Ghi chép đầu xuân: Chuyện hoa, chuyện đường

Thứ Năm, 26/02/2015, 11:30
Ngày vui qua mau, bao giờ cũng thế. Tết mấy ngày, phố trống trải hơn, người vắng bóng trên đường. Không chỉ ở TP HCM, mà ngay cả thủ đô Hà Nội cũng lẻ người. Tôi nhìn thấy điều này từ hình ảnh mà bạn bè cập nhật trên facebook.
Trong khoảng chừng ngắn ngủi của sự tĩnh lặng hiếm hoi ấy ở phố, tôi nghĩ vài điều vụn vặt.

1. Tôi có bạn đọc ở Thụy Điển, từ sơ giao mà thành thân hữu. Hôm mùng 2 Tết, anh nhắn tin cho tôi qua facebook, bảo anh muốn tìm địa chỉ của hai người phụ nữ lạ ý chừng anh muốn biết để giúp đỡ họ một chuyện gì đấy. Nhắn xong, ảnh gửi hình cho tôi. Đó là bức ảnh chụp lại cảnh hai người phụ nữ đang ngồi khóc, dưới chú thích ảnh là dòng chữ "Nhưng sau đó tất cả lại phải thất vọng với công sức và tiền bạc mà họ đã bỏ ra cho một vụ mùa thất bát, những giọt nước mắt lăn dài".

Đó chính là bức ảnh được cộng đồng facebook chia sẻ với nhau rất nhiều vào dịp Tết Ất Mùi này. Bức ảnh như là sự tiêu biểu cho nỗi thất vọng, buồn bã của những người bán hoa Tết. Họ, đa phần là dân miền Tây, cả năm cặm cụi chăm hoa để chở bán vào dịp Tết. Lâu trước, tôi có viết phóng sự nhan đề "Mùa hoa trôi về phố" in trên Chuyên đề ANTG.

Lục lại tư liệu cũ, tôi nhớ cuộc trò chuyện giữa tôi và chị Võ Thị Út bên bờ kênh trên đường Trần Xuân Soạn, quận 7 hôm ấy. Cuộc trò chuyện đủ để hình dung về hoàn cảnh của những người bán hoa Tết theo thời vụ tại TP HCM.

"Chị Út ở xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Chị nhẩm tính với tôi về quãng đường đi từ nhà chị lên đến Sài Gòn bằng cách rất ngộ: 4 giờ chiều cả nhà chị khuân cây kiểng lên ghe máy, theo sông Tiền vượt qua Vàm Kỳ Hôn, qua tiếp kênh Nước Mặn là đến phố. Cũng chẳng biết là bao xa, thấy ánh đèn nhập nhoạng ở Sài Gòn là đồng hồ chỉ đúng 4 giờ sáng. Ba chị em gái nhà chị Út mang hoa kiểng về phố đã được 4 năm nay, quầy kiểng của chị đủ loại, từ phát tài, cho đến gốc sung, tắc, mai vàng, mai chiếu thủy cho đến mào gà... Cây rẻ nhất giá 50 nghìn, cây đắt nhất giá chừng 6 đến 7 triệu. "Chừng ấy năm bán hoa dịp Tết là chừng ấy năm mình không đón giao thừa ở nhà cùng chồng con", chị nói. Gió ven kênh thổi vào mặt mát rượi mang theo cả cái mùi ngai ngái. Cứ đúng 5 giờ chiều ngày 30 tháng Chạp, chị thu xếp những cây kiểng không người mua chất xuống ghe về lại Bến Tre. Về đến nhà là rạng sáng. Tranh thủ hơn 10 tiếng tròng trành trên ghe, chị sẽ ngủ nhiều để về đến nhà là bắt tay vào chuyện đón Tết. Tôi hỏi chị, vào dịp thế này chị bán được khá không? Chị trả lời, cứ tính từ 15 đến 30 tháng Chạp năm ngoái thì tổng thu nhập được 30 triệu, nhưng trừ đi đủ thứ tiền. Tiền mướn ghe từ Bến Tre lên đến thành phố, chủ ghe chờ dưới bến 15 ngày để đợi đón chị về là 7 triệu. Mỗi ngày đưa cho chủ ghe thêm 100 nghìn để lo cơm nước, rồi tiền thuê mặt bằng 1,5 triệu/m ngang để bày bán hoa kiểng, nhiều khoản tiền lặt vặt khác... Công tới cộng lui, trừ xuôi trừ ngược thì cũng chẳng còn lại là bao".

