Francois Catonné: “Trái tim tôi cũng để lại đây rồi…”

Thứ Tư, 17/11/2010, 09:30
Nhà quay phim Francois Catonné tâm sự: Khi chúng tôi đặt chân đến Việt Nam, cả đoàn làm phim đi tìm cảnh quay, và thế là cuộc hành trình xuyên Việt kéo dài ròng rã hàng tháng. Vòng quanh đất nước các bạn đã làm chúng tôi kinh ngạc đến sửng sốt vì phong cảnh quá kỳ diệu. Chúng tôi tin sẽ có một bộ phim rất đẹp khi quay lại những khung cảnh nơi đây... Tôi cũng phải nói là trái tim của tôi cũng đã để lại nơi này rồi.

Tối, hai người đàn ông ngoại quốc sau khi cùng nhau lang thang trên những con phố Hà Nội, họ trở về khách sạn Melia vào đúng 21h như đã hẹn.

Một người dáng đậm, nụ cười tươi tắn và ánh nhìn xuyên thấu là Marco Mueller, Giám đốc Liên hoan phim quốc tế Venice. Còn người kia, cao gầy, dáng vẻ hoạt bát, trông ra dáng một thanh niên láu lỉnh, mặc dù, hẳn ông không còn trẻ, xấp xỉ bước vào tuổi 50. Người đàn ông này chính là nhà quay phim Francois Catonné, đã từng được biết đến là một tay máy cự phách khi ông sang Việt Nam và quay bộ phim Indochina (Đông Dương).

Bộ phim là câu chuyện kể của Eliane Devries, một chủ đồn điền cao su người Pháp về những sự kiện xảy ra trong giai đoạn bà sống ở Việt Nam. Sau khi đóng máy, được công chiếu lần đầu vào năm 1992, bộ phim này đã tạo được một cơn sốt kỳ lạ trên các rạp chiếu bóng thế giới. Và cùng năm, bộ phim đã được giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất và giải quay phim xuất sắc nhất...

Hai ông được mời sang Việt Nam làm giám khảo cho phim truyện nhựa của Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ nhất. Cơ hội có một không hai để gặp hai nhân vật khá nổi tiếng trong giới nghệ thuật thế giới. Sau khi kết thúc buổi trò chuyện với ông Marco Mueller thì đồng hồ đã chỉ 22h. Mặc dù, hẳn là các ông đều thấm mệt, nhưng ông Francois Catonné vẫn rất vui lòng trước đề nghị tha thiết của tôi được tiếp tục hỏi chuyện ông.

Tôi sợ khi quay trở lại Việt Nam, mọi thứ có thể đã thay đổi...

Phóng viên: Sau khi quay xong bộ phim “Đông Dương” vào năm 1992, cho đến nay ông có trở lại Việt Nam lần nào nữa không?

Francois Catonné: Khi bộ phim lấy bối cảnh ở Việt Nam quay xong, thì tôi chưa có điều kiện để trở lại mảnh đất này, cho đến tận giờ, gần 20 năm, sau một khoảng thời gian khá dài tôi mới quay trở lại nơi đây.

Ồ! Bạn đừng có nghĩ về vấn đề kinh tế, vì người nước ngoài chúng tôi rất thích đi du lịch, nhất là với người làm nghề quay phim như tôi, thì đi lại các địa danh trên thế giới là công việc thường xuyên. Nhưng, tại sao tôi không quay trở lại đất nước xinh đẹp này?

Tôi đã cố thuyết phục mình, không nên đến Việt Nam nữa vì muốn giữ mãi hình ảnh đẹp của Việt Nam vào những năm cuối của thập niên 80, đầu những năm 90. Việt Nam trong tôi lúc đó thơ mộng, đẹp và kỳ diệu biết bao. Tôi nhìn đất nước của bạn với vẻ ngưỡng mộ, tò mò, pha chút thích thú và muốn khám phá.

Từng hình ảnh trong những tháng ngày làm phim ở Việt Nam đã trở thành kỷ niệm được chôn trong ký ức của tôi. Tôi muốn giữ lại hình ảnh đã qua ở trong mình, những hình ảnh kỳ diệu của đất nước và con người nơi đây là dấu ấn rất đậm trong trái tim tôi. Nên tôi không muốn, và tự nhủ không thể quay trở lại Việt Nam, vì sợ rằng khi quay trở lại, mọi thứ có thể đã thay đổi.

