GS. NSND Trần Bảng: Tin có một ngày chèo sẽ hưng thịnh

Thứ Năm, 08/06/2017, 16:45
92 tuổi, ông có một trí nhớ minh mẫn đến lạ thường. Dường như ông không quên điều gì thuộc về quá khứ của mình, từ chuyện đời, chuyện nghề, thậm chí tên của hầu hết những diễn viên chính và phụ trong những vở chèo ông từng làm đạo diễn.

Ông là Giáo sư, NSND Trần Bảng, đạo diễn, soạn giả và nhà nghiên cứu chèo, người đã được Nhà nước phong tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho công trình nghiên cứu "Trần Bảng - Đạo diễn chèo" trong những ngày tháng 5 vừa qua.

Duyên nghiệp với chèo

Khách đến thăm NSND Trần Bảng luôn phải báo trước với ông, chẳng phải ông sang chảnh hay làm khó gì cho ai, mà chỉ đơn giản là theo nếp nhà từ xa xưa, lúc nào có khách đến thăm, ông luôn phải trong trạng thái khỏe mạnh nhất, lịch sự nhất, luôn phải ăn mặc chỉnh tề đón tiếp để thể hiện sự tôn trọng người đối diện.

NSND Trần Bảng hiền lành và nho nhã. Người nghệ sĩ đã có hàng chục năm trên sân khấu làm đạo diễn, dàn dựng chương trình, đầy những khó khăn, đầy những chông gai, đầy những sự trăn trở với một ngành nghệ thuật đặc thù của dân tộc, nhưng ở ông toát lên vẻ lịch thiệp, điềm đạm và trí thức của một người làm nghiên cứu. Mà làm nghiên cứu thì có chất riêng, ông tránh xa những ồn ào, khoe mẽ, những nóng vội nhất thời, chỉ lặng lẽ phía sau trang viết, lặng lẽ phía sau những diễn viên, phía sau những vở diễn.

Sở hữu trong tay hàng chục vở diễn, hàng chục giải thưởng lớn của nền sân khấu Việt Nam, đạo diễn Trần Bảng được biết đến như là một "ông trùm" của sân khấu chèo. Nhắc đến ông, nhiều người vẫn nghĩ đến những hình ảnh của Xúy Vân, Thị Kính, những nhân vật đã, đang và sống mãi cùng lịch sử của nghệ thuật chèo Việt Nam.

NSND Trần Bảng.

Tôi hỏi NSND Trần Bảng, nếu bây giờ, nhớ lại một điều gì thuộc về những năm tháng đã qua, ông nhớ nhất điều gì? Ông cười hiền: "Nhớ thì nhớ nhiều lắm, nhưng điều khiến tôi nhớ nhất vẫn là những năm tháng đầu tiên làm nghề. Tôi tham gia viết và diễn kịch trong đội tuyên truyền kháng chiến chống Pháp của xã rồi được đưa lên Đoàn văn công nhân dân Trung ương tại chiến khu Việt Bắc.

Đoàn văn công nhân dân khi đó được chia làm ba tổ, hội tụ nhiều tên tuổi lão làng như Thế Lữ, Song Kim (tổ kịch), Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Doãn Mẫn, Thái Ly (tổ ca múa nhạc), Năm Ngũ, Dịu Hương, Cả Tam (tổ chèo), tôi giữ vai trò tổ phó tổ kịch. Trong bối cảnh Đoàn văn công lại cần những tác phẩm đặc sắc phục vụ hội nghị quan trọng của Trung ương, nên mùa xuân năm 1953, tại Tân Trào (Tuyên Quang), tôi hồi đó mới 23 tuổi đã phối hợp với các nghệ sỹ Năm Ngũ, Dịu Hương dựng vở "Chị Trầm", vở chèo hiện đại đầu tiên của sân khấu chèo cách mạng. Thật may mắn, đêm công diễn "Chị Trầm", trên hàng ghế khán giả có Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cốt cán như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng...