Người bán hoa đập bỏ những chậu hoa ế trước con mắt ngạc nhiên của du khách tại Công viên 23-9.

Mùa nào bán hoa đắt, nhà chị có một cái Tết tươm tất, mùa nào bán hoa ế thì như là giả bộ quên cơn ế ẩm để mà cố vui Tết.

Năm nay, người bán hoa khóc ròng. Họ khóc từ TP HCM, khóc cho đến miền nửa tỉnh nửa quê. Khóc thật, vừa khóc vừa đập bỏ những chậu hoa mà trước Tết mang theo bao nhiêu niềm hy vọng của họ. Vừa khóc, họ vừa oán thán cho nỗi không may của chính mình.

Đêm 30 tháng Chạp, tôi về quê ở vùng Ngã ba Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai). Dạo một vòng lên chợ thấy hoa được bán với giá như cho mà còn ế chỏng chơ, cúc vàng rất đẹp chỉ 10 nghìn/ chậu. Những chậu cúc đại, được đặt trong chậu đất lớn được kêu giá đến 1,4 triệu/cặp vào hôm 27 tháng Chạp, rồi 900.000/ cặp vào ngày 29 tháng Chạp, 300.000/ cặp trưa 30 tháng Chạp… Đến tối 30, thì người bán không còn đủ sức để ra giá nữa, ai trả sao thì họ bán vậy.

Mà đâu chỉ có hoa ế, dưa hấu cũng ế. Ế từ dưa hấu to cho đến dưa hấu nhỏ. Giá bán xuống rất đều từ 12.000 đồng/ nửa kg còn 5.000/1kg, rồi 3.000 đồng/1kg mà vẫn ế vô cùng.

Tôi có anh bạn, nghe người ta đồn khu vực miền Trung từ Đà Nẵng đến Huế rất hay mua chuối về cúng Tết. Giá chuối ngoài đấy cao ngất. Thu vén được độ 10 triệu, anh bạn tôi cùng một người nữa gom chuối từ Đồng Nai mướn xe tải chở ra Huế để bán. Ì ạch mấy ngày đường ra miền Trung, đứng đội nắng giữa chợ rao chuối đến khan cả giọng, rồi ngủ luôn đêm bên đống chuối để canh hàng. Cuối cùng, xe về đến nhà thì đã hòm hòm Tết, chuyến đi buôn theo tin đồn ấy chẳng thu lãi được đồng nào, ngược lại còn lỗ gần sạch vốn.

Xin mạn phép nói điều này, thật tình bấy lâu nay người buôn bán hàng Tết từ hoa cho đến trái cây bao giờ cũng mang nặng tư duy, "Tết được mấy ngày, tranh thủ bán giá cao được hồi nào thì bán". Phải bán giá cao để càng đến ngày cận Tết càng dễ giảm giá, có giảm giá thì vẫn đảm bảo được số lãi như mong muốn. Từ tư duy này của người bán, người mua có cảm giác họ như bị lừa, như bị thành con mồi của những tư thương… Vậy là không ít thì nhiều nảy sinh tâm lý đối chọi nhau, kiểu "không mua nữa cho mày chết".

Nước mắt người bán hoa Tết. Ảnh: Sài Gòn Time.

Lại thêm, nhìn cảnh đường phố vắng vẻ của hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP HCM là đủ biết người ở lại nơi này có nhiều đâu mà hoa, quả cứ đến hẹn lại lên, đến mùa lại đổ về thành phố. Cung vượt cầu ắt trở thành nỗi buồn của người bán.