PV: Nhưng bây giờ thì ông vẫn có mặt tại mảnh đất này. Ông không thất vọng đấy chứ khi thấy Việt Nam sau 20 năm đã qua đi và không ngừng thay đổi?

Francois Catonné: Đúng thế, không hề thất vọng! Khi được mời làm giám khảo Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ nhất, tôi nghĩ đây là cơ hội cho mình quay trở lại Việt Nam. Chà! Biết nói sao nhỉ?! Những ngày sang đây, tôi mới chỉ ở Hà Nội chứ chưa đi đâu xa cả. Tôi thấy thành phố này phát triển quá.

Và buổi tối, như tối nay chẳng hạn, tôi và Marco Mueller thả bộ trên những con phố và chúng tôi vẫn tìm thấy những không khí cũ, những cảm tình cũ đối với Hà Nội. Mặc dù, giờ đây Hà Nội có nhiều xe hơn, nhiều ánh đèn điện hơn, nhiều ngôi nhà cao tầng mới được xây dựng, nhưng tình yêu của tôi với Hà Nội vẫn vẹn nguyên như cũ. Có lẽ, mùi Hà Nội, sự đặc trưng bí hiểm nào đó, rất dịu dàng, sâu lắng lẩn khuất bên ta ở nơi sâu thẳm và không thay đổi.

PV: Tôi cũng thấy lạ, đạo diễn người Pháp Regis Wargnier phim “Đông Dương” có ông bà từng sống ở Việt Nam, và bản thân người cha của đạo diễn cũng đã từng là lính Pháp ở Việt Nam, còn ông một nhà quay phim Pháp, ông có ký ức gì khi quay phim “Đông Dương”, lấy bối cảnh ở Việt Nam? Chuyện đã qua rồi nhưng tôi vẫn muốn hỏi tại sao các ông không chọn một nơi nào đó thông thuộc địa lý, lịch sử lại đến một nơi mà theo cách nghĩ của tôi là các ông khá tù mù và ngơ ngác...?

Francois Catonné: Tôi có mối quan hệ với những người bạn Pháp yêu Việt Nam. Cha của ông đạo diễn phim đúng là đã từng đi lính ở đây. Ông đã từng tham chiến ở Việt Nam, nhất là ở đoạn đèo Hải Vân, khi đoàn làm phim chúng tôi đi ra đấy với diễn viên Như Quỳnh thì ông đạo diễn rất cảm động vì ông nghĩ rằng xa xưa cha ông đã từng đặt chân đến đây.

Tôi không biết cha của ông đạo diễn đã có cảm tình như thế nào với Việt Nam, và khi về Pháp ông ta đã nói gì với con trai mình, nhưng xem ra ông đạo diễn vô cùng tò mò và muốn biết về Việt Nam. Tôi cũng phải khẳng định rằng, rất nhiều người Pháp nếu đã từng đặt chân đến đất nước của các bạn, biết một chút về Việt Nam thì đều rất yêu mảnh đất này. Nhưng tại sao lại yêu thì tôi không thể biết được. Có lẽ là vì tất cả...

Bản thân tôi cũng vậy. Vị trí, văn hóa, cách sống của con người nơi đây đều hấp dẫn tôi. Khi chúng tôi đặt chân đến Việt Nam, cả đoàn làm phim đi tìm cảnh quay, và thế là cuộc hành trình xuyên Việt kéo dài ròng rã hàng tháng. Vòng quanh đất nước các bạn đã làm chúng tôi kinh ngạc đến sửng sốt vì phong cảnh quá kỳ diệu. Chúng tôi tin sẽ có một bộ phim rất đẹp khi quay lại những khung cảnh nơi đây... Tôi cũng phải nói là trái tim của tôi cũng đã để lại nơi này rồi.

Một cảnh trong phim “Đông Dương”.

Yêu lạ kỳ...

PV: Trong phim “Đông Dương”, các nhà làm phim đã đưa ra thông điệp gì? Ông biết đấy, người ta vẫn luôn nói rằng nên trồng lúa, ngô, khoai ở trên cánh đồng. Đàn bò thì ăn cỏ. Và, gia súc thì nên thả ở thảo nguyên. Vậy, với phim ảnh, một cuộn băng ghi hình lấy bối cảnh ở đất nước xa xôi chúng tôi thì có ý nghĩa và tác dụng gì đối với nền công nghiệp điện ảnh hiện đại, ở phương Tây các ông?

