GS.TS Ngô Đức Thịnh: Người truyền cảm hứng và lòng yêu văn hóa dân tộc

Thứ Sáu, 12/06/2020, 10:58
Mấy hôm nay nhiều tờ báo đã đưa tin về Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh - một nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp lớn lao trên lĩnh vực văn hóa học, dân tộc học, văn hóa dân gian, một nhà giáo chuẩn mực được nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh yêu quý, về cõi vĩnh hằng vào ngày 6/6/2020.

Nhiều đồng nghiệp của ông cũng đã hết lời ca ngợi nhân cách, trí tuệ, cùng những công trình nghiên cứu đồ sộ của ông trong suốt gần 60 năm cầm bút, kể từ khi còn là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bài viết này, tôi không dám nói thêm về những đóng góp to lớn của giáo sư Ngô Đức Thịnh, đặc biệt về Đạo Mẫu, về sử thi Tây Nguyên, vì tôi đã đọc các bài viết của nhiều người về những công trình này. 

Ở đây tôi chỉ xin viết đôi điều về những gì thầy đã dạy cho tôi trong những ngày được thầy dìu dắt, và những lần được may mắn cùng thầy đi lang thang trên một vài vùng đất ở quê mình.

May mắn vì là học trò của thầy

Tôi có một may mắn lớn của đời mình là được Giáo sư Ngô Đức Thịnh hướng dẫn làm luận án tiến sĩ về Văn hóa dân gian, từ năm 1998. Nhưng quả thật là khi bước vào làm luận án, tôi có nhiều lúng túng. Bởi tôi không được đào tạo từ chuyên ngành Văn hóa dân gian (vì trước đó tôi chỉ được đào tạo chuyên ngành về Văn học Phương Tây và sau về giảng dạy môn này ở Trường Đại học Quy Nhơn). 

Nhưng khi tôi trình bày về những gì mình thu thập được từ dọc biển đảo quê nhà (trong mấy năm chuyển về làm việc ở quê nhà Quảng Ngãi), như vài ghi chép về Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, Lễ Cầu ngư, Lễ Đua thuyền trên biển, Hát Bả trạo, Hát Sắc bùa, vài chuyện kể, một số câu ca dân gian ở Cù Lao Ré - Lý Sơn…, thì Giáo sư Ngô Đức Thịnh (lúc đó là Phó Giáo sư, hướng dẫn 1), Giáo sư Nguyễn Chí Bền (lúc đó là Tiến sĩ, hướng dẫn 2), cùng Giáo sư Tô Ngọc Thanh,  Giáo sư Trần Quốc Vượng, Phó Giáo sư Trần Lâm Biền và một vài thầy cô khác ở Viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật (nay là Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) đã khuyến khích tôi viết về những chuyện đó. 

Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh còn bảo tôi: Đây là luận án tiến sĩ đầu tiên của cả nước về văn hóa biển, nên cần phải cố gắng nhiều; tư liệu về văn hóa biển thì thiếu, nên tăng cường đọc và khảo sát kỹ. Các thầy hướng dẫn và các thầy không trực tiếp hướng dẫn cũng chỉ bảo thêm nhiều điều khác. Đó là một sự may mắn lớn lao của tôi, để đến bây giờ tôi vẫn luôn quan tâm đến văn hóa, lịch sử biển đảo quê nhà, đặc biệt là về lịch sử, văn hóa gắn liền với Đội Hoàng Sa trong nhiều thế kỷ trước.

Nhờ sự may mắn đó mà sau này tôi có thêm một cuốn sách là "Văn hóa dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi", NXB Văn hóa dân tộc, in năm 2016 (Công trình này được hai lần giải thưởng: Giải A của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (khi còn bản thảo); Giải A Giải Văn học nghệ thuật Phạm Văn Đồng lần thứ nhất, 2019 (khi đã in thành sách).

Một cách nhìn nhận về văn hóa biển của Giáo sư Ngô Đức Thịnh

Khi dạy chúng tôi lẫn khi thầy viết, thầy có nêu quan điểm: "Người Việt không có nguồn gốc biển mà cơ bản là cư dân sống ở vùng trước núi (gồm cả trung du) tràn xuống khai thác đồng bằng chiêm trũng, rồi lấn biển và khai thác biển". Và thầy kết luận: "Người Việt có truyền thống văn hóa biển cận duyên. Đặc trưng cơ bản của truyền thống biển cận duyên là sự kết hợp, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp và hoạt động đánh bắt hải sản. Nói cách khác, việc khai thác hải sản chỉ là một bộ phận trong cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp truyền thống "…

Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh và Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ (năm 2003).