Cuối cùng, Tết ngày một phai dần hương xưa. Chuyện mua sắm, trang trí nhà cửa chỉ còn là chuyện cực chẳng đã, chuyện qua quýt cho xong chứ không còn được chú trọng như nhiều năm về trước. Tôi có nhiều người quen, đi du lịch trong và cả ngoài nước từ hôm 29 tháng Chạp, họ chỉ trở về nhà khi đã qua mùng 3 Tết. Nghĩa là không sửa soạn, không mua sắm…

Chuyện không vui cũng xảy ra rồi, chỉ mong cái Tết năm sau sẽ không còn những nỗi buồn lưu lạc phố phường như vậy nữa.

2. Được khởi công từ năm 2009 với số vốn 20.630 tỉ đồng, dự án xây dựng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km đi qua địa phận TP HCM và tỉnh Đồng Nai và được chia thành 2 đoạn. Đoạn đầu từ nút giao An Phú đến Long Thành - Đồng Nai - dài 23,9 km đi qua quận 2, quận 9 (TP HCM); huyện Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai). Đoạn còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây dài 31,1 km đi qua huyện Long Thành; Cẩm Mỹ và Thống Nhất thuộc tỉnh Đồng Nai. Dự án là một bộ phận của hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam, nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Để thực hiện công trình này hơn 437 ha mặt bằng đã được giải phóng và thực hiện đền bù, 1.990 hộ dân bị ảnh hưởng, đồng thời phải di dời nhiều công trình công cộng. Dự án phải thi công nhiều hạng mục trên nền địa chất, thủy văn phức tạp với khối lượng lớn gồm 32 cầu (với chiều dài 17,5 km). Đặc biệt cầu Long Thành vượt sông Đồng Nai dài 2,35 km có kết cấu dầm hộp đúc hẫng cân bằng, tĩnh không thông thuyền cao 30,5m thuộc loại lớn nhất tại Việt Nam.

Đây là tuyến đường cao tốc được Hội đồng Nghiệm thu quốc gia đánh giá là tuyến cao tốc có chất lượng tốt nhất từ trước đến nay.

Người dân sinh sống tại TP HCM muốn tham gia lưu thông đến Ngã ba Dầu Giây, rồi từ đây rẽ đi Đà Lạt hay Phan Thiết, Nha Trang thì vô cùng tiện lợi. Để tránh bị thu phí tại cầu Phú Mỹ, quận 7 (cũng như đoạn đường dẫn rất xấu từ cầu Phú Mỹ cho đến đường cao tốc) người tham gia lưu thông có thể chọn tuyến đường từ Đại lộ Võ Văn Kiệt rẽ vào đường Đồng Văn Cống là đã vào đường dẫn lên cao tốc, đường rất đẹp và tiện.

Phải thừa nhận là chất lượng tuyến đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây cực tốt, xe tham gia lưu thông có thể chạy với vận tốc cho phép tối đa là 120km/giờ mỗi khi qua mố cầu vẫn không cần giảm tốc mà xe không bị khựng hay chấn động mạnh.

Thế nhưng, khi lưu thông trên tuyến đường này vẫn thấy rất vắng xe. Đặc biệt là đoạn từ ngã rẽ hướng ra Quốc lộ 51 đi Vũng Tàu cho đến Ngã ba Dầu Giây, tức đoạn cuối của đường cao tốc.

Với hai mức phí, từ đầu tuyến đường cao tốc hướng đi từ TP HCM đến ngã rẽ ra Long Thành, Quốc lộ 51 đi Vũng Tàu là 40 nghìn đồng cho xe dưới 12 chỗ ngồi và 160 nghìn đồng cho xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên (xe container 40 feet). Và từ 60 nghìn đồng cho xe dưới 12 chỗ ngồi lên đến 240 nghìn cho xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên (xe container 40 feet).

