Gây tai nạn thảm khốc do tài xế ngủ gật?
- Thông tin mới nhất về vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại Tây Ninh
- Tài xế ngủ gật, xe đầu kéo "nằm lọt" dưới mương nước sâu
- Tài xế ngủ gật, xe tải “ủi” vòng xoay tượng đài chiến thắng
Nguyên nhân ban đầu được cơ quan chức năng nhận định là do tài xế buồn ngủ dẫn đến mất lái, chạy xe lấn làn, gây tai nạn thảm khốc…
Trưa 2-10-2017, Công an huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, đã có báo cáo sơ bộ về vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng giữa hai xe khách trên tuyến đường ĐT 784.
Hiện trường vụ tai nạn. |
Theo đó, khoảng 4h sáng cùng ngày, xe khách loại 16 chỗ biển số 67B-004.57 do tài xế Nguyễn Văn Hồ (28 tuổi, quê tỉnh An Giang) điều khiển chạy trên đường ĐT 784 theo hướng từ TP. Hồ Chí Minh đi Tây Ninh. Khi còn cách ngã ba Đất Sét khoảng 100m (thuộc ấp Thuận Hòa, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu) thì tông trực diện vào xe khách loại 35 chỗ biển số 70B-015.23 do tài xế Lê Xuân Vinh (44 tuổi, quê Đồng Tháp) điều khiển chở theo 5 hành khách đang chạy theo hướng ngược lại.
Cú tông mạnh khiến phần đầu xe khách 35 chỗ bể nát, đặc biệt là xe ô tô 16 chỗ bị biến dạng hoàn toàn, nhiều người trên xe này văng xuống đường. Tài xế Nguyễn Văn Hồ cùng 5 người trên xe tử vong tại chỗ, 10 nạn nhân khác bị thương được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi. Theo tìm hiểu thì tất cả nạn nhân đều ngụ tại thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Về nguyên nhân ban đầu xảy ra vụ tai nạn, Công an huyện Dương Minh Châu xác định do chiếc xe khách 16 chỗ chạy lấn qua làn đường ngược chiều.
Chiều 2-10, ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Tây Ninh, cho biết nhiều khả năng tài xế xe khách 16 chỗ đã quá buồn ngủ nên không làm chủ được tay lái, chạy lấn làn.
Ông Tài cho biết, một nữ hành khách ngồi kế tài xế xe khách 16 chỗ may mắn thoát chết thì được người này kể lại, trước khi xảy ra tai nạn khoảng 10 phút, cô này có nghe tài xế nói là buồn ngủ. Vì thế, cô đề nghị tài xế dừng xe nghỉ ngơi một lát nhưng tài xế vẫn cố chạy. Sau đó, xe đã chạy lấn làn rồi dẫn tới tai nạn. Hình ảnh ở hiện trường cũng thể hiện như vậy".
Một số nạn nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa Tây Ninh. |
Về tốc độ cụ thể của các xe khách trong vụ tai nạn, ông Tài cho hay, Sở GTVT tỉnh Tây Ninh đã thu thập được các số liệu liên quan tới tốc độ di chuyển của hai xe khách trong vụ tai nạn này.
Theo đó, tại thời điểm gây tai nạn là 3h58’ sáng 2-10, xe ô tô khách 16 chỗ đang chạy với tốc độ 61km/h. Vị trí xảy ra tai nạn chỉ còn cách núi Bà Đen hơn 20km và điều đáng nói là đoạn đường này cho phép xe khách chạy tối đa 80km/h. Trong khi đó, xe khách 35 chỗ chạy theo hướng ngược lại thì không có số liệu về tốc độ hành trình từ sau 3h30’.
Hiện nguyên nhân chính xác dẫn đến vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Kể lại thời điểm xảy ra vụ tai nạn, bà Nguyễn Thị Út (40 tuổi), chủ quán cà phê sát hiện trường, cho biết: "Tôi đang ngủ thì bất ngờ nghe tiếng động lớn, gần như làm rung rinh nhà tôi… Chạy ra ngoài đường tôi thấy hai chiếc xe khách đâm nhau, trong đó xe khách nhỏ nát bét hoàn toàn, còn xe khách lớn biến dạng phần đầu; cảnh tượng lúc đó rất kinh khủng, tang thương, nhiều người nằm la liệt khóc la…".