Khi làm luận án lẫn khi tiếp tục nghiên cứu thêm về đảo Lý Sơn, và nhiều nơi khác ở ven biển, tôi càng thấy điều này là đúng. Dù sống ở đảo, nhưng trong truyền  thống, người Lý Sơn chủ yếu cũng chỉ đánh bắt gần bờ; và dù người Việt đã ra khai phá đảo Lý Sơn từ đầu thế kỷ thứ 17, nhưng cho đến nay, đông đảo người dân Lý Sơn vẫn làm nông nghiệp là chính. 

Một số khác, nếu có quan tâm đến nghề đánh bắt hải sản, thì bộ phận ngư dân đánh bắt hải sản đó vẫn kết hợp với nghề làm hành tỏi ở những khoảnh đất nhỏ hẹp quanh 5 ngọn núi lửa Giếng Tiền, Hòi Sỏi, Hòn Tai, Hòn Vung, hòn Thới Lới. Có lẽ, nhờ hình thái sinh hoạt sản xuất này mà Lý Sơn có nền văn hóa biển đặc trưng, dù vẫn là văn hóa biển cận duyên, nhưng hòa hợp với tự nhiên, với đời sống của cư dân đất đảo.

Sau này, khi tiếp tục nghiên cứu về Đội Hoàng Sa, tôi cũng có viết thêm về việc một bộ phận người Lý Sơn lẫn vùng cửa biển Sa Kỳ có sớm đại dương, ngay từ đầu thế kỷ 17, và cũng nhờ việc sớm ra đại dương đó mà các triều đại phong kiến Việt Nam, từ thời các chúa Nguyễn, đến thời Tây Sơn, thời Nhà Nguyễn mới xác lập được chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Có lẽ trong thành tựu nghiên cứu khoa học của Giáo sư Ngô Đức Thịnh, theo tôi, không chỉ có Đạo Mẫu, Sử thi Tây Nguyên là nổi bật nhất, mà còn thành tựu nghiên cứu về văn hóa biển đảo. Cái cụ thể ở đây có thể thấy, ngoài những bài  thầy viết về văn hóa biển, thì công trình "Văn hóa dân gian làng ven biển" do ông chủ biên, với sự góp sức của các nhà khoa học có uy tín khác, là một công trình nghiên cứu khá toàn diện về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, tri thức về biển của cư dân ven biển, đảo Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và là công trình nghiên cứu văn hóa biển đầu tiên ở Việt Nam. 

Rất tiếc, là công trình này mới chỉ dừng lại ở các làng biển phía Bắc, như Trà Cổ, Quan Lạn, Đồ Sơn, Nhượng Bạn, Phương Cần, Cảnh Dương…, mà chưa được bổ sung thêm về các làng biển phía Nam.

"Cái gì thuộc về cộng đồng hãy trả về cho cộng đồng"

Đó là lời khuyên của Giáo sư Ngô Đức Thịnh. Nhờ lời khuyên này mà lứa học trò chúng tôi đã "áp dụng" ngay vào chính Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa từ nhiều năm trước. Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là một lễ thức văn hóa tín ngưỡng của các tộc họ trên đảo Lý Sơn và một số nơi khác trong tỉnh Quảng Ngãi có từ thuở xa xưa. Có lẽ có từ khi Đội Hoàng Sa bắt đầu được thành lập vào thời chúa Nguyễn. 

Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, nên lễ thức đó ít khi được tổ chức, nếu có thì chỉ tổ chức nhỏ, phối hợp trong lễ cúng việc lề đầu xuân của một vài tộc họ có những vị Cai đội Hoàng Sa thời Tây Sơn, thời nhà Nguyễn.

Năm 2005, nhờ sự hỗ trợ từ một đề tài nghiên cứu khoa học của Viện Văn hóa nghệ thuật, chúng tôi đã tổ chức phục dựng lễ thức này. Vào các năm 2008, 2010, 2013, lại được ngành văn hóa tỉnh hỗ trợ phục dựng quy mô lớn, và sau đó Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia.

Nhưng dù có được hỗ trợ, thì chủ thể của Lễ Khao lề vẫn là 13 dòng họ tiền hiền lẫn các dòng họ hậu hiền trên đất đảo Lý Sơn. Họ chính là người tự nguyện đứng ra tổ chức lễ thức này hằng năm mà không ai có thể làm thay cho họ, ngay cả chính chúng tôi, là những người đề xuất phục dựng lại lễ thức này.

Lời khuyên trên của thầy không chỉ "áp dụng" cho Lễ Khao lề, mà hình như còn cho tất cả những loại hình văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, các vùng miền khác. 

Hiện nay, ở đâu đó, khi có một đơn vị, một tổ chức đi làm thay cho cộng đồng về một loại hình văn hóa dân gian, thì ta cũng dễ dàng nhận ra sự sai lệch không đáng có. Thầy từng viết email cho tôi vào những năm 2009  rằng "Ngày nay con người có còn hòa hợp nữa hay không?" khi ông cùng chúng tôi đi dự lễ hiến sinh trâu của người Ca-dong trên huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) trước đó.