Francois Catonné: Đúng rồi! Tại sao chúng tôi lại có chuyến đi vào năm 1989 sang Việt Nam để chọn bối cảnh, bạn biết đấy, ngay cả khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, có rất ít người châu Âu trở lại Việt Nam. Gần như châu Âu quên và họ không nhớ tới đất nước ở bán đảo Đông Dương này, nếu có nhắc đến Việt Nam thì trong tiềm thức của người ta đây là đất nước của chiến tranh.

Trong sâu thẳm hành trình, chúng tôi muốn làm một bộ phim như một cuốn sách hướng dẫn những điểm đến cho tất cả mọi người đến thăm Việt Nam. Nét đẹp vừa dịu dàng vừa kiêu hùng của đất nước này sẽ quyến rũ những du khách. Mỗi ngày trong cuộc hành trình, chúng tôi đều phát hiện ra và quá đỗi ngỡ ngàng trước cảnh đẹp thơ mộng, thuần phác của cảnh vật và con người nơi đây. Hình ảnh của bộ phim “Đông Dương”, bạn thấy đấy, tôi đã quay rất nhiều nơi khác nhau, ở Huế, Hà Nội, Đà Nẵng, Hạ Long... chúng tôi cố tình cho khán giả thưởng thức cảnh đẹp Việt Nam ở rất nhiều điểm khác nhau.

PV: Và, thật may bộ phim đã thành công ngoài mong đợi...

Francois Catonné: Ngay từ những buổi công diễn đầu tiên tại đất nước chúng tôi, khán giả xem xong trầm trồ bảo không thể tưởng tượng lại có cảnh đẹp như thế. Và mọi người còn nói là không thể tìm được nơi nào đẹp như thế tại nước Pháp. Bầu trời và biển vịnh Hạ Long đẹp kinh khủng...

PV: Vâng, vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là kỳ quan thiên nhiên của thế giới mà, đương nhiên là rất đẹp rồi...

Francois Catonné: Đúng là tôi thích mê vịnh Hạ Long, rồi sau đấy tôi thấy nét đẹp của Cẩm Phả. Tôi chụp biết bao nhiêu ảnh, những người phụ nữ làm việc ở mỏ và đằng sau họ là vịnh Hạ Long. Người ta thấy ngay hình ảnh cần cù nhẫn nại của người phụ nữ của dân tộc này. Hình ảnh mà người ta nhìn thấy dội thẳng vào trong tim thì đấy chính là Việt Nam. Sáng nay, tôi vừa mới xem phim dã sử làm kỷ niệm trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, "Long thành cầm giả ca",  cảnh quay trong phim rất đẹp, vô cùng ấn tượng...

PV: Ông là người nước ngoài và tình cờ đặt chân đến đất nước chúng tôi để làm phim và bộ phim đã đoạt giải cao, giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất. Bản thân ông cũng có giải cá nhân cho nhà quay phim xuất sắc nhất. Nhưng từ đó đến nay, các nhà làm phim bản địa trong vùng này nói chung và Việt Nam nói riêng lại không có phim đoạt giải cao như vậy nữa. Ông có nghĩ, chỉ một chút thôi, Việt Nam phải chăng đang thực sự là thiếu tài năng?

Francois Catonné: Ôi! Tôi không bao giờ nói rằng là họ không có tài năng. Câu hỏi này thật là khó trả lời, tôi không biết trả lời bạn như thế nào cả. Tôi làm những cái điều rất bình thường mà những nhà làm phim phải làm. Tôi không nghĩ các nhà quay phim Việt Nam không thể làm những bộ phim tương tự. Có lẽ vì tôi lần đầu đến Việt Nam để quay phim, năm đó tôi vô cùng bỡ ngỡ, thấy mình thật ngây thơ trước khuôn cảnh này, khung hình này. Vì thế tôi tìm ra cái đẹp nhất để quay...

PV: Nghề quay phim của ông vừa có con mắt ngây thơ, trong sáng lại vừa sắc như dao cau ấy nhỉ? Người ta gọi là có "con mắt xanh"...