Như vậy, để lưu thông toàn tuyến đường cao tốc dài 55km này, xe ôtô dưới 12 chỗ phải chịu mức phí 100 nghìn đồng/ lượt và xe tải từ 18 tấn trở lên (xe container 40 feet) phải chịu đến 400 nghìn đồng/lượt. Tính ra, mỗi kilômét lưu thông trên đường cao tốc, các phương tiện tham gia lưu thông phải đóng phí từ gần 2.000 cho đến gần 8.000 tùy theo phương tiện.

Chính vì điều này, mà đoạn thu phí thứ hai từ Quốc lộ 51 đến Ngã ba Dầu Giây, đoạn đường có mức thu phí cao gấp rưỡi đoạn đường từ TP HCM đến Quốc lộ 51 xe rất vắng. Có khi toàn tuyến đường đẹp vậy, rộng thênh thang vậy, chạy một lúc lâu mới thấy có xe đang cùng tham gia lưu thông. Gần như xe có tải trọng lớn đều chọn Quốc lộ 1 để lưu thông về hướng TP.HCM và ngược lại. Nhiều lần đi trên tuyến đường này, tôi hoàn toàn không thấy bóng dáng của xe container.

Anh Lương Bằng, chủ một doanh nghiệp xe dịch vụ tính rằng: "Mình đi từ Ngã ba Dầu Giây cho đến TP HCM theo đường cao tốc thì đúng là lợi thiệt, chỉ khoảng chưa đến 1 tiếng đồng hồ đã đến Đại lộ Võ Văn Kiệt, nhưng mức phí thì cao quá. Vậy là, mình cho tài xế chạy theo tuyến đường liên huyện hay gọi là lộ 25 ra đến Long Thành, từ Long Thành theo Quốc lộ 51 vào cao tốc. Như vậy chỉ mất có 40 nghìn tiền phí. Mà tuyến đường lộ 25 đường cũng đẹp và ít xe lưu thông".

Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây có mức thu phí rất cao. Ảnh: Zing.vn

Cách đây 3 năm, khi tuyến đường cao tốc TP HCM - Trung Lương (là đường cao tốc nối TP HCM với Tiền Giang nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung) đi vào khai thác, Bộ Giao thông Vận tải đã tự tin tăng mức phí rất cao. Nhất là mức phí dành cho xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe container. Sau một thời gian hiệu quả khai thác tuyến đường không như mong đợi trong khi lượng xe quá tải nặng vẫn lưu thông dày đặc trên Quốc lộ 1, các địa phương đã nêu ý kiến gửi Bộ Tài chính yêu cầu buộc phải điều chỉnh giảm mức thu phí xuống.

Sau khi cân  nhắc, Bộ Tài chính đã đồng ý giảm mức phí trên tuyến đường này, mức giảm khá lớn từ 25 đến 30%.  Thậm chí trước khi Bộ Tài chính đồng ý giảm mức phí, một thứ trưởng của Bộ GTVT còn tính chuyện xin ý kiến Chính phủ để đặt trạm thu phí tại Quốc lộ 1, đoạn lưu thông song song với tuyến đường cao tốc TP HCM - Trung Lương nhằm có thể thu hồi vốn đầu tư cho tuyến đường cao tốc này để có thể khởi động những dự án hạ tầng khác. Tóm lại thì cũng chỉ là một cách để ép xe phải lưu thông vào đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.

Rõ ràng, với những gì mà chúng tôi đã quan sát trên tuyến đường cao tốc đẹp và hiện đại bậc nhất đất nước là TP HCM - Long Thành - Dầu Giây thì mức phí dành cho phương tiện tham gia lưu thông nhất thiết phải được tính lại.

Quá khó để hy vọng một tuyến đường đẹp như vậy sẽ góp phần giảm tải cho Quốc lộ 1A và tạo điều kiện để thúc đẩy hàng hóa lưu thông trên bộ nếu cứ giữ mức phí cao như hiện tại. Chắc chắn, không một chủ xe tải hạng nặng hay container nào chấp nhận mức phí cả đi lẫn về là 800 nghìn đồng để lưu thông trên đường cao tốc, nhất là khi giá nhiên liệu đang trên đà giảm mạnh như hiện nay.

Ngô Kinh Luân
.
.