Khi vở diễn kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp bước lên sân khấu khen ngợi tổ biểu diễn, Bác vỗ vai tôi và có lời khen ngợi. Trưa hôm sau, tôi được gọi đến dùng cơm cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bữa cơm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói một câu khiến tôi không bao giờ quên và lấy làm động lực để phấn đấu. Bác bảo: "Chèo là viên ngọc quý, phải ra sức học, đặc biệt phải học chèo cổ của các nghệ nhân để hiểu sâu, nắm vững và phát triển nghề chèo cho dân tộc".

Truyền thống gia đình

Năm 1957, Trần Bảng cùng các nghệ sĩ Bùi Đức Hạnh, Hoàng Kiều, Hà Văn Cầu, Hồ Ngọc Cẩn cùng các nghệ nhân Trùm Thịnh, Cả Tam, Lý Mầm, Năm Ngũ thành lập Ban Nghiên cứu chèo. Ở đây ông đã khai thác, bảo tồn các vở chèo cổ, lưu giữ các lớp trò của các nghệ nhân. Từ những nghiên cứu đó, ông đã cải biên, xây dựng lại nhiều vở chèo cổ như “Quan Âm Thị Kính", "Súy Vân", "Nàng Thiệt Thê". Riêng với vở “Quan Âm Thị Kính” đã được ông dàn dựng lại 3 lần (1956, 1968, 1985). Với những vở diễn này, ông đã đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo cổ, đưa chèo cổ sống lại trên sân khấu chèo hiện đại.

Trong căn phòng riêng của ông có một giá sách riêng trong đó có nhiều tác phẩm văn học và sân khấu được ông sắp đặt gọn gàng, ngăn nắp. Thời gian rảnh, ngoài việc đọc các thông tin trên mạng Internet, ông dành để đọc sách. Ông giở cuốn sách đã úa màu thời gian "Nửa chừng xuân" đang đọc dở, rồi bảo, "ấy thế mà đã bao nhiêu năm tháng trôi qua kể từ ngày tôi còn thơ bé được sống trong cái nôi văn học của gia đình".

Ông kể: "Tôi từ bé đã được theo học trường Tây với định hướng của gia đình, sẽ trở thành một văn nhân trong tương lai. Cụ thân sinh tôi, nhà văn Trần Tiêu viết tiểu thuyết "Con trâu", "Chồng con"... Chú ruột tôi là nhà văn Khái Hưng của nhóm "Tự lực văn đoàn" nổi danh với những tác phẩm như "Nửa chừng xuân", "Gánh hàng hoa", lẽ vì tôi sinh ra trong một gia đình có gen nghệ thuật, nên từ bé tôi đã đọc nhiều sách trong tủ sách của cha tôi, của chú tôi.

Mà kỳ lạ lắm hồi ấy đã đi đọc sách Tây, học trường Tây, tôi ảnh hưởng từ văn chương, kịch nghệ nước ngoài đấy chứ, chủ yếu là của Pháp. Nhưng song hành thì đọc cả Hán Nôm, rồi đi học thêm cả tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nga. Bởi vậy mới bảo, nền tảng gia đình và sự định hướng là quan trọng lắm. Tôi vẫn biết ơn gia đình vì điều đó. Sau này, tôi không đi theo văn chương, mà lại nghiên cứu chèo, đặc biệt là chèo cổ. Nhưng những vốn sống từ thuở ấu thơ ấy mang lại cho tôi nhiều kiến thức cho việc làm nghề của tôi sau này".

Mối tình đẹp với cô Đào chính

Ở tuổi 92, NSND Trần Bảng khẳng định rằng, mình là một người may mắn. May mắn có duyên với chèo, và từ chèo, lại có cả một cuộc hôn nhân hạnh phúc trọn đời với người vợ thảo hiền.

NSND Trần Bảng và vợ.

Nhắc nhớ về người vợ hiền, NSND Trần Bảng có chút ngậm ngùi. Hai ông bà cả một đời gắn bó như hình với bóng. Nhưng bà đã rời xa cõi tạm hai năm nay. Ông như thể một người bơ vơ. Con chăm cha không bằng bà chăm ông, các cụ ta xưa đã nói. Ông cả một đời phụ thuộc vào bàn tay người vợ hiền, mọi việc trong nhà một tay bà quán xuyến, chu tất. Bà là người đứng ở hậu trường cơm cháo lo toan cho ông yên tâm với nghề.