Trong thư ông viết: "Vũ ơi, mình gửi cho Vũ bài này, có lẽ còn viết vội. Thực ra khi dự lễ ăn trâu của người Ca-dong, mình bị choáng ngợp bởi sức sống và sức mạnh của nó và từ đó đến nay mình cứ suy nghĩ mãi. Phải chăng, sức sống và sức mạnh của nó có được là ở bên cột ăn trâu đã diễn ra một cuộc đại hoà hợp giữa con người với thiên nhiên, con người với thần linh và con người với con người, mà trong xã hội cổ truyền con người đã tạo ra được sự hoà hợp tuyệt diệu đó. Và đó cũng là triết lý sống, lẽ sống của họ. Nói điều đó ra cũng là để nói ngày nay con người có còn được sự hoà hợp đó nữa hay không và điều đó cũng để cắt nghĩa sự tha hoá của con người hiện đại".

Kèm theo thư này, ông có gửi cho tôi bài viết có tên gọi là "Triết lý sống bên cột ăn trâu", để tôi in vào cuốn "Sơn Tây - xưa và nay". Giờ đây khi mở lại mail của thầy, đọc mấy dòng thư, kèm theo bài viết ngắn 3 trang, tôi thấy lòng mình trĩu nặng và buồn khôn xiết. Không phải chỉ là nhớ những ngày đó cùng thầy ở Viện Văn hóa nghệ thuật, Viện Văn hóa dân gian, lên tận núi cao với bao nhọc nhằn, mà nghĩ về những điều thầy trăn trở, sẻ chia về sự tha hóa của con người. Trong bài viết, thầy còn đặt ra câu hỏi: "Đã bao giờ chúng ta tự hỏi, con người của xã hội "nguyên thuỷ" đã thiết lập nên mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, đặc biệt là "thiêng hoá tự nhiên để bảo vệ tự nhiên" như vậy sẽ có ý nghĩa như thế nào trong việc bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống đang bị huỷ hoại như ngày nay?"...

Cách đây hơn một tuần trước, tôi từ Quảng Ngãi ra Hà Nội đến thăm thầy ở Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp ở Thường Tín. Nhìn thầy trên giường bệnh, tôi có linh cảm thầy sắp đi xa. Lại nhớ không chỉ một lần đi Sơn Tây (Quảng Ngãi), hai lần thầy đi Lý Sơn quanh hết làng hết xóm, vài lần đi Sa Huỳnh và dọc biển, một lần đi thăm mộ Ân công hầu Trần Công Hiến ở Bình Dương (Bình Sơn) với bao kỷ niệm cùng những tâm huyết thầy vẫn dành cho văn hóa dân tộc... 

Với nhiều thế hệ chúng tôi, GS.TS. Ngô Đức Thịnh là một nhà nghiên cứu văn hóa có tầm vóc, trên nền tảng của một nhà dân tộc học. Ông từng có nhiều năm công tác ở Viện Dân tộc học, bởi vậy, những công trình nghiên cứu của ông khó bóc tách đâu là dân tộc học, đâu là văn hóa dân gian. 

Vả chăng, ranh giới giữa hai ngành khoa học này cũng mỏng manh. Có lẽ với gốc nguồn và bối cảnh như thế nên mặc dù GS.TS. Ngô Đức Thịnh có cống hiến lớn trên lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, đặc biệt trong những năm tháng ông là Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian (1994-2004), và khi nghỉ hưu, là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam - một tổ chức NGO, song chúng tôi vẫn luôn nhận ông là người của dân tộc học. 

Với dân tộc học Việt Nam, nếu tính từ GS.TS. Nguyễn Văn Huyên, người có công khai mở cho ngành khoa học này, GS.TS. Ngô Đức Thịnh được coi là thuộc thế hệ thứ ba, sau những tên tuổi lớn của thế hệ thứ hai, như các nhà Dân tộc học Nguyễn Từ Chi, Đặng Nghiêm Vạn, Phan Hữu Dật, Bế Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Tụng, Diệp Đình Hoa, Mạc Đường…

Giờ thầy đã thật sự đi xa rồi, nhưng niềm cảm hứng và lòng yêu văn hóa dân tộc mà thầy đã truyền dạy thì bền vững trong các thế hệ học trò chúng tôi. Mong thầy thanh thản về phía bên kia cùng thế giới của những người hiền. Tôi luôn tin rằng, những gì thầy đã cống hiến cho văn hóa dân tộc, những gì thầy đã truyền dạy cho các thế hệ học trò chúng tôi, vẫn là những bài học để đời. 

Chúng tôi, những người cũng theo chân thầy luôn tin rằng, những điều thầy để lại vẫn luôn còn mãi trong những trang sách và trong tâm khảm của mỗi người đã trót lòng đam mê văn hóa dân tộc Việt Nam.

TS. Nguyễn Đăng Vũ
.
.