Anh Thọ (ngụ ấp Thuận Hòa, xã Truông Mít) kể lại: "Khi thấy mọi người hô hoán có vụ tai nạn giao thông, tôi chạy ra thì thấy hai chiếc xe khách biến dạng. Lúc này, nhìn cảnh tượng quá khủng khiếp.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, chúng tôi ghi nhận cảnh tượng hốt hoảng của gia đình nạn nhân vụ tai nạn. Nhiều người bật khóc kêu gọi tên con em mình. Số khác hoang mang chạy tìm người thân. Các bác sĩ cho biết, trong 8 nạn nhân đang được cấp cứu thì hiện có 7 người đã qua cơn nguy kịch, còn một nạn nhân nữ bị thương tích nặng vẫn đang được tích cực điều trị.
Bà Trần Thị Thúy (45 tuổi, quê An Giang) là người đi xe khách 16 chỗ, nghẹn ngào: "Tối 1-10, gia đình và người thân chúng tôi hơn 30 người thuê hai xe ô tô đi Tây Ninh. ngoài chùa Bà ở núi Bà Đen, đoàn cũng dự định đến tham quan Tòa Thánh Tây Ninh… Tôi đi xe khách 16 chỗ cùng 14 người, tính cả tài xế là 16 người. Số còn lại đi trên một xe khách khác".
Chính bà Thúy là người ngồi kế tài xế và nghe được anh này nói đang buồn ngủ. "Dù tôi bảo tài xế hãy dừng xe nghỉ ngơi rồi đi tiếp nhưng anh ta nói là gần đến nơi rồi nên cứ đi tiếp. Và khi xe đi được một lát nữa thì tai nạn xảy ra. Lúc đó, chân tôi bị kẹt trong ghế ngồi. Nhìn ra xung quanh, mọi người bê bết máu, nằm kêu cứu…".
Một nạn nhân khác là anh Phan Thành Đúng (24 tuổi, quê An Giang) thì cho biết mình không nhớ gì vì lúc tai nạn xảy ra anh đang ngủ say. Khi mở mắt anh nghe toàn thân đau ê ẩm và đã thấy xe tan nát với cảnh tượng kinh hoàng… "Lúc đó, người em họ của tôi là Nguyễn Văn Thương (13 tuổi) bị chấn thương ở đầu, kêu khóc nên tôi vội bắt taxi đưa nó và mấy người nữa đi cấp cứu".
Nạn nhân nữ bị thương tích nặng đang được các bác sĩ tích cực điều trị kể trên có hoàn cảnh càng thảm thương hơn. Nạn nhân này là mẹ ruột của anh Nguyễn Văn Lợi. Lúc chúng tôi có mặt ở bệnh viện, anh Lợi đang vội vã lo các thủ tục để chuyển mẹ của mình lên Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.
Khi hay tin cha mẹ gặp nạn anh Lợi đã tức tốc chạy từ Đồng Nai đến hiện trường và đau xót khi biết cha mình đã tử vong tại chỗ, mẹ anh bị chấn thương sọ não. Lâu nay, cha mẹ anh cũng lớn tuổi nên chỉ buôn bán nhỏ và làm thêm vài công ruộng ở quê An Giang để có đồng ra đồng vào.
"Cùng lúc cha mẹ tôi bị tai họa này, tôi không biết xoay xở ra sao nữa. Bây giờ gia đình chưa có tiền, chỉ mượn đỡ được mấy triệu, đủ để chuyển mẹ về Bệnh viện Chợ Rẫy, còn tiền chữa trị thì chưa biết tính sao. Tình trạng của mẹ tôi nặng lắm, giờ chỉ thở thôi, không mở mắt được", anh Lợi đau buồn chia sẻ.
Ngoài 8 nạn nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, thì có hai nạn nhân là mẹ con điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, trong đó cháu bé Nguyễn Thị Kim Yến (6 tuổi) bị chấn thương sọ não, xuất huyết liềm đại não nhưng qua hội chẩn bác sĩ chưa chỉ định phẫu thuật. Do Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi đang hết máy thở nên cháu Yến đã được chuyển về Bệnh viện Nhi Đồng 2 để tiếp tục theo dõi và điều trị.