Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam:

Gắn nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh với bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia

Thứ Năm, 02/01/2020, 16:40
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và là đơn vị kinh tế chủ lực của quốc gia. Trong lịch sử gần 60 năm xây dựng và phát triển, PVN đã vượt qua rất nhiều khó khăn thách thức và đã trở thành một tập đoàn khai thác và chế biến dầu khí lớn trong khu vực.

Từ vị trí một người làm thuê, đến nay PVN đã làm chủ được tất cả công nghệ về tìm kiếm thăm dò, khai thác, chế biến sâu. Trong nhiều năm qua, PVN đóng góp từ 11-19% GDP, thậm chí có giai đoạn đóng góp tới 25% GDP. Gần đây, do quy mô của nền kinh tế Việt Nam đã lớn mạnh, sản lượng dầu khai thác đã giảm do tự nhiên và giá dầu xuống thấp nên đóng góp của PVN cho GDP quốc gia đã giảm nhưng vẫn là một doanh nghiệp nhà nước đóng góp lớn nhất. Năm 2019, Tập đoàn nộp ngân sách nhà nước vượt 18% kế hoạch và là doanh nghiệp đóng góp cho đất nước nhiều nhất.

Bên cạnh việc tập trung xây dựng phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh ở trong nước, PVN còn là đơn vị đi đầu trong hội nhập quốc tế.

Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị “Về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035” đã khẳng định những thành tựu to lớn của PVN trong xây dựng, phát triển kinh tế và đặc biệt là đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia; bảo toàn được vốn của chủ sở hữu là Nhà nước. Và điều đặc biệt, Nghị quyết 41 đánh giá PVN đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo của đất nước.

Bên cạnh việc tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, trong nhiều năm qua, PVN luôn đặt vấn đề đúng mức về tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, đảm bảo quốc phòng và an ninh. Có thể khẳng định, đối với PVN, việc sản xuất, kinh doanh gắn rất chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia. Bởi lẽ, hầu hết các hoạt động của PVN đều chịu ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện từ tình hình an ninh, chính trị và đảm bảo quốc phòng.

Chào cờ Tổ quốc trên biển của nhân viên ngành dầu khí.

Với PVN, sản xuất, kinh doanh chỉ có thể phát triển được khi an ninh chủ quyền biển đảo được giữ vững và ngược lại, PVN cũng đóng góp to lớn cho bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia.

Trên Biển Đông, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và vùng biển quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, các giàn khoan của PVN đã trở thành những “vọng gác tiền tiêu” khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển, những con tàu vận tải mang cờ Tổ quốc chạy trên biển cũng góp phần quan trọng vào việc thể hiện vị thế quốc gia trên biển, đồng thời cũng là một điểm tựa tinh thần cho ngư dân.

Từ những năm cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước cho tới gần đây, các hoạt động của PVN trên biển luôn phải đối mặt với sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch. Tuy nhiên, được sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Quốc phòng và đặc biệt là lực lượng hải quân, cảnh sát biển, trong khoảng 30 năm qua, PVN vẫn giữ vững được an ninh trên các giàn khoan và các công trình biển quan trọng khác.

Những cán bộ công nhân viên của PVN làm việc tại các giàn khoan đã thực sự trở thành “những chiến binh trên biển”. Mặc dù họ chỉ được trang bị cho mình một thứ vũ khí, đó là lòng yêu nước, trách nhiệm với Tổ quốc và trách nhiệm với ngành Dầu khí.

Hoạt động khai thác dầu khí của PVN.

Bên cạnh đó, các giàn khoan của PVN còn là một địa chỉ tin cậy, là nơi nương tựa cho ngư dân Việt Nam. Không thể thống kê được hằng năm có bao nhiêu lần cán bộ, công nhân viên ở các giàn khoan cứu giúp ngư dân bị nạn. Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2018, các đơn vị của PVN ở trên biển đã cứu giúp gần 100 lượt ngư dân bị bệnh phải cấp cứu, bị hỏng tàu, hỏng thuyền hoặc bị bão gió đánh dạt vào giàn khoan. Có những trường hợp, để cấp cứu người bị bệnh, đơn vị đã thuê cả một chuyến máy bay trực thăng đưa vào bờ - mà ai cũng biết giá thuê một chuyến trực thăng vô cùng đắt! 

Một đặc điểm nữa của PVN là có rất nhiều công trình dầu khí quan trọng, liên quan đến an ninh quốc phòng, đòi hỏi sự bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt. Đó là những công trình đường ống dẫn khí, nhà máy lọc dầu, các trung tâm xử lý khí đốt và các nhà máy điện khí... Trong nhiều năm qua, tại các công trình trọng điểm quốc gia như nhà máy lọc dầu Dung Quất, Dự án Biển Đông 01 ở cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh; cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, hệ thống đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn, Trung tâm Xử lý khí Cà Mau... đã không xảy ra một vụ phá hoại, hoặc mất an toàn do gây cháy nổ.

Trên một số giàn khai thác ở những nơi có cấu tạo địa chất đặc biệt nguy hiểm và phức tạp như ở cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh, công tác bảo vệ an toàn, chống cháy nổ đã được đặt lên hàng đầu và coi đó là nhiệm vụ sống còn của doanh nghiệp. Tại các công trình trọng điểm trên đất liền, các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, quân đội làm tốt công tác bảo vệ từ xa, làm trong sạch địa bàn, đồng thời giúp dân ở những vùng phụ cận xóa đói giảm nghèo và coi sự phát triển kinh tế ở địa phương làm nền tảng vững chắc cho việc củng cố thế trận quốc phòng toàn dân.