Từ ngày bà mất, ông trở về ở cùng gia đình con trai, NSƯT Trần Lực. Ông bảo, nếu không có bà, thì cuộc đời ông không biết sẽ có sự đổi thay thế nào. Bà đã hy sinh niềm đam mê và cả những ước mơ tuổi trẻ, vun vén, chăm lo gia đình để ông yên tâm lo công việc, thỏa sức với nghệ thuật chèo.

"Bà nhà tôi, nghệ sĩ Trần Thị Xuân, quê ở Vĩnh Phúc. Tuổi chưa đến đôi mươi, bà tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Đến chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, do yêu cầu cấp trên thành lập một đoàn văn công tiền phương phục vụ chiến dịch, tôi chọn bà vào vai Thị Kính trong vở chèo "Quan Âm Thị Kính", rồi vai nàng Ba trong "Lọ nước thần", vai mụ Quán trong "Súy Vân" sau này vai Ngát trong vở chèo hiện đại "Máu chúng ta đã chảy"...

Thời điểm khó khăn, có những đêm phải dẫn con theo vì không có ai trông. Trần Lực hồi ấy chỉ tầm 4 tuổi, thấy mẹ diễn vai Thị Kính bị hành hạ, cậu ở trong cánh gà khóc lóc: "Bỏ mẹ tôi ra, sao ông dám đánh mẹ tôi..." khiến cả đoàn ai cũng phải phì cười"...

Sau này, vì một lúc phải nuôi mấy con nhỏ, chồng thì bận liên miên nên bà bỏ nghiệp diễn về công tác giảng dạy tại Khoa Diễn viên chèo của trường Sâu khấu Điện ảnh để có thời gian lo cho các con và để ông có thời gian tập trung cho công việc nghiên cứu.

Khi Trần Lực đến tuổi thi đại học, bà cũng muốn con trai sẽ nối nghiệp bố mẹ, làm diễn viên chèo, bà từng kéo con vào phòng để truyền nghề hát chèo, nhưng cuối cùng, Trần Lực đã không chọn con đường làm diễn viên chèo. Anh học khóa diễn viên điện ảnh và thành công trong rất nhiều vai diễn điện ảnh, truyền hình với ngoại hình bắt mắt, điển trai.

Bây giờ, NSƯT Trần Lực nối nghiệp mẹ trở thành giảng viên trường Sân khấu điện ảnh. Anh cũng khẳng định rằng, cái nôi nghệ thuật chèo đã ngấm vào anh như một dòng chảy, chính vì thế, sau này khi làm đạo diễn phim, chất chèo, chất sân khấu đã ảnh hưởng khá rõ trong các tác phẩm ấy như  "Chuyện nhà Mộc", "Hai Bình làm thủy điện", "Tết này ai đến xông nhà", "Quẫn"...

Anh thú nhận, NSND Trần Bảng là người thầy cho anh bài học vỡ lòng về nghệ thuật. Ông vừa là người thầy, người cha, vừa là người bạn lớn để anh chia sẻ những câu chuyện về nghề, về gia đình, về dòng họ, như một sự tiếp nối không thể nào đứt quãng...

Đúc kết của một đời đam mê

Tôi hỏi NSND Trần Bảng, đến bây giờ, khi đã có mọi thành công trong nghề, ông có cảm thấy còn tiếc nuối điều gì chưa làm được cho chèo?

NSND Trần bảng và cháu nội.

Ông lắc đầu: "Tôi đã cố gắng hết mình với Tổ nghề. Đối với tôi, chèo là một nghiệp duyên, từ việc yêu thích đến mê say và dành trọn cả cuộc đời để nghiên cứu về nó, đó là một định mệnh mà tôi lấy làm cám ơn cuộc đời. Từ một người làm đạo diễn, dàn dựng và trở thành một nghệ sĩ nhân dân, đoạt được bao nhiêu giải thưởng danh giá, nó là số phận, là cái duyên của đời tôi, chứ thực tế là tôi không nỗ lực vì tất cả những điều đó.

