Ghi được một lần qua ba nước Nam Âu: Nghẹn ngào nghe hai tiếng Việt Nam

Thứ Tư, 01/11/2017, 10:58
Những ngày đầu tháng 10, tôi cùng mấy nhà báo tham gia đoàn công tác cơ quan Điện lực phía Bắc tới ba nước Nam Âu là Hi Lạp, Bulgaria và Rumani tìm hiểu một chuyên đề về ngành điện và truyền thông.

Các vị Đại sứ Trần Thị Hà Phương, Nguyễn Thị Hồng Oanh và Trần Thành Công cùng đại diện Thương vụ ở đây nhiệt tình chắp nối cho những cuộc gặp và làm việc với một số công ty về điện và cơ quan báo chí, đồng thời cung cấp nhiều thông tin về kinh tế xã hội ba nước. Người dân ba nước Hi Lạp, Bulgaria và Rumani rất chân tình và luôn có nhiều thiện cảm với Việt Nam.

Đây là lần đầu tôi đặt chân đến các quốc gia Nam Âu này nên có rất nhiều điều ghi nhận được. Tuy nhiên, trong bài viết này tôi xin được kể mấy mẩu chuyện lượm lặt một cách ngẫu nhiên, mà ở đó hai tiếng Việt Nam được nhắc tới với sự xúc động đến nghẹn lòng.

Khu khảo cổ Acropolis - nơi xây dựng những đền đài tôn vinh các vị thần linh tại thủ đô Athens, Hi Lạp.

Bác tài xế taxi ở Athens và người bán hàng ở đảo Santorini

Santorini, hòn đảo xinh đẹp nằm ở phía nam Hi Lạp với khoảng 40 phút bay từ Athens. Sau khi kết thúc công việc trong ngày theo lịch trình, chúng tôi đến Oia, một ngôi làng xinh đẹp ở cực nam của đảo để “ngắm hoàng hôn” như lời quảng cáo của các tour du lịch. Oia, với những căn nhà nhỏ xinh nằm trên ngọn đồi hướng ra biển, nơi núi lửa phun trào nhiều năm trước.

Từ nơi dừng xe, khách tham quan đi lên quảng trường trước nhà thờ Cơ Đốc giáo với 9 tháp chuông để từ đây tỏa đi các ngõ ngách trong làng chụp ảnh và tìm cho mình một vị trí thích hợp để chiêm ngưỡng hoàng hôn. Trên đường đi qua những con ngõ nhỏ, chúng tôi bắt gặp rất nhiều cửa hiệu, sạp hàng lưu niệm được bày bán một cách trật tự.

Thỉnh thoảng tôi dừng lại ở cửa hiệu với những sản phẩm mang đặc nét riêng Hi Lạp, ngắm nghía. Những người bán hàng vui vẻ hỏi chúng tôi người nước nào. “Việt Nam”, chúng tôi đáp. Ngay lập tức nghe được câu trả lời bằng tiếng Việt: “Việt Nam. Xin chào Việt Nam”, “Việt Nam. Việt Nam tuyệt vời”...

Đại sứ Việt Nam tại Rumani - ông Trần Thành Công - với thành viên trong đoàn.

Dẫu biết rằng đó là một vài câu thông thường của người bán hàng nơi mảnh đất du lịch nổi tiếng như ở Santorini, nhưng trong sự náo nhiệt ở một nơi xa hàng vạn dặm, được nghe vài lời bằng tiếng Việt, bỗng thấy trong lòng nao nao.

Mấy ngày ở Athens, sau buổi làm việc với công ty năng lượng Gildemeister Energy và tòa soạn Báo Avgi, một tờ báo của chính phủ, ở cách xa khách sạn chừng 15km, chúng tôi ghé ăn tối ở một nhà hàng Hi Lạp gần đó. Theo quy định của Hi Lạp, lái xe chở khách không được hoạt động quá 10 giờ một ngày. Mọi hoạt động của xe đều được ghi lại trong hộp đen, vì vậy, người lái xe không thể chờ đưa đoàn quay về khách sạn.

Kết thúc bữa ăn, chúng tôi gọi taxi về nơi nghỉ. Sau khi nạp địa chỉ theo hành trình dẫn đường, bác tài cho xe rẽ vào đường chính với 3 làn đường một chiều, cho phép chạy tốc độ cao nhất tới 100km/giờ. Đi một đoạn, anh quay sang hỏi chúng tôi bằng tiếng Anh, có phải người Trung Quốc không? “No. Việt Nam”. Anh bạn trong đoàn ngồi ghế phía trên với tiếng Anh khá tốt trả lời.

Đoàn công tác tại một góc đảo Santorini.

Ngay lập tức, bác tài với giọng hồ hởi và phấn khích, vừa nói anh vừa vỗ hai tay trên cao “Việt Nam. Win American”. Và anh đưa hai tay làm động tác của người đang bắn súng, miệng hô “Pằng, pằng”. Bốn chúng tôi đi trên xe phải cười ồ. Anh bạn ngồi trên nói cho bác tài biết, đấy là trước kia, Việt Nam bây giờ còn nhiều điều tốt nữa chắc bạn chưa hiểu hết đấy. Bác tài ồ một tiếng rồi đáp “good, good”.