Hiện nay, các hoạt động của PVN vẫn đang gắn rất chặt với việc bảo đảm an ninh quốc phòng, tuy nhiên, tình hình cũng đã có nhiều thay đổi so với 10 năm trước. Khái niệm về bảo vệ an ninh đang có những thay đổi lớn, đó là giữa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.

Hoạt động của PVN, đặc biệt là trên biển, gắn liền với khái niệm an ninh truyền thống, đó là phải đối phó với những âm mưu phá hoại, gây rối từ các thế lực thù địch. Để giữ gìn được quốc phòng và an ninh trên biển thì PVN cần phải phối hợp rất chặt chẽ với lực lượng hải quân; đồng thời xây dựng cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin để có thể ngăn chặn, phát hiện từ xa các hoạt động có tính chất phá hoại.

Cách đây 3 năm, đã có trường hợp một tàu hàng cả trăm ngàn tấn của nước ngoài thả trôi về phía giàn khoan với lý do tàu bị hỏng máy. Đây là một tình huống nan giải bởi lẽ, một con tàu lớn như vậy mà dạt vào giàn khoan thì có thể gây sập giàn và hậu quả khôn lường, trong khi đó, họ lại lấy lý do bất khả kháng là tàu bị hỏng máy. Chỉ đến khi chúng ta phát tín hiệu cảnh báo một cách cứng rắn, đồng thời sử dụng các con tàu dịch vụ sẵn có ở tại khu vực giàn sẵn sàng ứng cứu để đẩy tàu của họ ra thì lúc ấy, họ mới chịu bỏ chạy. Đây là một bài học kinh nghiệm rất hay để xử lý những tình huống bất trắc trên biển!

Hoạt động khai thác dầu khí của PVN.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN cũng gắn liền với các khái niệm an ninh phi truyền thống khác như an ninh năng lượng, an ninh lương thực. Ví dụ, 2 nhà máy sản xuất phân đạm của PVN là Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau hằng năm đã sản xuất gần 2 triệu tấn phân đạm, góp phần vào việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia là cung cấp phân bón cho nông dân với giá thành rẻ hơn nhập khẩu và hoàn toàn chủ động được nguồn phân đạm. Hoặc như sản lượng dầu, khí mà PVN khai thác được đã đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Để làm tốt hơn nữa việc gắn liền sản xuất kinh doanh với bảo đảm quốc phòng, an ninh, lãnh đạo PVN nhận thấy cần phải làm tốt những nhiệm vụ có tính chiến lược sau đây:

Thứ nhất: Phải làm cho mỗi người lao động của PVN hiểu được sâu sắc về vai trò của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực và giữ gìn chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông. Bên cạnh việc chăm lo đảm bảo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động thì phải tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng để mỗi người lao động trên các giàn khoan, trên các công trình trọng điểm ý thức được trách nhiệm của mình.

Thứ hai: Với các công trình trên biển, cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các Bộ, ngành chức năng và nhân dân để vừa đảm bảo an toàn tài sản quốc gia, vừa giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Quán triệt sâu sắc Nghị quyết lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời cụ thể hóa những yêu cầu đối với ngành Dầu khí của Nghị quyết.

Chế biến dầu khí là một trong 5 lĩnh vực sản xuất cốt lõi của PVN.

Thứ ba: Với các công trình trên đất liền mà có khả năng dễ gây ra các nguy cơ mất an toàn thì phải tăng cường công tác kiểm tra, bảo dưỡng để đảm bảo độ an toàn của các thiết bị; tổ chức tập huấn và tập luyện thường xuyên công tác phòng cháy chữa cháy và phối hợp với lực lượng công an, quân đội để nắm bắt tốt tình hình trật tự trị an ở khu vực, đặc biệt là tăng cường công tác bảo vệ nội bộ, kiên quyết không để những người có lý lịch, phẩm chất không tin cậy vào các vị trí quan trọng.

Thứ tư: Cùng với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao xác định rõ ràng các khu vực trên Biển Đông và từ đó có kế hoạch cụ thể trong việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác. Đây là việc đặc biệt quan trọng. Để làm tốt việc này, một mình PVN không thể làm được mà cần sự chỉ đạo chặt chẽ từ các cấp cao nhất tới các Bộ, ngành chức năng.

Một thực tế chúng ta thấy là tình hình Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động tìm kiếm thăm dò khai thác của PVN trên biển. Nếu như không mở rộng khu vực tìm kiếm ra vùng nước sâu xa bờ thì trong khoảng 10 năm tới, PVN sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm gia tăng trữ lượng, bởi chúng ta đang phải đối mặt với một thực tế, đó là các mỏ dầu trong vùng thềm lục địa của ta đang cạn kiệt dần do khai thác đã quá lâu.

Đối với PVN, gắn sản xuất kinh doanh với đảm bảo quốc phòng và giữ gìn an ninh được coi là yếu tố sống còn. Và, chỉ tham gia với ý thức trách nhiệm cao nhất đảm bảo an quốc phòng, an ninh chủ quyền biển đảo thì PVN mới có thể hoàn thành được các kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Trong nhiều năm qua, PVN đã hoàn thành xuất sắc 2 nhiệm vụ này. Nhưng nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới thì tình hình quốc phòng và an ninh đã có những thay đổi... Chính vì thế, đòi hỏi mỗi cán bộ, công nhân viên của PVN vẫn phải là những người lính trên lĩnh vực bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Nguyễn Như Phong
.
.