Cuối cùng tôi muốn mình trở về viết sách nghiên cứu về nghệ thuật chèo, một môn nghệ thuật của dân tộc, một loại hình mà ngày nay, một lần nữa đang dần bị lấn lướt, bị mai một trên sân khấu. Nhưng trách nhiệm của mình, với một cái nghề cả đời mình theo đuổi, đam mê sống chết với nó, là phải nói, phải viết ra để cho hậu thế. Bởi như bạn thấy đấy, thế hệ của chúng tôi đã hết dần trên cõi thế.

Tôi viết nhiều sách, đặc biệt là cuốn sách tôi thích nhất, cũng là thành tựu của hơn 90 năm sống trong cuộc đời này, là cuốn "Trần Bảng - đạo diễn chèo", tuy là một sáng tạo cá nhân song cuốn sách này trong quá trình hình thành đã tiếp nhận được biết bao tinh hoa, biết bao kinh nghiệm từ những tác phẩm đạo diễn của bè bạn. Nó cũng còn nhờ vào thành quả lao động sáng tạo của nhiều thế hệ nghệ sĩ diễn viên, nhạc sĩ, họa sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam.

Ở tuổi 92, niềm vui của NSND Trần Bảng là sự thành đạt của các con, các cháu. Ông không ra ngoài nhiều, chỉ gặp bạn bè bằng cách lướt web, vào Facebook để nói chuyện, like, comment. Đôi mắt ông vẫn sáng rõ, trí óc vẫn minh mẫn. Ngày nào ông cũng dậy sớm tập thể dục và đọc các trang mạng để biết tình hình thời sự trong nước, quốc tế.

Ông cười ngậm ngùi: Giờ đây, bạn bè tôi đi về thiên cổ hết rồi còn đâu, chỉ còn lại thế hệ đàn em, các con cháu, học trò. Họ nhớ đến thì hỏi han, tâm sự, gọi điện thoại. Riêng tôi, mọi thứ đều đã viên mãn, không mơ ước gì hơn cũng chẳng tiếc nuối điều gì. Bây giờ đã thanh thản đối diện với mọi sự ở đời, kể cả cái chết. Thực ra thì cả đời tôi trăn trở với chèo, nhưng giờ khi đã hoàn thành các cuốn sách, nó là kết tinh của cả một đời làm nghề của tôi. Để có những cuốn sách này, tôi đã gặp nhiều nghệ nhân, họ giờ đã khuất bóng về với tiên tổ. Tôi nhớ những người bạn cùng thời đã cùng chung tay với công cuộc phục hưng chèo như Trần Huyền Trân, Cao Kim Điển, Phan Tất Quang, Lộng Chương, Chu Văn Thức...

Là một nhà nghiên cứu, tôi không cho phép mình dựa vào những sự kiện mơ hồ trong quá khứ mà dám mạo muội suy luận, đánh giá công việc sáng tạo của đồng nghiệp. Chính vì thế, tôi cũng chỉ dám thực hiện tổng hợp lại công việc sáng tạo của bản thân mình trong hơn 50 năm làm nghề đạo diễn chèo.

Suy nghĩ gì về nghệ thuật chèo? Công việc dàn dựng ra sao? Những ý đồ sáng tạo được thực hiện trên sàn diễn như thế nào?... Nhất nhất trần thuật ra. Điểm nào kết thành lý luận được thì kết. Còn ra là những kinh nghiệm. Hữu ích tới đâu là tùy theo sự đánh giá và tiếp nhận của đồng nghiệp khi đọc nó. Tôi không cao vọng nó trở thành "bài bản", chuẩn mực. Và cũng không nên như thế. Vì mỗi đạo diễn phải có những suy nghĩ sáng tạo mang cá tính riêng của mình. Chỉ mong sao ai đọc nó thì cũng sẽ yêu và say mê hơn với nghệ thật chèo và mong muốn sống cùng với nó.

Các thế hệ diễn viên trẻ bây giờ vì mưu sinh không dành thời gian nhiều để nghiên cứu, để sống hết mình với niềm đam mê chèo, nhưng tôi tin sẽ có một ngày, chèo sẽ lại hưng thịnh để phục hồi vốn cổ, để nuôi dưỡng cả một ngành nghệ thuật đã sống cùng linh hồn của dân tộc Việt...".

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.