter…

Cáo buộc nhằm vào Chủ tịch Sepp Blatter

Hiện Chủ tịch FIFA Sepp Blatter chưa có tên trong danh sách những quan chức bị bắt giữ hay bị truy tố mà nhà chức trách Mỹ, Thụy Sĩ đưa ra. Nhưng vì cuộc điều tra đang được tiến hành nên chưa thể khẳng định ông Sepp Blatter không có liên quan.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích thể thao thì cho rằng, ngay từ lúc này, ông Sepp Blatter nên tìm cho mình một luật sư giỏi để bào chữa. Nói thế là bởi vì trong gần 20 năm đứng đầu FIFA, Sepp Blatter không ít lần đã vướng vào các scandal tham nhũng.

Nhiều khả năng, FBI cũng sẽ sớm mở lại cuộc điều tra xung quanh cáo buộc Sepp Blatter mua phiếu bầu của giới chức FIFA trong các cuộc bầu chọn Chủ tịch FIFA. Bởi vì trong 4 nhiệm kỳ vừa qua, dù thắng cử nhưng Sepp Blatter luôn bị cáo buộc đã bỏ tới 50.000 USD cho một phiếu bầu.

Chẳng hạn như trong cuộc bầu cử năm 1998, cho đến phút chót, nhiều người vẫn nghĩ Phó chủ tịch FIFA Lennart Johansson thắng cuộc. Nhưng cuối cùng Sepp Blatter mới là người đắc cử với số phiếu 111-80. Một số tờ báo phương Tây đã đưa tin rằng, Sepp Blatter thắng bởi ông đã đi vận động hành lang trong một khách sạn tại Paris (đưa cho các đại biểu châu Phi mỗi người 50.000 USD).

Lịch sử mua phiếu bầu của Sepp Blatter dường như cũng đã lặp lại trong cuộc bầu cử năm 2011. Chưa hết, năm ngoái, Sepp Blatter còn bị nhật báo Bild của Đức cáo buộc có liên kết với mafia Nga. Bằng chứng là bức ảnh độc quyền chụp Chủ tịch FIFA với  Alimsan Tochtachunow, nhân vật đang bị tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) truy nã trên toàn thế giới với tội danh rửa tiền, gian lận cá cược bất hợp pháp và tham nhũng trong các sự kiện thể thao. Đó là chưa kể đến nghi án giúp Qatar đăng cai World Cup 2022.

Tin từ kênh truyền hình ESPN cho hay, xung quanh vụ việc này, FBI trước đây từng tiến hành điều tra về Sepp Blatter vì nghi ngờ ông nhận hối lộ bằng các chuyến du lịch đến Mỹ trong vòng 4 năm (từ 2007-2010).

Và có vẻ như Chủ tịch FIFA đã biết trước về cuộc điều tra này nên từ năm 2011 đến nay, Sepp Blatter luôn né tránh các chuyến đi công tác tới Mỹ và cũng chẳng bao giờ đặt chân lên nước này với lý do đi du lịch. Bởi lẽ, nếu cuộc điều tra nói trên là có thật thì khi tới Mỹ, Sepp Blatter sẽ có khả năng bị bắt giữ ngay lập tức.

Ngọc Khuê (tổng hợp)
.
.