Francois Catonné: Tôi chỉ làm cái nghề mà làm thế nào để thu hút cái nhìn của mọi người thôi. Ngày đó, khi mà tôi cùng với ông đạo diễn phim “Đông Dương” đi thăm miền Bắc Việt Nam thì những người trong làng họ thấy chúng tôi là người da trắng, và họ tưởng lầm chúng tôi là người Nga. Có lẽ vì suốt một thời gian dài trong chiến tranh và sau này khi đất nước thống nhất, nước Nga và Việt Nam có mối quan hệ gắn bó thân thiết. Lúc đấy, chúng tôi phải giải thích rằng chúng tôi không phải là người Liên Xô, chúng tôi là người Pháp. Thật tiếc! Còn có quá ít người nói được tiếng Pháp trên đất nước này.

PV: Lần trở lại Việt Nam này, ông có gặp những người tham gia đóng phim “Đông Dương” từ cách đây gần 20 năm không?

Francois Catonné: Tôi đã gặp lại diễn viên người Pháp gốc Việt Phạm Linh Đan và diễn viên điện ảnh Như Quỳnh. Thời gian đã làm cho cô bé Linh Đan ngày nào trở thành diễn viên đẹp tuyệt vời. Tôi gặp lại Như Quỳnh thì chị ấy không nói được câu nào cả tiếng Pháp, lẫn tiếng Anh, cả hai chỉ còn có một cách là đứng nhìn nhau và mỉm cười.

PV: Trời đã quá khuya, có lẽ đến lúc phải chia tay để ông cần được nghỉ ngơi. Rất cảm ơn ông về buổi trò chuyện.

Francois Catonné: Hãy khoan, tôi muốn kể nốt đã... Rất nhiều người lính cũ, sau khi về nước rồi vẫn yêu tha thiết mảnh đất này. Bằng chứng là có nhiều người trong số những người đã từng sang tham chiến ở Việt Nam khi về nước thấy nhớ Việt Nam không chịu được và đã quay trở lại nơi đây để lấy những người phụ nữ ở đất nước này làm vợ.

Câu chuyện về tình yêu kỳ lạ tôi được nghe kể lại từ một người phụ nữ Việt Nam. Đó là vào năm 1998, chị ấy sang Pháp và trong một lần tình cờ gặp ông cụ người Pháp 80 tuổi. Khi ông cụ nhìn thấy chị ấy thì đột nhiên ông bị xúc động ghê gớm. Trước đây ông cũng đã từng tham chiến ở Việt Nam. Ông cụ mời chị ấy đến nhà và mang ra một cái hộp nhỏ được khóa rất cẩn thận. Cái hộp đã được ông cụ cất giữ như bảo bối, suốt từ năm 1940 đến năm 1998, tất cả gia đình, vợ và các con của ông không ai được động vào, giờ gặp chị ông mới chịu mang hộp ra để mở.

Thật ngạc nhiên, bên trong hộp rất nhiều hình ảnh đất nước Việt Nam, có một số tấm hình về một người con gái trông thùy mị, dịu dàng, rất Việt Nam. Nhưng chị phụ nữ người Việt đó nói với ông: "Ông cất giữ chiếc hộp đấy hơn 50 năm, giờ đây người con gái trong ảnh đã có cháu, có khi còn có cả chắt nữa... Và trở thành bà già móm mém, tóc bạc trắng, lưng còng đang sống ở trên một khu phố hay bản làng nào đó tại Việt Nam. Hoặc biết đâu người con gái đó không còn nữa. Hơn 50 năm đã qua rồi còn gì...!!!".

Francois Catonné sinh tại Paris, Pháp. Ông theo học quay phim tại Trường Ecole Louis Lumiere ở Paris. Khởi nghiệp ở vị trí kỹ thuật hình, ông đã từng  cộng tác cùng rất nhiều những nhà quay phim và đạo diễn nổi tiếng như: Etienne Becker, Tonino Dellei Colli, Pascalino De Santis, Roman Polanski, Louis Malle, Francis Veber, Rober Bresson...

Ông bộc bạch: "Nếu có một lời mời sang Việt Nam để quay phim, tôi rất sẵn sàng. Đối với tôi, nếu quay một bộ phim nữa về Việt Nam thì thật là không có gì làm cho tôi vui sướng hơn. Được làm phim về Việt Nam còn hay hơn bất cứ một đất nước nào khác. Thậm chí, còn hơn cả một bộ phim Pháp".

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.