Câu chuyện của chúng tôi trên xe rôm rả hơn quanh lời nói và cử chỉ của bác tài. Anh ước chừng hơn 40 tuổi. Tức là anh sinh ra khi Việt Nam kết thúc chiến tranh năm 1975, hoặc trước đó một ít. Vậy mà chiến thắng của Việt Nam với cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, rất nhiều thế hệ người Hi Lạp kể cả người trẻ hơn như anh cũng biết đến. Thật xúc động.

Người phiên dịch ở Bulgaria

Bulgaria, đất nước mà người Việt Nam từng biết đến, đó là xứ sở của hoa hồng. Nhưng trong chuyến công tác tôi còn được biết thêm, dù dân số chưa đến 10 triệu người, nhưng Bulgaria sản xuất sản lượng điện mỗi năm gấp nhiều lần so với Việt Nam. Điện ở đây được khuyến khích dùng không hạn chế, và những người sử dụng càng nhiều, giá điện càng rẻ hơn.

Câu chuyện tôi muốn nói ở đây không phải chuyên môn về ngành điện mà về người phiên dịch trong buổi làm việc của Cơ quan điện lực miền Bắc với đối tác của bạn, bà là Dimitrova. Với cái lưng hơi gù, có lẽ của người ở tuổi 76, nét mặt hiền hậu, bà phát âm tiếng Việt khá tốt. Trong buổi làm việc, nhiều lần tôi thấy bà dùng từ “đồng chí”.

Lần đầu nghe bà nói từ “đồng chí”, tôi hơi lấy làm lạ, bởi lẽ sau 1990, Bulgaria đã thay đổi chế độ không còn là nước xã hội chủ nghĩa nữa, và hiện là thành viên của khối EU. Nhưng qua câu chuyện với anh Nguyễn Thái Hòa, cán bộ Thương vụ Việt Nam tại đây mới hiểu, có lẽ từ “đồng chí” và cả tình cảm của đồng chí, anh em giữa Việt Nam - Bulgaria trong bà đã trở thành máu thịt.

Tác giả và Đại sứ Việt Nam tại Hi Lạp - bà Trần Thị Hà Phương.

Bà từng học tại Khoa tiếng Việt dành cho sinh viên nước ngoài tại Đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1959 đến 1963. Sau một số năm công tác ở Đại sứ quán Bulgaria tại Việt Nam, bà trở về Bulgaria. Hiện bà nghỉ hưu với cuộc sống khá đạm bạc bằng khoản lương hưu tương đương khoảng 5 triệu đồng Việt Nam.

Bà đang là Phó Chủ tịch, kiêm thư kí và là phiên dịch cho Hội Hữu nghị Việt Nam - Bulgaria. Bà thường nói rằng, Việt Nam là quê hương thứ hai của mình và đau đáu một điều muốn làm gì đó tốt đẹp cho quan hệ Việt Nam - Bulgaria.

Nhóm nhạc đường phố ở Thủ đô Bucharest

Thủ đô Bucharest của Rumani về đêm thật sầm uất. Khu trung tâm rộng lớn được xây theo phong cách kiến trúc Pháp cổ thu hút khá nhiều du khách. Buổi tối, sau khi kết thúc công việc, một anh bạn trẻ ở sứ quán rủ chúng tôi đến khu phố đi bộ rộng lớn, tọa lạc ở trung tâm thủ đô, gần trụ sở tòa nhà ngân hàng nhà nước. Đây là khu vực với nhiều con phố cắt nhau, và chủ yếu là dành cho những người trẻ tuổi.

Có khu vực bán đồ uống kèm theo các bình shisha, các khách đang nhả khói mù mịt. Nhưng chủ yếu có lẽ là đồ ăn nhẹ và giải trí. Sau khi đi một vòng quanh khu phố khá thấm mệt, lúc đó hơn 12 giờ đêm, tôi dừng chân ở một góc nhỏ, nơi có hai người đàn ông hát rong. Một ôm cây guitar và người kia với cây đàn violon. Tôi nhận ra họ đang chơi một bản nhạc của Beethoven mà tôi thích.

Cùng cán bộ thương vụ Việt Nam tại Bulgaria - ông Nguyễn Thái Hòa - trong khuôn viên trụ sở Đại sứ quán.

Thấy tôi chăm chú thưởng thức, người ôm đàn guitar dừng chơi, hỏi bằng tiếng Anh “Where are you from?”. “From Việt Nam”, tôi trả lời. Anh ta cười rất thân thiện và quay sang nói câu gì đó với anh bạn, rồi thốt ra một tiếng rất vui “Ok”. Lập tức anh kéo chiếc mic vào và vừa đàn vừa hát bằng tiếng Việt “Việt Nam. Hồ Chí Minh”, kết thúc bằng một lời đổi lại “Hồ Chí Minh. Việt Nam...”. Hai chữ Việt Nam ngân dài, cùng với âm ngân của tiếng đàn guitar. Tôi thật sự sững sờ và sung sướng đến chảy nước mắt, dù hai anh cũng chỉ hát được mấy lời như vậy.

Ba câu chuyện tôi viết ra đây dù không lớn, nhưng có lẽ cũng như tôi, bất cứ người con đất Việt nào khi đi xa Tổ quốc hàng ngàn dặm mà cái tên đất nước mình, dân tộc mình cũng như hình ảnh Bác Hồ kính yêu được nhắc đến dù trong hoàn cảnh nào cũng không khỏi xúc động và tự hào.

(Ba nước Nam Âu, tháng 10/2017)

Trường Minh
.
.